Cổ phần là một loại tài sản có thể sinh lời, vì vậy việc chuyển nhượng cổ phần diễn ra thường xuyên trong các doanh nghiệp. Dưới đây là một số lưu ý khi tiến hành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.
Các trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần
Theo điểm d khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Cụ thể trong các trường hợp sau:
– Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại Hội đồng cổ đông (theo khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020).
Lưu ý: Nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông, cổ đông vẫn có quyền chuyển nhượng cổ phần sang cho bên nhận thế chấp.
– Điều lệ công ty có hạn chế chuyển nhượng (khoản 1 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020).
Như vậy, nếu Điều lệ công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông không cho phép chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 thì không thể tiến hành việc xử lý tài sản bảo đảm, dẫn đến giao dịch thế chấp cổ phần vô hiệu.
Hình thức chuyển nhượng cổ phần
Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, cụ thể:
– Giao dịch trên thị trường chứng khoán: Trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
– Giao dịch bằng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.
Lưu ý khi làm thủ tục chuyển nhượng cổ phần (Ảnh minh hoạ)
Trường hợp không phải thông báo thay đổi thông tin cổ đông
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần được thực hiện trong nội bộ doanh nghiệp. Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua.
– Trường hợp chuyển nhượng cổ phần trong nội bộ doanh nghiệp, các cổ đông chỉ cần soạn thảo và ký kết hợp đồng chuyển nhượng, tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.
– Trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua, sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, doanh nghiệp nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.Thủ tục thay đổi thông tin cổ đông sáng lập
Như đã phân tích, trường hợp người nhận chuyển nhượng cổ phần không phải là cổ đông công ty, thủ tục này chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua.
1. Hồ sơ thủ tục thay đổi thông tin cổ đông sáng lập
* Thành phần hồ sơ:
– Thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập theo mẫu.
– Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp phải nộp kèm theo:
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư;
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
+ Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp.
– Trường hợp không phải chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ thì người được ủy quyền phải nộp bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:
+ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
+ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
Kèm theo văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ
2. Trình tự thực hiện
Bước 1: Nộp hồ sơ
Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận một cửa Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
+ Đăng ký qua mạng tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bằng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh (đối với Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải đăng ký qua mạng).
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Bước 3: Nhận kết quả
* Thời gian thực hiện: 03 ngày làm việc
Như vậy, thủ tục chuyển nhượng cổ phần chỉ cần thực hiện và công bố trong nội bộ doanh nghiệp, trừ trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì phải thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
Hữu Đức
Theo luatvietnam.vn
Nguồn bài viết: https://luatvietnam.vn/doanh-nghiep/04-luu-y-khi-thuc-hien-thu-tuc-chuyen-nhuong-co-phan-561-31172-article.html