Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong thị trường thương mại số hóa

Việc sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) trong “thế giới phẳng” này đòi hỏi sự quan tâm xác đáng, nỗ lực thực thi, giám sát chặt chẽ của chủ thể quyền, nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan

TÓM TẮT:

Môi trường thương mại số hóa là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin, viễn thông, kỹ thuật số và thương mại thuần túy, phá vỡ ranh giới địa lý, cũng như giới hạn về số lượng của việc trao đổi sản phẩm, dịch vụ, thông tin dữ liệu. Giá trị lợi nhuận mà tài sản trí tuệ đặc biệt này đem lại rất lớn, và về mặt tinh thần còn khuyến khích mạnh mẽ hoạt động sáng tạo của con người. Việc sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) trong “thế giới phẳng” này đòi hỏi sự quan tâm xác đáng, nỗ lực thực thi, giám sát chặt chẽ của chủ thể quyền, nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan. Bài viết nghiên cứu về các phương thức bảo vệ quyền SHCN trong thị trường thương mại số hóa ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: quyền sở hữu công nghiệp, thương mại số hóa, thương mại điện tử.

1. Đặt vấn đề

Công nghệ thông tin phát triển, Internet và các mạng mở là môi trường thúc đẩy quan hệ thương mại số hóa, các tài sản trí tuệ được đưa vào giao dịch thương mại điện tử ngày càng nhiều. Về mặt pháp lý, pháp luật thương mại điện tử và pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam là cơ sở cho việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong thị trường thương mại số hóa tạo niềm tin cho các bên khi tham gia môi trường trực tuyến đầy rủi ro. Các điều ước quốc tế song phương và đa phương về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên cũng thể hiện rõ ý chí bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp: Hiệp định song phương Việt Nam – Thụy Sĩ về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp; Hiệp định thương mại về Quyền Sở hữu Trí tuệ (TRIPS);… Khi thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh, vấn đề bảo vệ quyền SHCN được đặt ra nhằm chống lại những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thị trường thương mại số hóa.

2. Bảo vệ quyền SHCN trong thị trường thương mại số hóa

2.1. Đối tượng của quyền SHCN được số hóa

Đối tượng quyền SHCN trong thương mại điện tử bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại được số hóa (Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Thiết kế mạch tích hợp bán dẫn và chỉ dẫn địa lý không phải là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử. Chỉ dẫn địa lý được tạo bởi tên gọi, hình ảnh, biểu tượng gắn liền khu vực địa lý nhằm mục đích chỉ rõ nguồn gốc của sản phẩm hàng hóa, có thể được truyền tải trên phương tiện điện tử, tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý không phải là đối tượng của các giao dịch thương mại điện tử nên không được xem là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử. Thiết kế mạch tích hợp bán dẫn được thiết kế trong không gian ba chiều gồm các phần tử liên kết của mạch điện tử dưới dạng thành phẩm không thể truyền tải như thông điệp dữ liệu hay sản phẩm số hóa trên phương tiện điện tử, do đó mạch tích hợp cũng không được xem là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử.

Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên (Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Tuy nhiên, sáng chế trong thương mại điện tử không bao gồm giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm mà phải là giải pháp kỹ thuật số hoặc quy trình kỹ thuật số, chẳng hạn: các hệ thống công nghệ mới trên trang web, các công cụ tra cứu, các công cụ kỹ thuật trên trang web (tin nhắn, hệ thống tạo lập cung cấp tin tức, bình luận xã hội, hiển thị quảng cáo, kiểm soát thông tin riêng tư, công cụ chia sẻ ảnh).

2.2. Các phương thức bảo vệ quyền SHCN

Nhà nước công nhận quyền sở hữu công nghiệp, các chủ thể quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước sự xâm phạm từ cá nhân, tổ chức khác. Luật Sở hữu trí tuệ dành riêng Phần năm (gồm 3 chương XVI-XVIII, 22 điều) để quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử chính là việc áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hoặc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHCN, trong đó chủ thể quyền có thể tự bảo vệ hoặc thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý xâm phạm như khiếu nại, tố cáo với các cơ quan chức năng (cơ quan Thanh tra, cơ quan Công an, Quản lý thị trường) hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Các phương thức bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử bao gồm: Tự bảo vệ; Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử bằng biện pháp dân sự, biện pháp hành chính, hoặc biện pháp hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm.

3. Thực trạng thực thi các phương thức bảo vệ quyền SHCN trong thị trường thương mại số hóa ở Việt Nam hiện nay

3.1. Thực thi quyền tự bảo vệ

Phương thức tự bảo vệ được chủ thể quyền và các cá nhân, tổ chức liên quan lựa chọn đầu tiên trước khi áp dụng phương thức xử lý hành vi xâm phạm, quyền tự bảo vệ thể hiện ý chí định đoạt cao và chủ động.

Biện pháp thứ nhất, để tránh các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử xảy ra, chủ thể quyền có thể đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ, Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng. Hàng năm, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, xử lý hàng chục ngàn đơn đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ (75.742 đơn năm 2019, 64.889 đơn năm 2018), số lượng tăng dần qua mỗi năm thể hiện ý thức bảo vệ quyền SHCN ngày càng được các chủ thể chú trọng.

Biện pháp thứ hai, áp dụng công nghệ có thể ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Biện pháp này nhằm công bố quyền SHCN được bảo hộ hoặc sử dụng công nghệ kỹ thuật để đánh dấu phân biệt, bảo vệ tài sản SHCN được bảo hộ, khuyến cáo mọi cá nhân, tổ chức không được xâm phạm. Các biện pháp công nghệ mà chủ thể áp dụng để công khai quyền sở hữu công nghiệp của mình như sử dụng website, trang mạng xã hội, thư điện tử, trên nền thiết bị di động, truyền hình, truyền thanh hoặc công nghệ kỹ thuật đánh dấu, bảo vệ như mã hóa tác phẩm, tường lửa.

Biện pháp thứ ba, yêu cầu chấm dứt hành vi, xin lỗi, cải chính, buộc bồi thường thiệt hại được thực hiện bởi chủ thể quyền đối với cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm. Trong thế giới phẳng, khó khăn nhất là việc xác định chủ thể có hành vi xâm phạm khi các cá nhân, tổ chức ở nước ngoài hoặc đăng ký website ở nước ngoài. Biện pháp này cũng không có hiệu quả khi cá nhân, tổ chức cố tình tiếp tục hành vi, không cải chính, xin lỗi, không thực hiện việc bồi thường thiệt hại.

Biện pháp thứ tư, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết thông qua hoạt động khiếu nại, tố cáo. Nếu ba biện pháp trên thực hiện không hiệu quả thì chủ thể mới gửi đơn khiếu nại đến Cục Sở hữu trí tuệ, gửi đơn tố cáo đến cơ quan Công an hoặc yêu cầu các cơ quan hành chính xử lý vi phạm. Biện pháp này đòi hỏi chủ thể gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu rườm rà hơn.

Biện pháp thứ năm, chủ thể có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách khởi kiện tại Tòa án nhân dân hoặc Trọng tài thương mại giải quyết vụ việc dân sự. Cho đến nay, không có vụ tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử nào giải quyết tại Trọng tài thương mại, chủ thể quyền thường chọn giải quyết tranh chấp bằng con đường Tòa án.

3.2. Thực thi các biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

So với phương thức tự bảo vệ, các biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử là hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sử dụng quyền lực nhà nước để giải quyết các vụ việc xâm phạm, có tính chất răn đe, phòng ngừa cao. Phương thức xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, trong đó biện pháp dân sự đóng vai trò quan trọng nhất. Biện pháp hành chính, biện pháp hình sự nhằm mục đích trừng phạt, giáo dục, ngăn chặn hành vi xâm phạm, còn biện pháp dân sự hướng đến mục đích khôi phục quyền tài sản, quyền nhân thân cho chủ thể, chủ thể có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, điều tra, xét xử: Quản lý thị trường, cơ quan Thanh tra, Ủy ban nhân dân các cấp, Cơ quan Công an (Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự kinh tế, Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao,…), Tòa án nhân dân các cấp. Mặc dù nhiều cơ quan có cùng thẩm quyền áp dụng các biện pháp hành chính nhưng vụ việc sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan thụ lý vụ việc đầu tiên.

Hầu hết các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử hiện nay chủ yếu được xử lý bằng biện pháp hành chính, số vụ việc giải quyết tại Tòa án chiếm tỷ lệ nhỏ. Các bên khởi kiện ra Tòa án luôn gặp khó khăn và mất thời gian trong việc cung cấp chứng cứ chứng minh chủ thể quyền, hành vi xâm phạm và thiệt hại, nếu chứng cứ không đầy đủ thì Tòa án không chấp nhận, Tòa án chỉ có chức năng xét xử nếu có đơn khởi kiện của các bên chứ không có chức năng xác thực chứng cứ. Nếu lựa chọn phương thức giải quyết bằng biện pháp hành chính, các chủ thể cũng có nghĩa vụ nộp chứng cứ chứng minh nhưng trách nhiệm chứng minh không cao, bởi vì sau khi thụ lý các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra để tiếp tục xác minh. Bên cạnh đó, thời gian xử lý xâm phạm nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của các chủ thể trong kinh doanh thương mại. Thủ tục đơn giản chỉ bằng cách nộp đơn yêu cầu xử lý và tài liệu, chứng cứ kèm theo nhưng không đòi hỏi nghĩa vụ chứng minh cao như tố tụng tư pháp. Các cơ quan hành chính đều là các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực bị xâm phạm nên việc kiểm tra, xử lý nhanh hơn trong khi Tòa án cần sự trợ giúp của các cơ quan này trong việc giám định. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử cần được giải quyết bằng biện pháp dân sự thì lại bị “hành chính hóa”.

Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp chỉ bị xem là tội phạm ít nghiêm trọng, khung cao nhất đối với người phạm tội là phạt tù đến 03 năm, đối với pháp nhân là phạt tiền đến 3 tỷ đồng, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Xu hướng hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng, thiệt hại rất lớn đối với doanh nghiệp, xã hội, trong khi đó hình phạt áp dụng còn nhẹ. Phương thức xử lý bằng biện pháp hình sự không được các bên lựa chọn hoặc chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự để bị tố cáo, khởi tố.

4. Một số khuyến nghị nâng cao năng lực thực thi bảo vệ quyền SHCN trong thị trường thương mại số hóa

Thứ nhất, các cơ quan chức năng chỉ xử lý xâm phạm đối với những đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử được bảo hộ. Nhờ công nghệ thông tin, đối tượng sở hữu công nghiệp số hóa xuất hiện nhiều hình thức mới chưa được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ: nhãn hiệu có âm thanh, quy trình sử dụng mới đối với sản phẩm đã biết (sáng chế), giao diện dùng đồ họa, bố trí màn hình, thuật toán, biểu đồ dữ liệu ẩn,… Luật Sở hữu trí tuệ cần quy định mở rộng phạm vi bảo hộ đối với tài sản trí tuệ số hóa được thể hiện trên các phương tiện điện tử nâng cao khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử nói chung, quyền SHCN nói riêng.

Thứ hai, thực tiễn xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử cho thấy hầu hết các vụ xâm phạm được giải quyết bằng biện pháp hành chính, khác biệt với các quốc gia trên thế giới (Anh, Mỹ, Nhật Bản, …), biện pháp dân sự ở các nước này được đánh giá cao. Pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam nên sửa đổi theo hướng tăng cường thực thi biện pháp dân sự đảm bảo quyền lợi của chủ thể quyền, xét đến cùng quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự, khi bị xâm phạm cần được ưu tiên giải quyết bằng biện pháp dân sự. Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do – EU (EVFTA) thì biện pháp dân sự cần được chú trọng hơn. Phương thức giải quyết tại Tòa án có tính răn đe cao hơn biện pháp hành chính và khôi phục lợi ích của chủ thể quyền thông qua biện pháp buộc chấm dứt hành vi, bồi thường thiệt hại, áp dụng hình phạt, để ngăn chặn hiệu quả hành vi xâm phạm mà biện pháp hành chính không giải quyết được.

Thứ ba, thời gian xử lý một vụ án dân sự tính từ khi thụ lý đến khi đưa ra xét xử tại Tòa án chỉ quy định thời hạn tối thiểu, những vụ việc phải tạm đình chỉ để trưng cầu giám định thì thời gian kéo dài hơn, do đó pháp luật tố tụng nên quy định thời gian tối đa giải quyết vụ án về sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử là 6 tháng đáp ứng nhu cầu của các chủ thể.

Đồng thời để giảm bớt thời gian giải quyết vụ việc cần quy định trách nhiệm phối hợp của các cơ quan chức năng, cụ thể trong quá trình giải quyết vụ việc Tòa án có quyền gửi văn bản lấy ý kiến hoặc yêu cầu lập hội đồng giám định, giới thiệu tổ chức giám định, giám định viên đến Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học công nghệ, các cơ quan này có nghĩa vụ thực hiện theo yêu cầu của Tòa án trong thời gian nhất định theo từng vụ việc từ 3 ngày đến 15 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu. Tòa án cũng có trách nhiệm thông báo vụ việc đến các cơ quan có liên quan để tham gia tố tụng, hỗ trợ trong quá trình xét xử, theo dõi kết quả xét xử, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì cơ quan điều tra nhận hồ sơ và chuyển vụ việc giải quyết.

Thứ tư, để tăng tính khả thi xử lý xâm phạm bằng biện pháp dân sự, biện pháp hình sự cần thiết lập Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ. Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ nên được xây dựng độc lập với các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, theo mô hình một số quốc gia trên thế giới: Tòa sở hữu trí tuệ và thương mại quốc tế Thái Lan, là một trong các Tòa thành lập sớm trong khu vực châu Á từ năm 1997; Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ Malaysia thành lập từ năm 2007; Tòa sở hữu trí tuệ Nhật Bản thiết lập năm 2005 được tổ chức ở cấp Tỉnh; Anh thành lập Tòa sáng chế thuộc Tòa tối cao và Tòa dân sự sáng chế ở địa phương.

Việc thành lập Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ phải phù hợp với quy mô xét xử thực tại, số lượng vụ án sẽ phát sinh trong thời gian tới, số lượng Thẩm phán ở các Tòa. Tập trung thẩm quyền xét xử vào Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ đặt tại ba thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự, hành chính, hình sự sở hữu trí tuệ và mở rộng ở lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ cao: quảng cáo, tiếp thị, môi giới trực tuyến, tên miền quốc gia, tên miền quốc tế,… Ở các khu vực khác có số lượng vụ án sở hữu trí tuệ không nhiều thì chỉ đào tạo, bồi dưỡng nguồn Thẩm phán, Thư kí Tòa và bố trí Thẩm phán chuyên trách sở hữu trí tuệ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền quy định nhiệm vụ cụ thể của Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ. Như vậy, cùng với việc thiết lập Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ cần sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các văn bản luật liên quan về cơ cấu tổ chức, thẩm quyền chung của Tòa, và ban hành văn bản dưới luật quy định thẩm quyền, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức cụ thể của Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc xét xử chung, đối với vụ án sở hữu công nghiệp cần có những nguyên tắc đặc thù riêng, trình tự thủ tục linh hoạt, đáp ứng nhu cầu giải quyết nhanh chóng, xử lý kịp thời chẳng hạn: Thời gian xét xử tối đa 4 tháng, những vụ việc phức tạp, có yếu tố nước ngoài là 6 tháng; Thẩm vấn đương sự thông qua ứng dụng điện tử trực tuyến có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; Thẩm phán ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay khi các chủ thể yêu cầu, hoặc trường hợp cần thiết Thẩm phán ra quyết định bất cứ khi nào kể cả khi chưa thụ lý vụ án, ngày lễ tết; Nghĩa vụ đảm bảo thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời của các chủ thể nâng cao hơn mức hiện nay và thực hiện ngay sau khi Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Nghĩa vụ tham gia tố tụng của các cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức chuyên môn sở hữu trí tuệ; Thu thập chứng cứ điện tử.

Thứ sáu, sắp xếp lại các khâu giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, kiểm tra, kiểm soát, phân bổ nhiệm vụ cụ thể giữa các cơ quan cùng có chức năng xử lý hành chính tránh sự chồng chéo, theo hướng quy định và thiết lập cơ quan đầu mối nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiểm tra là Thanh tra chuyên ngành. Tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm quy định hình thức xử phạt và phân cấp quyền hạn cho từng cơ quan, cơ quan Thanh tra, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt hành chính, còn cơ quan Công an có thẩm quyền điều tra. Nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của Thanh tra chuyên ngành thì trực tiếp xử lý, chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng nếu không thuộc thẩm quyền, những vụ việc có tính phức tạp, liên ngành thì thành lập Đoàn thanh tra liên ngành cùng thực hiện.

Cơ quan đầu mối giải quyết khiếu nại về đăng ký sở hữu công nghiệp, xác định hành vi xâm phạm giao cho Cục Sở hữu trí tuệ. Ở địa phương không có văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ thì các chủ thể nộp đơn khiếu nại và nhận kết quả khiếu nại tại Sở Khoa học và Công nghệ, Sở có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.

Thứ bảy, trong quá trình xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong thương mại điện tử cần có sự phối hợp cao giữa Tòa án, các cơ quan chức năng. Như giải pháp đã nêu trên, các cơ quan chức năng (cơ quan Thanh tra, cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các cấp) có trách nhiệm tham gia tố tụng dân sự theo yêu cầu của Tòa án, có nghĩa vụ tham gia tố tụng hình sự, hành chính để theo dõi, chuyển hồ sơ, trợ giúp kịp thời cho Tòa án về chuyên môn, kết quả điều tra, kiểm tra, lập số liệu thống kê, xử lý liên quan. Giữa các cơ quan hành chính cũng phải phối hợp cùng nhau và với cơ quan đăng ký bảo hộ để nhanh chóng xác định yếu tố xâm phạm, rút ngắn thời gian xử lý, Cục Sở hữu trí tuệ có trách nhiệm trả lời công văn hoặc cử người tham gia Đoàn thanh tra liên ngành.

5. Kết luận

Nhu cầu tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trong thị trường thương mại điện tử xuất phát từ nền kinh tế kỹ thuật số và hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đồng bộ, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn thiếu sót hoặc chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, các giải pháp nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan nhà nước, chủ thể quyền, cộng đồng xã hội cần được triển khai, trong đó chú trọng vào các giải pháp: xây dựng Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ; thiết lập cơ quan đầu mối nhận đơn khiếu nại, tố cáo; thiết lập cơ quan đầu mối giải quyết khiếu nại về đăng ký sở hữu công nghiệp, xác định hành vi xâm phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Quốc hội (2017). Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
  3. Quốc hội (2005). Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, năm 2019.
  4. Quốc hội (2018). Luật Cạnh tranh năm 2018.
  5. Quốc hội (2014). Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 

ThS. MAI THỊ MAI HƯƠNG – ThS. HOÀNG THỊ THANH NGUYỆT (Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng)

Theo Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN