ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ do tác động của dịch Covid-19

Nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt công nhân trong mùa dịch Covid-19 – ẢNH: NG.NGA/ TNo

NCS. Ths LÊ THỊ DIỄM PHƯƠNG NCS (Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật Tp.HCM) – Trong phạm vi của bài viết, tác giả sẽ phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến loại hợp đồng có tồn tại điều kiện huỷ bỏ theo các góc độ như quy định của pháp luật, vận dụng điều khoản trong hợp đồng do tác động của dịch Covid-19 và kiến nghị hoàn thiện những nội dung còn bỏ ngõ liên quan đến quy định hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ trong BLDS năm 2015.

Dẫn nhập. Dịch Covid 19 đã xảy ra, dẫn đến rất nhiều đơn vị kinh doanh đã bị thiệt hại do tình hình kinh doanh trì trệ, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Đại dịch Covid-19 là một sự kiện khó có thể lường trước được mức độ ảnh hưởng, lan truyền, biến thể nguy hiểm cũng như mức độ đe doạ của dịch bệnh đối với cuộc sống của con người, nằm ngoài khả năng dự tính của con người. Hiện nay, với tình hình dịch bệnh bùng phát, việc thi hành các quyết sách của Nhà nước nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đảm bảo an toàn, sức khoẻ, tính mạng cho người dân; đã có những tác động khá lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp. Để tìm cách giảm lỗ, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, đóng các cửa hàng, chi nhánh, thậm chí phải giải thể, phá sản. Điều này dẫn đến hậu quả nhiều loại hợp đồng trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ, giải trí, kinh tế, tài chính, ngân hàng… bị phá vỡ cam kết, không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện.

Để giúp các bên tháo gỡ những vướng mắc trong hợp đồng cũng như hạn chế việc vi phạm hợp đồng, bên cạnh những quy định của pháp luật mà các bên có thể áp dụng như môt “tấm lá chắn” pháp lý cho hợp đồng khi dịch Covid-19 bùng phát, chẳng hạn như sự kiện bất khả kháng, thực hiện hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi, quyền hoãn thực hiện hợp đồng thì các bên có thể thoả thuận Covid 19 là điều kiện huỷ bỏ hợp đồng. Đây là loại thoả thuận mang bản chất của điều kiện huỷ bỏ – một loại giao dịch có điều kiện (khác với chế tài huỷ bỏ hợp đồng).

Trong phạm vi của bài viết, tác giả sẽ phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến loại hợp đồng có tồn tại điều kiện huỷ bỏ theo các góc độ như quy định của pháp luật, vận dụng điều khoản này trong hợp đồng do tác động của Covid-19 và kiến nghị hoàn thiện những nội dung còn bỏ ngỏ liên quan đến quy định hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ trong BLDS năm 2015.

1.Sự tồn tại của điều kiện huỷ bỏ trong hợp đồng có điều kiện

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống mà có nhiều loại hợp đồng khác nhau. Từ khái niệm này, BLDS đưa ra nhiều loại hợp đồng trong đó có loại hợp đồng có điều kiện. BLDS năm 2015 đề cập đến loại hợp đồng này ở các điều luật cụ thể như Điều 120, Điều 284, khoản 6 Điều 402, Điều 462. Theo đó, hợp đồng có điều kiện là loại hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một sự kiện nhất định. Đây là loại hợp đồng mà khi giao kết, các bên có thể thỏa thuận để xác định về một sự kiện và khi sự kiện đó xảy ra thì hợp đồng được thực hiện hoặc chấm dứt. Mặc dù hợp đồng có điều kiện được quy định trong BộLDS năm 2015 nhưng cũng chưa có quy định chi tiết, cụ thể về loại hợp đồng cũng như loại điều kiện trong hợp đồng có điều kiện.

Theo khoản 1 Điều 120 BLDS năm 2015, tồn tại các loại điều kiện như: điều kiện phát sinh, điều kiện huỷ bỏ. Cụ thể, Điều 120 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ”. BLDS không cho biết điều kiện phát sinh, điều kiện huỷ bỏ là như thế nào? Theo nhiều quan điểm thì điều kiện phát sinh là những sự kiện thực tế hợp pháp mà khi xuất hiện những sự kiện đó thì làm phát sinh hợp đồng có điều kiện. Đây là loại sự kiện tồn tại trên cơ sở ý chí của một bên (hành vi pháp lý đơn phương) hoặc sự thoả thuận giữa các bên (hợp đồng). Theo đó, “điều kiện phát sinh là sự kiện có thể xảy ra và không chắc chắn phải xảy ra. Nếu hợp đồng xác định một sự kiện và khi sự kiện đó xảy ra thì hợp đồng phát sinh hiệu lực – được coi là hợp đồng có điều kiện phát sinh[1].

Ví dụ: Công ty A thoả thuận sẽ tặng cho cho quận X 10 tấn lương thực, thực phẩm nếu khu vực quận X bị phong toả do Covid -19, có thể hiểu “lệnh phong toả” tại khu vực quận X sẽ là điều kiện phát sinh hợp đồng tặng cho tài sản theo thoả thuận của công ty A đối với bên được tặng cho là quận X. Còn điều kiện huỷ bỏ là điều kiện mà khi điều kiện đó xảy ra thì hợp đồng bị huỷ bỏ, có thể hiểu là loại sự kiện tồn tại cũng trên cơ sở ý chí của một bên hoặc sự thoả thuận giữa các bên, theo đó khi điều kiện là sự kiện huỷ bỏ xảy ra thì hợp đồng bị huỷ bỏ, chẳng hạn, các bên trong hợp đồng thuê động sản, bất động sản (nhà, văn phòng, mặt bằng kinh doanh v.v…) thoả thuận bên cho thuê/ bên thuê có thể trả tiền thuê, trả lại động sản hoặc bất động sản, đòi lại tiền đặt cọc vì lý do dịch Covid-19 xảy ra.

Đối với hợp đồng mua bán, trong hợp đồng các bên có thể sử dụng lý do dịch bệnh Covid xảy ra là một thoả thuận có điều kiện huỷ bỏ. Ví dụ: A thoả thuận giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá với B. Tuy nhiên các bên có thể thoả thuận nếu thời điểm giao hàng dịch Covid-19 xảy ra, doanh nghiệp không thể nhập hàng nên không có hàng để giao cho bên A thì các bên sẽ huỷ bỏ hợp đồng. Đối với một số hợp đồng dịch vụ như logistics, hợp đồng mua bán hang hoá, các bên có thể thoả thuận trường hợp công ty dịch vụ logistics, công ty mua bán hàng hóa không thể giao hàng, nhận hàng hoặc vi phạm thời hạn giao hàng vì thiếu công nhân do phải đi cách ly tập trung, đi điều trị do nhiễm Covid -19, do nghỉ việc, thậm chí công ty phải đóng cửa vì Covid-19 là điều kiện để huỷ bỏ hợp đồng dịch vụ, hợp đồng mua bán  mà các bên đã giao kết. Đối với hợp đồng dịch vụ du lịch, các bên có thể thoả thuận nếu chuyến bay bị hủy theo lệnh của Chính phủ do dịch Covid-19 là điều kiện để công ty du lịch hoặc phía khách hàng có thể huỷ bỏ hợp đồng, hoàn lại cho nhau nhưng gì đã nhận mà không phải chịu phạt hay bồi thường.

Tuy nhiên, hiện nay BLDS năm 2015 chỉ dừng lại ở việc liệt kê về loại điều kiện, chưa có những quy định cụ thể nhằm nhận dạng loại hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ với những loại hợp đồng có điều kiện khác cũng như với chế tài huỷ bỏ hợp đồng. Chúng ta cần phân biệt điều kiện phát sinh và điều kiện huỷ bỏ hợp đồng. Nếu điều kiện phát sinh là điều kiện tồn tại ngay cả khi hợp đồng chưa có hiệu lực, và điều kiện này phát sinh sẽ dẫn đến kích hoạt hiệu lực của hợp đồng (quyền và nghĩa vụ phát sinh); thì ngược lại điều kiện huỷ bỏ tồn tại khi hợp đồng đã và đang có hiệu lực và khi điều kiện này xảy ra hợp đồng sẽ bị huỷ bỏ.

2.Phân biệt huỷ bỏ hợp đồng và hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ

Vì “hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ” và “chế tài huỷ bỏ hợp đồng” đều có chung thuật ngữ “huỷ bỏ” nên có thể dẫn đến cách hiểu là tương đồng nhau. Tuy nhiên, đây là hai quy định có nhiều điểm khác nhau và được vận dụng điều chỉnh khác nhau trong quan hệ hợp đồng. Tác giả sẽ phân tích dưới góc độ lý luận nhằm phân biệt rõ hơn những điểm khác nhau của hai quy định này:

Thứ nhất, về khái niệm, huỷ bỏ hợp đồng được quy định từ Điều 423 đến Điều 427 BLDS năm 2015 là một biện pháp chế tài hay biện pháp trách nhiệm dân sự. Theo đó, chế tài hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng hoặc hủy bỏ một phần hợp đồng. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn có hiệu lực. Còn hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ là một loại hợp đồng mà các bên có thoả thuận trước về điều kiện huỷ bỏ, và khi điều kiện đó xảy ra thì hợp đồng sẽ không thực hiện hoặc không tiếp tục được thực hiện nữa, căn cứ pháp lý áp dụng cho loại hợp đồng có điều kiện này là Điều 120 BLDS năm 2015.

Thứ hai, về điều kiện áp dụng, theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây[2](i) xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng; (ii) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Khi tiến hành áp dụng chế tài huỷ bỏ hợp đồng thì bên yêu cầu phải thông báo ngay cho bên còn lại biết về việc hủy bỏ thực hiện hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo mà gây ra thiệt hại cho bên còn lại thì bên yêu cầu phải bồi thường thiệt hại. BLDS năm 2015 có điểm khác so với Luật Thương mại năm 2005 là thay vì sử dụng khái niệm “một bên vi phạm nghĩa vụ cơ bản” thì sử dụng khái niệm “bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng”. Như vậy, chế tài huỷ bỏ hợp đồng được áp dụng theo luật định hoặc theo thoả thuận của các bên[3].

Khác với chế tài huỷ bỏ hợp đồng, đối với hợp đồng có điều kiện thì chúng ta sẽ hiểu là điều kiện huỷ bỏ là điều kiện các bên thoả thuận xuất phát từ nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng, điều kiện huỷ bỏ có thể theo thoả thuận, miễn là thoả thuận không vi phạm điều cấm, trái đạo đức xã hội. Điều kiện mà các bên thoả thuận có thể là sự kiện, hoặc là hành vi. Ví dụ: Dịch Covid -19 là sự kiện dẫn đến hợp đồng bị huỷ bỏ, và việc huỷ bỏ là do sự thoả thuận từ trước chứ không phải là hành vi vi phạm của một bên đối với bên kia. Trong trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên có thể là một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ, nghiêm trọng hoặc không nghiêm trọng, tuy nhiên khi sự vi phạm đó trở thành điều kiện để hủy bỏ hợp đồng theo thoả thuận thì hợp đồng sẽ chấm dứt, không phải chịu phạt hay bồi thường thiệt hại. Như vậy, đối với hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ, hợp đồng chỉ được coi là tồn tại điều kiện hủy bỏ nếu các bên đã thỏa thuận từ trước, do vậy, trong trường hợp, hợp đồng không có thỏa thuận về điều kiện hủy bỏ hợp đồng thì các bên không được tự ý thực hiện quyền hủy bỏ hợp đồng của mình.

Thứ ba, về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng. Đối với chế tài huỷ bỏ hợp đồng, việc hủy bỏ hợp đồng có giá trị pháp lý, thỏa mãn các điều kiện, yêu cầu luật định thì làm phát sinh hậu quả pháp lý đối với các bên, cụ thể: một là, hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Hai là, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản. Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả. Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Ba là, bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường. Bốn là, hậu quả liên quan đến quyền nhân thân khi hợp đồng bị hủy bỏ sẽ giải quyết theo BLDS và luật khác có liên quan quy định[4].

Riêng đối với hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ là một loại hợp đồng có điều kiện theo BLDS năm 2015. BLDS chưa quy định về hậu quả cụ thể của trường hợp huỷ bỏ theo hợp đồng này là như thế nào? Điều 120 BLDS năm 2015 quy định “trường hợp các bên thoả thuận điều kiện huỷ bỏ thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự huỷ bỏ”. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 không quy định những vấn đề pháp lý phát sinh do hợp đồng bị huỷ bỏ là như thế nào? Tác giả cho rằng vì BLDS năm 2015 không quy định cụ thể hướng xử lý, nên cần đặt ra trường hợp cụ thể như sau:

Trong trường hợp các bên có thoả thuận dịch Covid-19 bùng phát là điều kiện huỷ bỏ hợp đồng thì hệ quả xử lý hợp đồng sẽ theo thoả thuận giữa các bên. Ví dụ (i): A và B đã lên kế hoạch và tổ chức đặt tiệc cưới tại nhà hàng X, Tp. H, theo đó, A đặt cọc trước 50% giá trị hợp đồng, hai bên có thoả thuận thêm nếu A và B huỷ tiệc thì sẽ bị mất tiền cọc. Tuy nhiên, nếu các bên có thoả thuận dịch Covid-19 bùng phát là điều kiện huỷ bỏ hợp đồng dịch vụ này, thì nếu các bên hoặc một trong các bên không thể thực hiện hợp đồng thì khi điều kiện xảy ra các bên có thể huỷ bỏ hợp đồng mà không phải chịu phạt cọc. Tương tư, ví dụ (iii): A đặt dịch vụ thuê phòng khách sạn cho chuyến du lịch tại thành phố X vào tháng 8.2021, A tạm ứng 70% giá trị hợp đồng đồng thời cũng là khoản tiền cọc để đảm bảo nghĩa vụ hợp đồng. Trong trường hợp này khi giao kết hợp đồng các bên có thể đàm phán đưa vào hợp đồng điều kiện huỷ bỏ nếu thời điểm này dịch Covid -19 bùng phát và các bên phải thực hiện lệnh cách ly hoặc giãn cách xã hội của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, bên không thể thực hiện được hợp đồng có thể gửi thông báo cho bên kia để huỷ bỏ hợp đồng, mà không phải chịu các biện pháp trách nhiệm như phạt cọc, phạt vi phạm, hay bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên không thoả thuận cụ thể dịch Covid-19 bùng phát là điều kiện huỷ bỏ hợp đồng thì theo tác giả hệ quả xử lý sẽ tương tự như chế tài huỷ bỏ hợp đồng. Ví dụ (ii): Công ty A ký kết hợp đồng cung ứng hàng cho siêu thị B, trong trường hợp một trong hai bên có nhân viên dương tính với virus Corona, khiến công ty phải đóng cửa, không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; trường hợp này nếu các bên không thoả thuận Covid -19 là điều kiện huỷ bỏ hợp đồng thì phải lựa chọn các quy định khác để xử lý. Nếu các bên thoả thuận dịch Covid -19 là điều kiện huỷ bỏ hợp đồng thì điều kiện này sẽ được áp dụng cho hoàn cảnh xảy ra.  Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ nhưng xảy ra điều kiện huỷ bỏ, các bên không thoả thuận cụ thể hậu quả do huỷ bỏ hợp đồng thì hướng xử lý sẽ như thế nào? Có thể áp dụng tương tự như hậu quả của chế tài huỷ bỏ hợp đồng theo Điều 427 hay không? BLDS năm 2015 không quy định hệ quả đối với loại hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ. Vì BLDS chưa có quy định cụ thể nên khi giao kết hợp đồng các bên có thể thoả thuận thêm điều khoản bổ sung kèm theo điều kiện huỷ bỏ trong hợp đồng.

Theo đó, tác giả cho rằng vẫn có thể áp dụng hệ quả của Điều 423 BLDS năm 2015 cho những trường hợp có thoả thuận điều kiện huỷ bỏ là loại điều kiện cụ thể trong hợp đồng. Theo hoàn cảnh như ví dụ (i) và (ii) đã nêu trên, các bên có thể thoả thuận hợp đồng bị huỷ bỏ từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, những nghĩa vụ đã thực hiện trước đó vẫn có hiệu lực pháp luật. Ngược lại, nếu hợp đồng chưa được thực hiện bởi một trong các bên nhưng dịch Covid bùng phát các bên có thể huỷ bỏ hợp đồng và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

3.Kiến nghị hoàn thiện quy định về điều kiện huỷ bỏ trong hợp đồng có điều kiện

Cần bổ sung quy định trong BLDS về khái niệm, nội dung, hệ quả của điều kiện huỷ bỏ nghĩa vụ trong phần nghĩa vụ và hợp đồng. Như vậy, từ những nghiên cứu nêu trên về khái niệm hợp đồng có điều kiện phát sinh, điều kiện huỷ bỏ hợp đồng, tác giả cho rằng điều 120 BLDS năm 2015 cần bổ sung khái niệm về điều kiện phát sinh, điều kiện huỷ bỏ trong hợp, theo đó:

Điều kiện phát sinh: Là điều kiện mà khi điều kiện đó xảy ra thì phát sinh quan hệ pháp luật hợp đồng giữa các bên theo điều kiện đã thoả thuận và các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo thoả thuận đó. Điều kiện phát sinh phải tồn tại trước khi hợp đồng có hiệu lực.

Điều kiện huỷ bỏ: Cần bổ sung quy định trong BLDS năm 2015 về khái niệm, nội dung, hệ quả của điều kiện huỷ bỏ nghĩa vụ trong phần giao dịch dân sự, nghĩa vụ và hợp đồng. Theo đó, trường hợp các bên có thoả thuận về điều kiện huỷ bỏ trong hợp đồng thì khi điều kiện đó xảy ra hợp đồng bị huỷ bỏ và các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

BLDS Pháp có quy định rõ “điều kiện huỷ bỏ không có nghĩa là hoãn lại việc thực hiện nghĩa vụ, mà chỉ yêu cầu bên có quyền phải hoàn trả những gì đã nhận trong trường hợp sự kiện quy định trong điều kiện xảy ra” (Điều 1183). Chúng ta có thể bổ sung thêm quy định này để chỉ dẫn rõ hơn hệ quả áp dụng đối với hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ trong BLDS hiện hành.

Về hệ quả, trong hợp đồng các bên nên có điều khoản thể hiện sự phân biệt giữa trường hợp nếu xảy ra điều kiện huỷ bỏ. Theo đó, nên bổ sung thêm  hợp đồng sẽ mặc nhiên bị huỷ bỏ và việc kèm theo chế tài bổ sung nếu có; có nghĩa là các bên cần phân biệt hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ và huỷ bỏ hợp đồng (là biện pháp chế tài áp dụng đối với chủ thể vi phạm), các bên nên thoả thuận trong hợp đồng điều kiện huỷ bỏ sẽ mặc nhiên được áp dụng đối với trường hợp một bên không thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ như đã cam kết với bên kia. Tuy nhiên, bên có cam kết không được thực hiện xuất phát từ hành vi vi phạm hay lỗi của bên kia thì có quyền yêu cầu bên bị xác định là đã vi phạm phải thực hiện hợp đồng nếu có thể thực hiện được, hoặc yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng và bồi thường thiệt hại.

Kết luận. Hợp đồng có điều kiện huỷ bỏ là một loại hợp đồng có điều kiện, theo đó khi điều kiện huỷ bỏ xảy ra hợp đồng sẽ bị huỷ bỏ. Đây là một trong những quy định của BLDS năm 2015, cũng như cách thức mà các bên có thể lựa chọn, vận dụng vào nội dung hợp đồng để hạn chế những tranh chấp có thể phát sinh do dịch Covid -19 bùng phát hay do những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác dẫn đến các bên không thể thực hiện đúng hợp đồng như thoả thuận.

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Giáo trình Luật La Mã, Nxb. CAND, Hà Nội, tr.107-108.

[2] Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật Thương mại năm 2005.

[3] Điều 423 BLDS 2015 quy định về hủy bỏ hợp đồng. Điều 424 Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ, Điều 425 Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện; Điều 426 Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng.

[4] Điều 427 BLDS 2015 quy định về hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/hop-dong-co-dieu-kien-huy-bo-do-tac-dong-cua-dich-covid-19

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục