ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Hoàn thiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam

(Pháp lý) – Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là một trong những chủ thể kinh tế cơ bản, đồng thời cũng là một trong những chủ thể sử dụng đất tại Việt Nam.

Chính vì vậy, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất là một trong những chế định quan trọng của pháp luật đất đai nói riêng và pháp luật kinh tế nói chung. 

Trong giai đoạn vừa qua, pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất tại Việt Nam đã ngày càng hoàn thiện. Nội dung pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất tại Việt Nam đã thể chế kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút đầu tư nước ngoài trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất trong pháp luật hiện hành đã được mở rộng nhiều hơn trước và tiệm cận bình đẳng với quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của doanh nghiệp trong nước, về cơ bản đã phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đáp ứng được yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được thì pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Nội dung pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn thiếu đồng bộ, thống nhất với những quy định trong pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp. Một số quy định của Luật Đất đai về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất chưa cụ thể và thiếu chính xác. Đặc biệt, một số quy định chưa đảm bảo sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất giữa doanh nghiệp có vốn ĐTNN so với doanh nghiệp trong nước, chưa phù hợp với những nội dung cam kết trong các điều ước quốc tế về thương mại, đầu tư mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. 

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan cần phải tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trên cơ sở thể chế hóa đúng đắn mọi chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với các lĩnh vực pháp luật kinh tế khác, đồng thời nội luật hóa đầy đủ những nội dung cam kết trong các điều ước quốc tế thương mại, đầu tư mà Việt Nam là thành viên.

Khái quát nội dung pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam

Thời kỳ trước khi Luật Đất đai năm 2003 được ban hành, địa vị pháp lý của doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong lĩnh vực đất đai đã được ghi nhận trong các đạo luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài và các đạo luật đất đai. Tuy nhiên, trong giai đoạn này nội dung pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất tại Việt Nam được quy định tập trung chủ yếu tại các văn bản dưới luật  với phạm vi quyền sử dụng đất (QSDĐ) của loại hình chủ thể này bị hạn chế nhiều so với các tổ chức kinh tế trong nước. 

image002-1636954584.jpg
Hà Nội quan tâm tháo gỡ khó khăn cho DN FDI. ( Ảnh: Hội nghị “Đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19”, diễn ra ngày 19/10/2021)

Theo đó, một số quyền năng cơ bản hết sức quan trọng của người sử dụng đất như quyền được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng QSDĐ không được pháp luật ghi nhận đối với loại hình doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Trong thời kỳ này, doanh nghiệp có vốn ĐTNN chỉ được thực hiện hai loại giao dịch về QSDĐ đó là: thế chấp QSDĐ và cho thuê lại QSDĐ trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Những nội dung quy định này đã thể hiện sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong sử dụng đất giữa doanh nghiệp có vốn ĐTNN với tổ chức kinh tế trong nước, gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Đồng thời, những nội dung này cũng trở thành một trong những rào cản pháp lý đối với việc thực hiện chính sách thu hút vốn đầu nước ngoài và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ở thời kỳ đó.

Trước yêu cầu của thực tiễn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nội dung pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất đã được pháp điển hóa trong Luật Đất đai năm 2003 với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ mang tính đột phá so với văn bản pháp luật trước đó. Trong Luật Đất đai năm 2003, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất đã được xây dựng trong cùng một chương quy định về quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể sử dụng đất . Điều này về cơ bản đã xóa bỏ sự phân biệt đối xử và xác lập trật tự pháp lý công bằng, bình đẳng cho các chủ thể sử dụng đất. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, doanh nghiệp có vốn ĐTNN có đầy đủ những quyền và nghĩa vụ chung như mọi chủ thể sử dụng đất khác. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất đã được mở rộng thêm những quyền cụ thể tương đồng với quyền của các tổ chức kinh tế trong nước. Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, doanh nghiệp có vốn ĐTNN được ghi nhận những quyền cụ thể sau: thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn với đất thuê; cho thuê nhà trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, doanh nghiệp có vốn ĐTNN được ghi nhận những quyền cụ thể thể sau: chuyển nhượng QSDĐ thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình; thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng QSDĐ thuê và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn với đất; bán hoặc cho thuê nhà trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. 

Với những quy định theo hướng mở rộng QSDĐ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong Luật Đất đai năm 2003 đã tạo lập sự bình đẳng hơn giữa nhóm chủ thể này với các tổ chức kinh tế trong nước sử dụng đất. Những quy định này là hành lang pháp lý quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước nước ngoài và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta trong giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2013. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam trong giai đoạn này với dấu mốc là Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, một số quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất đã trở nên lạc hậu so với những quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp, chưa phù hợp với nội dung cam kết của Việt Nam trong một số điều ước quốc tế về thương mại, đầu tư. Chính vì vậy Luật Đất đai năm 2003 đã được thay thế bởi Luật Đất đai năm 2013 sau đúng một thập kỷ được ban hành.

Trên cơ sở kế thừa những điểm tích cực, tiến bộ trong Luật Đất đai năm 2003, quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong Luật Đất đai năm 2013 đã được bổ sung những nội dung mới phù hợp hợp hơn với thực tiễn đời sống kinh tế và đảm bảo sự tương thích với các quy định trong pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp. Ngoài nội dung các quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong trường hợp được Nhà nước cho thuê đất (trả tiền hàng năm hoặc trả tiền một lần cho cả thời gian thuê) được kế thừa từ Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong những trường hợp sau: (i) Doanh nghiệp có vốn ĐTNN được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư ; (ii) Doanh nghiệp có vốn ĐTNN có sử dụng đất được hình thành do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam; (iii) Doanh nghiệp liên doanh sử dụng đất do nhận góp vốn bằng QSDĐ và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được chuyển đổi từ doanh nghiệp liên doanh; (iv) Doanh nghiệp có vốn ĐTNN thuê đất để xây dựng công trình ngầm. Những quy định mới này đã góp phần bổ sung toàn diện hơn trong nội dung pháp lý về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn ĐTNN, đồng thời tạo ra sự thống nhất giữa pháp luật đất đai và các lĩnh vực pháp luật liên quan.

Có thể thấy rằng, pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Nội dung pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất đã thể chế kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về đất đai và thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong từng thời kỳ. Quyền sử dụng đất của doạnh nghiệp có vốn ĐTNN đã ngày càng được mở rộng và tiệm cận bình đẳng với QSDĐ của các tổ chức kinh tế trong nước. Pháp luật về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN thực sự trở thành công cụ pháp lý quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Những bất cập, hạn chế trong pháp luật hiện hành về quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam

1.Chưa đảm bảo sự bình đẳng hoàn toàn về quyền và nghĩa vụ trong sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn ĐTNN so với tổ chức kinh tế trong nước

Quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn ĐTNN được quy định trong pháp luật hiện hành về cơ bản đã tiệm cận với quyền và nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn ĐTNN vẫn có sự khác biệt và chưa hoàn toàn bình đẳng so với tổ chức kinh tế trong nước. Cụ thể như sau:

– Đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm thì pháp luật quy định cho doanh nghiệp có vốn ĐTNN được cho thuê nhà ở trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở. Trong khi đó, tổ chức kinh tế trong nước không được pháp luật cụ thể về quyền đó, mặc dù tổ chức kinh tế trong nước có thể được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê và được quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất đối với trường hợp này. Sự khác biệt trong nội dung quy định này ít nhiều tạo ra sự thiếu bình đẳng trong quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn ĐTNN so với tổ chức kinh tế trong nước, đồng thời gây khó khăn cho các chủ thể trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trên thực tiễn.

1-1636954633.jpg
Người lao động làm việc tại 1 DN FDI

– Đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì quyền của doanh nghiệp có vốn ĐTNN vẫn bị hạn chế hơn so với tổ chức kinh tế trong nước khi không được quy định quyền tặng cho QSDĐ, trong khi đó tổ chức kinh tế trong nước được ghi nhận quyền này từ Luật Đất đai năm 2003 và tiếp tục được ghi nhận trong Luật Đất đai năm 2013. Quy định về sự bất bình đẳng này là không thực sự cần thiết, bởi vì quyền tặng cho QSDĐ của tổ chức kinh tế trong nước theo quy định hiện hành chỉ nhằm vào mục đích xã hội hoặc vì mục đích lợi ích chung thì việc quy định quyền này cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng không gây ra bất kỳ sự ảnh hưởng tiêu cực nào. 

2.Chưa đảm bảo tính hợp lý, sự rõ ràng và chính xác trong một số quy định

– Pháp luật đất đai hiện hành quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam được áp dụng đối với mọi doanh nghiệp có vốn ĐTNN mà không có sự phân biệt về tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài. Điều này chưa thực sự hợp lý bởi vì địa vị pháp lý của doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong lĩnh vực đầu tư nói chung và trong quá trình sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư nói riêng cần phải căn cứ vào tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất ở một số trường hợp khác ngay trong Luật Đất đai năm 2013 cũng được xác định trên cơ sở tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, quy định của Luật Đất đai năm 2013 về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hiện nay chưa đảm bảo sự hợp lý, không phù hợp với quy định trong pháp luật đầu tư và thiếu thống nhất với chính các quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất trong những trường hợp khác. 

– Luật Đất đai năm 2013 quy định doanh nghiệp có vốn ĐTNN có quyền góp vốn bằng QSDĐ, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh trong thời hạn sử dụng đất. Nội dung quy định này còn khá chung chung khi chưa xác định việc góp vốn này được thực hiện để góp vốn vào tổ chức kinh tế hay góp vốn trong hợp đồng hợp tác kinh doanh, và trong trường hợp góp vốn bằng QSDĐ vào tổ chức kinh tế thì được thực hiện khi thành lập tổ chức kinh tế mới hay góp vốn vào tổ chức kinh tế đã được thành lập và đang hoạt động. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 cũng chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Ngoài ra, quy định về quyền góp vốn bằng QSDĐ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng không rõ ràng trong việc xác định diện chủ thể mà doanh nghiệp có vốn ĐTNN được thực hiện việc góp vốn bằng QSDĐ; trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định rất cụ thể và chi tiết về quyền góp vốn bằng QSDĐ đối với các loại chủ thể sử dụng đất khác. Những bất cập trong quy định về quyền góp vốn bằng QSDĐ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN khiến cho chủ trương “Tạo thuận lợi cho việc chuyển nhượng hoặc cho thuê QSDĐ, góp vốn bằng giá trị QSDĐ” chưa được triển khai thực sự có hiệu quả trên thực tế.

– Luật Đất đai năm 2013 đã bổ sung quy định mới về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất được hình thành do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam và của doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài được chuyển đổi từ doanh nghiệp liên doanh. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sẽ có sự thay đổi theo tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về thời điểm cũng như trình tự thủ tục để doanh nghiệp được thực hiện những quyền và nghĩa vụ sử dụng đất khi có sự thay đổi đó. Điều này tạo ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong những trường hợp nêu trên.

– Trong những quy định về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn ĐTNN tại Luật Đất đai năm 2013, một số khái niệm liên quan đến nội hàm của khái niệm “Doanh nghiệp có vốn ĐTNN” còn thiếu rõ ràng, chưa cụ thể dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng trên thực tế. Trước hết, đó là khái niệm “Tỷ lệ cổ phần chi phối” và khái niệm “Bên Việt Nam”. Đây là những khái niệm có ý nghĩa đối với việc xác định quyền và nghĩa vụ của chủ thể sử dụng đất trong trường hợp doanh nghiệp có vốn ĐTNN có sử dụng đất được hình thành do nhà ĐTNN mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định giải thích tỷ lệ bao nhiêu là “Tỷ lệ cổ phần chi phối” và “Bên Việt Nam” thì gồm những chủ thể nào? Trong khi đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành cũng không có quy định về những khái niệm này. Chính vì vậy dẫn đến có thể có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau đối với những quy định đó. Bên cạnh hai khái niệm trên, Luật Đất đai năm 2013 còn chưa thống nhất trong sử dụng khái niệm “mua cổ phần” hay “nhận chuyển chuyển nhượng cổ phần” trong quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất hình thành do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản luật liên quan còn quy định chưa thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ “Nhà đầu tư nước ngoài” hay thuật ngữ “tổ chức, cá nhân nước ngoài” ở một số quy định liên quan đến doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất. Điều này tạo ra sự thiếu đồng bộ trong chính các quy định của pháp luật đất đai cũng như giữa các quy định của pháp luật đất đai với quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật doanh nghiệp.

3. Chưa đảm bảo tính toàn diện khi thiếu quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất trong một số trường hợp

Mặc dù đã được bổ sung một số quy định mới so với Luật Đất đai năm 2003, tuy nhiên nội dung về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2013 vẫn chưa quy định đối với một số loại hình doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong những trường hợp sau:

–    Trường hợp doanh nghiệp có vốn ĐTNN được Nhà nước cho thuê đất để xây dựng công trình sự nghiệp. 

–    Trường hợp doanh nghiệp có vốn ĐTNN được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh. 

–    Trường hợp doanh nghiệp có vốn ĐTNN được hình thành do các nhà đầu tư trong nước góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp 100% vốn ĐTNN hoặc doanh nghiệp có vốn ĐTNN mà nhà ĐTNN chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối dẫn đến bên Việt Nam chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối. 

–    Trường hợp doanh nghiệp có vốn ĐTNN được hình thành do việc tiến hành các hoạt động tổ chức lại (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp 

Sự thiếu vắng những quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN trong các trường hợp trên không chỉ tạo ra sự thiếu toàn diện trong những quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà còn dẫn đến những vướng mắc trong thực thi quyền và nghĩa vụ của các chủ thể sử dụng đất cũng như những khó khăn trong quá trình quản lý nhà nước về đất đai.

Kiến nghị

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2013 cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính phù hợp hợp, đồng bộ và toàn diện hơn. Hướng sửa đổi, bổ sung như sau:

– Rà soát, sửa đổi các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp có vốn ĐTNN với tổ chức kinh tế trong nước, đảm bảo sự phù hợp với chủ trương “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật” và góp phần “cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch”. Đồng thời đảm bảo sự phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia trong các Hiệp định thương mại, đầu tư mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

– Sửa đổi, bổ sung quy định về quyền góp vốn bằng QSDĐ và những quy định liên quan đến việc xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất theo tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài để đảm bảo sự cụ thể, chính xác, khả thi và thống nhất với những quy định của pháp luật đầu tư.

– Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất đối với những trường hợp nêu trên để đảm bảo sự toàn diện, thống nhất trong các quy định về doanh nghiệp có vốn ĐTNN sử dụng đất tại Việt Nam hiện nay./.

Theo ThS. Phạm Xuân Thắng (Khoa Luật – Học viện An ninh nhân dân)

Nguồn bài viết: https://phaply.net.vn/hoan-thien-phap-luat-ve-quyen-va-nghia-vu-cua-doanh-nghiep-co-von-dau-tu-nuoc-ngoai-su-dung-dat-tai-viet-nam-a253924.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục