Trái phiếu doanh nghiệp – năm 2021 liệu có còn bứt phá?

Sau một năm tăng trưởng nóng, bất chấp những lời cảnh báo rủi ro và tăng cường cơ chế giám sát đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, kênh đầu tư này khó có thể tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong năm 2021.

7c0e1_traiphieudoanhngiepnam2021_650

(Ảnh: Internet)

2020 – thêm một năm tăng nóng

Sau khi tăng trưởng 32% trong năm 2019, giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức cao với gần 403.469 tỉ đồng, tăng hơn 36% so với năm 2019, theo số liệu thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tỷ lệ giá trị phát hành so với giá trị đăng ký đạt 69%, cũng cao hơn mức 67% của năm 2019. Đáng lưu ý là số đợt phát hành năm 2020 lên đến 2.288, gấp 2,5 lần năm 2019, với 277 doanh nghiệp đã phát hành và con số này cũng nhiều hơn mức 217 doanh nghiệp của năm 2019.

Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2020 là 4,21 năm, dài hơn mức 4,08 năm của năm 2019, cho thấy các doanh nghiệp tích cực phát hành kỳ hạn dài hơn để tận dụng tối ưu mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh trong năm vừa qua. Có thể nói các con số đều cho thấy thị trường TPDN trong năm 2020 tiếp tục vượt trội và tăng trưởng đều ở mọi mặt so với năm 2019, bất chấp Nghị định 81/2020/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN, bắt đầu có hiệu lực ngay từ ngày 1-9-2020 đã hạn chế bớt các thương vụ trong bốn tháng cuối năm 2020.

Bối cảnh tiền rẻ tràn ngập, mặt bằng lãi suất giảm về mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, đã khuyến khích không chỉ các doanh nghiệp mạnh dạn tìm kiếm vốn tài trợ qua thị trường trái phiếu, mà còn thúc đẩy các nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân rót tiền vào kênh đầu tư còn khá mới mẻ này.

2021 – khó tiếp tục bứt phá

Sự tăng trưởng nóng của thị trường TPDN chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã khiến nhà điều hành lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn, khi mà không ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong thời gian qua có hiệu quả hoạt động chưa cao, các đợt phát hành ít nhiều chưa đủ mức độ minh bạch, trong khi công tác thẩm định, đánh giá sản phẩm đầu tư còn khá mới mẻ và hạn chế đối với nhà đầu tư cá nhân vì thiếu các tổ chức phân tích, đánh giá.

Chính vì vậy, không khó hiểu khi từ năm 2019 đến nay hết Bộ Tài chính rồi đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải nhiều lần phát các công văn cảnh báo, không chỉ liên tục nhắc lại những rủi ro mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể gặp phải, mà ngay cả những nhà đầu tư tổ chức như ngân hàng cũng được yêu cầu phải hạn chế đầu tư vào TPDN.

Với những rủi ro liên tục được cảnh báo như trên và những yêu cầu nâng cao kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm TPDN, việc nhà đầu tư trở nên thận trọng và ngày càng e ngại hơn cũng không có gì lạ, nhất là khi nhìn vào tình trạng tuột dốc giá trị phát hành kể từ sau khi Nghị định 81 có hiệu lực.

Dù mới đây Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã thay thế Nghị định 81 theo hướng giảm bớt sự ràng buộc cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, có hiệu lực ngay từ ngày 1-1-2021, nhưng để thị trường này tiếp tục bứt phá mạnh mẽ như những năm qua e rằng khó có thể xảy ra.

Trong khi đó, một lượng lớn vốn của nhà đầu tư cá nhân dường như đang bị hút sang thị trường cổ phiếu, khi nhìn vào đà bứt phá của các chỉ số chứng khoán trong thời gian qua, cũng như những dự báo về triển vọng tích cực trong dài hạn. Rõ ràng với tính thanh khoản tốt hơn, dễ phân tích và đánh giá hơn, thị trường cổ phiếu cũng phù hợp hơn với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thay vì là các sản phẩm TPDN phức tạp, rắc rối và kém thanh khoản hơn nhiều.

Không chỉ dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân rót vào thị trường TPDN có thể giảm sút, mà ngay cả dòng vốn của các nhà đầu tư tổ chức cũng khó có thể tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn trước. Trong nhiều năm qua, “tay chơi” lớn trên thị trường là các ngân hàng, nhưng trước những rủi ro ngày càng gia tăng, NHNN đã đề xuất một loạt cơ chế siết hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng, dự kiến sẽ chính thức ban hành trong năm 2021 này.

Cụ thể, dự thảo thông tư này quy định ngân hàng không được mua TPDN phát hành với mục đích cơ cấu lại các khoản nợ, cũng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp có nợ xấu phát sinh trong một năm. NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng cần kiểm soát, không mua TPDN khi mục đích sử dụng vốn là để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Tổ chức tín dụng nào có tỷ lệ nợ xấu trên 3% cũng không được mua TPDN.

Đáng lưu ý là cùng với việc kiểm soát chặt hơn hoạt động mua TPDN, cơ quan quản lý còn đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy các ngân hàng gia tăng quản trị rủi ro với danh mục TPDN nắm giữ. Theo đó, ngân hàng mua TPDN với mục đích nắm giữ đến ngày đáo hạn, khi chuyển đổi mục đích nắm giữ trái phiếu và thực hiện bán TPDN này cho ngân hàng khác, thì trong vòng 12 tháng không mua lại các TPDN đã bán và/hoặc trái phiếu phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với TPDN đã bán.

Được biết, giải pháp này nhằm ngăn ngừa các tổ chức tín dụng bán TPDN cho ngân hàng khác vào cuối năm và mua lại vào đầu năm sau, để không tuân thủ quy định của NHNN về kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Đối với “tay chơi” lớn thứ 2 là công ty chứng khoán, Thông tư 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính mới ban hành, có hiệu lực từ 15-2-2021, quy định tổng giá trị đầu tư vào các TPDN của công ty chứng khoán không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu. Với nguồn vốn có quy mô còn khiêm tốn, lại phải san sẻ cho các hoạt động tự doanh và cho vay margin trong bối cảnh thị trưởng cổ phiếu đang tăng trưởng mạnh mẽ, rõ ràng phần vốn còn lại của các công ty chứng khoán để rót vào kênh TPDN có thể ngày càng suy giảm.

Với môi trường lãi suất thấp tiếp tục được duy trì và lãi suất cho vay có thể giảm thêm trong năm 2021, các doanh nghiệp cũng không cần phải quá tập trung vào việc phát hành trái phiếu như năm vừa qua. Các doanh nghiệp không chỉ có thể dễ tiếp cận kênh tín dụng trở lại với lãi suất thấp, mà còn có thể đẩy mạnh phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn khi thị trường chứng khoán đang diễn biến vô cùng thuận lợi.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN