Theo TTO – Những ngày qua, có nhiều người dân nợ tiền sử dụng đất được ghi trong “sổ đỏ” nháo nhào làm thủ tục trả nợ cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định, tùy vào thời điểm nợ mà cần và nên đóng trước ngày 1-3. Vậy ai không cần phải trả nợ gấp?
Phần ghi nợ thuế tiền sử dụng đất của một người dân ở Vũng Tàu – Ảnh: ĐÔNG HÀ.
Đó là do quy định tại nghị định 79/2019 của Chính phủ về sửa đổi điều 16 của nghị định số 45/2014 về quy định thu tiền sử dụng đất. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10-12-2019.
Trả trước 1-3, lợi hàng tỉ đồng
Theo đó, nghị định 79 quy định rõ hai trường hợp xử lý tiền sử dụng đất. Đó là những trường hợp nợ từ trước ngày 1-3-2016 (tức đến 1-3-2021 là đủ 5 năm) và trường hợp nợ từ ngày 1-3-2016 đến trước ngày nghị định 79 có hiệu lực.
Đối với những hộ gia đình, cá nhân nợ tiền sử dụng trước ngày 1-3-2016, nếu thanh toán trước ngày 1-3-2021 thì được tính theo giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được ghi trong “sổ đỏ”. Đặc biệt, nếu trả nợ sau ngày 1-3-2021 thì giá đất được tính tại thời điểm trả nợ.
Đối với những trường hợp nợ từ sau ngày 1-3-2016 đến trước ngày nghị định 79 có hiệu lực (tức ngày 10-12-2019) thì tiếp tục thanh toán theo giá tại thời điểm ghi nợ nhưng không quá 5 năm. Trường hợp này, quá 5 năm thì cũng tính theo giá đất tại thời điểm trả nợ.
Ngày 25-2, khi tiếp cận một hồ sơ trả nợ tiền sử dụng đất tại TP Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận, vì hộ gia đình này thực hiện việc trả nợ trước ngày 1-3-2021 nên đã giảm được số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Cụ thể, hộ bà Nguyễn Thị H. có nợ tiền sử dụng mảnh đất rộng gần 250m2 ở mặt tiền đường 30-4, phường 12 từ năm 2010. Số tiền ghi nợ trong sổ đỏ bà H. là hơn 1 tỉ đồng. Nếu thanh toán nợ sau ngày 1-3, tức là phải trả theo giá đất hiện hành thì bà H. phải đóng số tiền gần 5 tỉ đồng (giá đất theo bảng giá đất của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, vị trí đất ở mặt tiền đường 30-4, phường 12, có giá gần 20 triệu đồng/m2).
Ông Nguyễn Đình Quý – phó giám đốc phụ trách Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Vũng Tàu – cho biết từ cuối năm 2020 đến nay, văn phòng này đã tiếp nhận khoảng 150 hồ sơ trả nợ tiền sử dụng đất của người dân. Và để đảm bảo quyền lợi theo quy định của luật, văn phòng giải quyết những hồ sơ kiểu này trong vòng một ngày. Cũng theo ông Quý, phần lớn người dân đã tìm hiểu và biết quy định nên họ đã chủ động thanh toán tiền nợ sử dụng đất cho Nhà nước từ trước nên đến thời điểm đầu năm 2021, văn phòng không chịu nhiều áp lực.
Người dân nợ tiền sử dụng đất đến hỏi thông tin tại Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo chiều 25-2 – Ảnh: ĐÔNG HÀ
Hết hoang mang khi được giải thích
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chưa hiểu hết nghị định, cứ tưởng tất cả các trường hợp nợ tiền sử dụng đất cần và nên thanh toán trước ngày 1-3-2021. Sau khi được giải thích, những người nợ tiền sử dụng đất từ sau ngày 1-3-2016 đã không cần phải vội vàng.
Chiều 25-2, chúng tôi ghi nhận, một phụ nữ cầm “sổ đỏ” đến Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo để hỏi về việc trả tiền nợ thuế sử dụng đất. Cụ thể, bà nợ gần 500 triệu đồng tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở đô thị từ tháng 3- 2018. “Tôi rất hoang mang và lo lắng khi nghe tin mình sẽ phải trả số tiền nợ cao gấp nhiều lần số tiền ghi trong sổ nên đến cơ quan thuế để hỏi”, bà nói. Sau khi được nhân viên thuế giải thích thời gian ghi nợ của bà kéo dài 5 năm, tức đến tháng 3-2023 mới hết, nếu không thanh toán trước tháng 3-2023, bà sẽ phải đóng số tiền theo giá đất tại thời điểm thanh toán. Sau khi nghe giải thích, vợ chồng bà vui vẻ, an tâm ra về.
Theo thống kê của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP Vũng Tàu, trên địa bàn này có 113 hộ cá nhân nợ tiền sử dụng đất (bao gồm cả trước và sau ngày 1-3-2016), trong đó hộ nợ ít nhất hơn 60 triệu đồng, hộ nợ nhiều nhất lên đến hàng chục tỉ đồng (hộ này đứng tên nhiều mảnh đất).
Ông Nguyễn Đình Quý giải thích, mục đích của nghị định 79 là hạn chế bớt đối tượng được nợ tiền sử dụng đất. Cụ thể, trước đây ai có nhu cầu đều được Nhà nước cho nợ tiền sử dụng đất. Nhưng ở nghị định 79 quy định rõ chỉ những hộ gia đình, cá nhân có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn khó khăn mới được nợ và đặc biệt chỉ được nợ trong trường hợp họ được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
ĐÔNG HÀ
Theo tuoitre.vn
Nguồn bài viết: https://tuoitre.vn/co-can-phai-tra-gap-tien-no-su-dung-dat-truoc-1-3-20210228114317117.htm