Theo (Pháp lý) – Khi hợp đồng thương mại phát sinh tranh chấp, nếu các bên đã có thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết được ưu tiên áp dụng theo thoả thuận. Trong trường hợp không có thoả thuận và các bên không tự hòa giải thì tranh chấp được giải quyết tại Tòa án.
Mới đây, bạn đọc Thanh Nguyễn có gửi đến Tạp chí điện tử Pháp lý câu hỏi nhờ Luật gia tư vấn: Công ty Cổ phần A có trụ sở tại tỉnh NB mua 1 số trang thiết bị của Công ty TNHH B có trụ sở tại Tp HN trị giá 200 triệu đồng. Theo thoả thuận, số trang thiết bị đó được giao tại chi nhánh của công ty Cổ phần A ở Tp HN. Sau khi giao hàng, công ty Cổ phần A cho rằng số trang thiết bị đó không đảm bảo chất lượng và yêu cầu bên bán đổi thiết bị .Công ty TNHH B không đồng ý đổi thiết bị. Công ty Cổ phần A quyết định khởi kiện Công ty TNHH B. Vậy cơ quan nào có quyền giải quyết tranh chấp này và cách giải quyết ? Nếu trong hợp đồng giữa 2 bên có Điều khoản của trọng tài và nội dung của điều khoản”Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”. Nội dung này có phù hợp không ? Nếu không thì cần phải thoả thuận như thế nào ?
Luật gia Văn Chiến (Tạp chí điện tử Pháp lý) trả lời như sau:
1.Về cơ quan có quyền giải quyết tranh chấp
Về nguyên tắc, đối với hợp đồng thương mại khi phát sinh tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết được ưu tiên áp dụng theo thỏa thuận hợp pháp của các bên ghi nhận tại hợp đồng/ tài liệu khác.
Theo đó, nếu các bên đã có thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp (hoà giả thương mại, trọng tài hoặc toà án) thì khi phát sinh tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết được ưu tiên áp dụng theo thoả thuận.
Trong trường hợp không có thoả thuận, thì khi phát sinh tranh chấp hợp đồng, nếu các bên không tự hòa giải thì tranh chấp được giải quyết tại Tòa án. Theo đó, người khởi kiện (nguyên đơn) có quyền nộp đơn khởi kiện tại Toà án Nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức.
Trong trường hợp, có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài thì nộp đơn tại toà án cấp Tỉnh giải quyết.
Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng giải quyết; Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết; Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết…
2. Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp:
– Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải thương mại được quy định chi tiết tại Nghị định 22/2017/NĐ-CP Về hòa giải thương mại theo đó, các bên tự thỏa thuận trình tự hòa giải, nếu không thỏa thuận thì hòa giải viên thực hiện theo trình tự phù hợp với vụ việc, nguyện vọng, được các bên đồng ý.
Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại: Theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010, khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài các bên thực hiện theo trình tự sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện
Bước 2: Bị đơn nộp bản tự bảo vệ
Bước 3: Thành lập hội đồng trọng tài
Bước 4: Hòa giải
Bước 5: Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp
Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết
-Trình tự giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án: Theo quy định tại Bộ Luật tố tụng Dân sự 2015, trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Tòa án được thực hiên như sau:
Khởi kiện: khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, một hoặc các bên tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thụ lý vụ án: Trong thời hạn 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải ra một trong các quyết định sau: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền; Trả lại đơn khởi kiện; Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án.
Chuẩn bị giải quyết: Sau khi thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán giải quyết vụ án. Thẩm phán tiến hành các công viêc chuẩn bị xét xử: thu thập chứng cứ; tiến hành hoà giải.
Phiên Tòa sơ thẩm: Phiên Tòa sơ thẩm phải được mở trong thời gian 30 ngày kể từ ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thủ tục xét xử phúc thẩm được tiến hành nếu có kháng cáo; Xét xử lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm được thực hiện nếu có kháng nghị.
2. Nếu trong hợp đồng giữa 2 bên có Điều khoản của trọng tài và nội dung của điều khoản”mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”. Nội dung này theo chúng tôi là hoàn toàn phù hợp.
Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự;
Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự: Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Do đó, nếu trong hợp đồng giữa 2 bên có Điều khoản của trọng tài và nội dung của điều khoản”Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này” Nội dung này hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật về hợp đồng.
LG. Văn Chiến
Nguồn bài viết: https://phaply.net.vn/co-quan-nao-co-tham-quyen-giai-quyet-khi-hop-dong-thuong-mai-phat-sinh-tranh-chap-a253737.html