ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Doanh nghiệp bình ổn thị trường TPHCM – Đổi mới để nâng sức cạnh tranh

Tiến trình hội nhập với nền kinh toàn cầu đã thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) bước vào một sân chơi mới, ở đó không còn ranh giới về thuế quan hay ưu đãi về chính sách. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế, bình quân mỗi tháng năm 2020 có tới 8.500 DN phải rút khỏi thị trường, cho thấy “cuộc chơi” ngày càng khó khăn hơn.

Sản xuất sữa tại Công ty Nutifood Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất sữa tại Công ty Nutifood Ảnh: CAO THĂNG

Để cạnh tranh và phát triển, không còn cách nào khác, DN phải thích ứng với thị trường, chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp với xu thế và nhu cầu mua sắm của người dân.

Chủ động chuyển hướng sản xuất, kinh doanh

Theo các chuyên gia, trong 4 Chương trình Bình ổn thị trường (BOTT) mà TPHCM đang triển khai thực hiện tương ứng với 4 mặt hàng: lương thực thực phẩm; sữa; mặt hàng cho mùa khai trường và tân dược, hầu hết sản phẩm BOTT nằm trong nhóm đối diện với thách thức, cạnh tranh rất cao; đặc biệt là mặt hàng thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa các loại.

Nhận thức được vấn đề, nhiều năm qua, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã không ngừng đầu tư, liên kết với các tập đoàn sữa nổi tiếng thế giới phát triển nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2018, Nutifood hợp tác chiến lược với Thụy Điển khi bắt tay cùng Skånemejerier Ekonomisk Förening – tập đoàn dinh dưỡng lớn thứ 2 Thụy Điển và Tập đoàn Backahill xây dựng nhà máy Nutifood Sweden. Năm 2020, Nutifood chính thức tiếp quản 100% dự án và thành lập Viện Nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển (NNRIS) để chuẩn hóa các dòng sữa. Trong năm 2020, NNRIS đã giúp Nutifood đạt được 2 thành tựu nổi bật là ra mắt công thức FDI giúp trẻ có đề kháng khỏe – tiêu hóa tốt và đưa ra bộ tiêu chuẩn kỹ thuật nông nghiệp giúp Nutifood thành công cho ra đời nguồn sữa tươi chuẩn cao đầu tiên tại Việt Nam với hàm lượng 3,5 gram đạm, 4 gram béo/100ml.

Công ty cũng nâng chuẩn trong sản xuất, vận hành để hướng đến phân phối sản phẩm tại các thị trường khác nhau trên thế giới, như: đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA) để xuất khẩu sữa Pedia Plus và sữa tiệt trùng đóng chai vào thị trường Mỹ, bắt tay cùng Tập đoàn Walmart để đưa sữa đậu nành vào bán hơn tại 450 siêu thị ở thị trường Trung Quốc…

Với Công ty CP Vissan đã hoàn chỉnh quy trình cung ứng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho biết, hiện nay 100% sản lượng thịt heo tươi sống và thịt cung ứng cho chế biến đạt tiêu chuẩn VietGAP được truy xuất nguồn gốc. Vissan cũng chuyển hướng từ việc thu mua heo từ hàng trăm trang trại khác nhau sang hợp tác với 6 nhà cung cấp chiến lược, thực sự có năng lực để kiểm soát tốt nhất về chất lượng và an toàn thực phẩm, giá ổn định. Vissan cũng tiến hành kiểm tra, phân tích tỷ lệ mỡ và thịt mỗi con heo tại chuồng để đảm bảo giá thu mua công bằng cho các nhà cung cấp.

Mặt khác, Vissan đầu tư các thiết bị chuyên dụng để test nhanh về dư lượng kháng sinh, chất cấm và thuốc an thần. Vissan phối hợp chặt chẽ với thú y để kiểm soát chặt nguồn heo đưa vào lò, giết mổ và đưa thịt ra thị trường. Ngoài ra, Vissan thực hiện quy trình làm mát thịt heo ở nhiệt độ dưới 100C, liên tục trong 10 giờ trước khi đưa đến điểm bán… “Trên thực tế, Vissan đang thực hiện tất cả các quy trình để hướng đến việc cung ứng thực phẩm sạch và đa dạng hóa các mặt hàng chế biến có giá trị dinh dưỡng cao, phù hợp khẩu vị của nhiều khách hàng. Trong bối cảnh người tiêu dùng đòi hỏi về an toàn thực phẩm ngày càng cao, nhờ chuyển đổi kịp thời mô hình sản xuất, kinh doanh nên năm 2020, dù sức mua trên thị trường giảm sút do ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng doanh thu của Vissan đạt 5.167 tỷ đồng – đây là doanh thu cao nhất trong lịch sử của Vissan”, ông Nguyễn Ngọc An chia sẻ.

Cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt

Tại nhiều DN khác cũng đã nhận thức rõ các cơ hội, thách thức để sẵn sàng đối phó. Thể hiện rõ nhất là nhiều DN đang tích cực đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu, thói quen tiêu dùng truyền thống của người VN ở nhiều phân khúc thị trường. Bên cạnh đó, các DN đã sớm nghiên cứu, thử nghiệm điều chỉnh chiến lược sản xuất, chiến lược sản phẩm và phân khúc thị trường, đưa ra nhiều mặt hàng mới ở nhiều phân khúc. Đến nay, sản phẩm của các DN BOTT sản xuất và phân phối theo quy trình kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn sẽ được đưa vào chuỗi, cấp giấy chứng nhận, gắn logo sản phẩm Chuỗi thực phẩm an toàn và quảng bá cho người tiêu dùng nhận biết, mua sắm.

Tại buổi làm việc với UBND TPHCM và các sở, ngành, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho biết, công ty không ngại cạnh tranh bởi hầu hết sản phẩm của San Hà đưa ra thị trường có sự khác biệt. Nhiều năm qua, công ty đã hợp tác, đầu tư với các HTX chăn nuôi tại các tỉnh, thành để phát triển đàn gà ta, gà thả vườn cung ứng cho thị trường. Năm 2019 và 2020, các sản phẩm như gà thảo mộc, gà ta San Hà có chất lượng, an toàn, thơm ngon đã chiếm lĩnh được thị phần của số đông người tiêu dùng khó tính. Theo bà Ngọc Hà, các loại gà này chỉ có HTX, DN trong nước làm được, trong khi các tập đoàn nước ngoài chỉ chăn nuôi công nghiệp, tập trung. “Tôi cho rằng, khi thực hiện các cam kết thì mặt hàng gà công nghiệp có thể vào Việt Nam với giá rất rẻ. Do nhu cầu và tập quán tiêu dùng của đại đa số người Việt Nam thích ăn gà ta, gà thảo mộc do thịt săn chắc, thơm ngon nên chúng tôi vẫn có đất để phát triển”, bà Hà khẳng định.

Để tạo điều kiện hỗ trợ DN, từ Trung ương đến TPHCM đã triển khai hàng loạt chương trình, đề án lớn như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh thành cả nước; xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn; xây dựng các chương trình kích cầu đầu tư, kết nối ngân hàng – DN… Cách làm này đã tạo điều kiện cho DN mạnh dạn vay vốn để đầu tư sản xuất, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối, sản xuất theo quy trình khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Đến nay, có hàng chục DN của TPHCM và các địa phương tham gia Chuỗi thực phẩm an toàn, với số lượng mặt hàng đạt tiêu chuẩn lên đến hơn 100 sản phẩm, cung ứng tổng sản lượng lên gần 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Các mặt hàng gồm: rau quả, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, trà, thủy sản…  Trong số đó, hơn 10 DN BOTT tại TPHCM là các đơn vị sản xuất, kinh doanh lớn, có thương hiệu mạnh như Vissan, Cầu Tre, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Saigon Food… Các sản phẩm ăn liền cao cấp, sử dụng nguyên liệu chất lượng cao từ củ sâm và tổ yến của Công ty Saigon Food; sản phẩm trứng gà ta, trứng gà ác của Ba Huân và Vĩnh Thành Đạt; các loại thực phẩm tẩm ướp gia vị như thịt ba rọi, sườn non của Vissan… đã tạo nên sự khác biệt lớn so với sản phẩm của các DN FDI tại Việt Nam và cả hàng nhập khẩu.

HẢI HÀ

Theo www.sggp.org.vn

Nguồn bài viết: https://www.sggp.org.vn/doanh-nghiep-binh-on-thi-truong-tphcm-doi-moi-de-nang-suc-canh-tranh-720177.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục