ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Trao đổi về kiểm sát thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn xét xử

Theo (KIEMSAT.VN) – Trong một số trường hợp, việc tính thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú còn chưa có sự thống nhất trong giai đoạn xét xử sơ thẩm như: thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với từng bị can trong vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội khác nhau; thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú  dựa trên căn cứ gì nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án… Những nội dung trên sẽ được tác giả Đồng Thị Lan Anh (VKSND TP. HẢi Phòng) trao đổi cụ thể trong bài viết này.

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 bổ sung quy định về thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn (BPNC) cấm đi khỏi nơi cư trú, theo đó: “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù” (khoản 4 Điều 123). Khi hết mỗi giai đoạn tố tụng, cơ quan thụ lý tiếp theo, trong đó có Tòa án, phải tự quyết định việc áp dụng BPNC cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can, không quá thời hạn giải quyết của mình. Tuy nhiên, trên thực tiễn nhiều địa phương vẫn còn các cách thực hiện khác nhau, gây ra sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật, đồng thời làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bị can, bị cáo. Với nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử vụ án hình sự của Tòa án, Viện kiểm sát cần có những giải pháp và quan hệ phối hợp hiệu quả để góp phần khắc phục tình trạng trên. Theo tác giả, hiện nay, khi chưa có hướng dẫn cụ thể BLTTHS về một số trường hợp áp dụng thời hạn áp dụng BPNC cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn xét xử nên có thể vận dụng các Điều luật tương tự để tính thời hạn cụ thể như sau:

Giai đoạn xét xử sơ thẩm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 277 (thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm), khoản 3 Điều 278 (áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế), khoản 1, 3 Điều 329 (bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án) của BLTTHS năm 2015, thời hạn ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn xét xử sơ thẩm có thể chia thành các trường hợp sau:

– Trường hợp thứ nhất, từ khi Tòa án thụ lý vụ án đến trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm, thời hạn cụ thể là:

+ Nếu không phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì thời hạn là 30 ngày đối với tội ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội rất nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.

+ Nếu phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử thì nối tiếp thêm 15 ngày đối với tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng; nối tiếp thêm 30 ngày đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

+ Đối với vụ án bị trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn là 25 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ.

Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội phạm khác nhau (từ tội phạm ít nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng), thì áp dụng BPNC cấm đi khỏi nơi cư trú không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử đối với tội phạm nặng nhất mà bị can bị truy tố (tính theo thời hạn chuẩn bị xét xử đối với bị can đầu vụ).

– Trường hợp thứ hai, đối với bị cáo đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú mà đến ngày mở phiên tòa, thời hạn đã hết, nếu thấy cần tiếp tục áp dụng BPNC này để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử (HĐXX) ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú nối tiếp thời hạn đến khi kết thúc phiên tòa.

– Trường hợp thứ ba, khi bị cáo đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục áp dụng BPNC này để bảo đảm thi hành án hoặc hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ đến Tòa án cấp phúc thẩm do bản án bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì HĐXX ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày tuyên án.

Giai đoạn xét xử phúc thẩm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 346 (thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm), đoạn 2, 3 khoản 2 và khoản 3 Điều 347 (áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế) của BLTTHS năm 2015, thời hạn của lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn xét xử phúc thẩm có thể được chia thành các trường hợp sau:

– Trường hợp thứ nhất, từ thời điểm Tòa án thụ lý vụ án đến trước ngày mở phiên tòa phúc thẩm, thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú là 60 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu; 90 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương.

Trường hợp lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của cấp sơ thẩm còn thời hạn mà xét thấy cần phải tiếp tục áp dụng BPNC này thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn sử dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Tòa án cấp sơ thẩm. Nếu lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Tòa án cấp sơ thẩm hết thời hạn thì Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú mới (thời hạn không quá thời hạn xét xử phúc thẩm).

– Trường hợp thứ hai, đối với bị cáo đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú, nếu xét thấy cần tiếp tục áp dụng BPNC này để hoàn thành việc xét xử thì HĐXX ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho đến khi kết thúc phiên tòa.

– Trường hợp thứ ba, đối với bị cáo đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú, bị xử phạt tù mà đến ngày kết thúc phiên tòa phúc thẩm cũng hết thời hạn lệnh này thì HĐXX tiếp tục ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp bị cáo bị xử phạt tù nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú trong trường hợp này là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.

Tuy nhiên, về kỹ thuật ghi thời hạn trong lệnh thực tế của Tòa án, nhiều đơn vị còn chưa thống nhất. Có đơn vị ghi rõ thời hạn (“từ ngày… đến ngày”, hoặc số ngày cụ thể tùy theo loại tội, ví dụ “30 ngày kể từ ngày….”) nhưng có đơn vị lại ghi chung theo tinh thần Điều 123 BLTTHS năm 2015 là “từ ngày… đến khi hoàn thành việc xét xử sơ thẩm (hoặc phúc thẩm)”. Nếu ghi rõ thời hạn như cách thứ nhất sẽ dẫn đến một số khó khăn như: Sẽ phải ban hành nhiều lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một người nếu vụ án phải gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử hoặc để hoàn thành việc xét xử, chuyển hồ sơ để xét xử phúc thẩm và bảo đảm việc thi hành án (như trường hợp thứ hai, thứ ba nêu trên). Kèm theo đó, cả người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đều phải thực hiện lại nhiều thủ tục khác như khi áp dụng BPNC này lần đầu. Ví dụ: Bị can, bị cáo phải làm thêm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2 Điều 123 BLTTHS năm 2015; người ra lệnh phải làm thêm thủ tục thông báo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền địa phương để quản lý, theo dõi… Điều đó đòi hỏi không ít thời gian và công sức mới đảm bảo thực hiện đúng quy định của BLTTHS. Ngoài ra, trường hợp vụ án được xét xử xong trước khi hết thời hạn của lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đang áp dụng (Ví dụ, lệnh ghi “thời hạn 60 ngày kể từ ngày 01/6/2020”, nhưng vụ án được xử vào ngày 02/7/2020), bản án không tuyên hình phạt tù đối với bị cáo thì sẽ phải nhận định thêm về việc hủy bỏ BPNC cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc HĐXX phải ban hành riêng quyết định hủy bỏ lệnh này sau khi kết thúc phiên tòa. Nếu không, sẽ dẫn tới tình trạng bị cáo tiếp tục bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú (cho đến khi hết thời hạn ghi trong lệnh), trong khi đồng thời phải thi hành bản án (Ví dụ hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc án treo), dẫn đến bị hạn chế quyền tự do đi lại (Theo hiệu lực của lệnh), làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

 Tác giả cho rằng, nên ghi thời hạn của lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú theo tinh thần Điều 123 BLTTHS năm 2015 là “từ ngày… đến khi hoàn thành việc xét xử sơ thẩm (hoặc phúc thẩm)”. Phương án này vừa đảm bảo không quá thời hạn của giai đoạn tố tụng này, vừa tránh được việc ban hành nhiều lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong một giai đoạn xét xử, vừa giảm thiểu được các thủ tục kèm theo đối với cả người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng mà vẫn đúng quy định của BLTTHS.

Để thực hiện tốt kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong xét xử vụ án hình sự của Tòa án, Kiểm sát viên cần nắm vững quy định của BLTTHS năm 2015 về thời hạn áp dụng BPNC cấm đi khỏi nơi cư trú của Tòa án như các trường hợp đã nêu trên. Trên cơ sở đó mới kiểm sát được việc ban hành của Tòa án và nội dung các lệnh đã đảm bảo đúng quy định của BLTTHS hay chưa. Trong trường hợp có vi phạm, tùy mức độ, mới thực hiện được quyền yêu cầu hoặc kiến nghị cho phù hợp. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm sát cũng như hướng tới việc áp dụng pháp luật thống nhất, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cho bị can, bị cáo, Kiểm sát viên cần báo cáo lãnh đạo trao đổi với Tòa án để thống nhất cách ghi thời hạn chung theo quy định tại Điều 123 BLTTHS năm 2015 là “từ ngày… đến khi hoàn thành việc xét xử sơ thẩm (hoặc phúc thẩm)”. Chỉ đối với trường hợp sau khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm, bị cáo bị xử phạt tù, Kiểm sát viên cần chú ý kiểm sát việc HĐXX ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày tuyên án để bảo đảm thi hành án hoặc hoàn tất thủ tục chuyển hồ sơ đến Tòa án cấp phúc thẩm do bản án bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Bởi lẽ, hiệu lực của lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đang áp dụng sẽ hết khi kết thúc việc xét xử sơ thẩm, nếu không được tiếp tục nối lệnh, sẽ dẫn tới tình trạng bị cáo không bị áp dụng BPNC nào trong khoảng thời gian từ khi kết thúc phiên tòa đến khi bản án có hiệu lực pháp luật hoặc cấp trên thụ lý vụ án để giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Nếu hai cơ quan đã trao đổi nhưng vẫn chưa thống nhất được cách ghi thời hạn, đối với những lệnh ghi rõ thời hạn “từ ngày… đến ngày”, hoặc số ngày cụ thể tùy theo loại tội, ví dụ “30 ngày kể từ ngày….” thì Kiểm sát viên cần chú ý căn cứ vào 03 trường hợp tính thời hạn (ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và phúc thẩm) như đã phân tích ở trên để kiểm sát chặt chẽ thời hạn, việc ban hành lệnh cũng như các thủ tục kèm theo cần thực hiện của cả người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo đúng quy định của Điều 123 BLTTHS năm 2015. Đồng thời, trường hợp vụ án được xét xử xong trước khi hết thời hạn của lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đang áp dụng mà bản án không tuyên hình phạt tù đối với bị cáo thì Kiểm sát viên cần chú ý kiểm sát việc bản án có hay không nhận định về việc hủy bỏ BPNC cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc HĐXX có ban hành riêng quyết định hủy bỏ lệnh này, trên cơ sở đó có biện pháp tác động phù hợp.

Trên đây là vấn đề còn vướng mắc, thiếu thống nhất khi áp dụng trong thực tiễn, tác giả đưa ra một số cách hiểu, vận dụng theo quan điểm cá nhân, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Theo kiemsat.vn

Nguồn bài viết: https://kiemsat.vn/trao-doi-ve-kiem-sat-thoi-han-ap-dung-bien-phap-ngan-chan-cam-di-khoi-noi-cu-tru-trong-giai-doan-xet-xu-61357.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục