Áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án – Những vướng mắc, bất cập, cần khắc phục

Theo NGUYỄN THÁI NAM (Tòa án nhân dân huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) – Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, cho đến nay là hơn một năm được thi hành trong thực tiễn, nhưng số lượng hòa giải viên được bổ nhiệm, số lượng đơn khởi kiện, yêu cầu được chuyển sang thủ tục hòa giải, đối thoại chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số lượng các vụ việc giải quyết tại Tòa án.

Những lợi ích do Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đem lại đã thấy khá rõ như tiết kiệm chi phí, tiết kiệm công sức, thời gian của công dân, giúp bảo mật những thông tin cá nhân, những bên tham gia hòa giải, đối thoại sẽ có môi trường tự thỏa thuận, tự hòa giải, giúp phần nào giúp cho mối quan hệ của các bên bớt căng thẳng và đồng thời trên hết là kết quả hòa giải, đối thoại thành sẽ được Tòa án công nhận nếu các bên có yêu cầu, quyết định công nhận này có giá trị thi hành như các bản án, quyết định trong các vụ, việc dân sự được giải quyết theo thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cũng có những vướng mắc, bất cập, cần được khắc phục.

1. Thủ tục xử lý đơn khởi kiện

Theo khoản 3 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6 và 7 Điều 19 của Luật này thì Tòa án thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên theo quy định của Luật này.”

Luật không quy định về việc xử lý như thế nào trong trường hợp cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, yêu cầu vì sai, thiếu sót về về hình thức và nội dung đơn. Sau khi nhận đơn, Chánh án phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại, Thẩm phán được phân công thực hiện việc chỉ định Hòa giải viên, tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại, xác nhận vào biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại. Mặt khác, cũng không quy định Hòa giải viên phải yêu cầu người khởi kiện, người yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn.

Như vậy, sau khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, trường hợp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của BLTTDS (về hình thức và nội dung đơn khởi kiện) thì Tòa án không yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà phải thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện, người yêu cầu biết về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên.

Điều này ảnh hưởng đến việc nghiên cứu hồ sơ, xây dựng phương án, giải pháp hòa giải, đối thoại của Hòa giải viên, vì Hòa giải viên sẽ không thể biết được yêu cầu cụ thể của người khởi kiện, người yêu cầu.

Vì vậy, cần bổ sung thêm thủ tục xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trong Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

2. Về thủ tục cấp, tống đạt văn bản

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án không có bất cứ quy định hay hướng dẫn nào về thủ tục cấp, tống đạt các văn bản cho đương sự. Mặt khác, hòa giải, đối thoại được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính. Như vậy, không thể áp dụng những quy định tại Chương X “Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng” của BLTTDS để phục vụ cho việc tống đạt các văn bản trong quá trình hòa giải, đối thoại.

Đồng thời, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng không quy định về việc phân công Thư ký đối với các hoạt động của hòa giải, đối thoại, nên việc cấp, tống đạt các văn bản liên quan đến việc hòa giải, đối thoại có thuộc trách nhiệm của Thẩm phán được phân công phụ trách và Hòa giải viên được chỉ định hay không?

Như vậy, cần quy định cụ thể về thủ tục cấp tống đạt các văn bản trong Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

3. Về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên của người khởi kiện, người yêu cầu

Theo quy định tại khoản 4, 5, 6 và 8 Điều 16 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đều quy định trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu không có ý kiến trả lời về việc có đồng ý hay không lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên; người bị kiện không có ý kiến về việc đồng ý hoặc không đồng ý tiến hành hòa giải, đối thoại, thì Tòa án vẫn phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải đối thoại, chỉ định Hòa giải viên và chuyển vụ việc sang thủ tục hòa giải đối thoại, chứ không đương nhiên được chuyển đơn sang giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Khoản 1 Điều 41 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định: “Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này…”

Khoản 2 Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định về việc hòa giải, đối thoại chấm dứt khi thuộc trường hợp một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại

Nếu muốn chuyển đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính trong trường hợp đương sự không có bất cứ ý kiến gì thì cần trải qua hết các thủ tục giống như một vụ việc hòa giải, đối thoại khi đương sự có ý kiến đồng ý hòa giải, đối thoại. Việc này trên thực tế cũng làm tốn thời gian cho Thẩm phán được phân công phụ trách và Hòa giải viên được chỉ định, tốn kém về kinh phí để chi trả cho hoạt động hòa giải, đối thoại.

 Vì vậy, cần thay đổi quy định đối với trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu sau khi được thông báo lần thứ hai về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên, nhưng vẫn không có ý kiến trả lời, thì đương nhiên chuyển đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính.

4. Quy định về cơ chế thúc đẩy việc tăng số lượng đơn chuyển thủ tục hòa giải, đối thoại

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên để những lợi ích của cơ chế hòa giải, đối thoại cho người dân được hiểu rõ thì hầu hết sẽ do cán bộ được phân công phụ trách việc nhận đơn phổ biến cho người dân. Việc phổ biến sẽ mang tính chủ quan, phụ thuộc vào quan điểm, cách nhìn nhận của người phổ biến, bên cạnh đó còn phần nào có sự ảnh hưởng từ sự tư vấn của Luật sư, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Hầu hết những vụ, việc chuyển sang thủ tục hòa giải đối thoại phần lớn là những việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, tranh chấp ly hôn, nuôi con và một số ít là các tranh chấp dân sự đơn giản như tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Như vậy, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để giúp người dân biết về lợi ích của hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong tương quan so sánh với tố tụng, góp phần hơn nữa đưa Luật hòa giải đối thoại tại Tòa án thực sự trở thành phương thức giải quyết vụ, việc nhanh chóng, hiệu quả nhất, đồng thời góp phần giúp cho việc giải quyết các tranh chấp bằng thủ tục tố tụng được giảm bớt, hạn chế áp lực, tiết kiệm thời gian cho người tiến hành tố tụng.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn về việc quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án có được tính vào số liệu các vụ, việc đã giải quyết cho riêng từng Thẩm phán nói riêng và cho các Tòa án nói chung hay không.

Trên đây là một số vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý từ phía bạn đọc.

Người dân đến làm việc tại Tòa án nhân dân huyện Ia Pa. Ảnh: R’Ô HOK

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/ap-dung-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-nhung-vuong-mac-bat-cap-can-khac-phuc6489.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN