Việc hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2020 có thay đổi đáng kể theo nguyên tắc giảm thiểu tối đa số lượng văn bản hướng dẫn thi hành một luật; mỗi luật chỉ ban hành 1 hoặc tối đa không quá 2 nghị định.
Do đó, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, bao gồm: Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Nghị định 47/2021/NĐ-CP.
Nói cách khác, Nghị định 47/2021/NĐ-CP hướng dẫn quy định chi tiết tất cả các nội dung của Luật Doanh nghiệp, trừ nội dung về đăng ký doanh nghiệp, thay thế cho cả 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp như nêu trên. Nghị định 47/2021/NĐ-CP có các nội dung thay đổi cơ bản và đáng lưu ý như sau.
Thứ nhất, về doanh nghiệp xã hội. Nghị định đã bãi bỏ tất cả quy định của Nghị định 96/2015/NĐ-CP mà không còn phù hợp hoặc gây khó khăn cho tổ chức, hoạt động của DNXH, cụ thể như sau:
– Bãi bỏ quy định hạn chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của thành viên, cổ đông DNXH; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đối với DNXH do quy định này đã hạn chế hơn DNXH trong cơ cấu lại doanh nghiệp so với doanh nghiệp thông thường. Điều này không hợp lý và đi ngược lại mục tiêu thúc đẩy thành lập và kinh doanh dưới hình thức DNXH. Theo Nghị định 47/2021/NĐ-CP thì việc chuyển nhượng cổ phần, cơ cấu lại DNXH áp dụng quy định tương tự như đối với doanh nghiệp thông thường.
– Ngoài ra, Nghị định cũng đã sửa đổi lại các quy định về nghĩa vụ hoàn lại tài sản hoặc số dư tài chính trong trường hợp DNXH có nhận tài trợ, viện trợ nhằm bao quát hết các trường hợp, như: sáp nhập, hợp nhất,… dẫn đến chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn. Sửa đổi lại các quy định về trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, thành viên, cổ đông trong việc thực hiện đúng và đầy đủ cam kết mục tiêu xã hội, môi trường chưa chính xác và phù hợp với nguyên tắc quản trị doanh nghiệp về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên có liên quan.
Thứ hai, về khái niệm doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Một trong những mục tiêu sửa đổi các quy định về DNNN trong Luật Doanh nghiệp 2020 là nhằm nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.
Thể chế hóa quan điểm nêu trên, Luật Doanh nghiệp đã sửa đổi khái niệm DNNN theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Theo Điều 88 của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, DNNN bao gồm: doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần. Theo đó, DNNN được xác định dựa trên 3 tiêu chí: mức độ sở hữu vốn (sở hữu trên 50%), loại hình doanh nghiệp (công ty TNHH hoặc công ty cổ phần) và tính chất doanh nghiệp (công ty mẹ hoặc DNNN độc lập). Nghị định 47/2021/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết hơn, rõ ràng hơn nội dung về tính chất doanh nghiệp, cụ thể:
– “Công ty mẹ” được xác định là doanh nghiệp không là công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty mẹ – công ty con khác.
– “Công ty độc lập” được xác định là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và không thuộc nhóm công ty mẹ – công ty con.
Ngoài ra, Nghị định 47/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của Ban kiểm soát của doanh nghiệp nhà nước, cụ thể về các nội dung: hạch toán chi phí của Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên cũng như quy định cụ thể về nghĩa vụ của Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên; quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với hoạt động của Ban Kiểm soát, Kiểm soát viên. Một số nội dung có thay đổi đáng chú ý so với quy định trước đây là:
– Yêu cầu cơ quan đại diện chủ sở hữu thành lập một đơn vị chuyên trách hoặc giao nhiệm vụ cho một đơn vị hoặc cá nhân thuộc cơ quan đại diện chủ sở hữu làm đầu mối theo dõi, giám sát, đánh giá, tổng hợp và xử lý các công việc liên quan đến hoạt động, quản lý, chế độ chính sách của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên.
– Tiền lương, thù lao, tiền thưởng, điều kiện làm việc, định mức chi phí công tác và các chi phí hoạt động khác của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định, tối thiểu bằng thành viên Hội đồng thành viên hoặc Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc) tại doanh nghiệp; được tính vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp và được lập thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp.
– Quy định rõ nội dung bắt buộc phải có trong Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát và thẩm quyền ban hành Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát.
Cuối cùng, Nghị định 47/2020/NĐ-CP đã quy định chi tiết hơn về công khai hóa hoạt động và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể:
– Quy định cụ thể về việc công bố thông tin qua mạng điện tử của doanh nghiệp. Quy định này khắc phục tồn tại trước đây là các doanh nghiệp phải xây dựng và gửi báo cáo công bố thông tin bằng bản giấy hoặc các file điện tử theo địa chỉ email đã dẫn đến việc phải scan bản giấy hoặc tải các file điện tử để đăng lên Cổng thông tin doanh nghiệp rất thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức nên hiệu quả chưa cao.
– Thiết lập cơ quan đầu mối thiết lập và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN; khắc phục tình trạng phân tán trong quản lý thông tin về DNNN, doanh nghiệp hiện đang phải gửi báo cáo đến nhiều cơ quan và không có cơ quan nào quản lý toàn diện thông tin về DNNN phục vụ cho công tác giám sát và hoạch định chính sách và cung cấp thông tin theo các cam kết quốc tế.
Thứ 3, về doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Nghị định quy định rõ hơn về đối tượng được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (DNQPAN), sửa đổi quy định về kéo dài thời hạn xác định DNQPAN, bổ sung quy định về chi đặc thù như: quân trang thường xuyên; nhiệm vụ diễn tập, huấn luyện chiến đấu, huấn luyện dự bị động viên, bay công ích, trực sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,…
Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 là lần sửa đổi thứ 4 kể từ khi lần đầu được ban hành năm 1990. Việc xây dựng, soạn thảo Luật Doanh nghiệp không chỉ là sự tiếp tục kế thừa, tiếp tục phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 mà còn thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận và ban hành quy định hướng dẫn thi hành Luật theo nguyên tắc chi tiết tối đa trong luật và hạn chế tối thiểu quy định hướng dẫn chi tiết.
Cho đến nay, cả hai Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2020 đã được ban hành và đã có hiệu lực thi hành. Cuối cùng, cần phải nhắc lại là Luật Doanh nghiệp tạo lập môi trường, tạo lập cơ hội cho doanh nghiệp; còn việc tận dụng thành công cơ hội còn một phần phụ thuộc vào chính doanh nghiệp; với nỗ lực khác nhau thì mức độ thành công của doanh nghiệp cũng sẽ khác nhau.