Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: H.Y
Theo (PLO)- Từ ngày 1-10-2019 đến ngày 30-9 năm nay, TAND TP.HCM thụ lý 4.235 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Chiều 15-12, TAND TP.HCM đã tổ chức Hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. Đến dự hội nghị có đại diện Ban nội chính Thành uỷ, Ban Pháp chế HĐND TP và VKS TP.HCM.
Báo cáo trước hội nghị, lãnh đạo TAND TP.HCM cho biết từ ngày 1-10-2019 đến ngày 30-9 năm nay, đơn vị thụ lý 4.235 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đã xử lý 4.179 đơn.
Trong 91 đơn tố cáo, đã xử lý có 63 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của chánh án thành phố, 18 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của chánh án quận, huyện và 10 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ việc, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự còn có đơn khiếu nại Thẩm phán, Thư ký về hành vi tố tụng, gửi đến Thẩm phán đang giải quyết vụ việc, nên thực tế đơn khiếu nại, tố cáo mà TAND TP.HCM nhận và giải quyết còn lớn hơn.
Đơn khiếu nại, tố cáo do đương sự, đại diện hợp pháp của đương sự, bị can, bị cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân (VKS, Cơ quan Thi hành án, Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, Ban Nội chính Thành ủy, Ban Pháp chế HĐND TP…) chuyển.
Các khiếu nại, tố cáo chủ yếu là khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện; khiếu nại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; khiếu nại công tác giải quyết án của Thẩm phán, Thư ký; khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án nhân dân quận, huyện…; các đơn tố cáo chủ yếu là tố cáo tư cách người tiến hành tố tụng.
Lãnh đạo TAND TP.HCM nói có kết quả trên là do đã đề ra các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo như: thành lập Ban chỉ đạo án tạm đình chỉ trong lĩnh vực dân sự; tổ chức hội nghị giữa TAND TP với sở, ban, ngành, UBND quận, huyện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết án dân sự, hành chính; xây dựng Đề án đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính…
Dù thế công tác trên vẫn tồn tại, hạn chế do các lý do khách quan và chủ quan. Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra nhiều góp ý để nhằm khắc phục và nâng cao chất lượng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đáng chú ý, TAND Tối cao dù đã ban hành Thông tư số 01/2020 quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TAND. Tuy nhiên, thông tư này ít đề cập đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng nhất là giải quyết khiếu nại đối với hành vi của người tiến hành tố tụng. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng một số nội dung chưa quy định cụ thể, các mẫu về giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được ban hành.
Từ đó, TAND TP.HCM đề nghị TAND Tối cao cần hướng dẫn cụ thể hơn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cho TAND các cấp, theo từng lĩnh vực như hình sự, dân sự, hành chính và các loại khiếu nại, tố cáo khác…
Đối với TAND Cấp cao tại TP.HCM, TAND TP đề xuất cần có những buổi họp định kỳ với nhau về công tác giải quyết khiếu nại, bảo đảm khiếu nại của đương sự được giải quyết kịp thời…