Bị sao chép hình ảnh, thông tin cá nhân trên mạng xã hội

CÂU HỎI

Bạn tôi bị người khác lấy hình ảnh, thông tin cá nhân và bài đăng trên Facebook để sao chép và bịa đặt sai sự thật làm ảnh hưởng đến hình ảnh và danh dự của bạn tôi. Bài viết của người sao chép thu hút được rất nhiều người xem, lượt bình luận và chia sẻ với các ngôn từ bình luận tiêu cực làm ảnh hưởng đến tinh thần cũng như cuộc sống của bạn tôi. Bạn tôi có thể tố cáo người đó về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác để cơ quan chức năng xử lý được không và thủ tục như thế nào?

Người hỏi: P.T. Thanh (24/02/2023 – 08:45 AM)


TRẢ LỜI

Theo thông tin mà bạn cung cấp thì bạn của bạn (tạm gọi là A) bị người khác (tạm gọi là B) có hành vi sao chép và bịa đặt về hình ảnh, thông tin cá nhân và bài đăng trên Facebook, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của A. Hành vi của B có dấu hiệu vi phạm pháp luật. A có thể tố cáo hoặc tố giác hành vi của B với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật.

Theo Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định:

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bao gồm:

“a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.”

Như vậy, A có thể tố giác hành vi của B với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức khác để được xử lý. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi, B có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị khởi tố về Tội vu khống theo Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm này.

Người trả lời: Lê Hữu Sơn (23/02/2023 – 01:45 PM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN