ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Quản lý thuế đối với thương mại điện tử: cần có những giải pháp pháp luật chặt chẽ và quyết liệt hơn…

Theo (Pháp lý) – Thời gian gần đây, hoạt động quản lý thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Đáng chú ý, ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp “truy vết” người bán hàng online để thu thuế. Song, trên thực tế công tác quản lý hoạt động này vẫn gặp nhiều khó khăn và cả những khoảng trống điều chỉnh của pháp luật. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với ngành thuế cần có những giải pháp pháp luật chặt chẽ và quyết liệt hơn…

Ngành thuế áp dụng nhiều biện pháp “truy vết” người bán hàng online để thu thuế

Đã có nhiều biện pháp quản lý thuế thương mại điện tử…

Mới nhất, cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này đã thu thuế một cá nhân kinh doanh quần áo qua mạng hơn 500 triệu đồng. Hay trước đó, 1 cá nhân 28 tuổi sáng tác phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải tại địa bàn Cầu Giấy – Hà Nội cũng nộp thuế hơn 23 tỷ đồng.

“Bí kíp” để cơ quan thuế xác định được nguồn thu và yêu cầu các cá nhân có thu nhập “khủng” từ TMĐT này kê khai và nộp thuế là từ việc “truy vết” trên mạng, qua đó nắm được tên, số tài khoản và truy thông tin từ ngân hàng.

Không những vậy, để tăng cường quản lý thuế nói chung, thuế đối với TMĐT nói riêng, cơ quan nhà nước đã ban hành nhiều văn bản luật như: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.

Theo đó, Điều 42 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số có trách nhiệm trực tiếp hoặc ủy quyền đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định. Tại Khoản 3 Điều 27 Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14 cũng có quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của ngân hàng thương mại trong việc khấu trừ nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp nước ngoài.

Để phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với người nộp thuế trong đó có cá nhân, tổ chức có thu nhập từ hoạt động TMĐT, Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định: theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin như: thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế; số dư; số liệu giao dịch…

Không chỉ vậy, hằng tháng, ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài có cơ sở thường trú ở Việt Nam kinh doanh TMĐT, trên các nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước. Cụ thể, sau khi xác định nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.

Nếu cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ hoặc các hình thức ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay, các đơn vị này có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài gửi về Tổng cục Thuế hàng tháng. Ngân hàng phải trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế…

Ngoài ra, để quản lý thuế chặt chẽ hơn đối với những đối tượng kinh doanh TMĐT qua các sàn thương mại để đạt hiệu quả hơn, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh mà, đại diện cơ quan thuế cho biết sẽ làm việc với sàn TMĐT, ngân hàng…

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho hay, tới đây ngành thuế cũng sẽ thay đổi cách quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh. Cụ thể, sẽ làm việc với các đầu mối từ tổ chức liên quan và dòng tiền chi trả. Thông tin từ sàn TMĐT sẽ là nguồn tin cậy để cơ quan thuế điều chỉnh doanh thu của người nộp thuế, từ đó thu thuế đúng và đủ hơn.

Trong dự thảo mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng đề nghị các đơn vị trung gian được yêu cầu khai thông tin và thậm chí nộp thuế thay nếu nắm dòng tiền cho cá nhân và hộ kinh doanh. Như vậy, các sàn TMĐT Tiki, Shopee, Sendo… hoặc các đơn vị giao nhận sẽ có trách nhiệm thông tin cho cơ quan thuế.

Bên cạnh đó, các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, cơ quan thuế địa phương khai thác dữ liệu công bố trên trang bán hàng, fanpage để xác định danh tính cá nhân kinh doanh online, từ đó có các giải pháp để bảo đảm không thất thu thuế.

Vẫn còn nhiều khoảng trống pháp luật chưa điều chỉnh, giúp “lách” thuế

Không thể phủ nhận những kết quả khả quan mà những giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nhà nước, đặc biệt cơ quan quản lý thuế trong việc “truy vết” người kinh doanh TMĐT để thu thuế đã mang lại trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế với xu hướng kinh doanh qua mạng ngày càng gia tăng và nhiều cá nhân vẫn lọt lưới cơ quan thuế. Chứng tỏ, quản lý thuế đối với TMĐT vẫn còn đó những khó khăn và cả khoảng trống pháp luật điều chỉnh, khiến việc thu thuế đối với TMĐT chưa đạt hiệu quả cao bởi giới kinh doanh online trong môi trường TMĐT luôn tìm nhiều cách để lách luật và né thuế.

1. Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 92/2015-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính, các cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế theo quy định. Theo đó, những cá nhân có thu nhập từ việc bán hàng qua mạng thuộc diện cá nhân kinh doanh và phải thực hiện nghĩa vụ khai nộp thuế theo tỷ lệ 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế. Mức phạt đối với cá nhân là 1/2 mức tiền phạt đối với tổ chức.

Giới kinh doanh onile tung “chiêu” né thuế

Thế nhưng, việc xác định được doanh thu của người bán hàng trên mạng hiện nay rất khó khăn. Bởi, người bán hàng trên mạng luôn tìm mọi cách để khiến các cơ quan chức năng khó xác định doanh thu của họ, nhất là đối với những người bán hàng qua facebook, zalo,… Thêm vào đó, giới kinh doanh thường dùng các “chiêu trò” như chia nhiều tài khoản nhận tiền, đổi nội dung chuyển khoản mua hàng.

Nếu chỉ dựa vào những giao dịch qua ngân hàng, cán bộ ngành thuế sẽ phần nào xác định được doanh thu chính xác từ các hoạt động kinh doanh, nhưng hiện nay người bán hàng lại “lách luật” bằng cách giao hàng tận nơi và thu tiền trực tiếp, hoặc thanh toán qua các kênh riêng…

Đó còn chưa kể hiện tại Việt Nam vẫn còn nhiều DN dùng hoá đơn giấy; nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng qua các trang mạng xã hội cũng không hề xuất hoá đơn…

Ngoài ra, việc xác định bản chất giao dịch để xác định mức thuế trong một số trường hợp cũng khó khăn đối với cán bộ thuế. Bởi, nhiều doanh nghiệp cố tình né thuế bằng cách kê khai không đúng hoạt động kinh doanh. Đó là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các tổ chức nước ngoài trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam nhưng kê khai là dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng thuế suất 0%, trong khi thuế suất đúng là 10%.

2. Bên cạnh đó, cũng tương tự như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam vẫn còn lỗ hổng lớn trong thu thuế nhà thầu của các doanh nghiệp nước ngoài – những doanh nghiệp không đăng ký hoạt động tại Việt Nam nhưng có phát sinh thu nhập tại Việt Nam.

Mặc dù pháp luật về thuế đã có những quy định mới nhằm bít lại lỗ hổng này. Theo đó, khi xác định nhà cung cấp ở nước ngoài chưa đăng ký, kê khai, nộp thuế, Tổng cục Thuế sẽ thông báo cho ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch và khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế… song việc các ngân hàng có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay tiền thuế của các doanh nghiệp này liệu có khả thi?

Một chuyên gia tài chính cho rằng điều này sẽ gia tăng áp lực cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, khi thu thuế trực tiếp từ nhà cung cấp nước ngoài có thể sẽ có rủi ro là phát sinh tình huống “đánh thuế hai lần” nếu nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đã nộp thuế rồi mà người dùng tại Việt Nam vẫn kê khai, nộp thuế.

Dù cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật đã có nhiều văn bản luật liên quan điều chỉnh hoạt động giao dịch TMĐT như Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật Thương mại, Bộ Luật Dân sự, Luật Hình sự… Nhưng, trong bối cảnh TMĐT phát triển nhanh như như hiện nay, thì hành lang pháp lý vẫn chưa theo kịp.

3. Điển hình như, Luật giao dịch điện tử và các văn bản dưới luật quy định về quản lý website không có quy định về chế tài bắt buộc các công ty có trang web bán hàng, các trang mạng xã hội phải đăng ký trên sàn giao dịch điện tử và các trang mạng xã hội nếu không đăng ký với Cục TMĐT. Trong khi đó trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 37 Nghị định 52 và Điều 32 Thông tư 47) quy định còn rất chung chung, không có phân cấp rõ ràng.

Quy định về Hợp đồng giao dịch điện tử còn nhiều bất cập. Theo Điều 33, 34 Luật Giao dịch điện tử, Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu (như trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác – Điều 10).

Chứng cứ điện tử được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số. Để thu thập được những dấu vết điện tử trên, cần sử dụng kỹ thuật, công nghệ máy tính và phần mềm phù hợp để có thể phục hồi lại những “dấu vết điện tử” đã bị xóa, bị ghi đè, những dữ liệu tồn tại dưới dạng ẩn, đã mã hóa, những phần mềm, mã nguồn được cài đặt dưới dạng ẩn, để làm cho có thể đọc được, ghi lại dưới hình thức có thể đọc được và có thể sử dụng làm bằng chứng pháp lý trước cơ quan có chức năng. Tuy nhiên cách thức thu thập chứng cứ điện tử này như thế nào? Quy trình ra sao? Quyền của chủ thể liên quan khi tiến hành thu thập… hiện chưa có quy định cụ thể, trừ phi đó là vụ án được cơ quan điều tra vào cuộc theo quy trình tố tụng.

Thay lời kết

Thiết nghĩ, việc không thu được thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh online không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo môi trường cạnh tranh không công bằng cho các loại hình kinh doanh khác. Đáng quan ngại, trong một môi trường có tốc độ thay đổi nhanh chóng như TMĐT, thì những “chiêu thức” tránh thuế cũng đang ngày càng trở nên tinh vi.

Do vậy, để quản lý thuế TMĐT hiệu quả, tránh thất thu thuế như thời gian qua, Cơ quan chức năng cần nhanh chóng rà soát, sửa, đổi nhằm bít các lỗ hổng của các chính sách pháp luật có liên quan không còn phù hợp, lạc hậu, đặc biệt luật hóa các quy định chưa theo kịp phát triển.

Đối với cơ quan quản lý thuế, bên cạnh tăng cường áp dụng có hiệu quả các biện pháp truy, thu thuế cần phải xây dựng hệ thống phân tích và giám sát, thu thập thông tin về xu hướng phát triển TMĐT cũng như các nguồn thu từ hoạt động này từ các cơ quan liên quan để có thể kiểm tra khối lượng giao dịch TMĐT bằng việc thu thập các thống kê về TMĐT và các gian hàng trực tuyến.

Chính phủ và Bộ tài chính cần có chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý thuế đối với lĩnh vực TMĐT. Bên cạnh đó, ngành Thuế cần xây dựng một hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet để thu thập thông tin từ các trang điện tử nhằm nhận diện những người nộp thuế. Đây là hệ thống hoạt động hiệu quả mà Nhật Bản đã áp dụng.

Xuân Trường – La Sơn 

Theo phaply.net.vn

Nguồn bài viết: https://phaply.net.vn/quan-ly-thue-doi-voi-thuong-mai-dien-tu-can-co-nhung-giai-phap-phap-luat-chat-che-va-quyet-liet-hon/

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục