Ngày 5/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 585/QĐ-TTG về chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp. Qua 10 năm thực hiện, chương trình đã thực sự đi vào cuộc sống và đạt được những kết quả đáng khích lệ, nâng cao năng lực pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chương trình 585 giai đoạn 2010-2014 và 2015-2010, được sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của Văn Phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, Ban chỉ đạo và Ban Quản lý chương trình 585 đã tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trên nhiều tỉnh thành trong cả nước, phân tích đánh giá và lên kế hoạch và tổ chức thực hiện các mục tiêu và nội dung hoạt động toàn diện của chương trình.
Cụ thể, về bồi dưỡng kiến thức kỹ năng pháp lý doanh nghiệp, đã tổ chức được 369 cuộc hội thảo, tọa đàm về các vấn đề pháp luật kinh doanh trên phạm vi cả nước (bình quân 40 hội thảo, tọa đàm/năm), thu hút hàng vạn doanh nghiệp, doanh nhân, chuyên gia tham gia, tạo hiệu ứng lan tỏa xã hội. Bên cạnh đó, đã tổ chức thực hiện 171 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, 252 khóa tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, thu hút gần 42.000 đại biểu là cán bộ pháp chế và cán bộ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước tham gia.
Chương trình cũng đã thực hiện 1.744 chương trình chuyên đề truyền thông phát sóng trên VTV2 và 352 trên VOV theo tiêu đề “Kinh doanh và Pháp luật”, phổ biến, phân tích, đánh giá và đóng góp xây dựng VBPL thu hút hàng triệu khán thính giả trong cá nước theo dõi, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng lớn trong xã hội. Có 9 địa phương triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên đài truyền hình địa phương. Bên cạnh đó, đã xây dựng các bản tin, tài liệu hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, in ấn 7 cuốn tài liệu và cẩm nang hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn gồm 30 địa bàn.
Các mô hình được sáng tạo như: Cafe doanh nhân, Cafe sáng thứ bảy, Bác sỹ doanh nghiệp là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với nhau và với cơ quan quản lý nhà nước, chung tay tháo gỡ khó khăn vương mắc cho doanh nghiệp trong đó nhiều vướng mắc pháp lý được giải quyết…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công rất lớn qua 10 năm thực hiện, Chương trình 585 vẫn còn những tồn tại cần khắc phục và những nội dung cần đổi mới trong thời gian tới. Nhiều bộ ngành, địa phương chưa ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong từng giai đoạn, gắn kết với hoạt động của Chương trình 585. Việc huy động đội ngũ chuyên gia giỏi, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tham gia chương trình còn hạn chế. Công tác tuyên truyền chương trình 585 còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, vì vậy nhiều doanh nghiệp chưa nâng cao được nhận thức về hỗ trợ pháp lý. Công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý còn hạn chế.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện chương trình, trong giai đoạn tới, Chương trình 585 vẫn rất cần thiết tiếp tục triển khai để hỗ trợ pháp lý cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt cần tập trung trọng tâm vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021-2025”. Qua các khảo sát đánh giá, hiện tại năng lực pháp lý của các DNNVV còn rất hạn chế, nhu cầu hỗ trợ pháp lý ngày càng cao. Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021-2025 sẽ được phát huy hiệu quả cao khi định hướng, phối hợp với các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương huy động nguồn lực tổng hợp hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.
Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV giai đoạn 2021-2025 ngoài những nội dung đã được đề xuất và kế thừa phát triển các hoạt động giai đoạn 2010-2020, cũng cần những đổi mới để thích ứng với thực tiễn nhu cầu doanh nghiệp, kết quả hội nhập, liên kết của nền kinh tế Việt Nam và sự tham gia mạnh mẽ của Việt Nam vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ nhất, nâng cao tinh thần và năng lực tham gia đóng góp xây dựng chính sách pháp luật của các DNNVV. Hiện tại có một thực trạng là các DNNVV khi được yêu cầu tham gia đóng góp các văn bản pháp luật đang được xây dựng hoặc sửa đổi thì không nhiều doanh nghiệp có sự quan tâm và năng lực tham gia, nhưng khi chính sách được ban hành thực hiện thì một số DN lại gặp phải những vướng mắc ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt đông SXKD của doanh nghiệp.
Thứ hai, về môi trường pháp lý, Hiện tại Việt Nam đang là một trong những quốc gia hội nhập sâu rộng với nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CP-TPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam với Liên minh châu u EVIPA… Tuy vậy, cho đến nay, những điểm yếu nhất của các DN Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV lại chính ở lĩnh vực hội nhập, trong đó một phần quan trọng là hội nhập về pháp lý. Những điểm yếu đó thể hiện các DNNVV Việt Nam chưa tận dụng tốt những kết quả hội nhập của Việt Nam như tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa của các DN FDI còn rất hạn chế, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, từ đó những giá trị gia tăng trong hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam được hưởng trong giá trị hàng hóa của các DN FDI tiêu thụ trong nước và xuất khẩu còn rất khiêm tốn… Những yêu cầu hết sức khắt khe trong các hợp đồng hợp đồng kinh tế, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các DN FDI nói riêng đòi hỏi các DNNVV cần nâng cao năng lực pháp lý quốc tế để có thể đối thoại bình đẳng với các đối tác và không bị yếu thế khi sử lý các tranh chấp phát sinh…
Thứ ba, trong quá trình cung cấp thông tin, đào tạo, tư vấn pháp lý cho DNNVV, cần tập trung các nội dung pháp lý liên quan đến những phương thức kinh doanh mới trong đó có những nội dung cách mạng CN 4.0. Kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, làn sóng dịch chuyển đầu tư nước ngoài FDI và những yếu tố pháp lý liên quan cần được quan tâm trong chương trình hỗ trợ pháp lý DN. Những tranh chấp pháp lý của Taxi công nghệ Grap gần đây là những bài học cần được nghiên cứu rút kinh nghiệm.
Thứ tư, để nâng cao năng lực pháp lý, cần phát huy vai trò dẫn dắt của các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội lớn có phạm vi và lĩnh vực hoạt động rộng. Chương trình phối hợp chặt trẽ với các tổ chức đại diện doanh nghiệp. Các mô hình Cafe doanh nhân, Cafe sáng thứ bảy, bác sỹ doanh nghiệp, nhóm hạt nhân thương mại… cần được phát huy, nhân rộng.
Thứ năm, cần phát huy vai trò các cơ quan ngoại giao Việt Nam thường trú tại nước ngoài. Thời gian qua, các cơ quan này luôn thường xuyên, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về cung cấp thông tin thương mại, đầu tư, môi trường pháp lý… Đó là nguồn lưc và là kênh hỗ trợ rất hiệu quả cho các DN Việt Nam giao thương, đầu tư với nước ngoài.