Đăng ký ngành, nghề kinh doanh khi doanh nghiệp chuyển nhượng vốn, bán cổ phần nhà đầu tư nước ngoài

I. Hướng dẫn đăng ký ngành, nghề kinh doanh khi doanh nghiệp chuyển nhượng vốn, bán cổ phần nhà đầu tư nước ngoài
Hiện nay, việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần được thực hiện theo Quyết định 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam; tại Điều 3 quy định cụ thể như sau:
1. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty đại chúng theo tỷ lệ quy định của pháp luật về chứng khoán và các văn bản hướng dẫn liên quan.
2. Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề thuộc pháp luật chuyên ngành theo tỷ lệ quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
3. Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thương mại dịch vụ tuân theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Đối với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực, bao gồm cả một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định khác nhau về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần không quá mức của ngành nghề, lĩnh vực có quy định tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thấp nhất.
5. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần theo tỷ lệ tại phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt mức quy định nếu doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động trong các lĩnh vực thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2, 3, 4 Điều này.
6. Ngoài các trường hợp nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế.
Do đó, đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu thực hiện theo quy định và cho biết doanh nghiệp thực hiện việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn theo trường hợp nào trong các trường hợp nêu trên. Ngoài ra, doanh nghiệp cần cung cấp các văn bản pháp luật chứng minh việc đã thực hiện theo quy định đó để Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư có cơ sở đối chiếu, xem xét, xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ ngành liên quan (nếu có).
Doanh nghiệp cần nghiên cứu thêm các quy định về việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam tại Quyết định 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 131/2010/TT-BTC ngày 6/9/2010 hướng dẫn thực hiện quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam; Quyết định 55/2009/QĐ-TTg ngày 15/4/2009 về tỉ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoản Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu, doanh nghiệp cần làm hồ sơ thay đổi bổ sung ngành nghề. Cách ghi ngành nghề bổ sung có thể thực hiện như sau:
– Đối với các ngành nghề được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: doanh nghiệp ghi theo đúng ngành nghề đã được cam kết trong các điều ước quốc tế đó và ghi mã theo Hệ thống phân loại sản phẩm chủ yếu của Liên Hợp Quốc (CPC).
– Đối với các ngành nghề được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành: cột tên ngành doanh nghiệp ghi theo đúng ngành nghề được quy định trong văn bản pháp luật và ghi mã ngành là điều khoản và tên, số, trích yếu của văn bản pháp luật đó.
Doanh nghiệp ghi ngành nghề đã điều chỉnh ngay dưới ngành cấp bốn theo Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành nghề cấp bốn đã chọn và doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành nghề đã điều chỉnh, đồng thời đăng ký ngành nghề kinh doanh chính cho doanh nghiệp:
Ví dụ: Hiện nay công ty có ngành nghề kinh doanh: Bán buôn ô tô. Xây dựng nhà các loại. Lắp đặt hệ thống điện. Kinh doanh bất động sản.
Nay chi tiết ngành nghề và căn cứ pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài góp vốn như sau:
STT
Tên ngành
Mã ngành
1
 Bán buôn ô tô và xe có động cơ khác
Chi tiết: quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn ô tô (thực hiện theo Điều 5 Nghị định 23/2007/NĐ-CP).
4511
2
Xây dựng nhà các loại
Chi tiết: Thi công xây dựng nhà cao tầng (CPC 512).
4530
3
Lắp đặt hệ thống điện
Chi tiết: Dịch vụ mắc và lắp ráp điện (CPC 51641)
4321
4
Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thud
Chi tiết: Kinh doanh bất động sản (thực hiện theo khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh bất động sản)
6810
Doanh nghiệp tham khảo thủ tục thay đổi ngành, nghề kinh doanh trên website Sở Kế hoạch và Đầu tư www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/mục Đăng ký doanh nghiệp.
II. Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam (theo Điều 5 Thông 131/2010/TT-BTC và Điều 6 Thông tư 03/2004/TT-NHNN)
1. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức:
1.1. Có tài khoản “Góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam” mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. Việc mở, đóng, sử dụng và quản lý tài khoản vốn đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
1.2. Có các tài liệu sau:
a) Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài, chi nhánh của các tổ chức này tại nước ngoài và tại Việt Nam
– Bản sao hợp lệ Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hoặc tài liệu tương đương do cơ quan quản lý có thẩm quyền tại nước tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh cấp; hoặc Giấy đăng ký thuế của cơ quan thuế nơi tổ chức đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh; Hoặc Giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam (nếu có chi nhánh tại Việt Nam).
– Trường hợp uỷ quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài cho tổ chức đại diện tại Việt Nam và bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam.
– Tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.
b) Đối với nhà đầu tư nước là tổ chức thành lập và hoạt động ở Việt Nam có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49% vốn điều lệ:
– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Trường hợp uỷ quyền cho tổ chức đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của nhà đầu tư nước ngoài cho tổ chức đại diện tại Việt Nam và bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam.
– Tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.
c) Đối với nhà đầu tư nước ngoài là Quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán có tỷ lệ tham gia góp vốn của bên nước ngoài trên 49% vốn điều lệ:
– Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty đầu tư chứng khoán; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty quản lý quỹ và các tài liệu liên quan về việc thành lập Quỹ đầu tư chứng khoán.
– Tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.
2. Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân:
2.1. Có tài khoản “Góp vốn, mua cổ phần bằng đồng Việt Nam” mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. Việc mở, đóng, sử dụng và quản lý tài khoản vốn đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
2.2. Có các tài liệu sau:
– Lý lịch tư pháp (đã được chứng thực và hợp pháp hoá lãnh sự) và bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị.
– Trường hợp ủy quyền cho đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của cá nhân nước ngoài cho đại diện tại Việt Nam, bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam (trường hợp đại diện là tổ chức) và tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.
4. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo thực hiện đầy đủ:
– Các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.
– Các điều kiện khác (nếu có) quy định trong điều lệ doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần và bảo đảm không trái với quy định của pháp luật.
Lưu ýkhi doanh nghiệp đăng ký thay đổi do chuyển nhượng vốn, bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ đề nghị doanh nghiệp xuất trình các tài liệu chứng minh nhà đầu tư nước ngoài đã đáp ứng các điều kiện trên để kiểm tra.
III. Điều kiện hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Theo khoản 1 Điều 50 Luật Đầu tư quy định: “nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.” Và tại khoản 3 Điều 56 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định: “Trường hợp nhà đầu tư góp vốn để đầu tư thì phải làm thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”. Theo đó, khi có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam thì phải thực hiện đăng ký đầu tư.
Do đó, sau khi chuyển nhượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài thì trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có trách nhiệm liên hệ Phòng đăng ký đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm thủ tục đầu tư theo quy định.
Theo www.dpi.hochiminhcity.gov.vn
Nguồn bài viết: 
http://www.dpi.hochiminhcity.gov.vn/TinTuc/dkdn/Lists/Posts/Post.aspx?CategoryId=8&ItemID=357&PublishedDate=2013-02-10T10:40:00Z

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN