Chấm dứt hoạt động của địa điểm kinh doanh như thế nào?

Địa điểm kinh doanh của công ty

Theo khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Như vậy, nếu doanh nghiệp tiến hành một trong các hoạt động nêu trên ngoài địa chỉ trụ sở chính thì bắt buộc doanh nghiệp phải thành lập địa điểm kinh doanh tại địa điểm đó.
Căn cứ Phụ lục II-8 Quyết định 1523/QĐ-BKHĐT, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ được lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi lập địa điểm kinh doanh.
Thủ tục chấm dứt địa điểm kinh doanh
Căn cứ Điều 72 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, trình tự để doanh nghiệp tiến hành chấm dứt hoạt động của địa điểm kinh doanh như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp ra quyết định chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh;
Bước 2: Doanh nghiệp liên hệ với Cơ quan thuế để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
Bước 3: Gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh;
Bước 4: Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về địa điểm kinh doanh chấm dứt hoạt động cho Cơ quan thuế. Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nộp thuế của địa điểm kinh doanh cho Phòng Đăng ký kinh doanh.
Bước 5: Phòng Đăng ký kinh doanh ra quyết định chấm dứt địa điểm kinh doanh.
Một số lưu ý khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của địa điểm kinh doanh:
1. Chuẩn bị hồ sơ
Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm:
– Thông báo về việc chấm dứt hoạt động địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-20 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT).
– Trường hợp không phải chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trực tiếp đến nộp hồ sơ thì người được ủy quyền phải nộp văn bản uỷ quyền kèm bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân:
+ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
+ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
 2. Nơi nộp hồ sơ
Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai phương thức:
– Nộp tại Bộ phận một cửa của Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT (Phòng ĐKKD) tỉnh/ thành phố nơi chi nhánh đặt trụ sở chính;
– Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia (Đối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bắt buộc nộp qua mạng).
3. Thời gian giải quyết
05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
4. Lệ phí giải quyết
Miễn lệ phí.
Hữu Đức

Theo luatvietnam.vn

Nguồn bài viết: https://luatvietnam.vn/doanh-nghiep/cham-dut-dia-diem-kinh-doanh-561-31669-article.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN