TAND Tối cao vừa ban hành Công văn 02/TANDTC-PC ngày 2-8 giải đáp một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có nêu một số vấn đề trong giải quyết án dân sự.
Tòa tính sao khi bị đơn cố tình giấu địa chỉ?
Nếu người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ của người bị kiện, người liên quan (gọi tắt là phía bị kiện) theo địa chỉ ghi trong giao dịch, hợp đồng thì tòa có phải yêu cầu bổ sung văn bản xác minh nơi cư trú của phía bị kiện không?
Khi giải quyết vụ án, nếu tòa không tống đạt được văn bản tố tụng cho phía bị kiện theo địa chỉ do nguyên đơn cung cấp; tòa xác minh thì họ đã đi khỏi nơi cư trú sáu tháng trước thì tòa đình chỉ hay tiếp tục giải quyết?
Quang cảnh một phiên tòa hình sự ở TAND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Về vấn đề này, TAND Tối cao cho rằng tòa phải thụ lý mà không được yêu cầu bổ sung văn bản xác minh nơi cư trú của phía bị kiện.
Trường hợp sau khi thụ lý, tòa xác minh thì được biết phía bị kiện đã đi khỏi nơi cư trú sáu tháng trước: Đây được xác định là trường hợp phía bị kiện giấu địa chỉ. Tòa căn cứ điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017 ngày 5-5-2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.
TAND Tối cao lý giải: Điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS quy định trường hợp trong đơn kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của phía bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền để trốn nghĩa vụ đối với người khởi kiện… thì tòa xác định phía bị kiện cố tình giấu địa chỉ; đồng thời tòa thụ lý, giải quyết.
Theo Điều 5 Nghị quyết 04/2017, địa chỉ của phía bị kiện được xác định như sau: Nếu là công dân Việt Nam (VN), người VN định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch VN trở về VN sinh sống thì nơi cư trú là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà họ thường trú hoặc tạm trú, hoặc đang sinh sống theo quy định của Luật Cư trú.
Nếu người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ của phía bị kiện tại thời điểm nộp đơn kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của phía bị kiện thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của phía bị kiện. Theo khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 04/2017 thì trường hợp này tòa phải nhận đơn và xem xét thụ lý theo thủ tục chung.
Ngân hàng kiện đòi nợ gốc: Không áp dụng thời hiệu
Một vấn đề được nhiều tòa nêu thắc mắc là việc áp dụng thời hiệu trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng; tranh chấp về quyền sở hữu, đòi lại tài sản và các tranh chấp khác như tranh chấp hợp đồng thuê nhà, thuê tài sản, hợp đồng vay tài sản…
Ví dụ: Ông A vay ngân hàng 1 tỉ đồng, thời hạn một tháng kể từ ngày 2-1-2017. Sau đó, ông A không trả được nợ gốc và lãi. Quá ba năm kể từ ngày 3-2-2017, ngân hàng mới kiện đòi nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu không?
TAND Tối cao cho rằng theo Điều 429 BLDS 2015 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng là ba năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Căn cứ quy định trên thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 155 BLDS 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Do đó, ngân hàng có thể kiện đòi ông A trả nợ gốc và tòa thụ lý, giải quyết mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi tòa cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết hay không.
Trong văn bản, TAND Tối cao cũng xác định đối với các tranh chấp về quyền sở hữu, đòi lại tài sản thì tòa không áp dụng thời hiệu không phụ thuộc vào việc một bên hoặc các bên có hay không có yêu cầu.
Đối với các tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự như hợp đồng thuê nhà, thuê tài sản, hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân, tập thể với nhau (không phải là hợp đồng tín dụng) thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo Điều 429 BLDS 2015 và Điều 184 BLTTDS.
Rủi ro khi không xác minh tài sản thế chấp
Nếu nhà, đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông A. Ông A làm giả chữ ký của vợ để chuyển nhượng nhà, đất cho C (việc giả chữ ký đã được chứng minh thông qua việc giám định). Sau khi chuyển nhượng, vợ chồng ông A vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà, đất.
Sau đó, C thế chấp tài sản này để vay tiền ngân hàng. Vậy giao dịch thế chấp có bị vô hiệu không? Nếu hợp đồng thế chấp này bị xem là vô hiệu thì có trái với Mục 1 Phần II Công văn 64 ngày 3-4-2019 của TAND Tối cao không?
TAND Tối cao giải đáp: Ông A giả chữ ký của vợ để chuyển nhượng nhà, đất cho C mà không được vợ đồng ý nên căn cứ Điều 123 BLDS 2015 thì giao dịch chuyển nhượng này vô hiệu.
Sau đó, C dùng tài sản này thế chấp vay tiền nhưng khi ký hợp đồng, ngân hàng không thẩm định, không xác minh nên không biết vợ chồng ông A vẫn quản lý, sử dụng nhà, đất hoặc đã thẩm định nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh vợ chồng ông A biết việc thế chấp này.
Trong trường hợp này, bên nhận thế chấp tài sản (ngân hàng) không phải là người thứ ba ngay tình theo khoản 2 Điều 133 BLDS 2015 và Mục 1 Phần II Công văn 64/2019 của TAND Tối cao. Do vậy, hợp đồng thế chấp tài sản cũng vô hiệu.
Yến Châu
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/phap-luat/toa-toi-cao-giai-dap-ve-viec-bi-don-co-tinh-giau-dia-chi-1010820.html