(PLO)- Tỉ lệ chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính thấp do người vi phạm không chấp hành nộp phạt hoặc tự tháo dỡ công trình vi phạm.
Ngày 14-12, Sở Xây dựng TP.HCM có văn bản báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
Theo đó, năm 2020, tình hình vi phạm trên địa bàn TP giảm 58,2% so với năm 2019. Các lĩnh vực vi phạm chủ yếu vẫn là xây dựng sai phép, không phép và xây dựng không che chắn để rơi vãi vật liệu xây dựng.
Kéo dài thời gian xử lý
Theo Sở Xây dựng TP, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép” theo Luật XLVPHC, Nghị định 139/2017, Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng còn hạn chế. Cụ thể, hành vi vi phạm quy định về xây dựng sai giấy phép, không có giấy phép mà đang thi công xây dựng thì “… trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản VPHC, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng”.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM , việc buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép còn nhiều hạn chế. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Như vậy, thời gian xử lý sai phạm theo quy định là khá dài. Thời gian này bao gồm bảy ngày để cơ quan quản lý nhà nước ban hành quyết định xử phạt, 60 ngày để đối tượng vi phạm thực hiện quyết định xử phạt (làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng), 15 ngày để đối tượng vi phạm chấp hành thông báo thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm, 15 ngày thực hiện cưỡng chế…
Trong khi đó, UBND cấp xã bị hạn chế về lực lượng tăng cường để ngăn chặn việc thi công tiếp tục (thường vào ban đêm, các ngày cuối tuần), dẫn đến khi ban hành quyết định cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và thời điểm tiến hành tháo dỡ thì công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Do đó, đối với trường hợp này, Sở Xây dựng TP kiến nghị Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng… có hướng dẫn các quy định liên quan đến việc xử lý nhanh nhằm ngăn chặn sai phạm kịp thời.
Bốn khó khăn khi xác định lương, thu nhập để trừ tiền
Luật XLVPHC và Nghị định 166/2013 quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành biện pháp phạt tiền như sau: Khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản; kê biên tài sản có giá trị… Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP, trong quá trình triển khai thực hiện các biện pháp này gặp nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể là có bốn khó khăn như:
1. Trên thực tế khó xác định lương hoặc thu nhập, tài khoản cá nhân, tổ chức vi phạm nên không thể ban hành quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền.
2. Đối tượng vi phạm không hợp tác, không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, tổ chức tín dụng mà đối tượng vi phạm mở tài khoản; đối tượng vi phạm không có tài khoản ngân hàng hoặc có tài khoản nhưng là tài khoản rỗng.
3. Do các ngân hàng thường không tích cực phối hợp cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thi hành cưỡng chế trong việc khấu trừ tiền, do cơ chế giữ bí mật, bảo vệ khách hàng vì mục đích kinh doanh. Ngoài ra, hiện nay có hơn 90 tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM nên việc xác minh thông tin tài khoản của các tổ chức, cá nhân vi phạm còn gặp rất nhiều khó khăn.
4. Luật XLVPHC năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc phối hợp để xác minh, thực hiện cưỡng chế khấu trừ một phần lương, thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản, dẫn đến hiệu quả áp dụng biện pháp cưỡng chế trong thực tiễn rất thấp.
Vướng thời hiệu trong xử phạt vi phạm hành chính
Điều 8 Luật XLVPHC quy định về cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong XLVPHC được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự (trừ trường hợp trong luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc). Trong khi đó, căn cứ vào khoản 1 Điều 66 Luật XLVPHC thì người có thẩm quyền xử phạt VPHC phải ra quyết định xử phạt VPHC trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày lập biên bản VPHC…
Việc tiến hành lập biên bản VPHC được thực hiện ngay khi phát hiện các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, việc thụ lý (lập biên bản, thu thập hồ sơ, dự thảo văn bản, ban hành quyết định xử phạt VPHC) chỉ được thực hiện trong thời gian làm việc hành chính (từ thứ Hai đến thứ Sáu, không thụ lý trong thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết).
Một số trường hợp người lập biên bản VPHC ở cấp xã nhưng hành vi đó lại thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh nên người lập biên bản phải hoàn chỉnh, chuyển tất cả hồ sơ liên quan cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt. Việc gửi hồ sơ phải mất nhiều thời gian, khi đó người ra quyết định xử phạt sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo về mặt thời gian xử phạt.
Do đó, theo Sở Xây dựng TP, nếu quy định tính thời hạn, thời hiệu trong XLVPHC được áp dụng theo Bộ luật Dân sự sẽ không đảm bảo việc ban hành quyết định xử phạt VPHC đúng thời hạn quy định đối với các trường hợp rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết.
Nhiều quy định bất cập so với thực tiễn
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, Điều 24 Luật XLVPHC quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) đến 150 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Điều 4 Nghị định 139/2017 quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đối với tổ chức là 300 triệu đồng.
Như vậy, mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức trong lĩnh vực kinh doanh BĐS là đến 300 triệu đồng. Nếu so với lợi ích thu được từ một dự án BĐS quy mô lớn thì mức phạt này là quá thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các chủ thể khác. Do đó, theo Sở Xây dựng TP, cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Luật XLVPHC quy định đối với vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp…, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì được xin gia hạn thời gian nhưng không được quá 30 ngày. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp.
Một điểm vướng nữa là luật trên quy định trong thời hạn hai ngày làm việc (kể từ ngày ra quyết định xử phạt VPHC có lập biên bản), người đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và các cơ quan khác có liên quan (nếu có) để thi hành. Quy định này khó thực hiện do khối lượng quyết định xử phạt rất lớn, nhiều đối tượng vi phạm không có nơi cư trú ổn định, hoặc ít có mặt tại địa phương, hoặc địa chỉ ghi trong giấy tờ khác với địa chỉ cư trú thực tế.
Nguồn: https://plo.vn/phap-luat/nhieu-vuong-mac-ve-xu-ly-vi-pham-xay-dung-957625.html
KIM PHỤNG
Theo plo.vn