Sở Xây dựng TP HCM vừa báo cáo UBND TP HCM trách nhiệm giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp (DN) về tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản nhà ở thương mại, nhà ở xã hội do Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tổng hợp. Theo đó, HoREA có 5 văn bản tổng hợp 189 kiến nghị của các DN đề nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc của 148 dự án bất động sản.

Không đùn đẩy trách nhiệm

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư có 38 kiến nghị liên quan 27 dự án và đã có 29 văn bản trả lời; Sở Xây dựng có 20 kiến nghị liên quan 20 dự án, đã có 17 văn bản trả lời; Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) có 21 kiến nghị liên quan 21 dự án và đã có 13 văn bản trả lời; Sở Giao thông Vận tải có 3 kiến nghị liên quan tới 3 dự án và đã có 2 văn bản trả lời; Cục Thuế TP HCM đã có văn bản trả lời 4/4 kiến nghị liên quan 4 dự án; Ban Quản lý Khu Nam có 1 kiến nghị và đã có văn bản trả lời; Chi cục Tài chính DN có 1 kiến nghị và đã có văn bản trả lời.

Từ những kết quả trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP HCM giao trách nhiệm cho từng sở, ngành giải quyết kiến nghị theo kết quả phân nhóm cho đến khi các kiến nghị, vướng mắc được tháo gỡ và không chuyển cho các sở, ngành khác giải quyết vướng mắc.

Đối với các kiến nghị, vướng mắc của các dự án thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của sở, ngành thì từng cơ quan đó phải chủ động làm việc với chủ đầu tư để hướng dẫn hoàn tất hồ sơ và thủ tục đầu tư theo quy định hoặc chủ trì cùng các sở, ngành liên quan để giải quyết vướng mắc. Trường hợp các sở, ngành không phối hợp giải quyết cần có văn bản báo cáo UBND TP HCM.

Theo Sở Xây dựng, còn hàng chục dự án mới phát sinh vướng mắc nằm ngoài danh sách 148 dự án nêu trên đang thiếu thông tin kiến nghị, vướng mắc cụ thể. Cơ quan này sẽ làm việc với HoREA để tiếp tục làm rõ để tổng hợp, phân nhóm vướng mắc và báo cáo UBND TP HCM.

Đã gỡ cho 9 dự án vướng pháp lý

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) là đơn vị gửi tiến độ giải quyết kiến nghị sau cùng về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND TP HCM. Trong 101 kiến nghị liên quan đến 96 dự án, sở này đã hoàn thành giải quyết 10 kiến nghị liên quan tới 9 dự án, 7 kiến nghị đang tạm dừng giải quyết, 2 kiến nghị không phù hợp với pháp lý hiện tại và 2 kiến nghị không thuộc trách nhiệm của sở này.

Trong nhóm 7 dự án tạm dừng thì dự án Diamond Lotus Lake View (quận Tân Phú) và dự án khu phức hợp dân cư và thương mại Thắng Lợi (quận Tân Phú) sẽ được xem xét giải quyết sau khi có nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 vì hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau.

Trong khi đó, Công ty CP Địa ốc Thảo Điền kiến nghị UBND TP HCM ban hành quyết định giao đất đối với dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý, TP Thủ Đức. Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam cũng đề nghị giao đất đối với dự án khu nhà ở Him Lam. Sở TN-MT cho biết cả 2 dự án đều nằm trong dự án hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư Bắc Rạch Chiếc, TP Thủ Đức do Công ty CP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư. Dự án hạ tầng kỹ thuật chính này, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an TP đang thụ lý, chưa có kết luận điều tra.

Từ kết quả trên, HoREA đề nghị Sở TN-MT khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức để xem xét giải quyết tiếp 73 kiến nghị của hiệp hội để giúp tháo gỡ khó khăn cho DN và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Gỡ vướng dự án bất động sản - Ảnh 1.

Sở Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu, giải quyết việc Tập đoàn Novaland kiến nghị miễn tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất được giao thực hiện dự án chung cư Cô Giang tại 100 Cô Giang, quận 1, TP HCM.

Hướng ra cho 21 dự án vướng quy hoạch

Liên quan tới 21 dự án thuộc thẩm quyền của Sở QH-KT TP HCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc sở, cho hay phần lớn các dự án này gặp vấn đề quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Trước đây, Sở QH-KT đã có công văn gửi các địa phương để hướng dẫn và thực hiện các công việc theo chức năng, thậm chí có dự án mà sở này đã có công văn gửi mười mấy năm trước.

Theo đó, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 tại dự án Khu nhà ở cao tầng phường Phú Thuận, quận 7. Năm 2009, Sở QH-KT đã có công văn gửi UBND quận 7 hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Trong đó, Sở QH-KT đề nghị quận 7 xác nhận nhu cầu điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 (thay đổi phương án tổng mặt bằng phân khu chức năng). UBND quận 7 đã rà soát quy hoạch đô thị, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định, chuyển thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt.

Sở QH-KT cũng đã hướng dẫn cho DN nhiều lần nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ. Như Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn kiến nghị cho điều chỉnh quy hoạch thành chung cư cao tầng tại dự án Khu nhà ở cán bộ nhân viên Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, Sở QH-KT đã thẩm định, hướng dẫn hồ sơ 3 lần (lần gần nhất tháng 11-2020). Tuy nhiên, hồ sơ điều chỉnh vẫn chưa đạt chỉ tiêu cây xanh và hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Vì vậy, lần này Sở QH-KT tiếp tục đề nghị khẩn trương chỉnh sửa bổ sung.

Công ty CP Bất động sản nghỉ dưỡng Sài Gòn Garden kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 (theo hướng nâng tỉ lệ đất ở lên tối thiểu 20%, tăng mật độ, tăng quy mô dân số) tại vị trí dự án Khu đất 29,6 ha phường Long Phước, TP Thủ Đức. Sở QH-KT đã có công văn báo cáo UBND TP và đề xuất UBND TP tạm thời chưa chấp thuận đề nghị điều chỉnh của DN này.

Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 tại dự án Khu nhà ở cao tầng phường Phú Mỹ, quận 7. Tháng 7-2022, Sở QH-KT đã có công văn gửi UBND quận 7 hướng dẫn chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. UBND quận sau đó đã tiến hành rà soát quy hoạch đô thị, hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo quy định, chuyển thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt.

Về sai phạm công trình có dự án chung cư 1-2 cụm I thuộc Khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, năm 2020, Sở QH-KT đã có công văn về rà soát, đôn đốc xử lý các sai phạm công trình này theo chỉ đạo của UBND TP (khu này chưa có quy hoạch 1/2.000). Tuy nhiên, đến nay Sở QH-KT vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị góp ý liên quan điều chỉnh quy hoạch của Ban Quản lý Khu Nam.

Trong khi đó, Công ty TNHH Gotec Việt Nam kiến nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 tại dự án Khu trung tâm thương mại và căn hộ tại phường Tân Thuận Đông, quận 7. Sở QH-KT đã có tờ trình UBND TP vào giữa năm 2022, thẩm định đạt. Dự án này Sở TN-MT báo cáo, đề xuất liên quan đất đai. 

Nguy cơ phá sản vì cái tên

Trong các dự án vướng mắc, Công ty CP Xây dựng Sài Gòn 5 (Công ty Sài Gòn 5) đang rơi vào tình trạng rất khó khăn và có nguy cơ phá sản nếu dự án Khu thương mại dịch vụ căn hộ Bình Đăng (Quốc lộ 50, quận 8) không được gỡ vướng. Dự án này thuộc diện rà soát pháp lý liên quan đất công.

Dự án này được công ty triển khai từ thời còn là DN 100% vốn nhà nước, với tên gọi đầy đủ là Công ty TNHH MTV Xây dựng Sài Gòn 5. Năm 2016, công ty cổ phần hóa, bán 0,23% vốn cho cán bộ nhân viên, cổ đông ngoài, còn 99,78% vốn vẫn của nhà nước quản lý và đổi tên thành như hiện nay.

Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành 2 tầng hầm, phần móng, chuẩn bị xây phần thân và tiến hành mở bán thì không được Sở Xây dựng cấp phép mở bán với lý do: “Để cấp phép xây dựng phần thân, cho phép mở bán nhà ở hình thành trong tương lai thì công ty phải cập nhật tên mới là (công ty cổ phần) trên giấy chứng nhận của dự án”.

Tuy nhiên, để cập nhật dự án theo tên mới, công ty phải quyết toán phần vốn nhà nước tại DN nhưng từ đó đến nay gần 7 năm, vướng mắc vẫn chưa được giải quyết. Dự án đình trệ suốt nhiều năm và trở nên hoang tàn. “Bi đát nhất là công ty hiện đã mất tính thanh khoản, không tiền trả nợ gốc và lãi ngân hàng, bị chuyển thành nợ xấu. Công ty cũng không có tiền trả lương cho cán bộ, công nhân viên và đang đối diện khả năng ngưng hoạt động. Nguy cơ phá sản, mất vốn của nhà nước tại DN là 360 tỉ đồng định giá lúc cổ phần hóa. Đây là thực tế rất đau lòng” – một lãnh đạo Công ty Sài Gòn 5 cho biết.

Sơn Nhung

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nguồn bài viết: https://nld.com.vn/kinh-te/go-vuong-du-an-bat-dong-san-20230522210520082.htm