Thực tiễn giải quyết vụ án liên quan đến vấn đề “bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra” theo Điều 587 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã phát sinh một số vướng mắc trong áp dụng pháp luật đối với một số trường hợp cụ thể như: Nhiều người cùng vô ý gây thiệt hại cho cùng bị hại; vụ án có người phạm tội với lỗi cố ý, có người phạm tội với lỗi vô ý; và vấn đề bồi thường khi có đồng phạm chết…; đặt ra yều cầu hoàn thiện pháp luật để có căn cứ áp dụng đồng bộ, thống nhất.
1. Quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra là trách nhiệm liên đới bồi thường của những người cùng gây thiệt hại đối với người bị thiệt hại, phát sinh từ hành vi trái pháp luật. Điều 587 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra như sau: “Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.
Bộ luật Dân sự năm 2005 và BLDS năm 2015 đều quy định những người cùng gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm liên đới bồi thường, phần trách nhiệm được xác định dựa trên mức độ lỗi của mỗi người; và họ sẽ phải bồi thường theo phần bằng nhau nếu không xác định được mức độ lỗi. Tuy nhiên, theo BLDS năm 2005, quy định này được xếp vào nhóm các trường hợp bồi thường thiệt hại cụ thể. Điều này xuất phát từ quan điểm của các nhà làm luật cho rằng trường hợp này là một trong số trường hợp cá biệt trong lĩnh vực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (giống như những trường hợp bồi thường thiệt hại do phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết hay do người đang thi hành công vụ gây ra…). Thực tiễn xét xử cho thấy, việc xem xét vấn đề về số lượng chủ thể gây thiệt hại, từ đó xác định nghĩa vụ liên đới bồi thường của các chủ thể này và mức độ bồi thường của từng chủ thể là vô cùng cần thiết và phải được tiến hành như là một nguyên tắc chung đối với tất cả các trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, mà không thể coi đây chỉ là một trường hợp đặc biệt trong bồi thường thiệt hại. Từ đó, nhà làm luật chuyển điều luật sang phần quy định chung của phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLDS năm 2015.
Hiện nay, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 03/2006); tinh thần Công văn số 121/2003/KHXX ngày 19/9/2003 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự; trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự có đồng phạm được hướng dẫn tại Mục 8, Phần I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của Tòa án nhân dân tối cao.
Theo quy định tại BLDS năm 2005 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra phát sinh khi có đầy đủ 04 điều kiện sau: (1) Phải có việc gây thiệt hại của nhiều người; (2) Phải có hành vi trái pháp luật trong việc gây thiệt hại của nhiều người có sự thống nhất với nhau; (3) Phải có lỗi của những người cùng gây thiệt hại; (4) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của những người cùng gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra.
Tuy nhiên, Điều 584 BLDS năm 2015 đã thay đổi hướng tiếp cận về yếu tố lỗi. Theo đó, không xác định lỗi của người gây thiệt hại là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà chú trọng vào hành vi gây thiệt hại, với yêu cầu chỉ cần chứng minh hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật là đủ; loại bỏ trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chịu trách nhiệm bồi thường hoặc người gây thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng hoặc người bị thiệt hại có lỗi hoàn toàn, trừ một số trường hợp do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 584 BLDS năm 2015).
Theo tác giả, cách tiếp cận như trên là hướng tiếp cận chung cho vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; còn trường hợp bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra phát sinh khi những người này phải có lỗi, không kể lỗi đó là lỗi vô ý hay lỗi cố ý gây thiệt hại. Nghĩa là, ngoài những trường hợp bồi thường do lỗi vô ý đã được BLDS quy định thành những điều luật riêng (bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, cây cối, súc vật gây ra…), thì các trường hợp khác khi phát sinh nghĩa vụ liên đới bồi thường đều phải có lỗi (cố ý hoặc vô ý). Vì vậy, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, phải căn cứ vào 04 điều kiện nêu trên, như quy định của BLDS năm 2005 là phù hợp.
2. Một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
2.1. Vấn đề áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015 trong một số trường hợp cụ thể
Trường hợp 1: Nhiều người cùng vô ý gây thiệt hại cho cùng bị hại.
Ví dụ: A là người điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường Quốc lộ 1A chở B phía sau; do chạy quá tốc độ, vượt ẩu, A đã chạy xe ra gần giữa đường và đâm vào bên trái xe ô tô do C điều khiển đang lưu thông ngược chiều gây tai nạn làm B tử vong. Qua kết quả khám nghiệm hiện trường và các chứng cứ khác cho thấy C đã không giảm tốc độ khi tránh xe ngược chiều, chạy lấn sang phần đường bên trái 15 cm so với tim đường. Tòa án kết luận có lỗi hỗn hợp trong vụ án, cả A và C đều có lỗi đối với thiệt hại về tính mạng của B, nên cả A và C đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật để giải quyết việc bồi thường trong trường hợp này có hai ý kiến khác nhau:
Ý kiến thứ nhất: Cần áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015 để buộc A và C phải liên đới bồi thường thiệt hại vì trong trường hợp này cả A và C đều có lỗi đối với thiệt hại của B, hay nói cách khác, hành vi trái pháp luật của A và C là nguyên nhân gây ra hậu quả thiệt hại về tính mạng của B. Mặt khác, Điều 587 BLDS năm 2015 chỉ quy định chung là “cùng gây thiệt hại” chứ không trực tiếp chỉ rõ là “cố ý” hay “vô ý” nên trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại vẫn đặt ra đối với trường hợp trên. Điều 288 BLDS năm 2015 cũng đặt ra vấn đề nghĩa vụ liên đới, không đề cập đến vấn đề cùng có lỗi vô ý hay cố ý.
Ý kiến thứ hai: Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh trong trường hợp những người có hành vi trái pháp luật đều “cùng cố ý” gây ra thiệt hại, hoặc những trường hợp khác do pháp luật quy định. Trong trường hợp trên, tuy xét về mặt khách quan thì hành vi của A và C xảy ra đồng thời, đều là nguyên nhân gây ra thiệt hại đối với B, nhưng giữa A và C không có sự “cùng cố ý”, không liên đới trách nhiệm với nhau. Do vậy, không thể áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015 để buộc A và C cùng liên đới bồi thường thiệt hại.
Tác giả đồng tình với ý kiến thứ nhất. Bởi lẽ, “cùng vô ý” là trường hợp chủ thể gây thiệt hại không có sự thống nhất về mặt ý chí gây thiệt hại, họ không nhận thức được tính trái pháp luật trong hành vi của mình và hành vi của người khác cùng thực hiện với mình, nên không có tính liên quan. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường phát sinh từ việc họ cùng có lỗi nên mới gây thiệt hại cho bị hại, họ phải bồi thường theo phần lỗi của mình gây ra, làm phát sinh nghĩa vụ liên đới bồi thường (nếu xác định được) hoặc theo phần bằng nhau. Nghĩa là đã phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc cùng gây ra thiệt hại, nên việc áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015 để buộc A và C phải liên đới bồi thường thiệt hại là phù hợp.
Trường hợp 2: Vụ án có người phạm tội với lỗi cố ý, có người phạm tội với lỗi vô ý.
Ví dụ: Công ty HNC là công ty Nhà nước, khi thi công công trình trụ sở làm việc, Nguyễn Văn A là Giám đốc chịu trách nhiệm điều hành chung, Đoàn Văn H và Nguyễn Huy C là người trực tiếp chỉ huy công trình. Quá trình thi công, H và C đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, gây thiệt hại tài sản công ty với giá trị 250 triệu đồng. H và C bị truy tố về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng. A là Giám đốc đã thiếu kiểm tra, giám sát, ký duyệt nội dung sử dụng vốn của công ty để đầu tư sai quy định, cùng gây thiệt hại về tài sản công ty với C và H, nên bị truy tố về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề đặt ra, việc bồi thường thiệt hại được giải quyết như thế nào?
Ý kiến thứ nhất: A, H, C mặc dù phạm các tội khác nhau nhưng cùng gây thiệt hại về tài sản của công ty là 250 triệu đồng, nên phải áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015, xác định mức độ lỗi của từng người, buộc cả A, H, C cùng liên đới bồi thường thiệt hại số tiền trên cho công ty HNC.
Ý kiến thứ hai: Mặc dù A, H, C cùng gây thiệt hại nhưng A phạm tội với lỗi vô ý; H và C cùng cố ý gây thiệt hại, là người chịu trách nhiệm chính trong vụ án nên việc liên đới bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra đối với H và C. Do đó, chỉ áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015 đối với H và C để buộc H và C liên đới bồi thường. Còn A mặc dù vẫn xác định trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên, không cùng cố ý gây thiệt hại với H và C nên không liên đới bồi thường, không áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015 đối với A.
Tác giả đồng tình với ý kiến thứ nhất, bởi lẽ, cũng tương tự như ở ví dụ 1, trường hợp này, lỗi của chủ thể gây thiệt hại là khác nhau, không có sự thống nhất về mặt ý chí gây thiệt hại, có chủ thể phạm tội với lỗi vô ý và cố ý, nên không có tính liên quan. Tuy nhiên, vấn đề bồi thường phát sinh từ việc họ cùng có lỗi nên mới gây thiệt hại cho bị hại, họ phải bồi thường theo phần lỗi mà mình gây ra. Nghĩa là đã phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc cùng gây ra thiệt hại, nên việc áp dụng Điều 587 BLDS năm 2015 để buộc A, H và C phải liên đới bồi thường thiệt hại là phù hợp.
2.2. Vấn đề bồi thường khi có đồng phạm chết
Ví dụ: Hai đối tượng H và V cùng thực hiện hành vi trộm cắp xe máy của anh K. Số tiền bán xe, cả hai đã tiêu xài hết, xe không thu hồi được. Qua hồ sơ mua xe và lời khai của anh K, chiếc xe được định giá 30 triệu đồng. Trong thời gian bị tạm giam, đối tượng H đã treo cổ chết. Tại phiên tòa sơ thẩm, về trách nhiệm dân sự, anh K đòi V phải bồi thường toàn bộ giá trị định giá của chiếc xe, nhưng V chỉ chấp nhận bồi thường một phần hai giá trị xe vì cho rằng cả H và V cùng đi trộm cắp và chia tiền như nhau. Bản án sơ thẩm cũng tuyên buộc V phải bồi thường một phần hai giá trị xe cho anh K vì cho rằng H đã chết. Do đó, Hội đồng xét xử chỉ xem xét phần bồi thường thiệt hại cho bị hại là một phần hai trị giá xe máy theo kỷ phần mà bị cáo V đã được hưởng lợi từ việc bán xe. Liên quan đến vụ án, có hai trường hợp cần xem xét:
Trường hợp 1: Qua xác minh tại địa phương, H có một căn nhà là tài sản chung với vợ và không để lại di chúc trước khi chết. Khi giải quyết vụ án, tài sản đã được chia thừa kế xong.
Ý kiến thứ nhất: Tòa án buộc những người thừa kế tài sản của H phải bồi thường phần nghĩa vụ của H trong vụ án.
Ý kiến thứ hai: H đã chết, Tòa án sẽ đình chỉ vụ án đối với H, trách nhiệm của H trong vụ án không còn. Mặt khác, tài sản của H để lại đã được chia thừa kế nên xác định H không còn tài sản, và do đó, H không có trách nhiệm phải bồi thường.
Theo tác giả, cần phải buộc những người thừa kế tài sản của H phải có trách nhiệm bồi thường thay cho H, vì đây là nghĩa vụ do người chết để lại theo Điều 615 BLDS năm 2015, mặc dù tài sản thừa kế đã được chia. Như vậy, để đảm bảo quyền lợi của bị hại trong vụ án, ý kiến thứ nhất là phù hợp. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này theo Điều 615 BLDS năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Trường hợp 2: H đã chết và qua xác minh tại địa phương, H không có tài sản riêng để lại trước khi chết. Hiện có hai ý kiến như sau:
Ý kiến thứ nhất: Thống nhất như nhận định của Tòa án vì qua xác minh tại địa phương, H không có tài sản riêng để lại trước khi chết; theo Điều 587 BLDS năm 2015, trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Cả H và V cùng nhau trộm cắp, được hưởng lợi như nhau nên xác định V bồi thường một phần hai giá trị xe là hợp lý.
Ý kiến thứ hai: Việc Tòa tuyên xử như vậy là chưa thỏa đáng, gây thiệt hại cho quyền lợi của bị hại. Trong trường hợp này, H đã chết, không có tài sản để lại nên V phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Tác giả nhất trí với ý kiến thứ hai, bởi V có lỗi trong toàn bộ thiệt hại gây ra cho bị hại. Điều 587 BLDS năm 2015 không quy định về việc người phạm tội chịu trách nhiệm tương ứng với “kỷ phần” được hưởng lợi từ việc bán xe trộm cắp được theo như Tòa đã nhận định. Thực tế, V không trộm cắp một phần hai chiếc xe của anh K mà trộm cả chiếc xe. Đồng thời, trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ tổng số tài sản mà V tham gia trộm cắp có giá trị 30 triệu đồng chứ không phải chia ra một phần hai để truy cứu trách nhiệm hình sự với V.
Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên, tác giả kiến nghị hoàn thiện pháp luật như sau:
Một là, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 587 BLDS năm 2015 cho phù hợp thực tiễn xác định lỗi trong trường hợp “bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra”. Cụ thể, bổ sung: “Trường hợp nhiều người do lỗi cố ý hoặc vô ý cùng gây thiệt hại thì…”.
Hai là, bổ sung nội dung quy định tại Điều 288 BLDS năm 2015 về thực hiện nghĩa vụ liên đới. Cụ thể: “Trường hợp một trong số những người cùng có nghĩa vụ đã chết thì những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của người đã chết đó…”.
Ba là, cần sớm có văn bản thay thế Nghị quyết số 03/2006 hướng dẫn áp dụng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo BLDS năm 2015, trong đó quy định chi tiết, cụ thể căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra; quy định các trường hợp cụ thể bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nhiều người cùng gây ra có phát sinh những vướng mắc nêu trên, để có căn cứ áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất.