Theo (DNHN)-Các trường hợp sử dụng đất quốc phòng phải nộp tiền sử dụng đất; các loại hình thiên tai điển hình theo vùng và hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đấu giá năm 2021 là những thông tin đáng chú ý nổi bật.
Thời gian cuối tháng 7 (từ ngày 21/7 – 30/7) sẽ có những chính sách quan trọng về đất đai; nông nghiệp; tài chính; khoa học, công nghệ… có hiệu lực thi hành. Tạp chí Doanhnghiephoinhap.vn giới thiệu đến quý độc giả những thông tin nổi bật, đáng chú ý.
Các trường hợp sử dụng đất quốc phòng phải nộp tiền sử dụng đất
Thông tư 58/2021/TT-BQP Thông tư 03/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 23/7/2021, hướng dẫn thực hiện quy định về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế.
Sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế để tổ chức tăng gia sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, Điều 4 Thông tư này quy định các trường hợp sử dụng đất (SDĐ) quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế phải nộp tiền SDĐ, thuê đất hằng năm gồm:
Đơn vị tiếp tục thực hiện dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết theo phương án xử lý được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 3 Thông tư 58/2021;
Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (sau đây viết gọn là ĐVSN công lập tự đảm bảo) SDĐ quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án sử dụng đất được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt;
Doanh nghiệp quân đội SDĐ quốc phòng kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo phương án xử lý hoặc phương án SDĐ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt; Doanh nghiệp quân đội thuộc danh mục cổ phần hóa, thoái vốn được tiếp tục SDĐ quốc phòng theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 132/2020/QH14 ngày 17/11/2020;
Công ty có cổ phần, vốn góp của Nhà nước do Bộ Quốc phòng cử Người đại diện, công ty cổ phần đang SDĐ quốc phòng theo hợp đồng thuê đất, hợp đồng SDĐ đã ký với Bộ Quốc phòng trước ngày 01/02/2021, tiếp tục nộp tiền SDĐ hằng năm theo hợp đồng đã ký và theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị quyết 132/2020.
Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đấu giá năm 2021
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 03/2021/TT-BCT Thông tư 03/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 26/7/2021 đến 31/12/2021, hướng dẫn về đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021.
Hiệp hội Mía đường (VSSA) cho rằng việc đấu thầu nhập khẩu cần dựa trên nguyên tắc công khai, đảm bảo điều tiết cung cầu và ổn định giá đường trong nước. (Ảnh: minh họa)
Cụ thể, Điều 3 Thông tư này quy định lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đấu giá thí điểm năm 2021 là 108.000 tấn.
Về nguyên tắc đấu giá, nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật đấu giá tài sản phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.
Bộ Công Thương thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021 để điều hành việc đấu giá.
Chủ tịch Hội đồng đấu giá ban hành Quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021.
Lưu ý: Sau khi có Báo cáo kết quả đấu giá của Hội đồng đấu giá, Bộ Công Thương có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá.
Hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì nhiệm vụ
Thông tư 03/2021/TT-BKHCN Thông tư 03/2021/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 26/7/2021, quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, trong đó quy định hồ sơ đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức chủ trì nhiệm vụ như sau:
Hồ sơ (01 bộ) được trình bày và in trên khổ giấy A4; sử dụng phông chữ tiếng Việt của bộ mã ký tự Unicode theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6909:2001; cỡ chữ 14 và 01 bản điện tử của hồ sơ (dạng PDF, không đặt mật khẩu), bao gồm:
Bản gốc (có dấu và chữ ký) các tài liệu sau đây: Phiếu đăng ký tuyển chọn tổ chức chủ trì nhiệm vụ theo mẫu B5-PĐK ban hành kèm theo Thông tư 03/2021/TT-BKHCN;
Thuyết minh nhiệm vụ theo mẫu B6-TMNV ban hành kèm theo Thông tư 03;
Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ theo mẫu tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 08/2017/TT-BKHCN;
Lý lịch khoa học của chủ nhiệm nhiệm vụ, các thành viên chính và thư ký khoa học thực hiện nhiệm vụ; lý lịch khoa học của chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài thực hiện theo các mẫu tại khoản 5 và khoản 6 Điều 5 Thông tư 08/2017;
Văn bản xác nhận về sự đồng ý phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị phối hợp (nếu có) theo mẫu tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 08/2017;
Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ, thời gian báo giá không quá 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Báo giá có thể được cập nhật, điều chỉnh hoặc bổ sung trước thời điểm họp thẩm định nội dung và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ (nếu cần);
Văn bản chứng minh phương án huy động kinh phí đối ứng (đối với nhiệm vụ có yêu cầu phải huy động kinh phí đối ứng) theo khoản 10 Điều 5 Thông tư 08/2017.
Đối với Bản sao chứng thực các tài liệu sau đây: Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đăng ký chủ trì hoặc các giấy tờ tương đương khác;
Báo cáo tài chính tối thiểu 02 năm gần nhất của tổ chức đăng ký tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ.
Phân vùng thiên tai điển hình để đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai
Các địa phương có thể tham khảo các loại hình thiên tai điển hình theo vùng tại Bảng 1 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 02/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 25/7/2021, hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.
(Ảnh: minh họa)
Theo đó, phân vùng thiên tai điển hình cụ thể như sau: Miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ: Lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, mưa lớn, lốc, mưa đá, cháy rừng do tự nhiên.
Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại, nắng nóng, lốc, sét, mưa đá, cháy rừng do tự nhiên.
Duyên hải miền Trung: Lũ, ngập lụt, bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng, hạn hán, nắng nóng, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lớn, cháy rừng do tự nhiên.
Tây Nguyên, Đông Nam Bộ: Nắng nóng, hạn hán, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, mưa đá, lốc, sét, cháy rừng do tự nhiên.
Đồng bằng sông Cửu Long: Áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, triều cường, nước dâng do bão, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, lốc, sét, cháy rừng do tự nhiên.
Các đô thị lớn: Ngập úng do mưa lớn, lũ, triều cường, bão, lốc.
Trên biển và hải đảo: Áp thấp nhiệt đới, bão, gió mạnh, nước dâng.
Sĩ quan công an là giáo sư được kéo dài thời gian làm việc tới 70 tuổi
Nghị định 49/2019 có hiệu lực từ ngày 25/7 quy định tuổi phục vụ trong công an nhân dân với nam là 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Riêng sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công nghệ ở cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu trong công an nhân dân, tuy nhiên không giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy.
Mỗi lần “kéo dài” tuổi phục vụ không quá hai năm song tổng thời gian không quá 10 năm với giáo sư; không quá 7 năm với phó giáo sư; không quá 5 năm với tiến sĩ, chuyên gia cao cấp.
Các sĩ quan được kéo dài hạn tuổi phục vụ khi có đủ các điều kiện sau: được đơn vị trực tiếp sử dụng, sĩ quan có nhu cầu và còn thiếu biên chế so với ấn định; có sức khỏe, phẩm chất, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tự nguyện tiếp tục làm việc theo yêu cầu.
Trong thời gian kéo dài tuổi phục vụ, người thuộc diện trên có quyền đề nghị nghỉ làm việc để hưởng chế độ nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Ngân Phương
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/nhung-chinh-sach-quan-trong-dang-chu-y-co-hieu-luc-tu-cuoi-thang-7.html