ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Nhiều dự án bất động sản thất bại vì thiếu kế hoạch sử dụng đất

Savills Việt Nam cho rằng, những dự án bất động sản thất bại và bị bỏ dở giữa chừng không còn là điều gì quá xa lạ tại thị trường Việt Nam. Một trong những nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này là thiếu kế hoạch sử dụng đất.

Kế hoạch sử dụng đất giúp xác định phương án sử dụng quỹ đất phù hợp nhất cũng như việc phân bổ cơ sở hạ tầng, quy hoạch, giao thông và tác động môi trường cho dự án. Một kế hoạch sử dụng đất hiệu quả cũng giúp chủ đầu tư tăng doanh thu và tỷ lệ hấp thụ khi phân phối dự án để tối đa hóa lợi nhuận.

Đồng thời, tạo ra một đề án chi tiết và hiệu quả về phân bổ quỹ đất và nguồn lực, từ đó hướng đến sự phát triển bền vững của dự án nói riêng và thị trường bất động sản (BĐS) nói chung.

Theo Savills Việt Nam, những dự án BĐS thất bại và bị bỏ dở giữa chừng không còn là điều gì quá xa lạ tại thị trường Việt Nam. Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, song trong báo cáo của đơn vị này đã phân tích tầm quan trọng của kế hoạch sử dụng đất khi phát triển dự án.

Nhiều dự án bất động sản thất bại vì thiếu kế hoạch sử dụng đất - Ảnh 1.

Nhiều dự án BĐS dang dở vì thiếu kế hoạch sử dụng đất. Ảnh: Vũ Phạm

Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho biết, kế hoạch sử dụng đất không thành công là khi dự án phát triển các sản phẩm, hệ thống cơ sở hạ tầng và tiện ích không mang lại lợi ích về tài chính, kinh tế xã hội và môi trường.

Một kế hoạch kém sẽ dẫn đến hệ quả phát triển các sản phẩm không phù hợp với thị trường, cơ sở hạ tầng và tiện ích không đáp ứng nhu cầu của cộng đồng. Kế hoạch sử dụng đất không tốt hoặc không thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra có thể khiến các bên liên quan phải chịu rủi ro tài chính lớn và thậm chí là đầu tư thất bại.

Đơn cử tại khu Nam Hà Nội, một chủ đầu tư đã phát triển dự án căn hộ 9.000 căn với quy mô 3.500 m2. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không tuân thủ kế hoạch ban đầu mà chuyển đổi văn phòng và không gian thương mại thành căn hộ chung cư, khiến các căn hộ nhỏ hơn và tăng số lượng căn hộ một cách đáng kể. Những thay đổi này đặt áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng và các tiện ích không đủ cho số lượng cư dân. Từ đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn giữa các nhóm cư dân và chất lượng sống tại dự án giảm sút.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều dự án với các sản phẩm tốt song vẫn thất bại vì kế hoạch không tính đến việc phát triển cơ sở hạ tầng tương ứng. “Ngay cả khi dự án có các sản phẩm nhà ở hoặc thương mại phù hợp nếu thiếu đường giao thông, hệ thống thoát nước và các tiện ích công cộng thì chất lượng cuộc sống vẫn không được hoàn chỉnh và thiếu thuận tiện. Dẫn đến những khu đô thị “ma” không có người sinh sống”, ông Troy Griffiths nói.

Hay như tại TP. Nha Trang, nơi nhiều dự án có mật độ xây dựng lên đến 70%, Savills Việt Nam cho rằng, việc xem nhẹ các yêu cầu xây dựng của thành phố này đã dẫn đến mức độ phát triển không tương thích với quy hoạch hạ tầng và quy hoạch cơ sở hạ tầng xã hội.

“Việc phát triển và quy hoạch đất đúng đắn đòi hỏi quá trình xem xét các kịch bản trong cả bối cảnh thuận lợi và khó khăn. Cần tính đến rủi ro, xác định các chiến lược bán hàng khả thi, đề xuất sản phẩm và giai đoạn bán hàng. Các dự án BĐS thất bại không chỉ là nỗi lo tài chính đối với các đơn vị phát triển và người mua mà còn có thể gây ra những thách thức lớn về nguồn lực, đạo đức và môi trường”, ông Troy Griffiths cho hay.

Vị chuyên gia này đánh giá, kế hoạch sử dụng đất là một công cụ quan trọng cho việc phát triển BĐS, đảm bảo quỹ đất được sử dụng tối ưu. Do đó, trước khi bắt đầu xây dựng hoặc đầu tư, việc lên kế hoạch cẩn thận và kỹ lưỡng là điều cần thiết.

“Những quyết định đúng đắn dựa trên các chỉ số thị trường khách quan, nghiên cứu trường hợp phát triển và đề xuất được xem xét. Phân tích thị trường là yếu tố quan trọng để hiểu loại phát triển và quy mô phù hợp. Khả năng tài chính cũng phải được xác định thông qua dự báo dòng tiền để xác định loại phát triển nào là khả thi nhất”, ông Troy Griffiths lưu ý.

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục