So với Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, BLTTHS năm 2015 bỏ quy định về chấp hành hình phạt tù đối với người dưới 18 tuổi, do Điều 308 BLTTHS năm 2003 trùng với Điều 50 Luật thi hành án hình sự (THAHS) năm 2010. Hơn nữa, thi hành án khác với việc giải quyết vụ án và thi hành án không phải là một công việc tố tụng, không nên coi là giai đoạn tố tụng. Thi hành án hình sự là công tác tổ chức thi hành án trên thực tế, do đó, chỉ nên quy định về trình tự, thủ tục ở Luật THAHS. Pháp luật Việt Nam đã thống nhất về phạm vi áp dụng các quy định về thi hành hình phạt tù đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi theo hướng chỉ áp dụng theo Luật THAHS. Luật THAHS năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020) đã cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn công tác thi hành án. Đặc biệt, Luật THAHS năm 2019 đã cụ thể hóa chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội và ngày càng tương thích với pháp luật quốc tế về quyền con người, trong đó có phạm nhân là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, các quy định về thi hành hình phạt tù đối phạm nhân là người dưới 18 tuổi theo Luật THAHS năm 2019 vẫn còn một số bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện.
Về tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi
Trên thực tế, trong các loại hình phạt Tòa án áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, thì hình phạt tù giam vẫn chiếm tỉ lệ cao. Với quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 về tăng cường miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội để giám sát giáo dục tại cộng đồng và giảm hình phạt tù có thời hạn, tỉ lệ người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự hoặc áp dụng biện pháp tư pháp tăng hơn, nhưng chưa đến 01%. Hình phạt tù có thời hạn vẫn được áp dụng phổ biến (hơn 91%). Số liệu nêu trên cho thấy người chưa thành niên bị áp dụng hình phạt với tỉ lệ cao mà không phải là các biện pháp chuyển hướng, trong đó, hình phạt tù là phổ biến và đa số ở khung hình phạt dưới 03 năm tù. Chúng tôi cho rằng, BLHS hiện hành cần quy định trực tiếp trong các tội phạm cụ thể (loại tội phạm ít nghiêm trọng), là đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không áp dụng hình phạt tù giam, mà thay bằng các biện pháp chuyển hướng hoặc hình phạt không tước tự do. Điều 101 BLHS năm 2015 quy định mang tính nguyên tắc (thể hiện chính sách chung về hình phạt), đó là: Mức phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phải dựa theo độ tuổi, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Để bảo đảm thống nhất với các quy định của pháp luật hình sự, Luật THAHS năm 2019 đã bổ sung Mục 3, Chương 2 từ Điều 57 đến Điều 72. Các điều khoản này quy định về thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện (thực hiện mỗi năm 03 đợt vào thời điểm kết thúc quý I, kết thúc quý II và kết thúc năm xếp loại); thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; cơ quan quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú, làm việc là cơ quan trực tiếp tổ chức quản lý, giám sát và giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Thực tiễn triển khai các quy định của Luật THAHS năm 2019 về tha tù trước thời hạn đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi đặt ra một số vấn đề về thủ tục thi hành quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi, cụ thể:
– Việc giao nhận hồ sơ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện:
Điều 59 Luật THAHS năm 2019 quy định: “… Trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS Công an cấp huyện có trách nhiệm bàn giao hồ sơ phạm nhân cho cơ quan THAHS Công an cấp huyện nơi người tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú, cơ quan THAHS cấp quân khu. Cơ quan THAHS Công an cấp huyện nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú, cơ quan THAHS cấp quân khu tiếp nhận, quản lý hồ sơ phạm nhân; lập hồ sơ quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và giao cho UBND cấp xã, đơn vị Quân đội để tổ chức quản lý”. Hướng dẫn Điều 59 Luật THAHS năm 2019, khoản 2 Điều 7 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/5/2018 của Bộ Công an quy định thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Công an nhân dân (Thông tư số 12/2018) nêu rõ: “Sau khi tha phạm nhân, cơ sở giam giữ hoàn chỉnh hồ sơ phạm nhân và bàn giao cho cơ quan THAHS Công an cấp huyện nơi phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú (nơi chấp hành thời gian thử thách) để quản lý và phục vụ công tác quản lý, giám sát, giáo dục, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Cơ sở giam giữ có thể bàn giao tất cả hồ sơ phạm nhân trong cùng một đợt tha tù trước thời hạn có điều kiện cho cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh để bàn giao cho cơ quan THAHS Công an cấp huyện. Việc bàn giao hồ sơ phạm nhân phải lập biên bản, lưu hồ sơ phạm nhân”. Có thể thấy Luật THAHS năm 2019 và Thông tư số 12/2018 đều không quy định rõ thời hạn của việc bàn giao hồ sơ từ cơ quan THAHS cấp tỉnh xuống cấp xã. Điều này có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc giao nhận hồ sơ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Có trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đến trình diện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, đăng ký tạm trú và thường trú nhưng thời điểm đó các cơ quan có thẩm quyền quản lý vẫn chưa nhận được hồ sơ để đưa người đi thi hành án. Như vậy, việc giao nhận hồ sơ chậm sẽ làm ảnh hưởng đến việc quản lý và theo dõi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 59 Luật THAHS năm 2019 theo hướng xác định cụ thể thời gian chuyển giao hồ sơ phạm nhân giữa cơ quan THAHS các cấp, trại giam, trại tạm giam cho Ủy ban nhân dân cấp xã nhằm khắc phục bất cập nêu trên.
– Về mức rút ngắn thời hạn thử thách:
Khoản 2 Điều 64 Luật THAHS năm 2019 quy định: “Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện mỗi năm có thể được rút ngắn thời gian thử thách 01 lần từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện còn lại dưới 03 tháng thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại”. Tuy nhiên, điểm a khoản 4 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 về phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Thông tư số 04/2018) quy định: “Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thời gian thử thách còn lại dưới 01 (một) tháng thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại”. Như vậy, cùng một vấn đề nhưng các văn bản pháp luật quy định về “mức rút ngắn thời hạn thử thách” lại hướng dẫn khác nhau, gây khó khăn cho Tòa án khi áp dụng. Quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật THAHS năm 2019 đã hợp lý và có sự tương đồng, phù hợp với quy định về mức rút ngắn thời hạn thử thách theo Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn có điều kiện. Hơn nữa, việc rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chính sách hình sự mà không phải là một đặc ân như đặc xá. Do vậy, cần sửa đổi Thông tư số 04/2018 cho phù hợp với Luật THAHS năm 2019 và Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về “mức rút ngắn thời hạn thử thách” nhằm bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng pháp luật; tính hiệu quả trong việc áp dụng chính sách hình sự.
Về chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi
Thực tiễn cho thấy, việc chuẩn bị cho phạm nhân là người dưới 18 tuổi hết hạn tù tái hòa nhập cộng đồng tại một số trại giam thường được tiến hành một cách thụ động. Đó là trước khi trả tự do, Ban Giám thị gửi công văn cho chính quyền địa phương, sau đó cấp tiền tàu xe cho phạm nhân tự về (nếu không có người đến đón). Tuy nhiên, phạm nhân là người dưới 18 tuổi không nắm được tình hình và khả năng đón nhận của địa phương, nên thường có tâm lý hoang mang. Vì Luật THAHS năm 2019 không quy định, nên Ban Giám thị trại giam không có hoạt động cụ thể như: Thông báo cho người mãn hạn tù nói chung về khả năng tiếp nhận của địa phương; thái độ của gia đình, nhà trường, xã hội đối với họ như thế nào; họ có việc làm sau khi ra tù hay không? Nếu không có sự phối kết hợp tốt giữa các cơ quan ban ngành tại địa phương, không có sự giáo dục, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi để học tập, lao động thì họ rất dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội. Bên cạnh đó, khi sửa đổi Luật THAHS năm 2010 có nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm: “Áp dụng thống nhất chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở đối với người trên 18 tuổi chưa hoàn thành các chương trình này; đồng thời bắt buộc phạm nhân là người dưới 18 tuổi phải phổ cập trung học cơ sở, vì trong trại giam có thể áp dụng theo hình thức giáo dục thường xuyên”. Qua thực tiễn công tác thi hành án phạt tù cho thấy, để bảo đảm mục tiêu giáo dục cải tạo người chấp hành án phạt tù, cần quy định chế độ học tập, học nghề của phạm nhân là chế độ bắt buộc. Vì vậy, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 71 Luật THAHS năm 2019 về chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động như sau:
“Phạm nhân là người dưới 18 tuổi phải được giam giữ ở một khu riêng trong trại giam theo chế độ quản lý, học tập, lao động phù hợp với sức khỏe, giới tính, lứa tuổi, tính chất tội phạm và đặc điểm nhân thân.
Ban giám thị trại giam phải có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người dưới 18 tuổi về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, học vấn, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện bắt buộc học chương trình tiểu học, phổ cập trung học cơ sở và bắt buộc phải học nghề (ít nhất một nghề thành thạo).
Chương trình, nội dung học tập, học nghề bắt buộc của phạm nhân dưới 18 tuổi do Chính phủ quy định. Ban Giám thị trại giam phải tạo điều kiện và hướng dẫn cho phạm nhân lựa chọn, đăng ký học nghề.
Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được lao động ở khu vực riêng và phù hợp với độ tuổi; không phải làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
Đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi đã chấp hành xong hình phạt tù, Ban Giám thị trại giam phải thông báo cho người đó biết về tình hình đón nhận của gia đình, địa phương và phải phối hợp với gia đình, chính quyền cấp xã nơi người đó cư trú và các tổ chức chính trị xã hội để giúp đỡ họ trở về địa phương”.
Về chế độ thăm gặp, liên lạc điện thoại đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi
Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ và tinh thần; đang ở trong giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách và chưa thể có suy nghĩ chín chắn khi quyết định hành vi của mình. Do tư duy của người dưới 18 tuổi chưa phát triển hoàn thiện, vì thế họ chưa hiểu biết đầy đủ những hiện tượng diễn ra trong đời sống thường nhật, tính làm chủ bản thân và khả năng tự kiềm chế hành vi còn có sự hạn chế. Phần lớn những người bị kết án là người dưới 18 thường sống phụ thuộc vào gia đình và ở độ tuổi đi học, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà dẫn đến phạm tội6. Bởi vậy, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành, phát triển nhân cách và hành vi của người dưới 18 tuổi. Việc Luật THAHS khuyến khích người bị kết án dưới 18 tuổi duy trì liên lạc thường xuyên với thân nhân để họ nhận được sự động viên, quan tâm của gia đình, người thân, tạo tâm lý tốt trong quá trình học tập, lao động tại trại giam là một việc thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước. Bên cạnh gia đình, nhà trường cũng góp phần quan trọng vào việc đào tạo, giáo dục, rèn luyện tư cách đạo đức của người dưới 18 tuổi. Họ sẽ xóa bỏ mặc cảm, cải tạo tốt hơn khi có sự động viên, khích lệ từ thầy cô, bạn bè; đồng thời, thông qua việc gặp gỡ bạn bè, thầy cô giúp họ nhận thức về những thay đổi đã và đang diễn ra trong nhà trường, ngoài xã hội; có định hướng tốt hơn, đúng đắn hơn sau khi được trả tự do. Chính vì vậy, cần bổ sung quy định tại Điều 76 Luật THAHS năm 2019 về chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân như sau: “Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được duy trì liên lạc với thân nhân, thầy cô, bạn bè qua thư từ hoặc điện thoại. Phong bì và tem thư được cấp miễn phí cho phạm nhân. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân, thầy cô, bạn bè không quá 04 lần trong 01 tháng, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí.
Nhà nước khuyến khích thân nhân, thầy cô, bạn bè của phạm nhân là người dưới 18 tuổi quan tâm gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho phạm nhân”.
Đề xuất, kiến nghị
Các vấn đề pháp lý về người dưới 18 tuổi, đặc biệt là về tư pháp hình sự được quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau (Bộ luật Hình sự; Luật THAHS; Luật đặc xá; BLTTHS; Luật trẻ em; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật trợ giúp pháp lý) mà chưa có một đạo luật chuyên biệt cho nên các cơ quan thực thi pháp luật còn gặp khó khăn khi áp dụng quy phạm pháp luật đối với người chưa thành niên. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm quyền cho người dưới 18 tuổi phạm tội nói chung, người chấp hành án phạt tù nói riêng. Do đó, chúng tôi đề xuất, trong tương lai cần ban hành một đạo luật riêng về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên, điều chỉnh trên diện rộng các vấn đề pháp lý và phải có các nội dung (giá trị cơ bản) đối với người chưa thành niên, gồm: (1) Hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam đối với người chưa thành niên, gồm: 1.1. Chính sách pháp luật hình sự và tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên; 1.2. Chính sách pháp luật thi hành án đối với người chưa thành niên); (2) Hệ thống các nguyên tắc đối với người chưa thành niên trong nền tư pháp hình sự Việt Nam, gồm: 2.1. Nguyên tắc nhân đạo; 2.2. Nguyên tắc hướng thiện; 2.3. Nguyên tắc tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên (bao gồm cả bảo đảm quyền bào chữa); 2.4. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa; (3) Hệ thống các quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên trong tư pháp hình sự (cần liệt kê cụ thể, tránh quy định chung chung, hình thức về quyền trong các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, dân sự); (4) Các chế độ của người chấp hành án là người chưa thành niên, gồm: 4.1. Chế độ dinh dưỡng; 4.2. Chế độ phòng ở, quần áo và các dụng cụ sinh hoạt thiết yếu; 4.3. Chế độ chăm sóc y tế; 4.4. Chế độ thăm nom, giao tiếp; 4.5. Chế độ văn hóa, thể thao; (5) Hệ thống các biện pháp giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm tội; (6) Tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên chấp hành xong hình phạt tù; (7) Hệ thống các biện pháp phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội; (8) Thi hành các loại hình phạt đối với người chưa thành niên bị kết án và áp dụng các biện khác đối với người chưa thành niên./.
Ts. Nguyễn Ngọc Kiện, Ths. Trịnh Tuấn Anh, Ths. Lê Thị Thoa