Theo (PLO)- “Rất vất vả, chúng tôi đầu tư dự án tới 200 ha và phải mất 15 năm cho thủ tục hành chính!” – câu cảm thán của bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, trong một buổi tọa đàm về thủ tục dự án được nhiều cơ quan truyền thông dẫn lại phần nào nói lên thực trạng mà bất động sản (BĐS) TP.HCM đã phải trải qua.
Nỗi vất vả của nhiều doanh nghiệp BĐS cũng chính là nỗi lo chung của cơ quan chức năng TP.HCM. Rất nhiều cuộc họp được tổ chức, hàng loạt văn bản của các sở, ngành, UBND TP liên tục được góp ý để nhằm tìm cách tháo gỡ tốt nhất cho những vướng mắc pháp lý còn tồn tại.
Trong động thái mới nhất, sau nhiều văn bản, nhiều cuộc họp góp ý từ năm 2018, đến nay UBND TP vừa ban hành Đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP. Trong đó, nhiều giải pháp được đưa ra để tháo gỡ một phần khó khăn trong việc giao đất, định giá đất, quản lý tài sản công…
Ngay sau khi đề án được ban hành, thị trường BĐS TP.HCM như được tưới một làn nước mát. Cộng thêm Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Nghị định 148/2020 có hiệu lực, hy vọng “nỗi vất vả” của thị trường BĐS nói chung và của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nói riêng được nhẹ đi phần nào.
Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, năm 2020 là một năm đầy sóng gió, gian nan và thách thức. Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những khó khăn vốn có của thị trường cả nước và TP.HCM gặp phải trong năm năm gần đây.
Vậy nên đừng để bốn chữ “vướng mắc pháp lý” làm tăng thêm khó khăn cho thị trường. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải cùng ngồi lại, nhanh chóng triển khai, đẩy nhanh tháo gỡ các nút thắt về pháp lý theo những văn bản, đề án, luật đã được ban hành trên đây.
Theo các chuyên gia BĐS, chính những cơ sở pháp lý và quy định pháp luật mới sẽ giúp cho cán bộ, công chức nhà nước của các địa phương yên tâm thi hành công vụ, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật, tháo gỡ ách tắc cho rất nhiều dự án đầu tư, dự án nhà ở thương mại đã, đang và sẽ được triển khai.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu và phát triển (R&D) DKRA Vietnam, thì tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ xử lý vấn đề về quy trình thủ tục đầu tư, phê duyệt quy hoạch/thiết kế, vấn đề tiền sử dụng đất, giấy phép xây dựng phải có sự hợp tác tích cực và chủ động của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
“Trước hết, chủ đầu tư cần tuân thủ những tiêu chuẩn/tiêu chí nhà nước quy định rõ ràng trong quá trình chuẩn bị dự án; chủ động thúc đẩy cơ quan chức năng giải quyết các khâu thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định” – ông Hoàng nhấn mạnh.
Về phía cơ quan quản lý, điều quan trọng nhất là phải có hệ thống hành lang pháp lý minh bạch, đầy đủ để vận dụng một cách tối ưu, thống nhất ở mọi nơi.
Để có kết quả rõ ràng, không chỉ nỗ lực đến từ cơ quan chức năng hay doanh nghiệp mà còn cần sự thống nhất, chia sẻ vì mục tiêu chung của tất cả các bên, các bộ phận liên quan. Cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần lắng nghe nhau và hợp tác để cùng tạo nên một thị trường lành mạnh, nhất quán, bền vững, các bên cùng có lợi.