ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Chế định về Vốn doanh nghiệp và điều kiện phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán ở một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

(Pháp lý) – Hành vi tăng khống vốn để làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nhằm trục lợi, lừa đảo nhà đầu tư của một số công ty niêm yết thời gian qua đã gây ra không ít hệ lụy cho xã hội… Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi bổ sung các qui định pháp luật liên quan nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, làm trong sạch môi trường đầu tư kinh doanh. ..… là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay.

Thành lập doanh nghiệp tư nhân cần bao nhiêu vốn?

Hành vi tăng khống vốn  của một số doanh nghiệp thời gian qua đã gây ra không ít hệ lụy cho xã hội, gây thiệt hại tài sản của nhà đầu tư… (ảnh minh hoạ)

Tham khảo kinh nghiệm ở các quốc gia liên quan đến các chế định về vốn điều lệ và việc góp vốn của nhà đầu tư vào vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng như các quy định giám sát phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường chứng khoán… có thể rút ra cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chính sách, ban hành quy định giám sát, phát triển các công cụ, kỹ thuật để phòng, chống các hành vi vi phạm.

Quy định pháp luật doanh nghiệp của một số quốc gia về góp vốn thành lập lập doanh nghiệp

Tại Nhật Bản, theo quy định của Luật Công ty năm 2005 thì các cổ đông sáng lập phải góp đủ vốn vào vốn điều lệ mà họ đã đăng ký mua tương ứng với số sổ phần được phát hành tại thời điểm thành lập CTCP. Họ không được trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ này.

Ngay lập tức sau khi bảo lãnh phát hành cổ phiếu tại công ty thành lập, phải thanh toán toàn bộ số tiền liên quan đến việc góp vốn cho cổ phần đã đăng ký phát hành tại công ty. Việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua một ngân hàng (Luật Công ty Điều 34).

Luật Công ty năm 2005 không giới hạn việc các cổ đông sáng lập phải đăng ký mua tối thiểu bao nhiêu cổ phần tại thời điểm thành lập công ty. Tuy nhiên, trong trường hợp có cổ đông sáng lập không hoàn thành việc góp đủ vốn thì các cổ đông sáng lập còn lại sẽ ấn định một thời hạn và thông báo cho cổ đông sáng lập vi phạm góp vốn theo thời hạn ấn định đó. Nếu cổ đông sáng lập lại vi phạm không góp đủ vốn theo thời hạn ấn định đó thì họ mất quyền trở thành cổ đông của công ty. (Luật Công ty Điều 36).

Cách viết diễn giải trong giao dịch ngân hàng chuẩn nhất - Dịch vụ kế toán  thuế chuyên nghiệp

Nhiều quốc gia có quy định bắt buộc việc góp vốn thành lập doanh nghiệp phải được thực hiện qua ngân hàng tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát dòng tiền doanh nghiệp (ảnh minh hoạ)

Đối với việc góp vốn bằng tài sản là hiện vật (không phải bằng tiền) Luật Công ty năm 2005 của Nhật Bản cũng có nhiều quy định cụ thể. Theo đó, ngay lập tức sau khi bảo lãnh phát hành cổ phiếu tại công ty thành lập, tất cả tài sản không phải là tiền liên quan đến đầu tư phải được giao.

Trong trường hợp có đơn yêu cầu, tòa án sẽ chỉ định thanh tra viên để tiến hành một cuộc điều tra ngay sau khi có xác nhận của một công chứng viên (Điều 33, Điều 28 của Đạo luật công ty).

Tuy nhiên, trong những trường hợp sau đây, thanh tra không bắt buộc phải kiểm tra: Tổng giá trị được nêu hoặc ghi trong điều khoản về góp vốn không vượt quá 5 triệu yên; Tài sản đóng góp là chứng khoán có giá thị trường, giá trị được nêu hoặc ghi trong điều khoản góp vốn không vượt quá giá thị trường của chứng khoán đó được tính theo phương pháp được quy định bởi pháp lệnh của Bộ Tư pháp; Tài sản có giấy chứng nhận của luật sư, kế toán viên công chứng, kế toán thuế,… rằng giá trị được nêu trong điều khoản góp vốn vật là phù hợp… (Điều 33, Đoạn 10 của Đạo luật Công ty)

Những người sau đây không được phép cung cấp chứng nhận gồm: thành viên sáng lập, người chuyển nhượng tài sản góp vốn; Các công ty pháp lý, công ty kiểm toán hoặc công ty kế toán thuế, trong đó hơn một nửa số thành viên của họ là thành viên sáng lập…

Tại Trung Quốc, theo quy định của Luật Công ty năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì vốn điều lệ của công ty cổ phần do các cổ đông sáng lập tham gia thành lập công ty được xác định tại thời điểm thành lập là tổng số cổ phần mà cổ đông sáng lập đăng ký mua.

Còn đối với các Công ty cổ phần được thành lập theo hình thức phát hành cổ phần thì các cổ đông sáng lập phải đăng ký mua ít nhất là 35% tổng số lượng cổ phần của công ty. Luật Công ty Trung Quốc không quy định thời hạn thanh toán của cổ đông sáng lập mà thời hạn thanh toán này sẽ do thỏa thuận giữa các cổ đông hoặc do Điều lệ công ty quy định. Trường hợp, nếu cổ đông sáng lập vi phạm việc góp vốn thì họ sẽ chịu trách nhiệm cho vi phạm trên phụ thuộc vào thỏa thuận cổ đông.

Tại Đức, theo quy định của Luật Công ty cổ phần năm 1965, các cổ đông khi góp vốn mua cổ phần vào vốn điều lệ của CTCP có thể góp bằng tiền mặt hoặc góp bằng hiện vật. Luật Công ty Đức không ràng buộc nghĩa vụ của cổ đông sáng lập phải đăng ký mua tối thiểu bao nhiêu % số lượng cổ phần của CTCP tại thời điểm thành lập, mà điều này phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các cổ đông. Tuy nhiên, trong chứng thư thành lập các CTCP thì phải ghi rõ khối lượng cổ phần đã được thanh toán. Thỏa thuận cổ đông được xem như một hợp đồng giữa công ty và cổ đông tương lai của công ty. Nếu những người góp vốn không thanh toán đủ tiền mua cổ phần theo thỏa thuận trong hợp đồng này thì công ty có thể thực hiện các hành động pháp lý chống lại họ.

Tại Anh Quốc, Luật Công ty năm 2006 không quy định cụ thể số sổ phần mà các cổ đông của CTCP phải nắm giữ khi thành lập công ty cũng như không luật hóa việc thanh toán cổ phần của các cổ đông này như thế nào. Tất cả các vấn đề liên quan đến góp vốn mua cổ phần của cổ đông đều được các cổ đông thỏa thuận và ghi vào điều lệ công ty nhưng phải được thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Tại tiểu bang New York (Hoa Kỳ) theo quy định của Luật Công ty thương mại năm 2016 thì việc góp của các cổ đông vào vốn điều lệ của CTCP tại thời điểm thành lập có thể được thực hiện trước hoặc sau sau thời điểm thành lập công ty nhưng họ phải thanh toán đủ tiền mua cổ phần vào các thời điểm đó, trừ khi những người góp vốn có thỏa thuận khác bằng văn bản.

Còn tại Tây Ban Nha, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp Công ty năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), khi thành lập CTCP các cổ đông phải mua được ít nhất 25% giá trị cổ phần phát hành, việc thanh toán tiền mua cổ phần của cổ đông sẽ thực hiện qua tài khoản ngân hàng mang tên công ty. Luật Công ty Tây Ban Nha không quy định thời hạn cụ thể cho các cổ đông thanh toán tiền mua cổ phần. Tuy nhiên, trong vòng 1 tháng kể từ khi hết hạn góp vốn mua cổ phần thì các cổ đông sáng lập phải chốt được danh sách cổ đông đã góp vốn mua cổ phần với các nội dung chính như giá trị cổ phần, loại cổ phần, khối lượng cổ phần được sở hữu bởi các cổ đông trước khi công chứng thành lập doanh nghiệp…

Điều kiện phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán vô cùng khắt khe cùng cơ chế giám sát chặt chẽ của một số nước

Tại Nhật Bản, để được niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp phải vượt qua những điều kiện vô cùng khắt khe của Luật chứng khoán Nhật Bản. Theo đó, các yêu cầu về tài chính mà các doanh nghiệp phải thoả mãn, gồm kế hoạch kinh doanh, tính thanh khoản, và quản trị…

Trong đó, doanh nghiệp phải bảo vệ được kế hoạch kinh doanh của mình, chứng minh được kế hoạch đó được xây dựng hợp lý, tiềm năng tăng trưởng bền vững và phải có đánh giá của các công ty có thẩm quyền công nhận và bảo lãnh.

Doanh nghiệp cũng sẽ phải chứng minh được mình có tối thiểu 150 cổ đông ban đầu và luôn duy trì niêm yết ở 1.000 đơn vị trở lên, đồng thời cũng phải niêm yết mới tối thiểu 1.000 đơn vị với vốn hoá thị trường đạt trên 5 tỷ Yên.

Theo dữ liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), nước này có 4,2 triệu doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp niêm yết chỉ khoảng 3.700 (tương đương 0.08%). Năm 2021, chỉ có 90 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để có thể chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Nhật Bản.

Hoạt động giám sát toàn thị trường chứng khoán ở Nhật Bản do Ủy ban chứng khoán nhà nước (SESC) thực hiện. Các đơn vị trong SESC trực tiếp tiến hành các hoạt động giám sát đối với giao dịch hàng ngày trên thị trường, giám sát công ty đại chúng và các định chế trung gian thị trường, bao gồm cả quỹ đầu tư, công ty giám sát và các tổ chức tự quản.

Đối với mỗi đối tượng và nội dung cụ thể, hoạt động giám sát được giao nhiệm vụ cho các Phòng chức năng. Theo đó, nhiệm vụ giám sát giao dịch hàng ngày trên thị trường được phân công cho Phòng Giám sát thị trường thực hiện. Giám sát công ty đại chúng do Phòng Giám sát công bố Thông tin thực hiện. Giám sát các định chế trung gian thị trường và các tổ chức tự quản do Phòng Giám sát tuân thủ đảm nhiệm.

Còn hoạt động giám sát đối với toàn hệ thống trên thị trường chứng khoán chủ yếu do Ủy ban chứng khoán thực hiện, kể cả việc giám sát diễn biến hàng ngày của thị trường. Phòng Giám sát thị trường của SESC thực hiện việc giám sát giao dịch chứng khoán và các hợp đồng tương lai. Phòng này có quyền yêu cầu các công ty chứng khoán nộp báo cáo và tài liệu liên quan đến một giao dịch cụ thể để kiểm tra.

Phòng Giám sát thị trường của SESC sẽ thực hiện các hoạt động kiểm tra, theo dõi giao dịch của công ty chứng khoán khi cổ phiếu đột ngột tăng hoặc giảm giá mạnh, hay khi cổ phiếu bị đóng băng tại một mức giá trong một thời gian nhất định hoặc có thông tin ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư, thông tin bất thường có được từ các dịch vụ thông tin qua điện thoại, Internet và từ công chúng.

Ủy ban chứng khoán Nhật Bản là cơ quan trực tiếp giám sát các công ty đại chúng. Phòng Giám sát công bố thông tin và điều tra, xử phạt dân sự của SESC có quyền yêu cầu các công ty gửi báo cáo chi tiết và thực hiện giám sát, điều tra đối với việc công bố thông tin của công ty đại chúng.

Chức năng giám sát trực tiếp đối với các giao dịch hàng ngày và giám sát công bố thông tin trên thị trường thứ cấp của công ty đại chúng được thực hiện bởi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban chứng khoán và tổ chức tự quản. Luật pháp Nhật Bản quy định Ủy ban chứng khoán có chức năng giám sát bao trùm toàn bộ thị trường chứng khoán.

Điều hành và giám sát thị trường chứng khoán (Administer and Supervise the Securities Market) là gì? Nguyên nhân hình thành cơ chế - Ảnh 1.

Ở một số nước quy định điều kiện để doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán rất khắt khe, cùng với đó cơ chế giám sát vô cùng chặt chẽ (ảnh minh hoạ).

Tại Mỹ – nơi tập trung các sàn giao dịch lớn nhất, hiện đại nhất với những tiêu chuẩn an toàn nhất. Do đó, để có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, các công ty cổ phần cần phải đáp ứng những điều kiện khắt khe, như điều kiện IPO trên sàn NASDAQ: Số lượng cổ phiếu tối thiểu phải đạt 1,250,000; Giá tối thiểu 4 USD/cổ phiếu; ít nhất có 3 tổ chức tư vấn-bảo lãnh phát hành;

Tổng lợi nhuận trước thuế 3 năm gần nhất: đạt 11 triệu USD, hoặc 2 năm gần nhất đạt 2.2 triệu USD và không có năm nào trong 3 năm gần nhất lỗ. Dòng tiền tối thiểu đạt: 27.5 triệu USD trong 3 năm tài chính gần nhất và không có dòng tiền âm. Giá trị thị trường trong 12 tháng gần nhất đạt 550 triệu USD; doanh thu năm tài chính liền kề đạt tối thiểu 110 triệu USD.

Công ty có thể không cần đáp ứng yêu cầu về dòng tiền trong điều kiện trên nếu có giá trị thị trường trung bình 12 tháng gần nhất đạt 850 triệu USD và doanh thu trong năm tài chính liền trước đạt 90 triệu USD. Nếu công ty không đáp ứng được một trong các 3 điều kiện, chẳng hạn thu nhập kinh doanh, thì phải đáp ứng được tiêu chuẩn tối thiểu lớn hơn đối với một yếu tố khác, như doanh thu.

Về giám sát hoạt động của các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán, theo quy định, hoạt động giám sát các giao dịch hàng ngày và việc công bố thông tin được thực hiện bởi Sở giao dịch chứng khoán.

Uỷ ban chứng khoán nhà nước của Mỹ (SEC) sẽ thực hiện các hoạt động giám sát một cách gián tiếp thông qua việc xem xét, chấp thuận các quy định tự quản của Sở giao dịch chứng khoán và chế độ báo cáo, trao đổi thông tin giữa Sở giao dịch chứng khoán với Uỷ ban chứng khoán nhà nước.

Hoạt động giám sát trường chứng khoán của SEC được giao cho các đơn vị chức năng, chủ yếu là Vụ Quản lý giao dịch và Thị trường, cùng với Văn phòng Giám sát và Kiểm tra.

Hoạt động giám sát của Văn phòng Giám sát và Kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho SEC các thông tin về diễn biến tình hình các đối tượng chịu sự quản lý một cách kịp thời thông qua tiến hành kiểm tra định kỳ và thường xuyên. Từ kết quả giám sát này, những thiếu sót trong các quy định pháp luật được khắc phục kịp thời, đảm bảo sự vận hành khách quan của thị trường chứng khoán…

Một số hàm ý và đề xuất cho Việt Nam

Từ thực tiễn một số vụ việc và đặc biệt một số vụ án liên quan đến hành vi tăng vốn ảo thời gian gần đây, Tạp chí Pháp lý đã có bài viết chỉ ra nhiều sơ hở, hạn chế trong các quy định pháp luật liên quan. Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán và những sơ hở, hạn chế trong các qui định về Vốn doanh nghiệp (phaply.net.vn)

Tham khảo các chế định về vốn điều lệ và việc góp vốn của nhà đầu tư vào vốn điều lệ của doanh nghiệp cũng như các quy định giám sát phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường chứng khoán của một số quốc gia… có thể rút ra cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng chính sách, ban hành quy định giám sát, phát triển các công cụ, kỹ thuật để phòng, chống các hành vi vi phạm. Chẳng hạn:

Thứ nhất, sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2020 theo hướng bỏ quy định về thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập để nhà đầu tư góp đủ vốn vào vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thay vào đó, cho phép cho các nhà đầu tư tự quyết định tiến độ góp vốn nhưng với điều kiện là họ phải đăng ký vốn điều lệ theo số vốn thực góp tại thời điểm thành lập. Đối với trường hợp thay đổi vốn điều lệ trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, chỉ tính số vốn thực góp tại thời điểm đăng ký thay đổi.

Thứ hai, cần bổ sung các qui định chặt chẽ nhằm ngăn chặn việc góp vốn vào hôm trước hôm sau rút ra  ngay. Nghiên cứu cho thấy Luật Chứng khoán hiện nay đang thiếu vắng những quy định cụ thể về cơ chế kiểm tra xác định vốn thực của doanh nghiệp khi lên sàn. Bởi, việc giám sát tuân thủ các điều kiện niêm yết lên sàn chủ yếu dựa vào việc kiểm tra trên hồ sơ doanh nghiệp nộp. Điều này tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng ồ ạt tăng vốn điều lệ trước khi lên sàn trong thời gian qua.

Do đó, đối với việc góp vốn bằng tiền, bắt buộc phải thực hiện góp vốn qua ngân hàng, thiết lập cơ chế kiểm soát dòng tiền nhằm tính xác thực của vốn điều lệ, đảm bảo vốn góp vào doanh nghiệp phải là vốn thực và chỉ sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với việc góp vốn bằng tài sản không phải bằng tiền, cần quy định rõ tài sản góp vốn phải được thẩm định, định giá bởi các đơn vị đủ điều kiện theo quy định Luật Giá… Trong trường hợp cần thiết cơ quan chức năng có quyền chủ động tiến hành cuộc điều tra độc lập kịp thời phát hiện ngăn chặn hành vi nâng khống giá trị tài sản góp vốn, đảm bảo giá tài sản góp vốn không được vượt quá giá thị trường tại thời điểm góp vốn.

Thứ ba,  hiện nay hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam đang thiếu vắng những quy định cụ thể về hoạt động “uỷ thác đầu tư” ngoài một số quy định trong lĩnh vực tài chính chứng khoán.

Về tính hợp pháp, ủy thác đầu tư giữa doanh nghiệp và cổ đông, cá nhân, tổ chức nhận uỷ thác không có giới hạn nào khống chế và thực tế việc góp vốn đều thông qua chuyển tiền trong hệ thống ngân hàng, các khoản vào ra đều bằng… tiền thật. Tuy nhiên đây lại là thủ thuật để các Doanh nghiệp “lách” qua các quy định của pháp luật để đẩy vốn thông qua hình thức “ủy thác đầu tư” đối với các cá nhân, tổ chức do các cổ đông nội bộ chỉ định và kiểm soát.

Từ nhiều vụ việc xảy ra thời quan qua cho thấy, có thể thấy những cá nhân đăng ký mua cổ phần đã nộp tiền vào tài khoản của doanh nghiệp để chứng minh với cơ quan quản lý nhưng sau đó, tiền đã được rút ra bằng nhiều cách khác nhau như uỷ thác đầu tư… Do đó cơ quan chức năng cần khẩn trương bổ sung các qui định pháp luật điều chỉnh hoạt động ủy thác đầu tư

Thứ tư, cần siết chặt các quy định về điều kiện để doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán; đồng thời, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp đối với hoạt động của các công ty trên sàn chứng khoán tương tự một số quốc gia trên thế giới, mô hình giám sát trường chứng khoán nhiều cấp đòi hỏi các định chế trung gian phải tích cực tham gia vào quá trình giám sát giao dịch trên thị trường. Đồng thời, các công ty chứng khoán cũng phải thiết lập hệ thống giám sát đặt lệnh như một bộ lọc để giám sát và phát hiện những hành vi bất thường của nhà đầu tư ngay từ khi đặt lệnh. Bên cạnh các hoạt động giám sát giao dịch, Sở giao dịch chứng khoán cũng thực hiện vai trò giám sát đối với hệ thống giám sát của các công ty chứng khoán…

Theo Đinh Chiến – Bùi Lộc
Nguồn bài viết: https://phaply.net.vn/che-dinh-ve-von-doanh-nghiep-va-dieu-kien-phat-hanh-co-phieu-tren-san-chung-khoan-o-mot-so-nuoc-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-a255871.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục