ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Chính thức thông qua nghị quyết thành lập TP Thủ Đức

Theo (PL)- Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM.

Chính thức thông qua nghị quyết thành lập TP Thủ Đức

Một góc quận 2, TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chiều 9-12, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Thành lập TP Thủ Đức là cần thiết”

Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết thành lập TP Thủ Đức.

Theo đó, khu vực các quận 2, 9 và Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ như cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, đường Phạm Văn Đồng – quốc lộ 1K, quốc lộ 52…

TP.HCM đã lựa chọn xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao trên địa bàn quận 2, quận 9, quận Thủ Đức với tám trung tâm. Các trung tâm này gồm: Trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; trung tâm đại học và khoa học công nghệ trình độ cao; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; trung tâm công nghệ sinh thái; trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng Cát Lái; khu đô thị Trường Thọ.

Bên cạnh đó là sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao; yêu cầu cần tập trung quản lý nhà nước thống nhất trên địa bàn ba quận, tạo điều kiện để kinh tế – xã hội tiếp tục phát triển; xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo bộ trưởng Bộ Nội vụ, điều này đòi hỏi phải tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập ba quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp. “Việc sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức là cần thiết, tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn” – Bộ trưởng Tân nói.

Việc sáp nhập này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp.

“TP.HCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một TP lớn trong khu vực và quốc tế” – Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và TP Thủ Đức, TP.HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Một TP, 16 quận và năm huyện; giảm ba quận, tăng một TP. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp là 312 đơn vị, gồm 58 xã, 249 phường và năm thị trấn, giảm 10 phường.

Bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển TP Thủ Đức

Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc thành lập TP Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị hành chính cấp huyện như đề nghị của Chính phủ là “thực sự cần thiết, bảo đảm cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn”.

Tuy nhiên, để có cơ sở xây dựng, phát triển TP Thủ Đức theo định hướng “đô thị sáng tạo”, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền TP.HCM triển khai bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Thứ nhất, cơ quan thẩm tra đề nghị khẩn trương nghiên cứu, lập quy hoạch chung TP Thủ Đức để tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị trên địa bàn.

“Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện kéo dài đối với những vấn đề còn tồn đọng như quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư…” – ông Tùng lưu ý.

Thứ hai, chính quyền TP.HCM cần có giải pháp huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển TP Thủ Đức trong thời gian tới.

Thứ ba, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền TP Thủ Đức; đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính. Cuối cùng là phải bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức để có thể đảm đương được các công việc của chính quyền đô thị thông minh.

Sẽ ủy quyền cao nhất cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phongcho biết việc thành lập TP Thủ Đức là mô hình TP trong TP trực thuộc trung ương đầu tiên của cả nước. TP Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân để dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QH

Dự kiến sau khi thành lập, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TP.HCM và khoảng 7% GDP cả nước. “Các vấn đề đặt ra đối với việc tổ chức thực hiện đề án đã được TP.HCM chuẩn bị kỹ lưỡng và sẽ được triển khai khi nghị quyết được thông qua” – chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Ông Phong cũng thông tin: “Khi thực hiện đề án, số lượng cán bộ dôi dư là 644 người, trong đó cấp huyện là 399 người và cấp xã là 235 người. TP.HCM đã có phương án sắp xếp cán bộ dôi dư theo lộ trình năm năm. Tuy nhiên, theo cam kết với Bộ Nội vụ, chúng tôi cố gắng sắp xếp đến năm 2022 sẽ xong. TP đã chỉ đạo cho các đơn vị, cơ quan nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức để tạo sự đồng thuận và nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các trường hợp sắp xếp dôi dư”.

Liên quan đến chính sách đối với TP Thủ Đức, TP.HCM sẽ chủ động xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định. Trước mắt, căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, TP sẽ chủ động đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho UBND, chủ tịch UBND TP Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành…

“Vừa qua chúng tôi đã triển khai đề án ủy quyền 85 đầu việc cho chủ tịch UBND các quận, huyện. Sắp tới, khi TP Thủ Đức được thành lập, trên cơ sở Nghị quyết 54 của Quốc hội, chúng tôi sẽ ủy quyền ở mức cao nhất cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức” – ông Phong cho biết thêm.

Đề xuất tăng thẩm quyền cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức

Sáng 9-12, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Mô hình chính quyền TP thuộc TP, triển vọng và thách thức đối với TP.HCM”. Tại đây, nhiều đề xuất về tăng thẩm quyền cho TP Thủ Đức được các chuyên gia nêu ra.

Mở rộng thẩm quyền chủ tịch UBND TP Thủ Đức

PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM, đặt vấn đề về địa vị pháp lý, thẩm quyền của TP Thủ Đức, nhất là của UBND TP và chủ tịch UBND TP, làm sao đủ sức giải quyết những mục tiêu mà đề án đặt ra.

Ông Nhiêm cũng đề xuất việc TP.HCM phân cấp thẩm quyền cho TP Thủ Đức, phân quyền và ủy quyền cho UBND TP và người đứng đầu, đồng thời làm rõ mối quan hệ của TP này với Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác.

ThS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng bộ môn phụ trách bộ môn luật hành chính, ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA

Còn ThS Trần Thị Thu Hà, Phó Trưởng bộ môn phụ trách bộ môn luật hành chính (Khoa luật hành chính – nhà nước, ĐH Luật TP.HCM), lại nêu ra những yêu cầu đối với cơ quan hành chính nhà nước trong chính quyền TP Thủ Đức.

Theo ThS Hà, UBND TP Thủ Đức cần phải được tổ chức phù hợp với điều kiện đặc thù của chính quyền TP thuộc TP và sự ra đời của UBND TP Thủ Đức không nên là sản phẩm của một phép cộng giản đơn giữa UBND ba quận. Bà Hà cho rằng cần tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Thủ Đức theo hướng tăng cường yếu tố “đa ngành, đa lĩnh vực”.

“Việc này một mặt nhằm giảm số lượng các đầu mối quản lý; mặt khác đảm bảo sự liên thông trong quản lý, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, đồng thời hạn chế những khoảng trống có thể phát sinh từ sự giao thoa giữa một số ngành, lĩnh vực” – ThS Hà nói.

Bà cũng đề nghị nên mạnh dạn tăng cường thẩm quyền cho chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong công tác tổ chức bộ máy và nhân sự. Cụ thể, cho phép chủ tịch UBND TP Thủ Đức đề nghị nhân sự để HĐND TP Thủ Đức phê chuẩn các chức danh phó chủ tịch và ủy viên UBND. Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng sẽ ra quyết định bổ nhiệm các ủy viên này vào vị trí thủ trưởng các cơ quan chuyên môn cấp huyện…

Thay đổi cơ cấu đại biểu HĐND TP Thủ Đức

Trong khi đó, ThS Trần Thị Thu Hà – Phó Trưởng bộ môn phụ trách bộ môn luật hiến pháp (Khoa Luật Hành chính – Nhà nước, ĐH Luật TP.HCM), nhìn nhận TP Thủ Đức là một đơn vị hành chính đặc thù của đô thị, giữ sứ mệnh quan trọng trong quá trình phát triển của TP.HCM. Vì vậy, ThS Thu Hà đã đặt ra các yêu cầu đối với HĐND TP Thủ Đức, trong đó cần bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn thiên về tính đại diện cho HĐND.

Theo ThS Thu Hà, với siêu đô thị như TP Thủ Đức thì không nên dùng chung một điều kiện, tiêu chuẩn cơ cấu đại biểu HĐND như các địa phương khác. Theo bà, người đại diện của dân phải theo hướng đại diện trí tuệ, theo nghề nghiệp, đại diện theo vị trí việc làm chứ không thuần túy là đại diện theo con người.

ThS Thu Hà cũng đặt ra yêu cầu về việc tăng số lượng đại biểu HĐND và tăng tỉ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Trong đổi mới cơ cấu tổ chức của HĐND TP Thủ Đức, ThS Thu Hà đề nghị bổ sung thêm một phó chủ tịch HĐND TP và hai ủy viên là trưởng ban (đô thị và khoa học, kỹ thuật, công nghệ).

“Bên cạnh những đối tượng giám sát trực tiếp được quy định thì HĐND TP Thủ Đức phải giám sát luôn hoạt động và giám sát quyết định của UBND, chủ tịch UBND phường trực thuộc” – ThS Thu Hà nêu và cho rằng cần phân cấp, phân quyền cụ thể, minh bạch về nhiệm vụ, quyền hạn của các ban HĐND TP Thủ Đức hơn nữa.Bàn luận về tổ chức thẩm quyền cho TP Thủ Đức, ThS Lưu Đức Quang, ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, đề nghị người đứng đầu TP Thủ Đức về mặt Đảng lẫn chính quyền phải là một người đủ tâm, đủ tầm.
“Bí thư đồng thời là chủ tịch TP hoặc bí thư Thành ủy Thủ Đức liệu có thể tính tới là một ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng?” – ThS Quang nói.

ĐỨC MINH – LÊ THOA – THANH TUYỀN

l

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục