Theo KIEMSAT.VN – Trong hoạt động thu thập chứng cứ và chứng minh thì giám định và định giá có vai trò rất quan trọng, bởi đa số các vụ việc dân sự, mục đích chính các đương sự hướng tới là lợi ích vật chất, nên việc định giá tài sản đúng, phù hợp là chìa khóa để giải quyết tranh chấp và là căn cứ để tính án phí. Tuy nhiên, quy định pháp luật về hoạt động này còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
1. Những bất cập trong quy định về kiểm sát hoạt động định giá tài sản
Thứ nhất, quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 về định giá tài sản: Hiện chỉ có 01 điều (Điều 104), còn văn bản hướng dẫn chỉ dừng lại ở trình tự, thủ tục yêu cầu và thành lập Hội đồng định giá, chưa cụ thể về hoạt động của Hội đồng định giá. Trong khi đó, quy định về lĩnh vực giá tương đối phức tạp, bao gồm tổng thể các quy phạm điều chỉnh về giá, với nguồn là Luật giá năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 và các văn bản liên quan trong từng lĩnh vực chuyên ngành kỹ thuật cụ thể. Mặc dù theo Điều 104 BLTTDS năm 2015, các đương sự có quyền phát biểu ý kiến về việc định giá, nhưng quyền quyết định cuối cùng thuộc về Hội đồng định giá. Tuy nhiên, sự phức tạp của hệ thống văn bản điều chỉnh về giá ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của thành viên Hội đồng định giá, Tòa án và quan điểm của Viện kiểm sát khi đương sự không nhất trí với kết quả định giá và đưa ra yêu cầu định giá lại. Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định việc định giá lại chỉ được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường. Nhưng căn cứ nào để cho rằng kết quả định giá “không chính xác” lại hoàn toàn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của Thẩm phán chủ tọa phiên toà.
Mặt khác, trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu định giá lại tài sản, Hội đồng định giá lại xác định giá trị tài sản tăng lên hoặc giảm đi so với giá lần đầu, có đương sự không nhất trí với kết quả định giá lại thì Hội đồng xét xử phải giải quyết như thế nào?
Ví dụ: Vụ án “tranh chấp thừa kế”: Di sản chia thừa kế theo pháp luật là quyền sử dụng đất, diện tích 67,3m2 tại phường T, thành phố V. Theo quy định của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh P, diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải trên 50m2. Do vậy, trong vụ án này chỉ có 01 đương sự được chia quyền sử dụng đất, các đương sự còn lại được chia thừa kế bằng giá trị (tiền). Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá cấp sơ thẩm ngày 14/5/2020 đã xác định thửa đất tranh chấp có giá 6 triệu đồng/m2 (67,3m2 có giá trị 403.800.000 đồng). Sau khi xét xử sơ thẩm, đương sự có kháng cáo đề nghị định giá lại tài sản. Giá đất theo kết quả định giá tài sản ngày 04/11/2020 của Hội đồng do Tòa án cấp phúc thẩm thành lập là 15 triệu đồng/m2 (67,3m2 có giá trị 1.009.500.000 đồng). Chênh lệch kết quả định giá tại cấp sơ thẩm và phúc thẩm là 9 triệu đồng/m2. Mặc dù tại các thời điểm khác nhau nhưng biên độ chênh lệch quá rộng khiến các đương sự liên tục khiếu nại, tiếp tục yêu cầu định giá lại.
Vụ án trên là điển hình cho thấy tầm quan trọng của việc định giá trong giải quyết tranh chấp dân sự, nếu kết quả định giá phù hợp với giao dịch trên thị trường sẽ đảm bảo quyền lợi của đương sự được chia thừa kế bằng giá trị, giảm được rất nhiều số vụ việc bị kháng cáo, kháng nghị.
Tuy nhiên, vụ án này có hai kết quả định giá, mỗi Hội đồng định giá lại đưa ra một giá trị khác nhau, nếu loại trừ yếu tố về thời điểm định giá thì có căn cứ rõ ràng để cho rằng một trong hai kết quả định giá không khách quan, không phù hợp, khiến các đương sự bức xúc, khiếu nại. Có ý kiến cho rằng, BLTTDS năm 2015 không quy định kết quả định giá tài sản của Tòa án cấp phúc thẩm phủ nhận kết quả định giá của Tòa án cấp dưới và được áp dụng ngay, hay có căn cứ và đáng tin cậy hơn kết quả định giá lần đầu. Do đó, việc sử dụng kết quả định giá nào phụ thuộc vào nhận định và cách đánh giá chứng cứ của Hội đồng xét xử. Trường hợp này, Tòa án phúc thẩm có hai lựa chọn:
(1) Cấp phúc thẩm căn cứ kết quả định giá lại để giải quyết do kết quả này đã thay thế kết quả định giá lần đầu và Hội đồng định giá lại do Tòa án cấp phúc thẩm thành lập.
(2) Nếu đương sự có đề nghị, Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục thực hiện việc định giá lại lần hai vì kết quả định giá do hai Hội đồng định giá đưa ra có sự chênh lệch quá lớn. Hội đồng định giá ở giai đoạn sơ thẩm là những công chức ở địa phương nắm rõ về thực tế giá trị tài sản, giá thị trường nơi có tài sản nên giá của họ sát thực tế hơn giá của Hội đồng định giá cấp tỉnh. Kết quả định giá lại lần hai là căn cứ để giải quyết vụ án.
Thứ hai, về lựa chọn tổ chức thẩm định giá: Theo Điều 104 BLTTDS năm 2015, đương sự có quyền tự thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp, nếu không thỏa thuận được thì có quyền lựa chọn tổ chức thẩm định giá; nếu vẫn không thống nhất lựa chọn được tổ chức thẩm định giá thì có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản. Theo đó, Tòa án chỉ yêu cầu tổ chức thẩm định giá tiến hành định giá tài sản tranh chấp nếu các đương sự cùng thống nhất lựa chọn. Số vụ án các đương sự cùng nhất trí lựa chọn tổ chức thẩm định giá rất ít, do các đương sự không tin tưởng nhau và chi phí phải trả cho tổ chức thẩm định giá cao hơn cho Hội đồng định giá do Tòa án thành lập; một nguyên nhân nữa đó là thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá tối đa không quá 06 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực.
Thứ ba, về căn cứ pháp lý và phương pháp định giá: Khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC ngày 28/3/2014 của liên ngành trung ương hướng dẫn thi hành Điều 92 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản (Thông tư liên tịch số 02/2014) quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên Hội đồng định giá tài sản như sau: “… Đưa ra nhận định, đánh giá về tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá; về căn cứ, phương pháp định giá và giá trị của tài sản cần định giá”. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều biên bản định giá, các thành viên đưa ra giá tài sản cần định giá nhưng không thể hiện rõ căn cứ pháp lý, phương pháp định giá, lý do đưa ra mức giá, dẫn đến thiếu tính thuyết phục, đương sự không đồng tình, cho rằng mình bị thiệt hại về lợi ích. Tình trạng này thường xảy ra với những vụ án định giá quyền sử dụng đất, công trình xây dựng và cây trồng trên đất, tài sản là vật dụng sinh hoạt trong gia đình.
Ví dụ: Vụ án “tranh chấp hôn nhân và gia đình” giữa nguyên đơn Nguyễn Văn D và bị đơn Phạm Thị P. Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, ông D và bà P đều thừa nhận tài sản chung của vợ chồng có 01 ngôi nhà 02 tầng xây dựng trên diện tích đất 120m2/sàn tại khu 5, xã H, thành phố V, tỉnh P; ngôi nhà được xây dựng trên diện tích đất là tài sản riêng của bà P. Theo yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án đã thành lập Hội đồng định giá tài sản tranh chấp. Ngày 27/01/2021, Hội đồng định giá tiến hành định giá ngôi nhà, đưa ra ý kiến như sau: “Nhà hai tầng xây năm 2015, xây tường chịu lực, chưa sơn, diện tích 120m2 có giá là 312 triệu đồng”. Biên bản định giá cũng ghi nhận quan điểm của ông D xác định ngôi nhà có giá trị 700 triệu đồng; bà P xác định ngôi nhà được xây dựng hết 300 triệu đồng vào năm 2015, đề nghị trừ khấu hao trong quá trình sử dụng để xác định giá trị hiện tại. Hội đồng xét xử sơ thẩm căn cứ giá mà Hội đồng định giá đưa ra là 312 triệu đồng để giải quyết vụ án. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông D có đơn kháng cáo về nội dung phân chia tài sản chung của vợ chồng, ông D đề nghị định giá lại tài sản tranh chấp vì cho rằng giá do Hội đồng định giá đưa ra thấp hơn giá thực tế.
Xem xét biên bản định giá ngày 27/01/2021 cho thấy, Hội đồng định giá không viện dẫn bất kỳ một văn bản hướng dẫn nào của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ xác định giá trị của ngôi nhà được định giá, cũng không căn cứ trên lời trình bày của các đương sự về chi phí khi xây dựng ngôi nhà. Do vậy, mức giá do Hội đồng đưa ra thể hiện tính thiếu căn cứ, chưa thuyết phục.
Thứ tư, về cách thức xác định giá thị trường. Khoản 5 Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định căn cứ định giá là giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự. Đây là vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, bởi giá thị trường là một khái niệm thuộc lĩnh vực kinh tế động, khó xác định chính xác, đặc biệt đối với đất đai, nhà ở, chứng khoán, cổ phiếu…
Trên thực tiễn, kết quả định giá của Hội đồng định giá thường không phù hợp với giá thị trường. Nguyên nhân là Hội đồng định giá không thu thập được tài liệu về giá giao dịch trên thị trường trong khu vực; các hợp đồng chuyển nhượng tại các văn phòng công chứng đều ghi giá trị chuyển nhượng thấp hơn thực tế, thông thường chỉ bằng với giá theo bảng giá đất của UBND tỉnh, nhằm giảm tiền thuế chuyển quyền sử dụng đất. Do đó, trong các vụ án, Hội đồng định giá đều căn cứ trên bảng giá do UBND tỉnh quy định. Mặt khác, khung giá, bảng giá đất có biên độ rộng theo giai đoạn nhiều năm không phù hợp với tính biến động, quy luật vận động của thị trường bất động sản.
Điều 114 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp”. Tuy nhiên, bảng giá đất của UBND cấp tỉnh ban hành đều thấp hơn nhiều lần so với giá đất trên thị trường. Điều này khiến Nhà nước bị thất thu khoản tiền rất lớn, khiếu kiện đông người kéo dài do người dân không đồng ý với giá đền bù giải phóng mặt bằng…
Thứ năm, về vấn đề tính khấu hao tài sản: Có một số loại tài sản bị tiêu hao, không giữ được nguyên giá trị (công trình, vật kiến trúc, phương tiện, máy móc như nhà ở, ô tô, xe máy, đồ dùng sinh hoạt…), mà đương sự đang sử dụng (vẫn đảm bảo công năng sử dụng) lại bị Hội đồng định giá tính hết khấu hao, không còn giá trị.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, trên đất có nhà xây cấp 4 từ những năm 1990, đương sự vẫn đang sinh sống ổn định. Khi định giá, có Hội đồng định giá áp dụng Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Hội đồng khác lại áp dụng Hướng dẫn số 1326/BXD-QLN ngày 08/8/2011 của Bộ Xây dựng về kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản cố định là nhà, vật kiến trúc. Từ đó, Hội đồng định giá xác định nhà cấp 4 đã hết khấu hao, không còn giá trị. Tòa án phân chia di sản theo hướng không buộc đương sự được giao quyền sử dụng đất phải thanh toán giá trị ngôi nhà bằng tiền cho đương sự có quyền sở hữu nhà. Điều này gây thiệt hại cho đương sự không được giao quyền sử dụng đất và dẫn đến sự bất bình, không đồng ý với phán quyết của Tòa án.
Thứ sáu, về chi phí định giá: Điều 35 Mục 1 Chương III Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28/3/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng đã quy định về chi phí định giá tài sản, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về căn cứ để định mức chi phí định giá tài sản. Thực tiễn hoạt động ở tỉnh Phú Thọ khi tiến hành định giá, Thư ký tính toán các khoản chi phí và bồi dưỡng cho các thành viên của Hội đồng định giá thường dao động từ 150.000 đồng – 300.000 đồng/1 người/1 ngày.
Thứ bảy, trong một số vụ án có đương sự không hợp tác, cản trở, gây khó khăn cho quá trình thẩm định, định giá tài sản tranh chấp. Mặc dù BLTTDS năm 2015 quy định về xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng tại Điều 489 và áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Điều 114, nhưng trên thực tế việc áp dụng biện pháp giải quyết vẫn rất khó khăn.
Thứ tám, về quy định, hướng dẫn của ngành về kiểm sát hoạt động định giá. Tại Điều 16 Hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự sơ thẩm ban hành kèm theo Quyết định số 458/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Hướng dẫn số 458/2019) về kiểm sát việc định giá, thẩm định giá tài sản có nội dung: Kiểm sát viên căn cứ vào Điều 104 BLTTDS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2014 để thực hiện chức năng kiểm sát. Theo đó, Hướng dẫn số 458/2019 vẫn chỉ quy định kiểm sát về quyền tự thoả thuận về giá và lựa chọn tổ chức thẩm định giá của đương sự; trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá… Đối với hoạt động của Hội đồng định giá, điểm b khoản 3 Điều 16 Hướng dẫn số 458/2019 có nêu: “Hội đồng định giá đã định giá đầy đủ, chính xác các loại tài sản tranh chấp, giá trị từng tài sản (nếu tài sản là quyền sử dụng đất, giá từng loại đất, vị trí thửa đất…), giá trị còn lại của công trình trên đất, tuổi và giá trị cây trồng trên đất… hay chưa. Kết quả định giá phải phù hợp giá trị tài sản theo thời giá thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm”.
Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên có vụ án Kiểm sát viên nhận thấy giá do Hội đồng định giá đưa ra chưa phù hợp, song còn lúng túng, chưa xác định được biện pháp kiểm sát phù hợp, hoặc không xác định được đối tượng cần kiến nghị là UBND cùng cấp hay Hội đồng định giá.
2. Một số kinh nghiệm
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định Kiểm sát viên được kiểm sát trực tiếp hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án, song bằng quan hệ phối hợp, Viện kiểm sát đã cử Kiểm sát viên tham gia hầu hết hoạt động xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản trong các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Mặc dù Kiểm sát viên không được tham dự vào hoạt động của Hội đồng định giá, nhưng khi trực tiếp tham gia các hoạt động này, Kiểm sát viên có thể nắm rõ hơn thông tin, từ đó đưa ra một số đề nghị, yêu cầu đối với hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên khi đề xuất quan điểm giải quyết nội dung tranh chấp.
Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định: “… Trong trường hợp cần thiết, đại diện UBND cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá”. Tuy nhiên, Kiểm sát viên đều trao đổi và đề nghị Thẩm phán khi tiến hành định giá cần mời đại diện UBND xã, cán bộ làm công tác địa chính để hỏi ý kiến về giá giao dịch, chuyển nhượng tại địa phương. Ý kiến của họ thường chỉ là chứng cứ gián tiếp, nhưng Kiểm sát viên đều đề nghị các thành viên Hội đồng định giá tham khảo, trường hợp cần thiết thì sẽ làm căn cứ để thu thập chứng cứ trực tiếp (như biên bản chuyển nhượng viết tay, biên bản giao tiền của các giao dịch chuyển nhượng trên địa bàn).
Đối với các cơ quan chuyên môn, để nâng cao chất lượng của việc định giá tài sản, lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Phú Thọ đã trao đổi với lãnh đạo các sở, ngành, phòng, ban chuyên môn, đề nghị cử các cán bộ có kinh nghiệm, năng lực tham gia Hội đồng định giá do Tòa án thành lập; đề nghị chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm cho các cán bộ khi tham gia Hội đồng định giá. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân chủ trương tăng cường quan hệ phối hợp giữa các khối cơ quan Viện kiểm sát – Tòa án – UBND trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy chế phối hợp trong lĩnh vực dân sự, hành chính gồm: Nghị quyết liên ngành giữa Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân và Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tỉnh; Quy chế phối hợp giữa Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân – Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân – Ban cán sự đảng UBND tỉnh để thống nhất chỉ đạo 03 khối cơ quan trên địa bàn tỉnh. Điều này đã giúp nâng cao chất lượng công tác giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong quy chế này có nội dung về trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện khi tham gia Hội đồng định giá do Tòa án thành lập.
Ngoài ra, một giải pháp đem lại hiệu quả chính là vận động, thuyết phục các đương sự. Một số vụ án đã được giải quyết dứt điểm sau khi Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên dành thời gian để phân tích, trao đổi với đương sự. Qua phân tích và thuyết phục, các đương sự đã đồng ý và thống nhất với kết quả định giá của Tòa án cấp phúc thẩm nên việc giải quyết vụ án đảm bảo căn cứ pháp lý.
3. Đề xuất, kiến nghị
Một là, tiếp tục hoàn thiện BLTTDS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành để phù hợp với tình hình xã hội hiện nay; sửa đổi những quy định còn mâu thuẫn, chưa hợp lý, bổ sung, hướng dẫn cụ thể những quy định còn thiếu sót phát sinh từ thực tiễn, tạo thuận lợi cho công tác giải quyết các vụ việc dân sự tại địa phương. Theo đó, cần sửa đổi Điều 104 BLTTDS năm 2015 theo hướng: Giá trị tài sản tranh chấp được tính bằng trung bình cộng của giá do Hội đồng định giá và của các đương sự có mặt tại buổi định giá đưa ra.
Hai là, Nhà nước cần có cơ chế, giải pháp về pháp luật phù hợp đối với hoạt động xây dựng khung giá đất, bảng giá đất của UBND tỉnh, đảm bảo không quá chênh lệch so với giá giao dịch trên thị trường.
Ba là, các cơ quan hữu quan cần ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về hoạt động của Hội đồng định giá, đưa ra mẫu biên bản định giá. Trong đó quy định Hội đồng định giá phải có căn cứ giải trình về giá đưa ra, tránh trường hợp tùy tiện, chủ quan. Về thành viên của Hội đồng định giá, cần có tối thiểu một thành viên đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành vật giá.
Bốn là, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phối hợp với liên ngành trung ương để tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động định giá nêu trên, tăng cường công tác chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao cần thường xuyên thông báo rút kinh nghiệm đối với những vụ việc có vi phạm về định giá để các Viện kiểm sát địa phương nghiên cứu, rút kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống cho Kiểm sát viên, tăng cường vai trò của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự./.
Phạm Thị Kim Hoa, Nguyễn Thị Long Hà
Nguồn bài viết: https://kiemsat.vn/mot-so-vuong-mac-trong-kiem-sat-hoat-dong-dinh-gia-tai-san-vu-an-dan-su-va-de-xuat-kien-nghi-63753.html