THS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Luật VNU –HCM) – Trong phạm vi bài viết này tác giả sẽ trình bày một số điểm mới liên quan đến quy định về tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động trong BLLĐ 2019 bởi lẽ đây là một trong những nội dung rất quan trọng, là khung pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động.
1. Về khái niệm tranh chấp lao động
Theo quy định tại Điều 179 BLLĐ 2019 thì “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động”. Bên cạnh việc đưa ra khái niệm về tranh chấp lao động thì BLLĐ 2019 cũng đã quy định một cách cụ thể những tranh chấp được xem là tranh chấp lao động. Theo đó, các loại tranh chấp lao động bao gồm: tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại; tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động. Trong đó, tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây: a) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác; b) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động; c) Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí. Còn tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm: a) Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể; b) Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Có thể thấy khái niệm về tranh chấp lao động trong BLLĐ 2019 có khác biệt lớn so với quy định trước đây[1]. Theo đó, khái niệm về tranh chấp lao động trong BLLĐ 2019 đã đưa ra giải thích tranh chấp lao động cụ thể hơn về các loại tranh chấp được xem là tranh chấp lao động. Việc quy định rõ ràng về các loại tranh chấp lao động góp phần giúp cho người lao động có thể dễ dàng xác định được quan hệ tranh chấp từ đó có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp xảy ra.
Bên cạnh đó, BLLĐ 2019 cũng đã ghi nhận quan hệ lao động mới là quan hệ giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng cũng như giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại. Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý điều chỉnh các quan hệ nêu trên, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như góp phần nâng cao trách nhiệm của những doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc nước ngoài và người sử dụng lao động thuê lại.
Ngoài ra, có thể thấy BLLĐ 2019 đã quy định cụ thể các trường hợp phát sinh tranh chấp lao động về quyền cũng như mở rộng các trường hợp phát sinh tranh chấp này so với trước đây[2]. Điều này đã góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đối với trường hợp tranh chấp lao động về lợi ích, nhằm để nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của tập thể lao động, BLLĐ 2019 quy định tranh chấp phát sinh cả trong trường hợp một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định.
2. Về Hội đồng trọng tài lao động
Quy định về Hội đồng trọng tài lao động trong BLLĐ 2019 cũng có nhiều điểm mới so với BLLĐ 2012, cụ thể số lượng thành viên của Hội đồng được quy định tăng từ “không quá 7 người”[3] lên “ít nhất 15 người”. Theo đó, khoản 2, Điều 185 BLLĐ 2019 quy định số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử, cụ thể phải có tối thiểu 5 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tối thiểu 5 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử; và tối thiểu 5 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.
Bên cạnh đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài lao động cũng được mở rộng hơn. Thứ nhất, là thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Cụ thể, Điều 187 BLLĐ 2019 quy định Hội đồng trọng tài lao động có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bên cạnh Hòa giải viên và Tòa án nhân dân. Về nguyên tắc, các tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều 188 BLLĐ 2019. Tuy nhiên, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết trong trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải theo quy định mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định. Trong đó, việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động được quy định cụ thể như sau:
Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 188 của Bộ luật này. Khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân tại Hội đồng trọng tài lao động, theo quy định tại khoản 2, Điều 190 BLLĐ 2019 thì thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 9 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Tuy nhiên, nếu do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Thứ hai, Hội đồng trọng tài lao động còn được bổ sung thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền thay thế cho thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định trước đây[4]. Điều 193 BLLĐ 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài lao động như sau: Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, căn cứ vào quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. Đối với tranh chấp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 179 của Bộ luật này mà xác định có hành vi vi phạm pháp luật thì Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết mà lập biên bản và chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động theo quy định tại Điều này thì trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm (khoản 2, Điều 194 BLLĐ 2019).
Có thể thấy việc quy định thêm chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền là Hội đồng trọng tài lao động sẽ giúp cho các bên tranh chấp có thêm sự lựa chọn từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp họ. Đồng thời, việc bổ sung các quy định mới quy định chi tiết về điều kiện, thủ tục giải quyết tranh chấp trong hai trường hợp nêu trên của Hội đồng trọng tài lao động đã tạo cơ sở pháp lý giúp cho việc áp dụng trên thực tiễn được thuận lợi, dễ dàng hơn.
3. Về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động
BLLĐ 2019 cũng quy định có hai loại tranh chấp lao động gồm tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Tùy thuộc vào từng loại tranh chấp khác nhau mà quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định khác nhau. Liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp lao động, BLLĐ 2019 cũng có một số điểm mới so với quy định trước đây. Cụ thể:
* Đối với tranh chấp lao động cá nhân, BLLĐ 2019 đã bổ sung một số tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động. Theo đó, khoản 1, Điều 188 BLLĐ 2019 quy định Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải: Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại. Có thể thấy, so với quy định trước đây thì ngoài tranh chấp về “bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế”, BLLĐ 2019 đã bổ sung thêm “bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”. Ngoài ra, BLLĐ 2019 còn bổ sung thêm một tranh chấp lao động mới không qua thủ tục hòa giải là tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
* Đối với tranh chấp lao động tập thể, BLLĐ 2019 đã thay thế thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thành thẩm quyền của Hội đồng trọng tài lao động như đã trình bày ở trên. Bên cạnh đó, tương tự như quy định của BLLĐ trước đây, BLLĐ 2019 quy định các tranh chấp lao động tập thể đều phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động. Tuy nhiên, trong tranh chấp lao động về quyền thì khi một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành, hoặc hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Tóm lại, việc xảy ra tranh chấp trong quan hệ lao động là điều không ai mong muốn nhưng cũng không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là khi phát sinh tranh chấp thì tranh chấp đó sẽ được giải quyết như thế nào để có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tranh chấp và giải quyết tranh chấp lao động trong BLLĐ 2019 không chỉ đáp ứng được yêu cầu phát triển của các quan hệ xã hội nói chung và quan hệ lao động nói riêng, mà còn góp phần vào việc bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động, đặc biệt là đối với người lao động – bên luôn được xem là yếu thế hơn so với người sử dụng lao động.
Chính phủ đã có Nghị định đưa ra danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công từ 01/02/2021. Ảnh minh họa
[1] Khoản 7, Điều 3 BLLĐ 2012 quy định: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động”.
[2] Khoản 8, Điều 3 BLLĐ 2012 quy định: “Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác”.
[3] Khoản 1, Điều 199 BLLĐ 2012.
[4] Khoản 1, Điều 203 BLLĐ 2012 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm: a) Hoà giải viên lao động; b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện). c) Toà án nhân dân”.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết:
https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-diem-moi-ve-giai-quyet-tranh-chap-lao-dong-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-lao-dong-nam-2019