Giảm thiểu rủi ro khi thực hiện hợp đồng thời Covid-19

Theo (BĐT) –  Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến cho không ít doanh nghiệp điêu đứng, gặp vô vàn khó khăn, tổn thất lớn, thậm chí đứng trước nguy cơ phải dừng hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong cách xử lý hệ quả do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 khi thực hiện hợp đồng.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Chia sẻ về tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp hiện nay tại cuộc đối thoại Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19 diễn ra mới đây, ông Trần Khắc Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, tình trạng đóng băng hoạt động kinh tế kéo dài do phải thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp đã “chết lâm sàng”. Đại dịch Covid-19 làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, phát sinh nhiều khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng.

Trước những tác động của dịch Covid-19, theo PGS.TS Đỗ Văn Đại – Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP.HCM, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện được hợp đồng do phải tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền như yêu cầu dừng hoạt động trên công trường xây dựng… Thiệt hại nghiêm trọng có thể là chi phí tăng lên do phải áp dụng các biện pháp y tế, có thể làm giảm thu nhập… Trong khi đó, về mặt nguyên tắc, một khi hợp đồng được xác lập hợp pháp thì các bên bắt buộc phải tôn trọng các điều khoản đã ký kết và phải thực hiện đúng giao kết.

Theo một số doanh nghiệp, dịch Covid-19 chính là sự kiện bất khả kháng nên có thể khởi động chế định này để điều chỉnh hợp đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, PGS.TS Đỗ Văn Đại cho biết, Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự quy định, sự kiện bất khả kháng chỉ được xác định khi đảm bảo có 3 yếu tố, gồm: sự kiện xảy ra một cách khách quan; không lường trước được; không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trên thực tế, mặc dù có dịch, nhưng nhiều trường hợp vẫn có thể thực hiện được hợp đồng.

Mặc dù vậy, theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, các bên vẫn có thể thỏa thuận được với nhau theo nguyên tắc tự do (Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự) để coi đây là sự kiện bất khả kháng. Kinh nghiệm của Tòa án ở Pháp mới đây cũng cho thấy, sự kiện bất khả kháng được xem là sự kiện xảy ra bên ngoài, không lường trước được, không thực hiện được trong những điều kiện kinh tế hợp lý. Thỏa thuận này cần được đưa vào hợp đồng.

Mặt khác, dịch Covid-19 có thể được xem là sự kiện bất khả kháng khiến doanh nghiệp không thể thực hiện được hợp đồng là khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định không cho phép tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khi đã xác định được tác động của Covid-19 là sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự khi không thực hiện được hợp đồng như: nếu không giao công trình đúng hạn thì không bị phạt, không phải bồi thường thiệt hại (nếu có).

Thay vì lựa chọn lý do về sự kiện bất khả kháng để điều chỉnh hợp đồng, theo PGS.TS Đỗ Văn Đại, doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng quy định về “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” theo Điều 420 Bộ luật Dân sự. Doanh nghiệp nên tận dụng quy định này, nhất là khi chịu tác động lớn bởi dịch Covid-19.

Mặc dù điều kiện để được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản khá giống với sự kiện bất khả kháng (nguyên nhân khách quan, vượt quá khả năng của các bên, xảy ra sau khi hợp đồng được giao kết, không lường trước được khi giao kết), nhưng điểm khác của trường hợp này là vẫn có thể thực hiện được hợp đồng, chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới một bên nếu vẫn tiếp tục thực hiện như đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các bên có thể tự thương lượng, đàm phán thỏa thuận với nhau về việc điều chỉnh hợp đồng. Theo Khoản 2 Điều 420 Bộ luật Dân sự, doanh nghiệp có quyền yêu cầu đàm phán lại hợp đồng. Khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng cũng cho phép thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng khi có hoàn cảnh thay đổi cơ bản do dịch bệnh.

Nội dung đàm phán không được Bộ luật Dân sự nêu rõ nhưng các bên có thể đàm phán để thay đổi nội dung hợp đồng như: thay đổi giá trị thanh toán, chia sẻ chi phí phát sinh hay gia hạn hợp đồng, thậm chí Tòa án còn giải quyết theo hướng gồm cả chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận.

Ngoài những nội dung điều chỉnh sau khi đạt được thỏa thuận thống nhất, các nội dung khác của hợp đồng vẫn có hiệu lực (trừ thỏa thuận khác) trong quá trình Tòa án hay Trọng tài xem xét, thụ lý giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Khi phương thức giải quyết tranh chấp bằng đàm phán lại hợp đồng không thành công thì các bên có thể lựa chọn tố tụng trọng tài hay tòa án.

Về nguyên tắc, các quy định pháp luật đều khuyến khích các bên giải quyết theo hướng cho phép thỏa thuận khác so với quy định ví dụ như bên có nghĩa vụ vẫn có trách nhiệm, chia sẻ thiệt hại phát sinh, gia hạn hợp đồng…, hơn là chấm dứt hay hủy bỏ hợp đồng.

Tuy nhiên, để giảm thiểu được rủi ro trong quá trình thực hiện giao kết hợp đồng, hạn chế được việc điều chỉnh hợp đồng hay hủy bỏ hợp đồng giữa chừng, theo bà Võ Thị Thu Hương – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, các địa phương cần có sự thống nhất trong việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tránh gây tổn thất về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Lê Xuân

Theo baodauthau.vn

Nguồn bài viết: https://baodauthau.vn/giam-thieu-rui-ro-khi-thuc-hien-hop-dong-thoi-covid-19-post112366.html

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN