Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2020 về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Theo (LSVN) – Luật Doanh nghiệp 2020 được Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua vào ngày 17/6/2020, với nhiều quy định mới và tiến bộ, trong đó có các quy định về loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá và đưa ra một số luận bàn về những điểm mới và tiến bộ của Luật Doanh nghiệp 2020 trong quy định về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trên cơ sở so sánh với Luật Doanh nghiệp 2014.

Ảnh minh họa. 

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 2 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân; trong đó thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Với những ưu điểm nổi bật mang lại như các thành viên công ty chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty nên ít gây rủi ro cho người góp vốn; chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ nên nhà đầu tư dễ dàng kiểm soát được việc thay đổi các thành viên, hạn chế được sự thâm nhập của người lạ vào công ty nên đây là mô hình được ưu chuộng và sử dụng khá phổ biến hiện nay tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các vấn đề pháp lý điều chỉnh về loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn còn tồn tại những vấn đề hạn chế, bất cập nhất định, điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tính hiệu quả của công ty. Do đó, để khắc phục được các vấn đề bất cập cũng như nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng và an toàn cho mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoạt động hiệu quả, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung nhiều quy định mới và tiến bộ điều chỉnh về loại hình công ty này. Việc xác định được những điểm mới trong các quy định pháp luật điều chỉnh về loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là rất cần thiết, bởi đây là cơ sở quan trọng để các chủ thể hiểu và áp dụng được các quy định này trên thực tế một cách hiệu quả.

Về quyền phát hành trái phiếu

So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung quyền được phát hành trái phiếu đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Theo đó, tại khoản 4 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này”. Việc Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung và quy định rõ về quyền của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên được phát hành trái phiếu là phù hợp với các quy định hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế, mặc dù Luật Doanh nghiệp 2014 không quy định rõ công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được quyền phát hành trái phiếu nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP) thì đối tượng áp dụng đối với Nghị định này có nêu rõ: “Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam”.

Như vậy, theo quy định này, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nếu đáp ứng đầy đủ được các điều kiện do pháp luật quy định thì được phép phát hành trái phiếu để huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân phục vụ vào mục đích đầu tư, kinh doanh. Đây là quyền lợi chính đáng mà công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên được hưởng và đã được pháp luật thừa nhận, do đó việc ghi nhận quyền này cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2020 là điều cần thiết và phù hợp. Điều này không chỉ tạo hành lang pháp lý vững chắc và minh thị cho công tác áp dụng và thực thi pháp luật mà còn giúp doanh nghiệp và các chủ thể khác trong xã hội an tâm hơn trong vấn đề phát hành trái phiếu của doanh nghiệp để huy động vốn.

Về ban kiểm soát

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên có thể thành lập ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty [1]. Quy định này được thiết lập nhằm mục đích kiểm soát hoạt động của hội đồng thành viên, tổng giám đốc/giám đốc cùng các bộ phận liên quan để bảo đảm tính hiệu quả trong công tác hoạch định chiến lược, quản trị, điều hành nhằm tránh những rủi ro, thất thoát, lạm quyền có thể xảy ra gây thiệt hại cho công ty.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ đi quy định này [2], theo đó công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên không bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát, việc có thành lập ban kiểm soát hay không sẽ do công ty tự quyết định nếu thấy cần thiết và phù hợp với nhu cầu của công ty. Quy định này không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà còn giúp loại bỏ được những vấn đề cứng nhắc và không hiệu quả của ban kiểm soát. Thực tế, việc bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát trong thời gian qua không mang lại nhiều tác dụng và hiệu quả thiết thực như mong muốn. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mô hình ban kiểm soát tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không có nhiều tác dụng, lý do là ban kiểm soát không bảo đảm được tính độc lập khi nêu ra ý kiến [3].

Thực tế, thành viên ban kiểm soát đa phần là những người kiêm nhiệm những vị trí chủ chốt khác trong công ty nên đã dẫn đến ban kiểm soát không phát huy được vai trò của chính mình. Hiện nay, trên thế giới, nhất là tại các nước châu Âu, hầu hết doanh nghiệp đều không có ban kiểm soát trong bộ máy công ty, Việt Nam là quốc gia trong số ít vẫn thực hiện mô hình này [4]. Sự tồn tại này là xuất phát từ việc Việt Nam trước đó đi theo mô hình kinh doanh của Liên Xô nên đã dẫn đến vô hình trung hình thành ban kiểm soát và tồn tại đến ngày nay. Hơn nữa, theo một số đánh giá, việc thành lập và tồn tại của ban kiểm soát còn gây  lãng phí về mặt tài chính do các công ty phải chi trả thù lao cho các thành viên trong ban kiểm soát trong khi hiệu quả mang lại không cao.

Chính vì vậy, việc Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trao cho công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên được quyền tự quyết về ban kiểm soát là điều cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Theo đó, doanh nghiệp có thể quyết định lựa chọn phương án thành lập ban kiểm soát để thực hiện chức năng kiểm soát các hoạt động quản lý, điều hành nội bộ của công ty hoặc cũng có thể thành lập ban kiểm toán nội bộ. Công ty có thể tự lập ban kiểm toán nội bộ hoặc thuê tổ chức kiểm toán độc lập đủ điều kiện hoạt động kiểm toán theo quy định của pháp luật để cung cấp dịch vụ kiểm toán nội bộ. Việc doanh nghiệp lựa chọn thành lập ban kiểm toán nội bộ để thay thế cho ban kiểm soát là một xu thế tất yếu phù hợp với thông lệ quốc tế, điều này không chỉ nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động quản trị của toàn công ty trên cơ sở bảo đảm tính minh bạch mà còn giúp giảm thiểu những rủi ro thất thoát có thể xảy ra do gian lận. Theo ghi nhận trong một nghiên cứu của PwC, mô hình kiểm toán nội bộ có thể làm giảm đến 5% doanh thu bị thất thoát bởi gian lận [5].

Ngược lại, đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì Luật Doanh nghiệp 2020 quy định bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát. Ban kiểm soát này sẽ có từ 01 đến 05 kiểm soát viên, nhiệm kỳ kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp ban kiểm soát chỉ có 01 kiểm soát viên thì kiểm soát viên đó đồng thời là trưởng ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của trưởng ban kiểm soát. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và các vấn đề về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm và chế độ làm việc của ban kiểm soát, kiểm soát viên được thực hiện tương tự như công ty cổ phần. Đây là một quy định mới được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp 2020 mà trước đó chưa hề có. Việc Luật Doanh nghiệp 2020 quy định bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát trong trường hợp này là phù hợp và cần thiết bởi điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành tại các doanh nghiệp nhà nước mà còn góp phần giảm thiểu được những vấn đề rủi ro, thất thoát, lãng phí có thể xảy ra tại các doanh nghiệp này.

Về biên bản họp hội đồng thành viên

Biên bản họp hội đồng thành viên là tài liệu pháp lý quan trọng, ghi nhận nội dung và phiếu biểu quyết tại các cuộc họp hội đồng thành viên trong một công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trong Luật Doanh nghiệp 2014, biên bản họp hội đồng thành viên được quy định tại Điều 61 và vấn đề này tiếp tục được ghi nhận và điều chỉnh tại Điều 60 của Luật Doanh nghiệp 2020. Tuy nhiên, khác với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định bổ sung trường hợp: “Chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả thành viên khác của hội đồng thành viên tham dự họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều này. Biên bản họp ghi rõ việc chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp hội đồng thành viên.”

Việc Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định như trên là cần thiết và hợp lý, điều này sẽ giúp hạn chế được tình trạng một số trường hợp người ghi biên bản hoặc chủ tọa cố tình từ chối ký vào biên bản họp hội đồng thành viên để nhằm mục đích trục lợi, bảo vệ quyền lợi cá nhân, gây cản trở quyền của các thành viên khác cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Đây là một điểm mới và tiến bộ của Luật Doanh nghiệp 2020 trong vấn đề bảo đảm quyền lợi cho số đông thành viên và tính hiệu lực của biên bản họp hội đồng thành viên, từ đó bảo đảm cho các hoạt động của công ty được thông suốt cũng như giúp hạn chế được tình trạng lạm quyền xảy ra trong quá trình quản lý, điều hành, kiểm soát công ty.

Hiệu lực nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên

Một trong những điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 về vấn đề hiệu lực của nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên đó là Luật đã bổ sung quy định: “Nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định đó không được thực hiện đúng quy định. Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu tòa án hoặc trọng tài hủy bỏ nghị quyết, quyết định đã được thông qua thì nghị quyết, quyết định đó vẫn có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều này cho đến khi có quyết định hủy bỏ của tòa án hoặc trọng tài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”. Như vậy, với cách quy định này, có thể hiểu rằng nghị quyết hoặc quyết định của hội đồng thành viên vẫn được coi là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả trong trường hợp trình tự, thủ tục thông qua nghị quyết, quyết định này không được bảo đảm thực hiện theo đúng quy định nhưng lại được thông qua bằng 100% tổng số vốn điều lệ.

Quy định này là hoàn toàn phù hợp, bởi các yêu cầu về mặt trình tự, thủ tục chỉ là những yếu tố mang tính hình thức, còn vấn đề quan trọng nhất ở đây vẫn là nội dung. Nếu như nội dung nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên đã được 100% tổng số vốn điều lệ thông qua thì xem như là tất cả các thành viên đã đồng ý với nội dung đó và không có ý kiến hay vấn đề gì khác. Vì vậy, lúc này việc bảo đảm trình tự, thủ tục về mặt hình thức không còn ý nghĩa nhiều bởi quan trọng nhất vẫn là nội dung đã được ghi nhận và được tất cả các thành viên đồng ý thông qua. Đây là một quy định tiến bộ bởi quy định này không chỉ giúp công ty tiết kiệm được thời gian, công sức do có thể dễ dàng đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết mà còn tạo được sự linh động và thông thoáng trong môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một trong những điểm mới đáng lưu ý trong Luật Doanh nghiệp 2020 đó là trong trường hợp nếu nghị quyết, quyết định của hội đồng thành viên đã được thông qua nhưng bị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì nghị quyết, quyết định này sẽ không có hiệu lực. Về bản chất, biện pháp khẩn cấp tạm thời là công cụ mà các bên tranh chấp được sử dụng để bảo vệ các quyền và lợi ích của mình một cách tạm thời cho đến khi vụ án được giải quyết xong. Biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được áp dụng để hạn chế hoặc buộc các bên tranh chấp hoặc bên thứ ba thực hiện một hành vi nhất định với mục đích giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, thu thập chứng cứ kịp thời, giữ nguyên hiện trạng nhằm tránh những thiệt hại không thể khắc phục hoặc bảo đảm khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trong tranh chấp [6]. Như vậy, việc Luật Doanh nghiệp 2020 đưa ra quy định trên là hợp lý, bởi điều này sẽ giúp kịp thời ngăn chặn được tình trạng tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc những vấn đề khác có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty và người có quyền và lợi ích liên quan.

Về công bố thông tin

Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm quy định công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước phải công bố thông tin theo quy định. Đây là một quy định mới so với Luật Doanh nghiệp 2014. Theo quy định này, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện việc công bố thông tin định kỳ hoặc công bố thông tin bất thường.

Theo đó, công ty phải công bố thông tin định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu về các thông tin gồm: (i) thông tin cơ bản về công ty và điều lệ công ty; (ii) báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính hằng năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập trong thời hạn 150 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, bao gồm cả báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất (nếu có); (iii) báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm; (iv) báo cáo về thực trạng quản trị [7], cơ cấu tổ chức công ty.

Bên cạnh việc công bố thông tin định kỳ, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là doanh nghiệp nhà nước còn phải có trách nhiệm công bố thông tin bất thường trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở chính, địa điểm kinh doanh của công ty trong thời hạn 36 giờ kể từ khi xảy ra một trong các sự kiện như: (i) tài khoản của công ty bị phong tỏa hoặc được phép hoạt động trở lại sau khi bị phong tỏa; (ii) tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của công ty; (iii) sửa đổi, bổ sung nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc giấy phép khác liên quan đến hoạt động của công ty; (iv) thay đổi thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, giám đốc, phó giám đốc hoặc tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, trưởng phòng tài chính kế toán, trưởng ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên; (v) có quyết định kỷ luật, khởi tố, có bản án, quyết định của tòa án đối với người quản lý doanh nghiệp; (vi) có kết luận của cơ quan thanh tra hoặc của cơ quan quản lý thuế về việc vi phạm pháp luật của doanh nghiệp; (vii) có quyết định thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập hoặc bị từ chối kiểm toán báo cáo tài chính; (viii) có quyết định thành lập, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi công ty con, chi nhánh, văn phòng đại diện; quyết định đầu tư, giảm vốn hoặc thoái vốn đầu tư tại các công ty khác.

Việc Luật Doanh nghiệp 2020 quy định bắt buộc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên là doanh nghiệp nhà nước phải công bố thông tin như trên là rất cần thiết bởi hiện nay vấn đề bảo đảm sự minh bạch thông tin trong các doanh nghiệp nhà nước chưa được bảo đảm, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lãng phí, thất thoát, tham ô trong xảy ra tại các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Dù giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nhưng năng lực cạnh tranh và chất lượng doanh nghiệp nhà nước Việt Nam còn thấp và một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hoạt động minh bạch thông tin của các doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế. Theo quy định, việc công bố công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng tính ổn định, tính hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, hạn chế tình trạng tham ô, thất thoát, lãng phí.

Từ những phân tích, đánh giá nêu trên có thể thấy rằng, hiện nay Luật Doanh nghiệp 2020 đã sửa đổi, bổ sung và đưa ra được nhiều quy định mới để điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Các quy định này được đánh giá là những quy định tiến bộ, cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới, điều này không chỉ khắc phục được những vấn đề bất cập còn tồn tại trong Luật Doanh nghiệp 2014 mà còn góp phần tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thu hẹp khoảng cách với thế giới. Tuy nhiên, để các quy định mới này được áp dụng hiệu quả trên thực tế thì đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng nghiên cứu, rà soát, xây dựng và sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính hiệu quả và khả thi trong quá trình áp dụng các quy định này vào thực tiễn.

[1] Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2014.

[2] Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020.

[3] Trần Ngọc Tùng, “Vì sao xu hướng loại bỏ ban kiểm soát đang ngày càng nở rộ”, https://ndh.vn/doanh-nghiep/vi-sao-xu-huong-loai-bo-ban-kiem-soat-ang-ngay-cang-no-ro-1245206.html, ngày 25/5/2021.

[4] Hiếu Nguyễn, “Bỏ ban kiểm soát có thể giảm tối thiếu 5% doanh thu thất thoát, tại sao nhiều doanh nghiệp chưa làm?”, http://s.cafef.vn/VNM-275934/bo-ban-kiem-soat-co-the-giam-toi-thieu-5-doanh-thu-that-thoat-tai-sao-nhieu-doanh-nghiep-van-chua-lam.chn, ngày 25/5/2021.

[5] Hiếu Nguyễn, “Bỏ Ban kiểm soát có thể giảm tối thiếu 5% doanh thu thất thoát, tại sao nhiều doanh nghiệp chưa làm?”, http://s.cafef.vn/VNM-275934/bo-ban-kiem-soat-co-the-giam-toi-thieu-5-doanh-thu-that-thoat-tai-sao-nhieu-doanh-nghiep-van-chua-lam.chn, ngày 25/5/2021.

[6] Nguyễn Thị Thu Thủy – Lê Hải An, “Về điều kiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8/2017), tr 32.

[7] Xem quy định tại khoản 2 Điều 109 Luật Doanh nghiệp 2020.

Thạc sĩ TRẦN LINH HUÂN

Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Theo lsvn.vn

Nguồn bài viết: https://lsvn.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-doanh-nghiep-2020-ve-cong-ty-trach-nhiem-huu-han-hai-thanh-vien-tro-len1630247318.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN