BÙI MẠNH, Tòa án quân sự Quân khu 2 – Tiền ảo là dạng tiền điện tử được tạo ra bởi những cá nhân hoặc tập thể do đó, tiền ảo thường được quản lý và kiểm soát bởi các nhà phát hành tư nhân, nhà phát triển hoặc tổ chức sáng lập. Tiền ảo chỉ được công nhận và sử dụng trong một cộng đồng ảo cụ thể với những mục đích khác nhau. Loại tiền này “được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện thanh toán và có thể được chuyển nhượng, lưu trữ hoặc giao dịch điện tử “.
Quy định pháp luật về tiền ảo
Theo quy định của pháp luật Dân sự, tiền ảo không được coi là tài sản, bởi lẽ nó không thuộc các loại tài sản được quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự (Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản). Chính điều này, dẫn đến những hệ quả tiếp theo là các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Chẳng hạn, khi ví điện tử của một chủ thể bị xâm nhập và bị chiếm đoạt một số lượng tiền ảo nhất định thì có đòi lại được không? Khi các bên mua bán tiền ảo không thực hiện nghĩa vụ giao tài sản thì áp dụng trách nhiệm dân sự gì? Khi có người yêu cầu phân chia di sản thừa kế là tiền ảo thì có tiến hành chia không? Hoặc, khi một người có hành vi phá hỏng ví điện tử của người khác làm cho việc đăng nhập không thể thực hiện được thì việc bồi thường thiệt hại sẽ được xác định như thế nào?
Tất cả những khó khăn trên đều cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để giải quyết những quan hệ xã hội nảy sinh trong các giao dịch dân sự liên quan đến tiền ảo đang diễn ra hàng ngày trên thực tế.
Mặc dù theo quy định của Bộ luật Dân sự, tiền ảo không phải là tài sản và do đó, các chủ thể liên quan đến tiền ảo không được pháp luật bảo vệ khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo. Song, nếu chủ thể lợi dụng các giao dịch về tiền ảo nhằm thực hiện các hành vi bị cấm (như rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) hoặc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Vấn đề pháp lý được đặt ra?
Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm hiện nay là khi các sàn giao dịch tiền ảo, dự án đầu tư tiền ảo bị “sập” thì các nhà đầu tư có thể lấy lại được tiền hay không và nhóm đối tượng lôi kéo nhà đầu tư có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không?
– Giải quyết trên cơ sở pháp luật dân sự
Thông thường, các công ty hoạt động kinh doanh tiền ảo thường thiết lập các loại “Hợp đồng huy động vốn hoặc Hợp đồng hợp tác kinh doanh” để hoạt động kinh doanh Bitcoin với các nhà đầu tư. Trong khi đó, việc hoạt động kinh doanh Bitcoin hoàn toàn bị cấm. Do vậy, các loại hợp đồng kinh doanh Bitcoin đều bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự. Nhà đầu tư có quyền yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của các giao dịch trên theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự, tức là đòi lại tiền thông qua khởi kiện vụ án dân sự.
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ hợp đồng của các nhà đầu tư khi tham gia ký kết có nêu cụ thể việc huy động vốn để hoạt động kinh doanh tiền ảo không; vì thực tế các công ty kinh doanh tiền ảo đều lách luật bằng cách ký các hợp đồng để “Đầu tư mua và sử dụng máy phân tích dữ liệu” và “Phân chia lợi nhuận bằng sản phẩm tạo ra từ máy phân tích dữ liệu này theo tỷ lệ… một cách rất chung chung” mà không nhắc đến tiền ảo trong hợp đồng, nhưng các bên lại ngầm hiểu với nhau rằng “Thực chất máy phân tích dữ liệu chính là máy đào tiền Bitcoin”. Trường hợp này việc đòi lại tiền là rất khó vì không có căn cứ thể hiện các bên ký hợp đồng để khai thác, kinh doanh tiền ảo một cách trái pháp luật, do đó không thể tuyên bố các hợp đồng trên là vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Giải quyết trên cơ sở quan hệ pháp luật Hình sự
Nếu các nhà đầu tư (người bị hại) có căn cứ chứng minh được các cá nhân thuộc công ty kinh doanh tiền ảo đã có hành vi gian dối chiếm đoạt tiền của mình bằng hình thức hợp đồng hoặc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp theo quy định của pháp luật thì có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan Cảnh sát điều tra yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” cùng với yêu cầu trả lại tài sản bị chiếm đoạt bất hợp pháp từ các bị can đã có hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp chiếm đoạt bất hợp pháp tiền hoặc tài sản của mình.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý trong trường hợp giải quyết bằng pháp luật Hình sự, vì khi tham gia đầu tư tiền ảo theo các hình thức trên, người bị hại (nhà đầu tư) cũng đã lôi kéo các nhà đầu tư thứ cấp, hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu đó thì các các nhà đầu tư này cũng đứng trước nguy cơ là đồng phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự cùng những kẻ lạm dụng, lừa đảo đó.
Một số kiến nghị
Để tận dụng những cơ hội to lớn mà khoa học và công nghệ mang lại, Việt Nam cần xây dựng và ban hành mới hoặc là sửa đổi pháp luật để điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ các hình thức giao dịch mới, các loại tài sản mới nhằm hạn chế rủi ro, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân tham gia. Trong quá trình hoàn thiện khung pháp luật điều chỉnh đối với tiền ảo, chúng tôi có một số kiến nghị sau:
Một là, cần ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản trong Bộ luật Dân sự
Việc ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản thì việc xác định được tình trạng pháp lý của tiền ảo cũng sẽ là cơ sở vững chắc, tạo nền móng cho quá trình xây dựng các quy định về các vấn đề khác có liên quan, như quản lý hoạt động sàn giao dịch, thuế đối với tiền ảo… Đồng thời, tạo ra một khung pháp lý dựa trên nền tảng xác định tiền ảo là một loại tài sản sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo (như rửa tiền, tẩu tán tài sản…).
Hai là, cần coi tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện
Tiền ảo có một đặc điểm là tính ẩn danh rất cao, việc kiểm soát danh tính của chủ sở hữu các ví tiền ảo rất khó. Điều này dẫn đến thực trạng, hoạt động liên quan đến tiền ảo trong cả các giao dịch thông thường hay các hoạt động phạm tội như rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như các hoạt động phi pháp khác rất khó kiểm soát. Vì vậy, cơ chế pháp lý đối với tiền ảo cũng không thể tương đồng như với các loại tài sản thông thường, mà cần phải coi tiền ảo là một loại tài sản đặc biệt lưu thông có điều kiện.
Như vậy, trong thời gian tới, để ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp, kiểm soát được một cách tối đa các hoạt động liên quan đến tiền ảo, hạn chế rủi ro cho các bên tham gia, Việt Nam chỉ nên công nhận các giao dịch liên quan đến tiền ảo đối với các ví giao dịch được đăng ký và có danh tính. Cấm tuyệt đối các hoạt động liên quan đến tiền ảo ẩn danh và xa hơn, có thể áp dụng các biện pháp hành chính hoặc hình sự đối với các chủ thể thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo không đăng ký.
Bùi Mạnh
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-phap-ly-lien-quan-den-tien-ao