Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đã bắt đầu được hé lộ, với đề xuất ban đầu gồm 159 dự án, tổng vốn đầu tư 86 tỷ USD.
Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đang được dự thảo. Những hạn chế của việc thực hiện các danh mục tương tự ở giai đoạn trước đang buộc các cơ quan quản lý, các địa phương phải giải được bài toán khó: Làm sao để nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Hơn nữa, các dự án đó phải đáp ứng đúng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, qua đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn này.
Công nghệ thông tin là lĩnh vực luôn được chú trọng thu hút đầu tư. Trong ảnh: Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng đang được triển khai
Bài 3: Tìm nhà đầu tư chất lượng
Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đã bắt đầu được hé lộ, với đề xuất ban đầu gồm 159 dự án, tổng vốn đầu tư 86 tỷ USD. “Cỗ to” có vẻ như đã được bày sẵn, song điều quan trọng là làm sao tìm được nhà đầu tư chất lượng.
“Cỗ to” bày sẵn
Dù còn phải chờ đợi quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ, song nhìn vào Dự thảo Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, có thể thấy, một “mâm cỗ to” đang được bày sẵn, với nhiều dự án quy mô lớn.
Và không nằm ngoài dự đoán, cũng như “hiến kế” của các chuyên gia, thì hạ tầng cơ sở, nhất là các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng trọng yếu, tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đứng đầu danh sách này.
Trong đó, hạ tầng giao thông có 34 dự án, vốn đầu tư dự kiến 37,43 tỷ USD.
Còn hạ tầng năng lượng có 9 dự án, quy mô lên tới 26 tỷ USD. Điều đáng quan tâm là, ngoại trừ Dự án Trung tâm Nhiệt điện Long An, thì 8 dự án còn lại trong Dự thảo Danh mục đều là dự án năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, hoặc điện khí – những lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư.
Đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong số này, lớn nhất có lẽ là Dự án Nhà máy Điện khí và Kho khí hóa lỏng LNG ở Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), 5-7 tỷ USD; Tổ hợp Hóa dầu và sản xuất vật liệu mới, cũng ở Khu kinh tế Nghi Sơn, 4-6 tỷ USD; Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị), 4,5 tỷ USD; Điện khí Quảng Bình 4 tỷ USD…
Có quy mô nhỏ hơn, nhưng vẫn rất quan trọng, đó là các dự án hạ tầng khu công nghiệp, với 24 dự án, 4,3 tỷ USD; tiếp đó là các dự án trong các lĩnh vực sản xuất – dịch vụ; du lịch; xử lý nước thải…
Điểm đáng chú ý, trong Danh mục lần này có tới 9 dự án công nghệ thông tin, với các dự án như Khu R&D (Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng); Khu công nghệ thông tin tập trung TP. Cần Thơ; Dự án sản xuất các sản phẩm, thiết bị ứng dụng công nghệ AI, robotic, IoT, Smart City, pin thế hệ mới ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc… Đây là lĩnh vực mà Việt Nam luôn mong muốn thu hút đầu tư, bởi đây là những lĩnh vực góp phần quan trọng giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng và phát triển dựa trên động lực của đổi mới, sáng tạo và khoa học – công nghệ…
Thậm chí, một trong những “điểm nhấn” quan trọng trong Dự thảo Danh mục lần này có thể là Khu trung tâm tài chính, ngân hàng, thương mại và dịch vụ tổng hợp ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM). Dự án này dự kiến được phát triển trên diện tích 14.461 ha và sẽ kêu gọi đầu tư theo hướng đấu giá quyền sử dụng đất.
Hơn một lần, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ tầm nhìn về việc cần tập trung phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Thậm chí, theo Bộ trưởng, hiện còn là “thời cơ vàng” để Việt Nam thành lập một trung tâm tài chính quốc tế, bởi nếu lấy compa quay một vòng với bán kính tương đương 3 giờ bay, tâm là TP.HCM hay Đà Nẵng, thì có thể bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN.
“Hiện nay, chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế. Đấy là cái khe, cơ hội rất hẹp để phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và đã lấy ví dụ về sự phát triển của đảo Cayman nhờ vào việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế để chứng minh sự cần thiết phải xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam. Hiện nay, ước tính mỗi ngày, dòng tiền chảy qua trung tâm tài chính quốc tế Dubai khoảng 2.000 tỷ USD.
Tất nhiên, đó là một chủ trương lớn và đề xuất xây dựng trung tâm tài chính hiện thời của TP.HCM chưa đạt đến tầm đó, song sự bắt đầu của một trung tâm tài chính lớn ở thành phố này sẽ tạo cơ hội để tiến gần đến kế hoạch trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai.
Cũng bởi thế, nhìn vào Dự thảo Danh mục với 159 dự án, càng thấy rõ những thông điệp mà Chính phủ muốn gửi gắm về những lĩnh vực mà Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Các lĩnh vực thu hút đầu tư cũng phong phú, không chỉ là đầu tự trực tiếp, liên doanh, mà còn là đầu tư theo các hình thức như PPP, hay ODA. Thậm chí, tuy là Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhưng “cửa” cũng sẽ được mở cho cả các nhà đầu tư tư nhân trong nước, nếu có nhu cầu và năng lực.
Tìm nhà đầu tư chất lượng
Sau khi không thành công với việc kêu gọi đầu tư 11 dự án ở giai đoạn trước, thì lần này, TP.HCM đã đề xuất 7 dự án vào Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tầm quan trọng, tính chất lan tỏa của các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết định lựa chọn 4/7 dự án để đưa vào Dự thảo Danh mục.
Điều đó chứng tỏ, việc lựa chọn dự án đưa vào Danh mục được cân nhắc thận trọng, dựa trên các tiêu chí được đưa ra, không phải địa phương “cứ muốn là được”. Thanh Hóa có lẽ là địa phương muốn kêu gọi đầu tư “khủng” nhất, bởi dù chỉ có 6 dự án của tỉnh này được đưa vào Dự thảo Danh mục, song quy mô vốn lên tới 19,55 tỷ USD. Cũng dễ hiểu, bởi tỉnh này đang tập trung thu hút đầu tư các dự án hạ tầng năng lượng quy mô lớn, có tính chất lan tỏa cho cả vùng.
Ngoài TP.HCM, với 4 dự án, quy mô 7,87 tỷ USD, thì các địa phương được nhiều lựa chọn nhất lại là các địa phương lâu nay thuộc diện “vùng trũng” trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Quảng Bình có 6 dự án, 4,4 tỷ USD; Quảng Trị 3 dự án, 4,76 tỷ USD; Cà Mau 2 dự án, 2,5 tỷ USD; Bình Phước 3 dự án, 3,2 tỷ USD…
Không chỉ là “vùng trũng” trong thu hút đầu tư nước ngoài, mà đây cũng là những địa phương có tình hình kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, cần tập trung đầu tư hạ tầng, cần các dự án có tính chất động lực để bứt phá. Tập trung kêu gọi đầu tư cho các tỉnh này cũng là cách để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cho cả nước.
Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là, với Danh mục dự án được đưa ra đó, liệu chúng ta có thể kêu gọi được đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chất lượng?
“Quả thực, với Quảng Bình, không dễ để thu hút đầu tư, bởi chúng tôi ở xa trung tâm. Hơn nữa, nhà đầu tư vào thì đều cần mặt bằng sẵn có, muốn làm được điều đó thì cần nhiều ngân sách, nhưng ngân sách của Quảng Bình còn hạn chế”, ông Hoàng Đức Thiện, Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình) cho biết.
Còn ông Đồng Anh Quân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Bắc Giang thì chia sẻ rằng, sở dĩ Bắc Giang thu hút được nhiều dự án đầu tư trong thời gian qua là vì lãnh đạo tỉnh quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hơn thế, Bắc Giang cũng đang trong thời kỳ dân số vàng, với 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động.
“Nhưng quan trọng nhất là đang trong thời điểm các tập đoàn dịch chuyển chuỗi sản xuất. Chúng tôi đã đón được những cơ hội từ sự dịch chuyển đó”, ông Đồng Anh Quân nói.
Rõ ràng, có Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài chỉ là một chuyện, chuyện khác phải là sự nỗ lực từ chính địa phương.
Thêm nữa, chia sẻ từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, việc Thành phố, dù là đầu tàu kinh tế và là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài, song vẫn chưa thành công trong thực hiện Danh mục 2014 là vì các nhà đầu tư chưa nhìn thấy hiệu quả khi đầu tư ở thời điểm hiện tại.
Các dự án kêu gọi đầu tư của TP.HCM đều là các dự án giao thông, đường sắt đô thị quy mô lớn và chỉ có thể phát huy hiệu quả rõ nét khi được đầu tư và phát triển đồng bộ, với quy mô vốn bỏ ra rất lớn. Tuy nhiên, ở giai đoạn trước, các quy định về hợp tác đầu tư theo phương thức PPP chưa rõ ràng và hấp dẫn, thậm chí nguồn lực ODA đầu tư cho các dự án hạ tầng cũng bị thắt chặt.
“Với các dự án này, đòi hỏi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực phù hợp. Kiếm tìm được các nhà đầu tư nước ngoài như vậy không đơn giản”, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết.
Bởi thế, câu chuyện ở đây không phải chỉ là xây dựng Danh mục. Theo kế hoạch, sau khi Danh mục được ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Danh mục…
Tuy nhiên, một trong những điều quan trọng nhất là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị sẵn quỹ đất, nguồn nhân lực, hạ tầng… để nếu nhà đầu tư vào thì sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Hơn nữa, như chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung đã nhiều lần đề xuất, cần “may đo” chính sách cho các nhà đầu tư. Dự án càng lớn, có tác động lan tỏa, vai trò động lực, càng cần có những chính sách “đo ni đóng giày”, đảm bảo hấp dẫn nhà đầu tư.
Thậm chí, phương thức xúc tiến đầu tư cũng cần phải thay đổi. “Cần thiết thì tới thẳng đại bản doanh của nhà đầu tư để xúc tiến, mời gọi”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Trong số 34 dự án hạ tầng giao thông tại Dự thảo Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025, có rất nhiều dự án đáng chú ý, như Tuyến đường sắt đô thị số 4 (TP.HCM), 4,5 tỷ USD; Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai (Cà Mau), 3,5 tỷ USD; Cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), 2,2 tỷ USD; Tuyến đường sắt đô thị số 3a (TP.HCM), 1,8 tỷ USD; Dự án Đường sắt vào Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, 1,4 tỷ USD; Cảng nước sâu Khu kinh tế Định An (Trà Vinh) 1 tỷ USD…
Nguyên Đức
Theo baodautu.vn
Nguồn bài viết: https://baodautu.vn/danh-muc-quoc-gia-cac-du-an-keu-goi-dau-tu-nuoc-ngoai—bai-3-tim-nha-dau-tu-chat-luong-d139226.html