ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

THÔNG TIN 7 DỰ ÁN BẤT ĐỘNG SẢN ĐANG ĐƯỢC UBND TP. HỒ CHÍ MINH ƯU TIÊN THÁO GỠ

Theo đó, cuộc họp do Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường chủ trì và có sự tham gia của lãnh đạo các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư… cùng chủ đầu tư các dự án liên quan. Từng dự án sẽ được báo cáo chi tiết. Đây là những dự án đã được cấp phép từ lâu nhưng vướng thủ tục pháp lý, phải dừng triển khai. 

Trao đổi với Zing, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết chiều 20/2, Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường trực tiếp chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về giải quyết khó khăn, vướng mắc tại 7 dự án bất động sản trên địa bàn TP. Tham dự cuộc họp có đại diện chủ đầu tư cùng các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức có liên quan.

“Trong số 7 dự án được lựa chọn tháo gỡ đầu tiên có 6 dự án gặp vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND TP và có thể giải quyết được ngay. Ngoài ra, có 1 dự án của Novaland ở TP Thủ Đức thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, nhưng nếu giải quyết được vướng mắc này sẽ tạo tiền đề để giải quyết các dự án có vướng mắc tương tự. Tôi cho rằng đây cũng là cách TP lựa chọn các dự án tiếp theo để tập trung tháo gỡ”, ông Châu nhìn nhận.

1. Dự án Shizen Home

Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Bến Nghé, Tân Thuận Đông, quận 7 (Shizen Home) có mô hơn 10.000 m2 và đã hoàn thành phần móng, hầm và tầng 1, đang xây các tầng tiếp theo. Chủ đầu tư Gotec khẳng định đã đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, từ tháng 6/2022 đến nay, doanh nghiệp đã 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại, nhưng đều bị Sở Xây dựng TP.HCM trả hồ sơ với lý do rà soát việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất.

bat dong san anh 1Dự án của Gotec trên đường Bến Nghé, Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM. Ảnh: Gotec.

Gotec ước tính các khoản thiệt hại về doanh thu và chi phí trước mắt lên đến 1.052 tỷ đồng. Về lâu dài nếu không sớm giải quyết, doanh nghiệp sẽ không còn khả năng chi trả chi phí và duy trì hoạt động, dẫn đến mức độ thiệt hại lớn hơn.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị các cấp chính quyền có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Sở Xây dựng TP giải quyết, cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai cho công ty để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh rất khó khăn hiện tại.

2. Celadon City

Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Celadon City (Tân Thắng, Sơn Kỳ, Tân Phú) gặp vướng mắc lớn nhất ở khâu tính thuế. Dự án ban đầu có diện tích hơn 90,08 ha thuộc chủ đầu tư Sacomreal, sau này chuyển pháp nhân cho Công ty CP Đầu tư BĐS Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (do Gamuda Land sở hữu) và được UBND TP chấp thuận điều chỉnh diện tích 82,5 ha, hơn 8 ha còn lại là công viên cây xanh.

Theo Gamuda Land, khi mua lại cổ phần, chủ đầu tư cũ cho biết miễn thuế và họ chỉ thanh toán phần được công nhận. Tuy nhiên sau đó, TP yêu cầu chủ đầu tư mới đóng phần thuế hơn 400 tỷ đồng do doanh nghiệp không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà chỉ mua lại cổ phần nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án…

Do không đồng ý đóng thuế nên dự án bị đình trệ lâu nay, Gamuda Land bị liệt vào danh sách nợ thuế hơn 541 tỷ đồng gồm cả tiền gốc và lãi.

Kể cả khi đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra và kiến nghị Thủ tướng không thu hồi số tiền 514 tỷ đồng, Chính phủ giao lại cho Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn UBND TP.HCM. Sau đó, UBND TP đã yêu cầu các sở ngành nghiên cứu đề xuất, báo cáo trong tháng 1/2022, nhưng đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa có báo cáo đề xuất nào.

bat dong san anh 2Dự án khiến Gamuda Land bị truy thu hơn 541 tỷ đồng tiền thuế. Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng

Gamuda đề nghị Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với Khu A5 và Khu A6. Sở Tài nguyên và Môi trường ký phụ lục hợp đồng thuê đất cho khu trường học C1 và đổi tên cho trường quốc tế Á Châu trên Giấy chứng nhận quyển sử dụng đất đối với thủ tục chuyển nhượng dự án.

Chủ đầu tư đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cấp Giấy chứng nhận cho các căn hộ Ruby (khu A2), cập nhật tài sản trên đất cho Khu D của dự án. Bên cạnh đó, đề nghị Cục thuế TP xác định đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho các hồ sơ thuế của công ty.

3. Dự án De La Sol

Cung cưDe La Sol hay còn gọi là Cửu Long ở số 1 đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4. Ngày 13/2/2017, UBND TP.HCM ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án với quy mô 14.000 m2. Theo quy hoạch, dự án do Công ty CP Đầu tư sản xuất kinh doanh Sài Gòn Cửu Long làm chủ đầu tư có 870 căn hộ, trong đó 261 căn phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân trên địa bàn Quận 4.

bat dong san anh 3Dự án De La Sol còn vướng mắc về giấy phép xây dựng. Ảnh phối cảnh dự án

Tháng 8/2017, Sài Gòn Cửu Long thông qua việc chuyển nhượng dự án cho Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Việt Hưng Phú với giá 900 tỷ đồng.

Sau này, CapitaLand mua lại 100% cổ phần của Việt Hưng Phú và phát triển thành dự án chung cư cao cấp có tên thương mại De La Sol. Hiện dự án còn vướng mắc pháp lý về giấy phép xây dựng.

4. The Metropole Thủ Thiêm

Khu phức hợp Sóng Việt tại lô đất 1-17 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức có tổng diện tích khoảng 7,6 ha, tổng mức đầu tư dự kiến 7.300 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty Quốc Lộc Phát được UBND TP.HCM giao thực hiện dự án. Sau đó, Công ty CP Bất động sản Sơn Kim (Sơn Kim Land) xuất hiện với vai trò nhà phát triển dự án.

bat dong san anh 4Dự án The Metropole Thủ Thiêm đang chịu nhiều vướng mắc sau kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tuy nhiên, đến năm 2019, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án này được UBND TP.HCM chỉ định nhà đầu tư nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tính và thu tiền sử dụng đất.

Trong đó có việc xác định tiền sử dụng đất tại một số lô đất với đơn giá 26 triệu đồng/m2 (bằng chi phí đầu tư bình quân) là không đúng quy định, cần phải được xem xét, xác định lại giá đất để truy thu, tránh thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Đến nay, các cơ quan chức năng chưa có hướng giải quyết cụ thể với dự án này.

5. Khu nhà ở Thiên Lý

Dự án tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức do Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ An Thiên Lý làm chủ đầu tư, có quy mô 17,4 ha bao gồm khu nhà ở liền kề, biệt thự vườn, biệt thự liên lập, trung tâm thương mại, nhà trẻ mẫu giáo và khu chung cư 15 tầng.

Dự án có quyết định giao đất từ tháng 6/2007, quy hoạch chi tiết 1/500 hồi tháng 8/2009 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xong.

6. The Water Bay

Dự án 30,2 ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (sau này được Novaland mua lại) làm chủ đầu tư, với tên thương mại là The Water Bay, quy mô hơn 4.000 căn hộ. Dự án đang bị tạm ngưng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy UBND TP.HCM chấp thuận chuyển mục đích sử dụng hơn 30 ha đất của Công ty Thế kỷ 21 tại dự án Khu du lịch, văn hóa, giải trí thuộc phường Bình Khánh sang xây dựng khoảng 4.000 căn hộ tái định cư và hoán đổi hơn 30 ha đất sạch thuộc 90,2 ha khu tái định cư Nam Rạch Chiếc. Sau đó, TP lại chấp thuận cho chuyển khu đất tái định cư này sang đầu tư kinh doanh nhà ở.

Đồng thời, theo Thanh tra Chính phủ, TP.HCM đã không thực hiện đấu giá theo quy định, tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất đối với dự án.

bat dong san anh 5Dự án Water Bay của Novaland “đứng hình” từ năm 2017. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong đơn cầu cứu Bộ Xây dựng hồi đầu năm 2020, Novaland cho biết đã rót vào đây 6.000 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 với hơn 506 căn hộ tái định cư và đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng kỹ thuật toàn khu và đang tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn 2.

Doanh nghiệp khẳng định dự án đã đủ điều kiện bán hàng nhưng việc tạm dừng dự án thời gian qua đang dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp.

Do đó, Novaland đề xuất 2 phương án giải quyết. Một là doanh nghiệp được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là Lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là Lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ, Novaland sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.

Phương án 2 là Novaland được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.

7. Grand Manhattan

Dự án Chung cư Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1 gồm giai đoạn 1 và 2. Dự án này đã được UBND TP.HCM trao quyết định chấp thuận đầu tư vào năm 2017 và 2018, với chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển Đất Việt. Dự án có quy mô hơn 14.000 m2, gồm 1.415 căn hộ. Tập đoàn Novaland là nhà phát triển dự án với tên thương mại là Grand Manhattan.

bat dong san anh 6

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, UBND TP đã có quyết định giao đất ngày 18/5/2019 nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất. Đến thời điểm tháng 9/2019, công ty vẫn đang thực hiện thủ tục giấy phép xây dựng. UBND quận 1 đã bàn giao mặt bằng trống cho chủ đầu tư.

Theo Lan Anh

Nguồn bài viết: https://zingnews.vn/vuong-mac-cua-7-du-an-duoc-ubnd-tphcm-chon-thao-go-post1405114.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục