(PLBQ). Thời gian qua, thị trường nhượng quyền trong nước chứng kiến sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại và cả những doanh nghiệp nội. Điều này đã và đang tạo ra sự sôi động trên thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, song song với những cơ hội mà nhượng quyền mang lại cũng tiềm ẩn không ít những rủi ro. Vậy làm thế nào để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp khi kinh doanh nhượng quyền?
Bức tranh nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Nhượng quyền thương mại (Franchise) được xem là xu thế chung và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Căn cứ theo quy định tại Điều 284 Luật thương mại năm 2005:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Nhượng quyền thương mại (Franchise) được xem là xu thế chung và đang phát triển mạnh mẽ (Nguồn: Internet)
Nhượng quyền thương mại đã thực sự khởi sắc ở Việt Nam. Nhìn vào bức tranh chung của thị trường, có thể thấy, cùng với sự gia nhập mạnh mẽ của hàng loạt tên tuổi rất lớn ở thị trường quốc tế như Starbucks, McDonald’s, KFC… thì lại có sự xuất hiện của những thương hiệu nội địa thực hiện việc kinh doanh trong nước, thậm chí nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài như Trung Nguyên Legend, Phở 24, Kinh Đô, chuỗi nhà hàng Wrap&Roll… Nhượng quyền thương mại phát triển về cả số lượng và đa dạng về các ngành nghề ở nhiều cấp vĩ độ khác nhau.
Ưu điểm trong mô hình nhượng quyền thương mại
Số lượng của các doanh nghiệp nhượng quyền thương mại trên thị trường cũng phản ánh được ưu điểm của mô hình này đối với cả bên nhận và cả bên nhượng quyền. Theo các chuyên gia, việc phát triển kinh doanh theo hướng nhượng quyền giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh, đồng thời gia tăng doanh số từ lợi nhuận, nguồn thu chi phí nhượng quyền. Đối với bên nhượng quyền, phương thức nhượng quyền là cách thức để thâm nhập cũng như phát triển các thị trường mới, đặc biệt là đối với thị trường nước ngoài.
Đối với bên nhận nhượng quyền, nhượng quyền thương mại được coi là cách thức khởi sự kinh doanh một cách an toàn, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm đi được nhiều áp lực: áp lực về thị trường, áp lực về vốn, áp lực về quảng cáo… Thường những chủ thương hiệu mạnh sẽ có xu thế hay hỗ trợ các bên nhận chuyển nhượng của họ, kể cả trong vấn đề pháp lý, do vậy, đây sẽ là một cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh.
Của hàng nhượng quyền Cộng cà phê
Rủi ro đến từ nhượng quyền thương mại
Trong kinh doanh luôn ẩn chứa những yếu tố về rủi ro. Bên cạnh một số mô hình thành công của kinh doanh nhượng quyền, trên thực tế, không phải thương vụ nhượng quyền thương mại nào cũng thành công. Sự hỗ trợ của bên nhượng quyền chỉ là thời gian ban đầu. Việc vận hành mô hình nhượng quyền thương mại thực sự là vận hành hệ thống kinh doanh, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực hiện của bên nhận nhượng quyền, từ việc xây dựng chiến lược tiếp nhận hệ thống nhượng quyền cho đến việc phát triển và đồng bộ hóa thương hiệu của mình.
Về vấn đề mặt bằng khi kinh doanh nhượng quyền, bên nhận nhượng quyền sẽ phải đáp ứng được một số các yêu cầu về địa điểm kinh doanh từ phía bên nhượng quyền. Tuy nhiên, hầu hết các mặt bằng đẹp thường có giá rất cao, và khó khăn nhất là việc tuân thủ các hợp đồng thuê của các chủ nhà. Hợp đồng thuê đã ký, nhưng khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, kinh doanh thì một khi hệ thống nhượng quyền bắt đầu phát triển, chủ nhà lại cố tình gây ra một số khó khăn.
Bên cạnh đó, vấn đề đảm bảo an toàn bí mật kinh doanh, đảm bảo uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp cũng là những rủi ro mà doanh nghiệp nhượng quyền phải đối mặt. Luật thương mại 2005 cũng có quy định rõ về nghĩa vụ của thương nhân nhận quyền tại khoản 4 Điều 289 nhằm hạn chế những rủi ro cho bên nhượng quyền, cụ thể, bên nhận quyền có nghĩa vụ:
“Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt”
Bảo vệ thương hiệu và hạn chế rủi ro
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc nhượng quyền thương hiệu diễn ra trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là điều tất yếu. Trong điều kiện chung như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các thương hiệu lớn trên thế giới.
Bảo vệ thương hiệu trong nhượng quyền thương mại (Nguồn: brandsvietnam.com)
Để có thể trụ vững trên thương trường, các doanh nghiệp Việt không còn cách nào khác ngoài phải nâng mình lên, phải cải tiến về công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm, xây dựng được hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Doanh nghiệp cần phải nắm được năng lực cạnh tranh cốt lõi của sản phẩm. Khi càng có được năng lực cạnh tranh thì khả năng bị bắt chước hoặc bị cạnh tranh bởi các đối thủ khác sẽ giảm đi. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần xây dựng một chiến lược bài bản để thâm nhập vào thị trường. Có như vậy, thương hiệu của doanh nghiệp mới thành thương hiệu mạnh, từ đó tiến hành nhượng quyền trong nước và và hướng tới nhượng quyền thương hiệu ra thị trường nước ngoài.
Một yếu tố khác cũng vô cùng quan trọng, đó là sự hỗ trợ và đồng hành. Nhận nhượng quyền là câu chuyện đồng hành giữa bên nhận và bên nhượng quyền. Vì vậy, khi nhận nhượng quyền, bên nhận nhượng quyền cần chủ động đề cập tới vấn đề về sự hỗ trợ của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền. Đó là sự hỗ trợ về phát triển thương hiệu, hỗ trợ về mặt marketing, đào tạo nhân lực hay hỗ trợ về tài chính… Tất cả những điều kiện hỗ trợ này đã được quy định thành nghĩa vụ của thương nhận nhượng quyền (căn cứ theo Điều 287 Luật thương mại 2005) và cần phải được hai bên làm rõ ngay từ đầu, bên nhận nhượng quyền luôn luôn phải đặt ra đó là quyền lợi của mình trong quá trình chúng ta vận hành hệ thống đó./.
Theo Hà Trung
Nguồn bài viết: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/bao-ve-thuong-hieu-trong-kinh-doanh-nhuong-quyen-a364.html