Những lý do không mua bán đất bằng hợp đồng ủy quyền

Mua bán đất bằng hợp đồng ủy quyền khác với chuyển nhượng, nếu trả tiền nhưng chỉ nhận ủy quyền thì sẽ gặp nhiều rủi ro pháp lý.

Thực tế nhiều người muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không lựa chọn việc thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ theo đúng quy định, mà lại lựa chọn ký hợp đồng ủy quyền để thay mặt người sử dụng đất thực hiện quyền sử dụng và các quyền khác như chuyển nhượng, tặng cho.

Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Mua bán đất bằng hợp đồng ủy quyền khác với chuyển nhượng, nếu trả tiền nhưng chỉ nhận ủy quyền thì sẽ gặp nhiều rủi ro pháp lý. Đồ họa: M.H

Mua bán đất bằng hợp đồng ủy quyền khác với chuyển nhượng, nếu trả tiền nhưng chỉ nhận ủy quyền thì sẽ gặp nhiều rủi ro pháp lý. Đồ họa: M.H

Bản chất của ủy quyền là bên nhận ủy quyền thay mặt bên ủy quyền để thực hiện các quyền của người sử dụng đất như sử dụng, chuyển nhượng, tặng cho và các quyền khác nếu có thỏa thuận.

Vì là hợp đồng ủy quyền nên bên có đất (bên ủy quyền) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Điều 569 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ về đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền như sau:

– Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

– Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.

Như vậy, không nên mua bán đất bằng hợp đồng ủy quyền vì người trả tiền sẽ không là chủ sở hữu của mảnh đất đó và không được đứng tên trên sổ đỏ mà thay vào đó họ chỉ được thực hiện những công việc trong phạm vi ủy quyền.

Tuấn Anh (T/H)

Theo laodong.vn

Nguồn bài viết: https://laodong.vn/bat-dong-san/nhung-ly-do-khong-mua-ban-dat-bang-hop-dong-uy-quyen-906159.ldo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN