Bộ cắt giảm thủ tục, doanh nghiệp bất động sản vẫn kêu “tắc”!

Cắt thủ tục nhưng chưa giảm vướng mắc cho các dự án bất động sản. Ảnh: Cao Nguyên

Cắt thủ tục nhưng chưa giảm vướng mắc cho các dự án bất động sản. Ảnh: Cao Nguyên

Mới đây Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 705 về việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hàng loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng thủ tục mà Bộ này cắt bỏ thực chất là những thủ tục đã được sửa đổi, cắt giảm trong Luật Nhà ở, Luật Xây dựng. Nhiều vướng mắc trong các Nghị định dẫn đến doanh nghiệp đau đầu, than vãn, không tạo sự công bằng.

Bãi bỏ nhiều thủ tục về nhà ở, kinh doanh bất động sản

Mới đây Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 705 về việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hàng loạt thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản. Theo đó, có 3 thủ tục hành chính (TTHC) ban hành mới do UBND cấp tỉnh thực hiện, gồm: Thủ tục giải quyết bán phần diện tích nhà đất sử dụng chung quy định tại khoản 1 điều 71, Nghị định 99/2015/NĐ-CP; thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất liền kề nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước quy định tại khoản 2 điều 71 Nghị định 99/2015/NĐ-CP; thủ tục giải quyết chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước quy định tại khoản 3 điều 71 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP.

Có 1 TTHC được thay thế, đó là lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại quy định tại khoản 2 điều 18 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, có 6 TTHC sửa đổi, bổ sung. Trong đó, có 1 TTHC cấp T.Ư và 5 TTHC cấp tỉnh, gồm: chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư; gia hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho cá nhân, tổ chức nước ngoài…

Bộ Xây dựng cũng bãi bỏ 3 TTHC, gồm: Chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của Thủ tướng theo quy định của luật Nhà ở năm 2014; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 5 điều 9 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP…

Trong lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng có Quyết định số 700 công bố các TTHC ban hành mới, thay thế và bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng. Theo quyết định này, Bộ Xây dựng ban hành mới 4 TTHC. Trong đó, có 2 TTHC ban hành mới ở cấp T.Ư, gồm cấp gia hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I; cấp gia hạn chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I…

Tuy nhiên, một số ý kiến đều cho rằng thủ tục mà Bộ Xây dựng cắt bỏ thực chất là những thủ tục đã được sửa đổi, cắt giảm trong Luật Nhà ở, Luật Xây dựng.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM – cho rằng, những thủ tục hành chính mà Bộ Xây dựng bãi bỏ không có gì mới. Bởi theo ông Châu, các thủ tục này chỉ nêu lại các TTHC được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung theo Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư.

Ngoài ra, 6 TTHC sửa đổi, bổ sung về việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS cũng chưa đồng bộ vì Luật Đầu tư mới cho phép doanh nghiệp được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không có sự ràng buộc nào, trong khi Luật Đất đai cũ vẫn yêu cầu muốn chuyển nhượng phải có sổ đỏ của khu đất.

Theo ông Châu, trong các nghị định thì vướng ở Nghị định 30 đối với nhà ở thương mại, còn vướng Nghị định 49 về nhà ở xã hội. Ở địa phương thì vướng quy trình thủ tục đầu tư xây dựng. Như Hiệp hội đã nêu 4 bước thì tất cả các bước đó Bộ Xây dựng không nêu ra.

Cụ thể như thẩm định và phê duyệt thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; Thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị; Lập thủ tục giao thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013. Và cuối cùng là thực hiện các thủ tục chấp thuận đầu tư; thẩm định thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng.

Thủ tục cắt giảm nhưng còn “tắc”

Ông Châu nói thêm, theo Thông tư 03 nói về quy chuẩn quốc gia xây dựng nhà chung cư trong đó nói về condotel, officetel. Tuy nhiên, nói như vậy không giải quyết được vấn đề. Bởi vì, số lượng, tỉ lệ nhà condotel trong tòa nhà chung cư hỗn hợp hoặc tỉ lệ chung cư căn hộ văn phòng officetel trong tòa nhà chung cư hỗn hợp rất ít so với toàn bộ thị trường.

“Tôi cho rằng Condotel chủ yếu nằm trong khu nghỉ dưỡng, còn officetel chủ yếu nằm trong tòa nhà độc lập. Nó mà nằm trong chung cư hỗn hợp rất ít nên Bộ Xây dựng ban hành cái đó chưa giải quyết được vấn đề” – ông Châu nói và cho biết, việc này tiếp tục ghi lại nội dung Thông tư 21 không có gì mới.

Ngoài ra, nguồn cung nhà ở quá ít, giá nhà tăng cao. Nguyên nhân là do thiếu nguồn cung. Thiếu dự án do những thể chế của mình còn nhiều khiếm khuyết. Ông Châu dẫn vào Nghị định 30 là không công nhận chủ đầu tư đối với dự án mà doanh nghiệp đã có đất nông nghiệp 100% hoặc là 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Việc không công nhận chủ đầu tư trong trường hợp này là không chuẩn.

Cũng theo vị này, quy trình đầu tư xây dựng tới giờ các tỉnh chưa ban hành. Đất công xen kẹt trong dự án tới nay 63 tỉnh chưa hướng dẫn. Như vậy, dẫn tới những ách tắc dự án. Việc này đồng nghĩa những doanh nghiệp đã có dự án họ độc quyền. “Nếu anh đang có dự án thì ở thế thượng phong, không có cạnh tranh, độc quyền, đẩy giá, hưởng siêu lợi nhuận. Nếu như vậy là không công bằng, không bình đẳng. Chúng ta nên xây dựng thương hiệu trong lòng người tiêu dùng bằng chất lượng, văn hóa…” – ông Châu nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cho rằng, bản chất hiện nay, khi làm dự án thì có rất nhiều thủ tục mà doanh nghiệp vướng phải. TTHC đơn thuần như việc làm dự án xin chủ trương, đến khi mà dự án có thể triển khai được là một quá trình rất dài, qua mấy chục con dấu.

Ông Điệp nói, như ở Pháp hay Mỹ, người ta quy hoạch phân khu ở đây 5 tầng, ở kia 3 tầng thì sau khi chủ trương người ta cho xây lên thì không cần phải giấy tờ xin nữa. Nhưng ở Việt Nam thì khi gặp một vấn đề dài, để một doanh nghiệp làm xong một dự án thì nhanh cũng phải 3 năm, thì thời gian chờ đợi là rất khó khăn.

Trong Nghị định 30 thực ra đã mở ra được rất nhiều thứ, tuy nhiên có điều là các doanh nghiệp đang rất trăn trở trong việc này. Ngoài việc thuế và lợi nhuận, tính lãi lợi nhuận tiếp theo. Ông Điệp nhấn mạnh, những Nghị định là do các nhà chính sách, những nhà quản lý đưa ra, nhưng quan điểm bây giờ nó phải thay đổi. Sự tư duy và trách nhiệm của các nhà quản lý nữa chứ không phải của riêng doanh nghiệp.

Cao Nguyên

Theo laodong.vn

Nguồn bài viết: https://laodong.vn/bat-dong-san/bo-cat-giam-thu-tuc-doanh-nghiep-bat-dong-san-van-keu-tac-924403.ldo

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN