Bộ TN&MT vừa công bố dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên cổng thông tin điện tử của bộ để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trước khi trình Chính phủ.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ tám điều, đã thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp tại Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương với nhiều điểm đổi mới.
Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm
Bên cạnh các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại Luật Đất đai 2013 như lấn, chiếm, hủy hoại đất đai; không SDĐ, SDĐ không đúng mục đích;… dự thảo luật đã bổ sung hai hành vi bị nghiêm cấm gồm: Nhận QSDĐ tại các khu vực hạn chế không đúng quy định của pháp luật và không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
Bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất hằng năm
Thực hiện mục tiêu hoàn thiện cơ chế xác định giá đất tại Nghị quyết 18 nêu trên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ và sửa đổi quy định về bảng giá đất.
Theo đó, bảng giá đất sẽ được xây dựng căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường và biến động giá đất, thay vì căn cứ vào khung giá đất của Chính phủ như hiện nay. UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá đất trước khi ban hành.
Đáng chú ý, sau khi bỏ khung giá đất, các địa phương sẽ xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm, thay vì định kỳ năm năm một lần như hiện nay.
Về nội dung, bảng giá đất sẽ quy định giá các loại đất theo vị trí. Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thị trường thì xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn.
Trong đó, giá của thửa đất chuẩn là giá trị của thửa đất có các đặc tính về quy mô diện tích, hình thể, kích thước mang tính đại diện cho các thửa đất trong vùng giá trị, được chọn làm thửa đất chuẩn để định giá cho các thửa đất khác trong vùng giá trị.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng bổ sung hai trường hợp sử dụng bảng giá đất làm căn cứ tính toán bao gồm: Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ); tính tiền SDĐ tăng thêm đối với những trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, không đưa đất vào sử dụng và tính giá khởi điểm đối với trường hợp đấu giá QSDĐ để giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá, đấu thầu
Nếu như Luật Đất đai 2013 quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất là kế hoạch SDĐ hằng năm của cấp huyện và nhu cầu SDĐ thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất… thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung căn cứ để giao, cho thuê đất dựa trên kết quả đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ.
Đặc biệt, Điều 63 của dự thảo đã quy định cụ thể 10 trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ (chủ yếu áp dụng cho các trường hợp được giao đất không thu tiền SDĐ, được miễn tiền SDĐ và thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước). Ngoài những trường hợp này thì phải thực hiện đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ khi giao đất, cho thuê đất.
Đồng thời, dự thảo bổ sung điều kiện đối với quỹ đất được lựa chọn để thực hiện đấu giá QSDĐ, đấu thầu dự án có SDĐ; quy định về tiêu chí, điều kiện, phương thức lựa chọn nhà đầu tư để đấu thầu.
Các quy định này sẽ tạo điều kiện để việc tiếp cận đất đai thực sự minh bạch, công bằng và phát huy nguồn lực đất đai.
Quy định về ngân hàng đất nông nghiệp
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dành một chương mới gồm sáu điều để quy định về việc xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ đất đai theo quy hoạch, chủ động quỹ đất điều tiết thị trường, đấu giá QSDĐ nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, thể chế Nghị quyết 18-NQ/TW, dự thảo bổ sung Điều 106 quy định về ngân hàng đất nông nghiệp để thực hiện chức năng tạo lập quỹ đất nông nghiệp thông qua việc thuê QSDĐ, nhận chuyển nhượng QSDĐ, nhận ký gửi QSDĐ nông nghiệp; cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê, thuê lại đất để sản xuất nông nghiệp.
Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước.