Theo (Pháp lý) – Bộ Tài chính đang dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách hiện tại và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm.
Bên cạnh đó, bộ này cũng vừa ban hành Thông tư 07/2021/TT-BTC quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA).
Sửa đổi để khắc phục những bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm
Bộ Tài chính cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 được Quốc hội khóa X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 9/12/2000 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2010 và 2019). Các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản không làm thay đổi kết cấu, nội dung cơ bản của Luật Kinh doanh bảo hiểm mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (Luật số 61/2010/QH12) và Hiệp định đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Luật số 42/2019/QH14).
Trong giai đoạn 2000-2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng nhanh vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, thị trường bảo hiểm có 70 doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm…
Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định, được đào tạo về tài chính, bảo hiểm. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng. Hiện nay, khoảng 10 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, do Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được ban hành cách đây 20 năm, cùng với sự phát triển của thị trường bảo hiểm và hội nhập, hợp tác quốc tế, nên thị trường cũng bộc lộ một số tồn tại và cơ chế chính sách cũng có những bất cập chưa theo kịp với thực tế, cụ thể như sau:
Một số quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ Luật Dân sự (không còn chương quy định về hợp đồng bảo hiểm), dẫn đến khó khăn trong thực hiện, thiếu những quy định mang tính đặc thù áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia bảo hiểm.
Thị trường bảo hiểm cũng có những tồn tại, thể hiện là chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao, trong đó: Vẫn còn hiện tượng tranh giành khách hàng dưới nhiều hình thức, ở cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; giữa các kênh phân phối khác nhau (đại lý với đại lý hoặc môi giới, doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc giữa các chi nhánh của cùng doanh nghiệp với nhau).
Hoạt động của đại lý, môi giới bảo hiểm chưa chuyên nghiệp, vẫn còn tình trạng tư vấn bảo hiểm chưa giải thích đầy đủ thông tin về sản phẩm, tìm hiểu chính xác khả năng tham gia bảo hiểm của bên mua bảo hiểm, xúi giục hay ép buộc tham gia bảo hiểm…
Do vậy, việc sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm là thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu về sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật có liên quan và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách và sự tồn tại của thị trường, để có hệ thống cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm đầy đủ, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam và hướng theo các chuẩn mực quốc tế về quản lý, giám sát bảo hiểm, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với thị trường bảo hiểm, việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh; tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Các tổ chức, cá nhân sẽ có thêm nhiều lựa chọn do mọi thông tin đều công khai, minh bạch, nhiều cách thức tiếp cận với doanh nghiệp bảo hiểm; tiết kiệm được chi phí.
Những lưu ý khi nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu trong EVFTA
Thông tư 07/2021/TT-BTC quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu cụ thể như sau: Người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA, người khai hải quan phải khai chậm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ trên tờ khai hải quan nhập khẩu và được khai bổ sung, nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong thời hạn không quá 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu và trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp người khai hải quan nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ sau thời hạn hiệu lực quy định tại điểm b nêu trên vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu hoặc các trường hợp xuất trình muộn khác, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xem xét, quyết định việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA đối với các trường hợp cụ thể. Đối với trường hợp xuất trình muộn khác, hàng hóa phải được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định tại Hiệp định EVFTA thực hiện theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 05/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/3/2021.
Nguyễn Hòa (T/h)
Theo phaply.net.vn