Doanh nghiệp hoang mang với “núi” quy định mới về bảo vệ môi trường

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường đang được Bộ Tài Nguyên Môi trường lấy ý kiến đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp…

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 vẫn còn nhiều tranh cãi...

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 vẫn còn nhiều tranh cãi…

Covid-19 khiến các doanh nghiệp đang kiệt quệ, chưa kịp vực dậy thì lại thêm nỗi lo vì quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường 2020 mà Bộ Tài Nguyên Môi trường đang lấy ý kiến.

Rất ủng hộ việc bảo vệ môi trường, song các doanh nghiệp phản ánh rằng Dự thảo mới chỉ đặt nặng vấn đề cấp giấy phép và thu phí mà chưa đưa ra được các biện pháp cụ thể và hữu hiệu để bảo vệ môi trường.

 GÂY KHÓ KHĂN, TỐN KÉM CHO DOANH NGHIỆP

Theo phản ánh của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ Môi trường đang được Bộ Tài Nguyên Môi trường lấy ý kiến đưa ra rất nhiều loại giấy phép môi trường và thủ tục xin cấp phép phức tạp, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy phép con.

Doanh nghiệp hoang mang với "núi" quy định mới về bảo vệ môi trường - Ảnh 1

Chỉ riêng phần chính của Nghị định, chưa bao gồm Phụ lục, đã có tới 379 từ Giấy phép với hàng chục loại giấy phép khác nhau, từ giấy phép tổng thể, giấy phép thành phần, giấy phép nước thải, giấy phép khí thải, giấy phép khai thác, giấy phép tái chế….

Bất cứ doanh nghiệp nào từ nhỏ đến lớn cũng phải đi xin, trong khi trước đây chỉ các doanh nghiệp có chất thải nguy hại mới phải xin giấy phép.

“Thực sự đây là một thủ tục hành chính vô cùng phức tạp và gây gánh nặng lớn về văn bản giấy tờ, nguồn lực và tài chính, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, do doanh nghiệp nhiều lần phải xin, trình, nộp rất nhiều lần, nhiều cấp khảo sát, cấp giấy phép. Thậm chí, khi có thay đổi cũng phải đi xin lại giấy phép rất nhiêu khê, phức tạp”, EuroCham góp ý.

Không những thế, EuroCham còn cho rằng, nhiều yêu cầu, quy định cấp phép bất hợp lý chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó cho doanh nghiệp, thậm chí có điều khoản khiến doanh nghiệp không thể tự tái chế hay tái sử dụng.

Như quy định Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước quy mô trung bình từ 50 ha đến dưới 100 ha được xếp vào Nhóm II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bao gồm cả nhóm ngành sản xuất nông nghiệp như trồng trọt và nuôi trồng thủy sản, vốn yêu cầu sử dụng đất rất lớn. Quy định này đi ngược lại với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, cánh đồng mẫu lớn của chính phủ…

Hay quy định doanh nghiệp tự tái chế cũng phải có giấy phép, mà không phân biệt giữa tái chế và tái sử dụng. Điểm 42G, phụ lục 50 coi việc làm sạch và tái sử dụng chai thủy tinh cũng bị coi là tái chế và phải có giấy phép.

Như vậy, các nhà máy bia đang thu chai về để tái sử dụng sẽ bị cấm vì không có giấy phép, và phải nộp phí để tái chế chúng, tức là không những không khuyến khích bảo vệ môi trường mà còn làm hại đến môi trường.

“Dự thảo cũng không quy định cho phép doanh nghiệp được chọn nhiều hình thức tái chế khác nhau mà chỉ được chọn một hình thức, như vậy là quá cứng nhắc. Quy định này không phát huy được sự chủ động của doanh nghiệp”.

Hiệp hội doanh nghiệp dệt may Việt Nam (Vitas) bổ sung công thức tính mức phí, tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế, cơ chế quản lý thu chi của Dự thảo chưa rõ ràng và chưa phù hợp. Từ đó, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện mức phí và quản lý thiếu minh bạch đối với số phí thu được.

Với số lượng lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu hiện nay của Việt Nam, chi phí mà các cơ sở phải bỏ ra để làm kiểm toán là một chi phí không nhỏ, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải chịu nhiều chi phí ngày cao do khủng hoảng kinh tế từ dịch bệnh.

Đối với điều khoản “xử lý trường hợp không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm tái chế”, theo doanh nghiệp dệt may, cần bỏ quy định về số tiền truy thu 30% và tăng 10% trong kỳ tiếp theo.

Vì điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với Nghị định về xử lý vi phạm hành chính, Luật quản lý phí, lệ phí, cũng như không có trong Luật bảo vệ môi trường.

ÁP LỰC LỘ TRÌNH THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM TÁI CHẾ

Mặt khác, theo các hiệp hội doanh nghiệp, lộ trình thực hiện Dự thảo có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 khi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí sản xuất, kinh doanh và vốn đầu tư do tác động của dịch bệnh Covid -19, người lao động chưa trở lại hoạt động bình thường là một áp lực lớn.

“Nếu phải nộp phí tái chế ngay từ đầu năm tới thì các cơ sở càng thêm khó khăn, giá bán sản phẩm của hầu hết các ngành cũng phải tăng lên ảnh hưởng đến mức sống của người dân, chưa kể đến các cơ sở cũng đang rất khó khăn trong việc tìm nguồn vốn đầu tư nâng cấp hệ thống tái chế của cơ sở vào thời điểm dịch bệnh này”, Vitas nhấn mạnh.

Thêm vào đó, tỷ lệ thu hồi đối với bao bì quy định trong của Dự thảo từ 80% đến 90% là quá cao, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay ở Việt Nam. Để đạt được tỷ lệ thu hồi này, doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ mới và thời gian triển khai, dự kiến phải mất từ 3 đến 5 năm.

Hơn nữa, Dự thảo còn bắt buộc tái chế bao bì của thực phẩm và đồ uống thành các sản phẩm cụ thể, như: giấy vệ sinh, giấy bìa, hộp giấy… Đây là quá trình chế biến thành các sản phẩm khác.

Quá trình này thường đòi hỏi nguyên vật liệu tái chế phải trải qua nhiều công đoạn sản xuất khác nhau, rồi mới ra được sản phẩm có tính thương mại trên.

Theo EuroCham, dự thảo quy định Hội đồng EPR quốc gia, Văn phòng EPR Viêt Nam là tổ chức đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng thành phần gồm đại diện các Bộ như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Các Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, nhưng các chi phí trong Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng EPR Viêt Nam lại lấy từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam do nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp là không phù hợp với Luật quản lý phí, lệ phí.

Đồng tình về góp ý này, Vitas đề xuất, bỏ quy định coi Hội đồng EPR quốc gia là tổ chức đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu trong Dự thảo. Hội đồng EPR sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Tỷ lệ tái chế không được rõ ràng như các tiêu chí mà các nhà máy may mặc đang tham gia chương trình chứng chỉ GRS (tiêu chuẩn tái chế toàn cầu). Các doanh nghiệp đã và đang có các biện pháp tái chế tốt tại doanh nghiệp nhưng đang bị các vấn đề pháp lý như hải quan, thuế quan liên quan nên không thực hiện được.

Vũ Khuê

Theo vneconomy.vn

Nguồn bài viết: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-hoang-mang-voi-nui-quy-dinh-moi-ve-bao-ve-moi-truong.htm

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN