ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Thực tiễn áp dụng tình tiết “phạm tội đối với người già yếu” và kiến nghị hoàn thiện

Theo KIEMSAT.VN – Thực tiễn áp dụng tình tiết “phạm tội đối với người già yếu” và kiến nghị hoàn thiện

1. Quy định của pháp luật hình sự về “người già yếu”

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015), tình tiết “phạm tội đối với người già yếu” được quy định là tình tiết định khung của một số tội phạm như: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); Tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 137); Tội hành hạ người khác (Điều 140); Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật (Điều 157); Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170); Tội cướp giật tài sản (Điều 171); Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185); Tội cưỡng bức lao động (Điều 297); Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368); Tội ra bản trái pháp luật (Điều 370); Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371); Tội dùng nhục hình (Điều 373); Tội bức cung (Điều 374); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật (Điều 377). Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào giải thích thế nào là “người già yếu”.

Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tình tiết “người phạm tội là người già” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; tình tiết “phạm tội đối với người già” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã thay khái niệm “người già” bằng khái niệm “người đủ 70 tuổi trở lên” tại điểm o khoản 1 Điều 51 (tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) và điểm i khoản 1 Điều 52 (tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự).

“Người quá già yếu” là tình tiết xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 BLHS năm 2015. Tại điểm a tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn “Người quá già yếu” được xác định là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm”.

 Như vậy, khái niệm “người già” và “người quá già yếu” có hay không tương đồng với khái niệm “người già yếu” hay không? Việc không quy định cụ thể về “người già yếu” gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

2. Thực tiễn áp dụng tình tiết “phạm tội đối với người già yếu”

Ví dụ 1: Ngày 01/01/2022, Nguyễn Văn A (lúc này mới 15 tuổi) và Trần Văn B (19 tuổi), thực hiện hành vi cướp giật chiếc điện thoại di động của bà Nguyễn Thị C trị giá 03 triệu đồng. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, bà C đã 70 tuổi, bị bệnh tim, hay đau ốm nhưng hàng ngày bà C vẫn đi bán vé số.

Trong tình huống này, nếu xác định bà C là người già yếu thì hành vi của Nguyễn Văn A và Trần Văn B sẽ đủ yếu tố cấu thành Tội cướp giật tài sản với tình tiết “phạm tội đối với người già yếu” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, mặc dù bà C đã 70 tuổi và bị bệnh tim, lại thường xuyên đau ốm nhưng bà C vẫn làm việc bằng cách hàng ngày đi bán vé số và hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn nào xác định thế nào “người già yếu”. Do đó, không đủ căn cứ để xác định A và B phạm tội đối với người già yếu nên chỉ có Trần Văn B phạm tội cướp giật tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 171 BLHS; còn Nguyễn Văn A tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mới 15 tuổi nên A không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Có thể thấy, nếu xác định bà C là “người già yếu” thì A phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cướp giật tài sản (khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015), nhưng việc xác định như vậy không đảm bảo căn cứ vì chưa có quy định cụ thể thế nào là “người già yếu”. Mặc dù thực tế, bà C đã 70 tuổi, bị bệnh tim và thường xuyên đau ốm nhưng lại không có căn cứ nào xác định bà C là “người già yếu” để làm căn cứ xử lý hình sự đối với A là chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và bỏ lọt tội phạm.

Đối với bị hại từ 70 tuổi trở lên trong hai tình huống trên, rất khó để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng tình tiết “Phạm tội đối với người già yếu” để làm căn cứ định khung hình phạt. Hiện nay, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên thường được áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS là “Phạm tội đối với người đủ 70 tuổi trở lên”.

Ví dụ 2: Trần Văn T thực hiện hành vi cướp của ông Hà Văn S số tiền 3 triệu đồng. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, ông S đã 80 tuổi; tuy nhiên hàng ngày ông S vẫn thường xuyên tập thể dục, sức khoẻ bình thường, tự chăm lo sinh hoạt thường ngày của bản thân. Đối với tình huống thứ hai, ông S đã 80 tuổi, có thể xác định được ông là “người già” nhưng do sức khoẻ ông vẫn bình thường và bản thân ông S tự chăm lo sinh hoạt thường ngày của mình nên chưa thể xác định ông S là “người già yếu” để làm căn cứ khởi tố Trần Văn T về Tội cướp tài sản theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 168 BLHS năm 2015. Thực tế cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, chỉ khởi tố T về Tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 168 BLHS.

 Ví dụ 3: N đột nhập vào nhà ông Q để trộm cắp tài sản. Khi vào phòng ông Q thì N nhìn thấy ông Q đang nằm trên giường, sợ bị phát hiện nên N đã dùng gậy gỗ đánh vào đầu ông Q làm ông bất tỉnh để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, ông Q đã 68 tuổi, bị liệt nửa người, thường xuyên đau ốm, sinh hoạt thường ngày phải có người chăm sóc.

Đối với tình huống này, ông Q dưới 70 tuổi nhưng thường xuyên đau ốm, nằm liệt giường thì có thể xác định là người già yếu hay không.

3. Một số đề xuất – kiến nghị

Một là, kiến nghị liên ngành tư pháp trung ương, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết “phạm tội đối với người già yếu” là tình tiết định khung của một số tội phạm quy định tại các Điều 134, 137, 140, 157, 168, 170, 171, 185, 297, 368, 370, 371, 373, 374 và 377 BLHS năm 2015 để có thể áp dụng thống nhất làm căn cứ định tội và định khung hình phạt đối với một số tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hai là, theo chúng tôi “người già yếu” nên được xác định như sau: (1) Về độ tuổi (người già): Trên thực tế, có những người 80, 90 tuổi vẫn lao động, sinh hoạt bình thường; ngược lại có người đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi có nhiều bệnh nền, thường xuyên đau ốm. Tuy nhiên, nếu xác định một người từ đủ 60 tuổi đến dưới 70 tuổi là “người già yếu” thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn trong việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Do đó, cần quy định người già yếu phải là người đủ 70 tuổi trở lên để phù hợp với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015; (2) Về sức khoẻ: Cần phải có xác nhận của cơ quan chuyên môn về tình trạng sức khỏe để xác định đúng người bị hại là “người già yếu” để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người bị buộc tội./.

Doãn Thị Chúc – Phạm Hoàng Tân

Nguồn bài viết: https://kiemsat.vn/thuc-tien-ap-dung-tinh-tiet-pham-toi-doi-voi-nguoi-gia-yeu-va-kien-nghi-hoan-thien-63802.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục