Tóm tắt: Bài viết này phân tích, đánh giá các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông để thấy được những tồn tại, hạn chế của pháp luật và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành liên quan đến vấn đề này.
Abstract: This article analyzes and evaluates the non-economic rights of shareholders to see the shortcomings and limitations of the law and makes some recommendations to improve the provisions of the current Enterprise Law related to this problem. 1. Khái quát về các quyền cổ đông Quyền cổ đông có thể hiểu là quyền của chủ thể sở hữu cổ phần của công ty cổ phần, phát sinh từ việc chủ thể góp vốn mua cổ phần tạo nên vốn điều lệ. Cổ đông thực hiện việc góp vốn mua số lượng cổ phần nhất định, tài sản vốn góp của cổ đông sẽ được chuyển sang công ty là chủ sở hữu. Hoạt động góp vốn “là việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền hưởng dụng một thứ tài sản để được hưởng các quyền lợi của công ty”[1]. Sau khi cổ đông góp vốn mua cổ phần, tài sản của công ty và tài sản của các chủ sở hữu có sự tách bạch nhau, công ty với tư cách là chủ sở hữu các tài sản của mình mà các sáng lập viên góp vào, vì thế, nó là chủ thể của các quan hệ pháp luật – có tư cách pháp nhân. Quyền cổ đông khá đa dạng và gắn liền với các hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đó, nếu căn cứ vào tính chất kinh tế của quyền cổ đông có thể chia thành: (i) Các quyền mang tính kinh tế (quyền tài sản) như: Quyền được hưởng cổ tức, quyền được ưu tiên mua cổ phần mới chào bán, quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần, quyền được phân chia tài sản khi công ty chấm dứt hoạt động và quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác. (ii) Các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông như: Quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), quyền tiếp cận thông tin, quyền triệu tập cuộc họp, quyền đề cử người quản lý, quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ hoặc quyết định, nghị quyết của Hội đồng quản trị, quyền khởi kiện người quản lý công ty. Các quyền không mang tính chất kinh tế có thể hiểu là các “quyền phi kinh tế” hay các “quyền tham gia quản lý (còn gọi là quyền chính trị)”[2] của cổ đông, là một quyền lợi “gắn liền cổ đông với hoạt động của công ty, có thể là việc lựa chọn quản trị viên, bỏ phiếu về việc chia lãi hoặc mọi thông tin về công việc của công ty”[3]. Các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông không phải là các “quyền tài sản và chỉ có chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng cổ phần”[4] và gắn liền cổ đông với quá trình hoạt động của công ty. Với cổ đông, các quyền mang tính kinh tế có vai trò quan trọng, vì đó là mục đích để cổ đông góp vốn mua cổ phần. Còn khi thực hiện các quyền không mang tính kinh tế là biện pháp cần thiết để cổ đông bảo đảm các quyền mang tính kinh tế của mình. 2. Nội dung các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 2.1. Quyền tham dự và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông Trong Công ty cổ phần có sự tách bạch giữa quyền sở hữu và quyền điều hành đã tạo ra thông tin không cân xứng giữa cổ đông và người quản lý. Công ty suy cho cùng là “một tập thể người, có tài sản riêng, được kiểm soát bởi một số người nhất định”[5]. Ở các Công ty cổ phần hiện đại thì “quyền lực cổ đông đã rút lui, nó ít khi hiện diện (một năm một lần). Trong khi đó, các cơ quan quản lý nội bộ của công ty đã ngày càng trở thành một cội nguồn quyền lực nổi bật”[6]. Cổ đông phổ thông có quyền tham dự, phát biểu và biểu quyết trong cuộc họp ĐHĐCĐ không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần, mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết. Các cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi biểu quyết đều có quyền dự họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ. Các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ tức hoặc loại ưu đãi khác chỉ trừ những trường hợp quy định trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc điều lệ, còn về nguyên tắc không có quyền biểu quyết, dự họp ĐHĐCĐ, đề cử người vào Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát. Trừ trường hợp, cổ đông sở hữu cổ phần loại này có quyền tham dự và biểu quyết về vấn đề tương ứng như cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông và nghị quyết ĐHĐCĐ về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi. 2.2. Quyền tiếp cận thông tin Quyền tiếp cận thông tin là quyền của cổ đông được đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin về hoạt động kinh doanh của công ty để thực hiện việc theo dõi, giám sát với tư cách là chủ sở hữu. Bởi, các cổ đông “phải có quyền được biết được những thông tin tối thiểu về hình hình của công ty để kịp thời hành động; công ty càng mang tính đại chúng thì yêu cầu mức độ công bố thông tin càng cao”[7]. Quyền tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản, quan trọng để cổ đông giám sát các hoạt động kinh doanh của công ty và việc điều hành của người quản lý. Dựa trên cơ sở “đầy đủ thông tin và chính xác, nhà đầu tư có thể quyết định tiếp tục duy trì, tăng, giảm hay thậm chí hủy tài khoản cổ phần của mình”[8]. Trách nhiệm của người quản lý công ty phải cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu. Đồng thời, không sử dụng thông tin của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Trách nhiệm của cổ đông phải bảo mật các thông tin được công ty cung cấp; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao chụp, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác. 2.3. Quyền triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Hội đồng quản trị phải triệu tập họp ĐHĐCĐ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày xảy ra trường hợp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và nếu HĐQT không triệu tập họp thì Chủ tịch và các thành viên phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty. Nếu HĐQT không triệu tập, thì Ban kiểm soát thay thế triệu tập họp ĐHĐCĐ trong thời hạn 30 ngày tiếp theo và trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp theo quy định thì Ban kiểm soát phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho công ty. Nếu Ban kiểm soát không triệu tập họp thì cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ nhỏ hơn theo điều lệ có quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ. Các vấn đề pháp lý khi cổ đông triệu tập họp ĐHĐCĐ được thể hiện ở: (i) Cơ sở thực hiện quyền yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ: Khi có căn cứ cho rằng HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao; (ii) Tỷ lệ cổ phần sở hữu: Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn; (iii) Hình thức yêu cầu triệu tập họp: Yêu cầu triệu tập họp ĐHĐCĐ phải bằng văn bản và bao gồm các nội dung theo quy định của pháp luật và điều lệ. Kèm theo phải có các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của HĐQT, mức độ vi phạm hoặc về quyết định vượt quá thẩm quyền. 2.4. Quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn theo điều lệ có quyền đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát và thực hiện như sau: Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc ĐHĐCĐ; căn cứ số lượng thành viên HĐQT và Ban kiểm soát, cổ đông/nhóm cổ đông đủ điều kiện được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của ĐHĐCĐ làm ứng cử viên HĐQT và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của ĐHĐCĐ thì số ứng cử viên còn lại do HĐQT, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử. Trong các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi, chỉ có cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền đề cử người vào HĐQT, Ban kiểm soát, còn các cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức hoặc ưu đãi hoàn lại không có quyền đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát. 2.5. Quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết và quyết định của Hội đồng quản trị Trường hợp nghị quyết của ĐHĐCĐ có thủ tục, trình tự triệu tập và tiến hành cuộc họp, nội dung nghị quyết vi phạm quy định pháp luật hoặc điều lệ công ty, thì cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại điều lệ có quyền yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến ĐHĐCĐ nếu có các căn cứ cho rằng: (i) Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ công ty, trừ trường hợp nghị quyết của ĐHĐCĐ được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; (ii) Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty. Đối với trường hợp nghị quyết, quyết định do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật, nghị quyết của ĐHĐCĐ, điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết, quyết định đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết, quyết định được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ phần sở hữu có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định của HĐQT. 2.6. Quyền khởi kiện người quản lý công ty Cổ đông có thể nhân danh mình khởi kiện (khởi kiện trực tiếp) khi quyền lợi của mình trực tiếp bị xâm hại hoặc nhân danh công ty khởi kiện (khởi kiện phái sinh) những người quản lý. Quyền khởi kiện của cổ đông đối với người quản lý là một trong những quyền quan trọng và cấu thành lên cơ chế bảo vệ cổ đông, đặc biệt là các cổ đông thiểu số. Tuy vậy, đây không phải là quyền đương nhiên, cổ đông phải đáp ứng các điều kiện, đó là: – Về tỷ lệ cổ phần sở hữu: Cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên HĐQT, Giám đốc/Tổng giám đốc. – Cơ sở phát sinh quyền khởi kiện người quản lý: Khi có cơ sở cho rằng người quản lý có hành vi vi phạm như: (i) Vi phạm trách nhiệm theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020; (ii) Không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của HĐQT; (iii) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao trái với quy định của pháp luật, điều lệ công ty hoặc nghị quyết của ĐHĐCĐ; (iv) Sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ cho lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (v) Sử dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của công ty để tư lợi riêng hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; (vi) Các trường hợp khác. 3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về các quyền không mang tính kinh tế của cổ đông Thứ nhất, về quyền cung cấp thông tin: Theo quy định pháp luật hiện hành, cổ đông muốn được xem xét, trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của HĐQT, hợp đồng, giao dịch phải thông qua HĐQT… thì phải sở hữu ít nhất 05% tổng số cổ phần hoặc đòi hỏi cổ đông phải sở hữu cổ phần trong thời hạn 01 năm liên tục. Mặc dù tỷ lệ 05% đã giảm so với 10% theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, nhưng tỷ lệ này vẫn chưa bảo đảm quyền của cổ đông thiểu số khi mà số cổ phần sở hữu không đạt tỷ lệ theo pháp luật quy định. Ở nhiều nước, pháp luật quy định cổ đông có quyền được thông tin, nhưng cổ đông phải có hành động “thiện chí và với mục đích chính đáng có quyền xem xét và sao chép sổ biên bản, báo cáo kế toán và danh sách cổ đông của công ty. Mục đích chính đáng là mục đích giúp đỡ cổ đông trong việc quản lý và bảo vệ việc đầu tư của mình”[9]. Quy định trên gợi mở cho các quy định của Luật Doanh nghiệp Việt Nam hiện hành cần gắn mục đích của việc yêu cầu cung cấp thông tin của cổ đông, dựa trên sự “thiện chí và mục đích chính đáng”, thì người quản lý có thể cung cấp hoặc có thể từ chối cung cấp các thông tin. Có thể thấy, nếu Luật Doanh nghiệp năm 2020 căn cứ sự “thiện chí và mục đích chính đáng” của cổ đông trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin sẽ là cơ sở để lược bỏ quy định về tỷ lệ cổ phần mà cổ đông phải sở hữu tỷ lệ hoặc thời gian sở hữu nhằm bảo đảm tối đa quyền của cổ đông thiểu số trong Công ty cổ phần. Thứ hai, về cơ chế tiếp cận thông tin: Cần có quy định về việc cổ đông muốn tiếp cận các thông tin thì thực hiện những trình tự, thủ tục và hình thức như thế nào, thời hạn trả lời, cung cấp thông tin theo yêu cầu. Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải quy định chi phí phát sinh cho việc cung cấp thông tin cho cổ đông thì bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm. Thứ ba, về công khai, minh bạch hóa thông tin: Cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công khai, minh bạch hóa thông tin theo hướng “nâng cao yêu cầu công khai hóa thông tin đối với công ty, mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho cổ đông, tăng cường quyền được tiếp cận thông tin, định kỳ hoặc theo yêu cầu đối với mọi cổ đông, không hạn chế về tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Công ty cổ phần, đặc biệt đối với các thông tin về quản lý và giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi của công ty”[10]. Những quyền này gắn liền lợi ích, quyền lợi chính đáng của cổ đông, vì vậy, các cổ đông cần phải được tiếp cận một cách dễ dàng, không phân biệt loại cổ đông hoặc tỷ lệ cổ phần sở hữu. Thứ tư, về quyền khởi kiện người quản lý: Khi khởi kiện người quản lý, cần phải xác định tư cách tham gia tố tụng của các bên liên quan là cổ đông, người quản lý hoặc công ty. Việc chưa có những quy định rõ ràng, cụ thể, thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc cổ đông thực hiện khởi kiện người quản lý, có thể dẫn đến sự tùy tiện trong quá trình giải quyết tranh chấp như có Tòa thụ lý giải quyết, có Tòa không thụ lý giải quyết bởi tính chất phức tạp của tranh chấp, khi quy định của pháp luật chưa rõ ràng, chưa có án lệ tương tự. Thứ năm, về chủ thể thanh toán chi phí khởi kiện: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, chủ thể phải thanh toán chi phí khởi kiện người quản lý có thể do cổ đông hoặc công ty phải chịu. Nếu cổ đông nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm của người quản lý và được Tòa án chấp nhận, thì theo quy định tại Điều 166 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông/nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty được tính vào chi phí của công ty, trừ trường hợp bị bác yêu cầu khởi kiện”. Tuy nhiên, quy định trên lại mâu thuẫn với quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: “Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận”. Như vậy, nếu yêu cầu khởi kiện được chấp nhận, thì án phí phải do bên bị đơn – người quản lý có nghĩa vụ chi trả mà không phải nghĩa vụ của công ty. Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 vừa chưa rõ ràng, vừa có mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật. Thứ sáu, về hướng dẫn “vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ”: Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, không phải bất cứ trường hợp nào vi phạm về trình tự, thủ tục họp ĐHĐCĐ cũng đều là căn cứ để yêu cầu hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần nghị quyết của ĐHĐCĐ, mà chỉ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 hoặc điều lệ công ty. Tuy nhiên, do văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể như thế nào là “vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ” dẫn đến cách hiểu khác nhau khi xảy ra tranh chấp, việc đánh giá vấn đề này phụ thuộc vào nhận định riêng của cơ quan xét xử tranh chấp liên quan yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ. Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn quy định về trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của ĐHĐCĐ vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 và điều lệ công ty. Thứ bảy, loại vụ việc liên quan đến yêu cầu hủy nghị quyết của ĐHĐCĐ: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ là việc dân sự và áp dụng thủ tục tố tụng giải quyết việc dân sự. Tuy vậy, về bản chất của yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ là có sự tranh chấp giữa các bên, vì vậy, nên xác định đây là trường hợp vụ án có sự tranh chấp trong kinh doanh thương mại chứ không phải là việc dân sự. Thứ tám, về yêu cầu hủy nghị quyết, quyết định của HĐQT: Cổ đông có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết, quyết định của HĐQT khi nghị quyết, quyết định này trái quy định của pháp luật, nghị quyết ĐHĐCĐ hoặc gây thiệt hại cho công ty. Tuy nhiên, “khác với việc yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ, Luật Doanh nghiệp năm 2020 lại không có quy định về thời hạn để cổ đông yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của HĐQT. Việc không quy định về thời hạn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết, quyết định của HĐQT là một thiếu sót không hề nhỏ của Luật Doanh nghiệp năm 2020”[11]. Vì vậy, cần thiết phải xem xét quy định chi tiết về thời gian để cổ đông thực hiện quyền yêu cầu hủy nghị quyết, quyết định của HĐQT nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong việc áp dụng. Tóm lại, hiện nay, các quy định về nhóm quyền không mang tính kinh tế của cổ đông vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc gây khó khăn trong quá trình thực thi. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng một khuôn khổ pháp lý rõ ràng và nhất quán, tạo điều kiện bảo đảm cho cổ đông thực hiện các quyền lợi hợp pháp của mình.
Theo TS. Nguyễn Văn Lâm Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội