DNHN – Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2012.
Hiểu đúng về “làm thêm giờ”
Điều 106 Bộ luật Lao động có quy định về việc làm thêm giờ như sau: Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Pháp luật dành tương đối nhiều ưu đãi cho lao động nữ mang thai. Có thể kể đến như không bị xử lý kỷ luật lao động; không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do mang thai hay được hưởng nhiều chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014. (Ảnh: minh họa)
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm; Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.
Như vậy, làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường (Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần) được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
Những lưu ý khi doanh nghiệp tổ chức làm thêm giờ
Không được tổ chức làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định: Doanh nghiệp nào cũng muốn được tổ chức làm thêm giờ để gia tăng về số lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để được tổ chức làm thêm giờ thì phải được sự đồng ý của người lao động và điều quan trọng là không được quá số giờ quy định.
Doanh nghiệp khi sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên đến chưa đủ 18 tuổi cần hết sức lưu ý về các công việc được phép sử dụng và cả những công việc được phép sử dụng làm thêm giờ.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2012, người sử dụng lao động phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm.
Tổ chức cho người lao động làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm: Chính phủ cho phép doanh nghiệp được tổ chức cho người lao động làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, bao gồm: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Khi tổ chức làm thêm giờ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trường hợp không thông báo, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi: Doanh nghiệp khi sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên đến chưa đủ 18 tuổi cần hết sức lưu ý về các công việc được phép sử dụng và cả những công việc được phép sử dụng làm thêm giờ.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 163 Bộ luật lao động 2012, doanh nghiệp được phép sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi để làm thêm giờ trong một số nghề và công việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Tuy nhiên hiện nay lại chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về các ngành nghề đó.
Chính vì vậy, khi sử dụng các đối tượng này thì người sử dụng lao động nên liên hệ với cơ quan quản lý lao động để được hỗ trợ.
Không được sử dụng lao động nữ mang thai làm thêm giờ: Pháp luật dành tương đối nhiều ưu đãi cho lao động nữ mang thai. Có thể kể đến như không bị xử lý kỷ luật lao động; không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do mang thai hay được hưởng nhiều chế độ thai sản theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Bên cạnh đó, người lao động nữ mang thai không phải làm thêm giờ. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng lao động nữ mang thai làm thêm giờ thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Trả lương cho người lao động làm thêm giờ đúng quy định
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang theo quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012 như sau: Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền lương cho người lao động làm thêm giờ đúng theo quy định trên.
Ngân Phương
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: https://doanhnghiephoinhap.vn/doanh-nghiep-can-biet-nhung-luu-y-khi-to-chuc-lam-them-gio.html