Việc tạm ngừng kinh doanh lâu có thể làm cho doanh nghiệp gặp khó về tài chính dẫn đến tình trạng phải giải thể hoặc phá sản. Tuy nhiên, khi chưa kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn có thể làm thủ tục thông báo trở lại hoạt động.
Khi nào doanh nghiệp được thông báo hoạt động trở lại
Theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020, từ 01/01/2021, doanh nghiệp không bị hạn chế số lần được tạm ngừng kinh doanh, tuy nhiên mỗi lần tạm ngừng không được quá 01 năm.
Theo khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp có thể đề nghị đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đồng thời với đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đồng thời với tình trạng của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Như vậy, doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông báo hoạt động trở lại trong trường hợp đăng ký tạm ngừng kinh doanh chưa đến 01 năm nhưng muốn hoạt động trở lại trước thời hạn này.
Thông báo hoạt động lại của doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)
Thủ tục thông báo trở lại hoạt động của doanh nghiệp
1. Chuẩn bị hồ sơ
Theo khoản 2 Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thông báo hoạt động trở lại của doanh nghiệp bao gồm:
– Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của HĐTV đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp danh, của HĐQT đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty tTNHH một thành viên.
– Trường hợp uỷ quyền cho cá nhân khác thực hiện thủ tục thì phải nộp những giấy tờ sau:
– Văn bản ủy quyền (không phải công chứng, chứng thực);
– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân được ủy quyền
+ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực;
+ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
2. Nơi nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức:
– Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính;
– Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn (Đối với doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc phải nộp hồ sơ theo hình thức này).
3. Thời gian giải quyết
03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
4. Lệ phí giải quyết
Miễn lệ phí.
Một số lưu ý khi doanh nghiệp trở lại hoạt động kinh doanh
Trong trường hợp không thực hiện thông báo này doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 nghị định 50/2016/NĐ-CP như sau:
“Điều 32. Vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
d) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh;”
Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.”
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp tại thời điểm tạm ngừng kinh doanh, nếu vẫn phát sinh các khoản nợ về thuế, BHXH…thì vẫn phải tiếp tục thanh toán, chỉ trừ trường hợp doanh nghiệp và các bên có thoả thuận khác.