ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Nhập hoặc tách vụ án hình sự – Vướng mắc và kiến nghị

Nhập hoặc tách vụ án hình sự – Vướng mắc và kiến nghị

Theo Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử – Ths.LÊ ĐÌNH NGHĨA (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5) – Một trong các điểm mới của BLTTHS năm 2015 là quy định rõ thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc quyết định nhập, tách vụ án hình sự (Điều 170 và 242 BLTTHS). Tuy nhiên, luật không quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án và đây là quy định tùy nghi nên còn có những quan điểm cách hiểu áp dụng khác nhau. Tác giả phân tích những trường hợp cụ thể, những vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện.

1.Giai đoạn điều tra

Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra tại Điều 170 BLTTHS [i].

Việc nhập để tiến hành điều tra trong cùng một vụ án là trường hợp các vụ phạm tội đã được khởi tố theo các quyết định khởi tố vụ án khác nhau được đưa vào cùng một vụ án để tập trung chỉ đạo điều tra và xử lý thống nhất và hoạt động điều tra được kịp thời, nhanh chóng, khách quan, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Tuy nhiên, không được nhập vụ án hình sự trong trường hợp các vụ án riêng biệt, những hoạt động phạm tội của các bị can không liên quan với nhau hoặc chưa đủ tài liệu để xác định việc liên quan của các hoạt động này. Như vậy, luật không quy định bắt buộc phải nhập hoặc tách vụ án và đây là quy định tùy nghi, chính vì là quy định tùy nghi nên còn có những quan điểm, cách hiểu áp dụng khác nhau, chưa thống nhất.

Thứ nhất, giai đoạn điều tra, truy tố nếu việc nhập, tách vụ án của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đúng, Tòa án sẽ xét xử vụ án đúng và ngược lại nếu việc nhập, tách vụ án của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sai, không đúng quy định về thẩm quyền xét xử sẽ dẫn đến Tòa án xét xử vụ án sai thẩm quyền. Vì vậy, việc nhập, tách vụ án tại Điều 170 và Điều 242 BLTTHS, phải theo thẩm quyền xét xử của Tòa án (Thẩm quyền xét xử giữa Tòa án quân sự và TAND; giữa TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh).

Ví dụ: Trần Văn B, Nguyễn Văn L đều là quân nhân Lữ đoàn T tham gia đánh bạc trái phép bằng hình thức cá cược số, lô đề được thua bằng tiền cùng với 8 con bạc là dân thường cư trú trên địa bàn xã H, huyện S, tỉnh N. Trần Văn B đã có hành vi 2 lần trực tiếp tham gia đánh bạc với Đinh Xuân T (Đinh Xuân T tổ chức đánh bạc) bằng hình thức cá cược bao lô số, lô đề với tổng số tiền đánh bạc là 15.260.000 đồng, Nguyễn Văn L có 02 lần trực tiếp tham gia đánh bạc với Đinh Xuân T số tiền là 4.700.000 đồng. Công an huyện S sau thời gian theo dõi, mật phục, đủ chứng cứ đã bắt quả tang, khởi tố vụ án hình sự, đề nghị Viện kiểm sát huyện S truy tố đối với Đinh Xuân T về tội ‘‘Tổ chức đánh bạc’’, truy tố đối với 8 dân thường và 2 quân nhân B, L về tội ‘‘Đánh bạc’’. Quá trình điều tra xét thấy B, L là quân nhân của Lữ đoàn T thuộc quân đội quản lý nên Công an huyện S quyết định tách vụ án hình sự đối với B, L và quyết định chuyển vụ án sang Cơ quan điều tra hình sự Khu vực Quân khu K để điều tra về tội Đánh bạc theo thẩm quyền đối với B và L. Việc tách vụ án trên có những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S tách vụ án hình sự và chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra hình sự Khu vực Quân khu K điều tra là đúng quy định về thẩm quyền điều tra, truy tố, bởi vì trong vụ án ‘‘Tổ chức đánh bạc’’, ‘‘Đánh bạc’’ có sự tham gia của Trần Văn B, Nguyễn Văn L là quân nhân Lữ đoàn T, là người của quân đội. Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S không thể nhập để tiến hành điều tra chung một vụ án mà phải quyết định tách vụ án, vì liên quan đến thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.

Quan điểm thứ hai: Trong vụ án ‘‘Tổ chức đánh bạc’’, ‘‘đánh bạc’’có sự tham gia của Đinh Xuân T, 8 dân thường cư trú trên địa bàn xã H, huyện S, tỉnh N và 02 quân nhân của Lữ đoàn T là Trần Văn B, Nguyễn Văn L. Như vậy theo quy định tại Điều 273 BLTTHS, trong trường hợp này không thể tách vụ án vì khi tách vụ án sẽ ảnh hưởng đến việc điều tra, truy tố, xét xử, xác định sự thật khách quan của vụ án, sẽ không xử lý triệt để vụ án. Việc tách vụ án của Cơ quan cảnh sát điều tra Công huyện S, tỉnh Q là sai quy định, trong trường hợp này Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S phải ra quyết định chuyển toàn bộ vụ án cho Cơ quan điều tra hình sự Khu vực Quân khu K để điều tra, chuyển Viện kiểm sat quân sự truy tố và Tòa án quân sự Khu vực Quân khu K có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án.

Quan điểm tác giả: Nhất trí với quan điểm thứ hai, trường hợp này không thể tách vụ án hình sự, quá trình điều tra Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện S, tỉnh Q xét thấy có sự tham gia đánh bạc của 02 quân nhân B, L, liên quan đến thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự phải ra quyết định chuyển toàn bộ vụ án cho Cơ quan điều tra hình sự Khu vực Quân khu K để điều tra theo thẩm quyền và Tòa án quân sự Khu vực Quân khu K xét xử toàn bộ vụ án.

Thứ hai, qua nghiên cứu quy định của BLTTHS năm 2015 về  nhập vụ án hình sự để tiến hành điều tra và thực tiễn công tác giải quyết các vụ án hình sự thấy có khó khăn, vướng mắc về trường hợp vụ án mà hành vi phạm tội, các tội phạm đã được thực hiện có quan hệ với nhau hoặc hoạt động của các bị can trong các vụ án đó có quan hệ với nhau.

Ví dụ: Nguyễn Văn A là cán bộ Lao động thương binh xã hội xã B trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, A đã không thực hiện việc cắt chế độ trợ cấp của các đối tượng thương binh, bệnh binh khi những đối tượng này chết để chiếm đoạt số tiền 900.000.000 đồng. Để quyết toán được số tiền này, A đã lập danh sách tăng giảm (số người hưởng, số tiền cấp phát) không đúng để trình Chủ tịch UBND xã là Phan Văn C ký. Ông C do tin tưởng cấp dưới nên đã không thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu do đó không phát hiện ra việc làm của A. Hành vi của A bị Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 353 BLHS 2015. Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông C về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015

Nếu căn cứ quy định của BLTTHS năm 2015 về các trường hợp nhập vụ án hình sự để điều tra thì 2 vụ án trên không thuộc 3 trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 170 và khoản 1 Điều 242 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên đối với 2 vụ án này nếu không quyết định nhập vụ án để điều tra mà khởi tố điều tra thành 2 vụ án riêng biệt thì quá trình điều tra, thu thập chứng cứ cũng như việc triệu tập bị cáo, bị hại, người làm chứng, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến phiên tòa xét xử để xét hỏi làm rõ hành vi phạm tội, trách nhiệm dân sự của các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan sẽ gặp khó khăn. Do đó trong trường hợp này thì 2 vụ án hình sự cần phải được nhập vào để tiến hành điều tra mới đảm bảo việc xác định tội phạm và người phạm tội được chính xác, xử lý nghiêm minh, triệt để, toàn diện, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân.

2. Giai đoạn truy tố

Nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố, tại Điều 242 BLTTHS[ii]. Thực tế cho thấy cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chỉ tách vụ án khi trong một vụ án có nhiều tội phạm được thực hiện, xảy ra trong khoảng thời gian dài, nếu để trong một vụ án điều tra, xử lý sẽ mất thời gian và không đảm bảo yêu cầu về thời hạn điều tra, truy tố; việc tách vụ án thật sự cần thiết, không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Các vụ án thường tách như ma túy, tham nhũng, tội phạm chức vụ liên quan đến nhiều người, trên địa bàn nhiều tỉnh và thời gian phạm tội dài.

Thứ nhất, khi tách vụ án theo khoản 2 Điều 242 BLTTHS tại giai đoạn truy tố vẫn còn những quan điểm, cách hiểu khác nhau chưa thống nhất. Ví dụ: Nguyễn Văn A, Trần Văn B, Lê Văn C cùng thực hiện hành vi ‘‘Cố ý gây thương tích’’, Cơ quan điều tra khởi tố 3 bị can A, B, C cùng tội danh ‘‘Cố ý gây thương tích’’. A và B bị tam giam, C được tại ngoại. Quá trình tam giam A bỏ trốn và có lệnh truy nã. Sau khi hết thời hạn tạm giam, kể cả gia hạn đối với B nhưng vẫn không bắt được A. Cơ quan điều tra kết thúc điều tra đề nghị truy tố B.

Quan điểm thứ nhất: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thống nhất ra quyết định tách vụ án trên đối với A, vì sau khi hết thời hạn điều tra nhưng vẫn chưa bắt được được A, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 299 BLTTHS để ra quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với A và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để truy tố và xét xử B và C.

Quan điểm thứ 2: Không tách vụ án và quyết định đình chỉ đối với A, Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát truy tố cả A, B và C. Sau khi hết thời hạn truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với A.

Quan điểm thứ ba: Không thể tách hành vi của bị can A ra thành một vụ án riêng, bởi vì A, B và C cùng thực hiện một hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm thực hành tích cực hoặc giúp sức, nếu tách sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Trường hợp không bắt được A và thời hạn điều tra của A đã hết thì Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ đối với A cùng kết luận điều tra với B và C, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát truy tố và Tòa án xét xử B và C theo quy định. Khi nào bắt được A thì Cơ quan điều tra phục hồi điều tra đối với A.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ ba, bởi vì vụ án trên, cả A, B và C cùng thực hiện hành vi ‘‘Cố ý gây thương tích’’, là đồng phạm thực hành và giúp sức trong quá trình gây án, nếu tách riêng đối với từng bị can sẽ ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Vì vậy, Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ đối với A (vì chưa bắt được A, khi nào bắt được A thì phục hồi điều tra). Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ đối với A (vì chưa bắt được A, khi nào bắt được thì phục hồi điều tra); Cơ quan điều tra ra kết luận điều tra đối với B, C và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để tách vụ án đối với A và ra Cáo trạng truy tố B, C.

Thứ hai, vụ án nhiều bị can nhưng có bị can bỏ trốn trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát phải yêu cầu cơ quan điều tra truy nã đối với bị can bỏ trốn, khi hết thời hạn truy tố thì Viện kiểm sát phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can sau đó quyết định tách vụ án theo Điều 242 BLTTHS, theo quy định này Viện kiểm sát phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can tối đa không quá thời hạn ra quyết định truy tố và khi tách vụ án đối với bị can bỏ trốn thì trong nội dung Cáo trạng truy tố các bị can còn lại phải có phần nhận định việc tách hành vi phạm tội của bị can bỏ trốn sang vụ án khác (vì chưa bắt được) và Cáo trạng phải ra trong thời hạn quyết định truy tố. Trước khi ra quyết định tách vụ án phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can bỏ trốn, Viện kiểm sát ra quyết định tách vụ án xong mới ra Cáo trạng. Như vậy việc ra quyết định tạm đình chỉ lại ra sau khi hết thời hạn truy tố.

Ví dụ: Ngày 01/3/2020, Viện kiểm sát huyện B, tỉnh Đ nhận được kết luận điều tra cùng hồ sơ vụ án Trộm cắp tài sản (tội nghiêm trọng) có 04 bị can L, Y, G, V bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Cùng ngày, Viện kiểm sát ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 04 bị can L, Y, G, V trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày 01/3/2020 đến ngày 20/3/2020 (bằng với thời hạn truy tố tội nghiêm trọng), đến ngày 02/3/2020, qua xác minh xác định bị can V đã bỏ trốn khỏi địa phương nên Viện kiểm sát đã ra yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can V. Sau đó Viện kiểm sát ra quyết định gia hạn truy tố trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày 21/3/2020 đến ngày 30/3/2020, đến ngày 31/01/2020, Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can V (theo Điều 247 BLTTHS ), tức Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can V sau khi đã hết thời hạn truy tố, sau đó mới được ra quyết định tách vụ án (Điều 242 BLTTHS), như vậy quyết định tách vụ án của Viện kiểm sát sớm nhất cũng chỉ là ngày 31/3/2020 (khi đã hết thời hạn truy tố và đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can V).Thực tiễn trong vụ án có nhiều bị can nhưng có bị can bỏ trốn trong giai đoạn truy tố để đảm bảo việc truy tố đối với các bị can còn lại thì Viện kiểm sát phải ra yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã đối với bị can đã bỏ trốn, khi hết thời hạn truy tố (kể cả gia hạn truy tố) nếu chưa bắt được bị can thì Viện kiểm sát phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can sau đó ra quyết định tách vụ án theo quy định tại Điều 242 BLTTHS.

Quy định này lại mâu thuẫn với quy định tại Điều 240 BLTTHS về thời hạn quyết định truy tố. Theo đó,  trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Theo quy định này thì Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can phải ra trong thời hạn truy tố (theo ví dụ trên thì Viện kiểm sát phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can tối đa không vượt quá ngày 30/3/2020). Mặc khác, khi tách vụ án đối với bị can V thì trong nội dung Cáo trạng truy tố các bị can còn lại phải có phần nhận định việc tách hành vi phạm tội của bị can V sang vụ án khác do bị can đã bỏ trốn chưa bắt được; tuy nhiên, Cáo trạng phải ra trong thời hạn quyết định truy tố – tức phải ra quyết định tách vụ án xong mới ra Cáo trạng, trong khi quyết định tách vụ án theo phân tích trên thì chỉ được ra khi đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can trong trường hợp bị can bỏ trốn lại được ra sau khi hết thời hạn truy tố. Điều này gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố.

3. Giai đoạn xét xử

BLTTHS không quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định nhập hoặc tách vụ án hình sự. Tại Điều 273 BLTTHS quy định việc xét xử có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền của TAND và TAQS; khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND thì thẩm quyền xét xử được thực hiện như sau: Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân. Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án.

Ví dụ: Vụ án có 01 bị can là quân nhân, các bị can còn lại là dân thường, cần có sự trao đổi, thống nhất giữa các cơ quan tư pháp trong và ngoài quân đội nhập hoặc tách vụ án để xét xử . Bị can A là dân thường vừa trộm cắp tài sản của một đơn vị quân đội, vừa trộm cắp tài sản của người dân bên ngoài có thể nhập vào một vụ án để Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án. Trường hợp A là dân thường vừa trộm cắp tài sản của đơn vị quân đội, A lại gây thương tích cho người dân khác ở bên ngoài không được nhập vào một vụ án vì hai hành vi phạm tội của A độc lập với nhau, phải tách thành 02 vụ án, hành vi trộm cắp tài sản sẽ do Tòa án quân sự xét xử, hành vi Cố ý gây thương tích sẽ do Tòa án nhân dân xét xử.

Chỉ được tách vụ án để điều tra, truy tố, xét xử riêng nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án. Về thủ tục thì xét thấy cần tách vụ án để xét xử riêng, thì TAQS đã thụ lý vụ án trao đổi với Viện kiểm sát quân sự cùng cấp, nếu VKSQS thống nhất với ý kiến của TAQS thì chuyển trả hồ sơ cho VKSQS để giải quyết theo thẩm quyền tách vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát không thống nhất với ý kiến thì TAQS xét xử toàn bộ vụ án.

4.Một số kiến nghị

Qua nhiên cứu các quy định về nhập, tách vụ án theo quy định của BLTTHS, để khắc phục những bất cập, vướng mắc như đã nêu trên, tác giả có một số kiến nghị như sau:

– Điều 170 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung thêm: ‘‘Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền xét xử của Tòa án trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: a) Bị can phạm nhiều tội; b) Bị can phạm tội nhiều lần; c) nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che dấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có’’.

– Điều 170 và 242 BLTTHS năm 2015 cần bổ sung thêm trường hợp có thể quyết định nhập vụ án hình sự để điều tra đối với “những vụ án mà hành vi phạm tội, các tội phạm đã được thực hiện có quan hệ với nhau hoặc hoạt động của các bị can trong các vụ án đó có quan hệ với nhau”.

– Cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể các trường hợp nhập, tách vụ án hình sự, tại giai đoạn điều tra, truy tố tránh việc áp dụng nhập, tách vụ án hình sự tùy tiện, không thống nhất, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân.

Theo Tạp chí Tòa án  – (Tòa án  tp Buôn Ma Thuột, Đắk Lăk xét xử vụ án Trộm cắp tài sản – Ảnh: Kim Cúc)

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục