ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Dân mua đất 20 năm không được xây nhà, chủ đầu tư nói gì?

Theo (PLO)- Có những nền đất đã sang tay qua tám, chín đời chủ nhưng người mua cuối cùng vẫn không thể xây dựng.

Hơn 250 người dân mua đất nền của Công ty cổ phần ADEC ở khu dân cư ADC, phường Phú Mỹ, quận 7 (TP.HCM) tại dự án của công ty này và đã thanh toán đủ tiền nhưng chờ đợi suốt gần 20 năm vẫn không thể xây nhà ở.
Xây không được, bán cũng không xong
Năm 2004, ông Dũng mua nền đất 100 m2 tại dự án với mong muốn xây nhà ở ổn định cuộc sống. Mua đất xong nhưng ông chờ đợi suốt 16 năm đến nay vẫn chưa biết khi nào mới có thể xây nhà ở. “Tôi mua nền đất trong dự án từ hồi hai đứa con tôi đứa thì chưa đi học, đứa thì chưa biết đi nhưng bây giờ thì các con tôi cũng đã vào đại học, khó khăn không cần kể ra cũng có thể hình dung được rồi” – ông Dũng nói.
Năm 2014, Công ty ADEC tổ chức gặp mặt khách hàng để lấy ý kiến về việc điều chỉnh giảm ranh dự án. Ông Dũng khấp khởi mừng, hy vọng dự án sớm khởi động trở lại. Tuy nhiên, đến nay đã gần sáu năm trôi qua nhưng vẫn không nhận được thông tin nào từ chủ đầu tư. “Dân chúng tôi rất bức xúc, kéo lên hỏi quận 7 thì quận chỉ xuống chủ đầu tư” – ông Dũng cho hay.
Hoàn cảnh của mẹ con bà Nguyễn Thị Hà cũng khốn khổ không kém. Năm 2017, bà Hà cùng con gái mua lại hai nền đất trong dự án từ người mua trước đó. Để đủ tiền mua 95 m2 đất trong dự án với giá hơn 5,4 tỉ đồng, bà Hà phải thế chấp căn nhà đang ở vào ngân hàng, vay cho con gái mượn thêm 3 tỉ đồng. Bà Hà bức xúc: “Tưởng mua xong chúng tôi có thể xây nhà ở nhưng chờ mãi hơn ba năm nay vẫn không được xây. Muốn bán đi để trả tiền ngân hàng cũng không được vì dự án đang rắc rối pháp lý nên không ai mua. Căn nhà của tôi đang cắm ở ngân hàng giờ cũng đang có nguy cơ bị phát mại”.

Vì bức xúc khách hàng quá lớn nên bước cuối cùng tất cả sẽ phải làm đơn kiến nghị tập thể lên cơ quan ban ngành. Tài sản rất lớn của công ty đang nằm trong đó, từ năm 2017 đến nay đã bỏ vào đó hơn trăm tỉ nhưng không làm gì được. Số tiền 5% của khách hàng công ty cũng không thu được. Hơn ai hết công ty muốn được thực hiện dự án để thu hồi vốn, không ai muốn bỏ tiền ra mua mà không có tài sản. Bà NGUYỄN THỊ MINH KHIÊM, Phó Tổng Giám đốc Công ty ADEC

Theo các cư dân mua nhà tại dự án, khu dân cư ADC có 277 nền nhà phố. Từ năm 2004 đến nay, Công ty ADEC đã chuyển nhượng hết cho các hộ dân. Nhiều người mua đất từ cách đây 17 năm, chờ không nổi, hết tiền đành phải bán lại. Có những nền đất đã sang tay qua tám, chín đời chủ nhưng người mua cuối cùng vẫn không thể xây dựng.

Người dân cùng ký vào đơn kiến nghị tập thể do Công ty ADEC gửi các sở, ban ngành và UBND TP. Ảnh: VIỆT HOA

Vướng mắc pháp lý 

Dưới áp lực của hàng trăm cư dân, sáng 10-12, Công ty ADEC đã tổ chức buổi gặp gỡ, đối thoại với cư dân để giải quyết các vấn đề có liên quan.
Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện HĐQT và bà Nguyễn Thị Minh Khiêm, Phó Tổng Giám đốc Công ty ADEC, đã thông tin về pháp lý dự án và trả lời các thắc mắc của người dân.
Theo ông Dũng, dự án đã kéo dài gần 20 năm và trải qua các đợt thay đổi ban lãnh đạo công ty. Theo hồ sơ pháp lý dự án, năm 2004 UBND TP có quyết định thu hồi và tạm giao đất cho Công ty Xây dựng trang trí kiến trúc ADC để bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ở tại phường Phú Mỹ. Dự án có quy mô 81.585 m2, trong đó nhà ở liên kế, nhà biệt thự và chung cư cao tầng.
Ông Dũng cho biết nguyên nhân khiến dự án kéo dài là do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Do không thỏa thuận được với sáu hộ dân trong dự án (diện tích khoảng 2.000 m2) nên Công ty ADEC đã xin điều chỉnh giảm ranh dự án từ 81.585 m2 xuống còn 79.330 m2. Năm 2017, UBND TP đã chấp thuận đề xuất của công ty, đồng thời chỉ đạo Sở QH-KT phối hợp với Sở TN&MT, UBND quận 7 xác định phần diện tích trong ranh dự án điều chỉnh giảm.
TP cũng giao Sở QH-KT hướng dẫn Công ty ADEC thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu dân cư ADC. Ông Dũng cho hay: Từ tháng 11-2019, công ty này đã nộp hồ sơ điều chỉnh đồ án quy hoạch 1/500 và sau ba lần bổ sung điều chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Sở QH-KT. Tuy nhiên, đến nay việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 vẫn chưa được Sở QH-KT giải quyết.
Ngoài ra, theo ông Dũng, dự án của công ty nằm tại tỉnh lộ 15B và công ty cũng đã đóng góp hơn 52 tỉ đồng để hoàn thiện tuyến đường này. Cùng với đó, công ty cũng đã hoàn thiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan. “Bức xúc của khách hàng là chính đáng vì dự án đã kéo quá dài. chúng tôi cũng rất bức xúc vì tài sản của công ty vẫn còn trong dự án tới hơn 1,3 ha. Chúng tôi cũng mong Sở QH-KT sớm xem xét và trình TP phê duyệt quy hoạch 1/500 để làm cơ sở triển khai dự án. Người dân cũng có thể được xây nhà mà chúng tôi cũng xây dựng được chung cư trên phần đất 1,3 ha” – ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng công ty cũng đã nhiều lần có văn bản gửi UBND quận 7 xin được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nhưng chưa được chấp thuận. Trước đó, Công ty ADEC cũng đã xây dựng một số căn nhà trong dự án nhưng bị UBND quận 7 yêu cầu tạm dừng để hoàn thiện pháp lý dự án.
Theo ông Dũng, vướng mắc duy nhất hiện nay là đồ án điều chỉnh quy hoạch 1/500 chưa được phê duyệt nên chưa đủ cơ sở pháp lý để người dân xây dựng nhà ở. “Chúng tôi đang nỗ lực làm việc với các ban, ngành để trong tháng 12 này đồ án điều chỉnh quy hoạch 1/500 sẽ được phê duyệt” – ông Dũng cho hay.
Vị này cũng hứa với cư dân đến quý I-2021 sẽ hoàn thiện toàn bộ thủ tục pháp lý để người dân có thể xây nhà và cấp giấy chủ quyền.

Kiến nghị tập thể

Tại buổi đối thoại, cư dân và Công ty ADEC đã làm đơn kiến nghị tập thể gửi UBND TP cùng các sở có liên quan như QH-KT, TN&MT, Xây dựng, KH&ĐT và UBND quận 7.

Trong đó, công ty này đứng tên kiến nghị và cùng các khách hàng trong dự án đồng ký tên. Nhiều người dân hy vọng TP cùng các sở, ngành sẽ sớm giải quyết vướng mắc của dự án để người dân ổn định cuộc sống sau gần 20 năm chờ đợi. Đồng thời người dân cũng mong muốn Công ty ADEC phải theo đuổi sự việc đến cùng để giải quyết vướng mắc chứ không phải xoa dịu người dân xong thì để mọi việc rơi vào im lặng.

VIỆT HOA

Theo plo.vn

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục