ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Doanh nghiệp quản trị dòng tiền ra sao trong đại dịch?

Trong thời gian tới, nếu không giải quyết được vấn đề thanh khoản và quản trị dòng tiền, thì không riêng doanh nghiệp nhỏ mà nhiều doanh nghiệp lớn cũng phải rời khỏi thị trường.

Tác động của dòng tiền tới doanh nghiệp

Chỉ số quản trị mua hàng (PMI), một trong những chỉ số đo lường sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 cho thấy sản lượng và số lượng hàng mới đã giảm với tốc độ nhanh nhất, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu 2020 đến nay. Trong khi đó, chi phí hoạt động của doanh nghiệp đang tăng lên ở tất cả các khâu, do sản xuất 3 tại chỗ và dòng tiền cạn. Quản trị dòng tiền ra sao để doanh nghiệp còn tồn tại trở thành nỗi lo lớn trong thời điểm hiện nay.

Doanh nghiệp quản trị dòng tiền ra sao trong đại dịch? - Ảnh 1.

Làn sóng dịch lần thứ 4 đã gây ra tác động lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tài chính của doanh nghiệp dù là tập đoàn lớn, hay các công ty nhỏ (ảnh: Internet)

Theo số liệu thống kê, 7 tháng đầu năm 2021 đã có 79.700 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, bình quân mỗi tháng có hơn 11.000 doanh nghiệp phá sản. Tỷ lệ này tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Có thể thấy, làn sóng dịch lần thứ 4 đã gây ra tác động bao trùm và nguy cơ đứt nghẽn tài chính – huyết mạch của doanh nghiệp dù là tập đoàn lớn, hay các công ty nhỏ.

Đơn cử như tại Tập đoàn Thành Thành Công, kinh doanh đa ngành trên nhiều lĩnh vực, nhưng 3 tháng vừa qua, doanh thu của tập đoàn chủ yếu đến từ một nguồn duy nhất đó là mảng mía đường. Ngoài ra, các lĩnh vực như du lịch, địa ốc hoàn toàn không có thu, mà vẫn phải chi.

Hay tại Công ty Cổ phần Bibica, dù là doanh nghiệp sản xuất ngành hàng tiêu dùng nhưng trong bối cảnh giãn cách xã hội, từ tháng 6 năm nay, dòng tiền từ doanh thu bán hàng của Bibica cũng sụt giảm mạnh và đặc biệt là giảm nguồn cung do vừa sản xuất, vừa cách ly. Doanh thu giảm trong khi nguồn chi tăng chưa từng có cho dự phòng chống dịch, cũng như vận hành 3 tại chỗ đã khiến Bibica ghi nhận tỷ lệ chi phí sản xuất trên doanh thu tăng vọt, chiếm đến 16%, trong khi chi phí logistics hơn 3 tháng qua có thời điểm đã đội lên gấp 5 lần, khiến dòng tiền chi ra cao hơn thu.

Với các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng không thiết yếu thì càng khó khăn hơn. Trước tình hình dự báo khó khăn còn tiếp diễn trong một vài tháng tới, vậy các doanh nghiệp phải làm gì để quản trị dòng tiền hiệu quả nhằm chống chọi với đại dịch?

Giải pháp tháo gỡ

Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), trong bối cảnh này mới thấy nguyên tắc của công tác quản trị, kiểm soát và điều quan trọng như thế nào. Với những đơn vị bắt buộc có sự quản lý Nhà nước và nhận thức ngành nghề liên quan đến tài chính, như dự trữ bắt buộc thì việc thanh khoản, điều hành tài khoản phải có kế hoạch theo năm, theo quý, theo tháng. Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, chỉ cần tuân thủ nguyên tắc đó thì trước những cơn khủng hoảng như hiện nay, chỉ khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng chứ không suy kiệt. Cho nên, cần bắt buộc đối diện với tình hình thực tế, sớm thu gọn bộ máy, chờ trạng thái bình thường mới trở lại.

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi đã tái cấu trúc được hơn 1 năm rưỡi và có những khoản dự phòng nhất thời cho đại dịch xảy ra, đó chính là lương khô mà TTC đã đạt được và  sử dụng trong 3-4 tháng trở lại đây. Các doanh nghiệp không nên để mình “chết trên đống tài sản” do áp lực về thanh khoản”, ông Thành cho biết.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thái Hạnh Linh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Bibica chia sẻ, ngay từ đầu, công ty đã luôn xác định tính thanh khoản, quản trị dòng tiền là một phương pháp trọng tâm cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó có hai nhóm dòng tiền: phục vụ sản xuất kinh doanh hằng ngày và dòng tiền dự trữ để đảm bảo cho dự phòng rủi ro, cũng như chuẩn bị cho những đầu tư dài hạn trong tương lai.

Theo tôi, phần cần tập trung mạnh nhất đó là quản trị dòng tiền sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn, với năm biện pháp chính như:

Thứ nhất, là công tác kế hoạch trong thời điểm khó khăn phải khẩn trương hơn, liên tục cập nhật các kế hoạch mua hàng, tồn kho, nguyên vật liệu, thành phẩm và đặt ra các kịch bản cho thị trường, dựa trên những quy định có thể và quy định giãn cách.

Thứ hai, là quản lý dòng tiền tập trung tại công ty mẹ, các nhà máy chỉ tập trung sản xuất kinh doanh còn công ty mẹ sẽ quản lý dòng vốn thu, chi.

Thứ ba, tập trung chuyển đổi số rất sớm liên quan đến các hoạt động khối tài chính kế toán và đặc biệt là những giao dịch với ngân hàng, thực hiện thanh toán online, khuyến khích các khách hàng chuyển đổi số theo, để kịp thời tương thích về mặt hồ sơ, thủ tục giấy tờ.

Thứ tư, là biện pháp quản lý vốn lưu động, bao gồm các khoản phải trả sẽ tùy theo mức độ ưu tiên và chủ động của chuỗi cung ứng, giúp giảm áp lực phải trả của dòng tiền. Bên cạnh đó, quản lý tồn kho sẽ chỉ giữ ở mức an toàn, nhất là trong mùa vụ trung thu tới đây, nhà máy sẽ vẫn duy trì sản xuất, vì đã tổ chức 3 tại chỗ, nhưng phần tồn kho chỉ ở mức an toàn. Vấn đề liên quan đến các khoản phải thu, công ty sẽ hỗ trợ đồng hành với các khách hàng, nghĩa là cho khách hàng giãn lịch thanh toán, nhưng phải tuân thủ kỷ luật để đảm bảo sự an toàn về nguồn tiền cho doanh nghiệp.

Thứ năm, về dự phòng, mặc dù Bibica chưa bao giờ vay tại các ngân hàng nhưng đã bắt đầu chủ động đàm phán với các đối tác ngân hàng để mở hạn mức và nâng hạn mức. Tuy nhiên đến nay, có hạn mức là một việc, nhưng giải ngân lại chưa phải vấn đề ưu tiên do lãi suất cho vay của ngân hàng chưa giảm so với tình hình hiện tại”, Bà Linh nêu.

Đại diện phía ngân hàng, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Sacombank bày tỏ, với doanh nghiệp kinh doanh, ngân hàng yêu cầu có ít nhất 20-30% vốn tự có, nhưng phía ngân hàng kinh doanh thì đâu đó chỉ có 5-10% vốn tự có mà phần lớn là chỉ có 5%. Cho nên, rủi ro về thanh khoản của ngân hàng tương đối nguy hiểm, như tại Sacombank đang có tổng dư nợ 350 nghìn tỷ đồng, nếu hiện nay giảm 1% lãi suất thì trong 6 tháng sẽ bị giảm 1.750 tỷ.

Trong trường hợp giảm lãi suất, phía ngân hàng cũng sẽ cân nhắc giảm cho những đối tượng khó khăn nhất, như du lịch lữ hành, vận tải hành khách, lưu trú khách sạn, nhà hàng, hoặc lĩnh vực giáo dục y tế. Đây cũng là trách nhiệm của ngân hàng với xã hội và với doanh nghiệp.

Còn nếu giảm quá nhiều lãi suất, thì ngân hàng sẽ lỗ, vì vậy phải có cơ chế mạnh hơn cho vấn đề này, đặc biệt, Chính phủ có ra tay được hay không, như bỏ ra mấy trăm nghìn tỷ để bù các khoản lỗ đó cho ngân hàng. Chúng ta đã có rất nhiều gói giải pháp an sinh cho doanh nghiệp, nhưng đó có thực sự phải là giải pháp hay không? Rất mong Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan hữu quan có những chính sách, điều khoản rõ ràng, thực sự giúp doanh nghiệp về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ, nhưng đồng thời để ngân hàng có hành lang pháp lý an toàn, tự tin đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Tuệ nhấn mạnh.

Thực tế, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi kết thúc giãn cách, các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại thì các hoạt động kinh doanh cũng chưa thể ngay lập tức ổn định, mà cần có thời gian để phục hồi và thích ứng với tình hình mới. Chính vì vậy, nếu không giải quyết được vấn đề thanh khoản và quản trị dòng tiền, thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp lớn cũng phải rời khỏi thị trường trong thời gian tới.

Theo Diễm Ngọc

Diễn đàn doanh nghiệp

Nguồn bài viết: https://cafef.vn/doanh-nghiep-quan-tri-dong-tien-ra-sao-trong-dai-dich-20210906070447612.chn

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục