ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Bốn thách thức lớn từ việc quản lý và khai thác sử dụng tài sản trí tuệ trong kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp

(PLBQ) – Lĩnh vực sản xuất bao gồm một nhóm các doanh nghiệp có tính sáng tạo cao và không ngừng phát triển nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Vì lẽ đó, có một danh mục đầu tư và chiến lược sở hữu trí tuệ (IP) mạnh mẽ sẽ giúp nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng IP để nâng cao vị thế hiện tại và tương lai của doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều thách thức.

Khó khăn trong việc tạo lập tài sản trí tuệ có giá trị

Không phải tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Một nghiên cứu mới đây ở Mỹ chỉ ra rằng gần 80% số bằng sáng chế tại quốc gia này chưa được sử dụng. Có nghĩa là có nhiều sáng chế còn không thể giúp doanh nghiệp thu lại chi phí đã bỏ ra để nộp đơn. Đây cũng chính là rào cản tâm lý khiến các doanh nghiệp “e dè” trong việc đầu tư và nghiên cứu các tài sản trí tuệ mới để phát triển. 

Doanh nghiệp Việt cũng không phải ngoại lệ. Với nguồn lực vốn hạn hẹp, đa số các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh đều gặp khó khăn trong việc chi ra một nguồn kinh phí cho hoạt động tạo lập tài sản trí tuệ. Hơn nữa, với thực trạng nhiều bằng sáng chế gặp khó trong quá trình thương mại hóa, các doanh nghiệp lại càng e ngại đầu tư vào phát triển tài sản trí tuệ cho mình.

Mặc dù vậy, cần phải biết rằng một danh mục SHTT có giá trị sẽ đảm bảo cho các dòng sản phẩm hiện có và giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế chiến lược so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

tao-lap-tai-san-tri-tue-co-gia-tri-1647178845.pngTạo lập tài sản trí tuệ có giá trị luôn là “bài toán khó” đối với tất cả các doanh nghiệp hiện nay

Khó khăn trong việc quản lý danh mục SHTT

Bước đầu tiên trong chiến lược quản lý tài sản trí tuệ của bất kỳ doanh nghiệp nào là xác định vị trí mà tài sản trí tuệ đang được tạo ra (có thể bên trong hoặc bên ngoài doanh nghiệp), và sau đó đảm bảo rằng tài sản trí tuệ đó đang được nắm bắt.

Sau khi đã xác định được, doanh nghiệp sẽ bắt đầu hoạt động quản lý và khai thác sử dụng tài sản trí tuệ có trong danh mục. Việc quản lý này không chỉ giới hạn ở việc trả phí duy trì quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật, mà còn cần quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả nó nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh rộng lớn hơn.

Quản lý SHTT có thể bắt đầu từ việc cân nhắc xem tài sản trí tuệ nào nên được bảo vệ trước và cách thức thực hiện như thế nào. Công việc này đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về pháp luật cũng như sự am hiểu nhất định về thị trường.

Trong một cuộc khảo sát của Sở KHCN TPHCM với gần 4000 doanh nghiệp, chỉ có 1,63% trong số đó có nhân sự được đào tạo về tài sản trí tuệ. Hơn nữa, chỉ 2,25% doanh nghiệp có quy định nội bộ, quy chế quản lý tài sản trí tuệ. Trên cả hai phương diện “con người” và “kiến thức”, doanh nghiệp Việt vẫn gặp nhiều khó khăn đối với quá trình quản lý danh mục SHTT của mình.

Chiến đấu với sự cạnh tranh của hàng giả, hàng nhái 

Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành xử lý 41.375 vụ việc vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc xuất xứ… Có các vụ việc phát giác với giá trị kho hàng giả lên tới cả chục tỷ đồng, điển hình như ở khu An Giải, Bắc Ninh; khu Đại Lại, Nam Định…

kho-hang-gia-hon-50-tan-1647178888.jpg
Kho hàng giả hơn 50 tấn bị phát hiện tại khu An Giải, Bắc Ninh: Vấn đề hàng giả ở Việt Nam đang ở mức đáng báo động

Tình trạng hàng giả và hàng nhái đáng báo động tại Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp chân chính. Việc làm hàng giả, hàng nhái đã giúp các thực thể trong khu vực “kinh tế ngầm” thu lợi từ thuế trong khi số lượng hàng giả được bán trót lọt ra thị trường đem đến nhiều rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, vấn đề hàng giả cũng làm giảm lợi thế cạnh tranh của sản phẩm và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của doanh nghiệp Việt. Các nhà đầu tư nước ngoài cạnh tranh dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo, phát minh, thiết kế và sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Chính vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã triệt tiêu lợi thế này, khiến nhà đầu tư nước ngoài hạn chế đầu tư vào các doanh nghiệp Việt. Điều này thể hiện rõ nhất với các lĩnh vực nhạy cảm về sở hữu trí tuệ, ví dụ như các ngành thâm dụng công nghệ tập trung vào hoạt động nghiên cứu & phát triển, năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Với các lĩnh vực này, doanh nghiệp cũng không còn muốn đầu tư vào Việt Nam hoặc giới thiệu các thiết kế mới do lo sợ bị trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Đối tượng buôn bán hàng giả tại Việt Nam cũng ngày càng tinh vi hơn về phương pháp và cách thức thực hiện cũng như trong cách sử dụng công nghệ làm giả để tạo ra những sản phẩm có bề ngoài tương đồng với các sản phẩm thật của các doanh nghiệp. Trong khi tình trạng hàng giả vốn tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, ngày càng nhiều hàng hóa của các thương hiệu nổi tiếng trong nước cũng bị làm giả.

Rất nhiều các sản phẩm làm giả sẽ vẫn được đưa vào thị trường Việt Nam, bao gồm hàng may mặc, phụ kiện (ví dụ: kính râm, túi xách, v.v.), thực phẩm, rượu vang và rượu mạnh, mỹ phẩm, dược phẩm, phần mềm máy tính, phụ tùng xe, dầu nhờn động cơ, sản phẩm cơ điện tử và các thiết bị điện tử. Mặc dù nhiều doanh nghiệp biết sản phẩm của mình đang bị xâm phạm nhưng thường chấp nhận thực tế đó do lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu.

Quy định và năng lực thực thi pháp luật còn hạn chế

Khác với nhiều quốc gia khác, việc bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện bằng cách áp dụng các hình phạt hành chính với hành vi vi phạm trong khi các giải pháp khởi tố hình sự và dân sự gần như không bao giờ được áp dụng hoặc áp dụng không hiệu quả. Do đó, số lượng vi phạm SHTT đã tăng lên rất nhanh trong khi năng lực của cơ quan thực thi bảo hộ quyền SHTT còn khá hạn chế ở cấp trung ương và địa phương.

Theo nhiều báo cáo doanh nghiệp, các thủ tục thực thi quyền SHTT còn rườm rà. Mặc dù pháp luật đã quy định các biện pháp xử lý tạm thời, việc thực hiện hiệu quả các biện pháp đó trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không khả thi. Theo quy định pháp luật hiện hành, các biện pháp xử lý như thu giữ hàng giả và bằng chứng xâm phạm quyền SHTT chỉ được giải quyết thông qua quá trình tố tụng tại tòa và phải được tòa án cho phép tiến hành.

Trên thực tế, việc chuẩn bị và khiếu nại theo thủ tục quy định tố tụng của Việt Nam cũng khá phức tạp do khiếu nại phải nộp kèm bằng chứng chứng minh vi phạm được hợp pháp hóa. Do đó, quá trình thực hiện theo các yêu cầu tố tụng thường diễn ra trong nhiều tháng, khiến các doanh nghiệp hầu như không thể chủ động theo đuổi đến cùng vụ việc vi phạm.

Ngoài ra, về đăng ký bảo hộ quyền SHTT, thời gian thẩm định hồ sơ và cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT trên thực tế tương đối dài: 10 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, 1 năm đối với nhãn hiệu, 2- 4 năm đối với sáng chế. Do đó, nhiều doanh nghiệp còn “ngại” trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT của mình.

Một số kiến nghị, giải pháp

Về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nhận thức rõ giá trị tài sản trí tuệ trong việc vận hành và phát triển. Có như vậy doanh nghiệp mới chủ động trong việc lên kế hoạch quản lý cũng như sử dụng tài sản trí tuệ một cách hiệu quả. Để làm được điều này, trước hết cần bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực, tăng cường đào tạo về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho các nhân viên trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong vấn đề thực thi pháp luật. Các vụ việc vi phạm đã diễn ra cho thấy thực trạng các doanh nghiệp còn e ngại trong việc chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, khiến cho các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái càng lộng hành. Có sự kết nối chặt chẽ của hai bên sẽ nâng cao năng lực thực thi của cơ quan chức năng, qua đó, làm giảm thiểu tác động của hàng giả, hàng nhái đối với bản thân doanh nghiệp,

Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí trong bối cảnh khó khăn do tác động dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp cần chủ động xem xét kỹ lưỡng danh mục SHTT nhờ đó đưa ra quyết định đúng đắn về thực hiện bảo hộ những SHTT nào. Bên cạnh đó, cũng có thể loại bỏ các quyền SHTT không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí.

Về phía quy định pháp luật, hiện nay hạn chế trong lĩnh vực SHTT là khung thời gian thực hiện tố tụng. Quá trình này thường mất nhiều thời gian thực hiện và các bên liên quan phải chờ rất lâu trước khi có phán quyết cuối cùng trong khi số lượng thẩm phán được đào tạo bài bản về các quyền SHTT còn thiếu, cộng với tỉ lệ thực thi án lệnh chưa cao. Do đó, cần rút ngắn quy trình tố tụng, đảm bảo phán quyết được đưa ra nhanh chóng, hiệu quả.

Tiếp theo, cần đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ xin cấp văn bằng bảo hộ quyền SHTT. Để thực hiện điều này, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng hệ thống xử lý đơn tự động dựa trên tiến bộ công nghệ hiện tại như blockchain, bigdata…

Thay lời kết

Việc chú trọng quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản trí tuệ cũng như các quyển sở hữu của doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 hiện nay, để doanh nghiệp tồn tại, phát triển lâu dài và bền vững cần thiết chương trình quản lý tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó cơ quan chức năng cũng cần tạo điều kiện và hành lang pháp lý giúp doanh nghiệp chủ động trong việc tiếp cận các quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Khắc Vinh

Nguồn bài viết: https://phapluatbanquyen.phaply.vn/bon-thach-thuc-lon-tu-viec-quan-ly-va-khai-thac-su-dung-tai-san-tri-tue-trong-kinh-doanh-san-xuat-cua-doanh-nghiep-a877.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục