ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Góp vốn kinh doanh bằng nhãn hiệu, sáng chế cần lưu ý những gì?

Trước thời đại công nghệ, khoa học ngày càng phát triển, tài sản góp vốn không chỉ tập trung vào tài sản hữu hình mà còn cả tài sản vô hình như nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế công nghiệp.

Điều này đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng trên thực tế chưa được cụ thể hóa và vẫn còn nhiều bất cập gây khó khăn cho các chủ thể.

Góp vốn kinh doanh được pháp luật qui định thế nào?

Về mặt pháp lý, góp vốn là hành vi pháp lý mà theo đó người góp vốn chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người kinh doanh để đổi lại những lợi ích từ việc góp vốn.

Khác với những tài sản thông thường góp vốn, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế là một tài sản đặc biệt – tài sản vô hình, đặc thù là tài sản bởi vậy chúng cần được định giá. Nhưng thực tế giá trị về cả mặt tinh thần mà vật chất đều không dễ dàng xác định được. Đi cùng với đó là các vấn đề pháp lý liên quan như: góp như thế nào, định giá ra sao, giao nhận nhãn hiệu, sáng chế, thời hạn góp vốn và thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu, sáng chế.

Đến nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam chưa có văn bản cụ thể hướng dẫn vấn đề góp vốn bằng nhãn hiệu, sáng chế vào doanh nghiệp, tuy nhiên pháp luật doanh nghiệp cũng không cấm việc góp vốn bằng nhãn hiệu, sáng chế và trên thực tế việc góp vốn này đã diễn ra khá phổ biến. Góp vốn bằng nhãn hiệu, sáng chế được thực hiện sau khi đã đăng ký quyền sở hữu, đây là điều kiện tiên quyết để nhãn hiệu, sáng chế trở thành tài sản để góp vốn. Tiếp đó, thủ tục góp vốn bằng nhãn hiệu, sáng chế được tiến hành thông qua việc: Định giá nhãn hiệu, sáng chế, lập hợp đồng vốn góp, chuyển quyền sở hữu nhãn hiệu, sáng chế cho phía doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận góp vốn.

Ảnh minh hoạ

Những vấn đề cần lưu ý khi góp vốn kinh doanh bằng nhãn hiệu, sáng chế

Trong quá trình tiến hành góp vốn về phía các chủ thể sẽ khó tránh khỏi gặp phải những khó khăn bất cập và cần phải lưu ý:

Thứ nhất về định giá nhãn hiệu, sáng chế:

Thực tế, hoạt động định giá tài sản góp vốn, đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế để tìm được sự nhất trí cho việc xác định giá tài sản không hề đơn giản. Do đó, nhằm đảm bảo việc hạn chế các ảnh hưởng có thể xảy ra với người thứ ba trong các hành vi giữa các bên, thì việc định giá tài sản cần phải có sự phối hợp với những người có thẩm quyền để đi đến mức giá cụ thể.

Tất cả thành viên là người định giá tài sản vốn góp. Một tổ chức định giá chuyên nghiệp có thể có thẩm quyền định giá theo yêu cầu của các thành viên, song làm thế nào để đạt được đúng theo nguyên tắc nhằm không gây ra tranh chấp thì chưa có quy định cụ thể.

Theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC, có 03 nhóm phương pháp được áp dụng để thẩm định giá: (i) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận chi phí; (ii) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận thị trường; (iii) Nhóm phương pháp định giá sử dụng cách tiếp cận thu nhập. Trong đó, nhóm phương pháp tiếp cận thu nhập cần được ưu tiên áp dụng khi định giá nhãn hiệu,sáng chế để góp vốn. Các nhóm phương pháp khác có nhược điểm là không xem xét đến giá trị tương lai của nhãn hiệu,sáng chế hoặc áp dụng tại Việt Nam là không khả thi.

Quyết định giá trị tài sản góp vốn sẽ được hội đồng quản trị công ty cổ phần, Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, tất cả các thành viên hợp danh công ty hợp danh bàn bạc trong cuộc họp. Việc định giá tài sản để tiếp nhận thành viên đồng nghĩa với sửa đổi Điều lệ chỉ được thông qua khi đáp ứng được tỷ lệ luật định. Luật cũng quy định công ty có thể thuê tổ chức định giá chuyên nghiệp để định giá tài sản góp vốn. Quy định của Luật Doanh nghiệp về thẩm quyền định giá đã tạo điều kiện thuận lợi cho công ty định giá tài sản góp vốn.

Đây là một quy định cần được xem xét trên cả hai phương diện: (i) Các bên đã không ý thức được giá trị thực của tài sản; (ii) Các bên đã cố tình định giá cao hơn giá trị thực tế. Dù ở trường hợp nào, khi gây ra thiệt hại cho người khác thì vẫn phải đặt ra trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp chưa xác định rõ tỷ lệ trách nhiệm bồi thường giữa bên góp vốn và người định giá trong vấn đề này, vì điều đó mà tranh chấp có thể xảy ra.

Thực tế, hoạt động định giá tài sản góp vốn, đặc biệt là nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế để tìm được sự nhất trí cho việc xác định giá tài sản không hề đơn giản. Do đó, nhằm đảm bảo việc hạn chế các ảnh hưởng có thể xảy ra với người thứ ba trong các hành vi giữa các bên, thì việc định giá tài sản cần phải có sự phối hợp với những người có thẩm quyền để đi đến mức giá cụ thể.

Thứ hai, mâu thuẫn trong việc hạch toán nhãn hiệu, sáng chế:

Những vấn đề pháp lý về ghi nhận tài sản cố định vô hình hiện nay áp dụng theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC. Điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư này coi nhãn hiệu là một loại tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp. Để được ghi nhận là tài sản cố định vô hình thì nhãn hiệu,sáng chế phải thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 45/2013/TT-BTC, theo đó, mọi khoản chi phí mà doanh nghiệp đã chi ra phải thỏa mãn các tiêu chuẩn: (i) Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; (ii) Có thời gian sử dụng trên 01 năm trở lên; (iii) Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) trở lên mà không hình thành tài sản cố định hữu hình được coi là tài sản cố định vô hình.

Tuy nhiên, Chuẩn mực kế toán số 04 (Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC) không có nội dung nào ghi nhận nhãn hiệu là tài sản cố định vô hình, đây thực sự là một vướng mắc cho việc hạch toán tài sản.

Doanh nghiệp nhận góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ phải hạch toán giá trị vốn góp bằng quyền sở hữu trí tuệ do bên góp vốn vào tài sản cố định và trích khấu hao vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi góp vốn. Như vậy, theo nguyên tắc về việc hoạch toán kế toán, chỉ có những quyền sở hữu trí tuệ có chi phí phát sinh thì mới được xem xét để hạch toán vào vốn góp thành lập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó không thể bỏ qua trường hợp cùng một nhãn hiệu, sáng chế nhưng tại các doanh nghiệp khác nhau lại được ghi nhận giá trị khác nhau. Vậy ai là người có thể định giá chính xác nhãn hiệu hàng hóa trong trường hợp này? Nó mang lại lợi ích cụ thể gì cho doanh nghiệp? Liệu doanh nghiệp có đẩy phần vốn góp của giá trị nhãn hiệu lên cao để nghĩ ra nhiều cách lách luật. Thực tế này tới đây cũng cần các cơ quan có thầm quyền luật hóa, xác định và qui định cho rõ ràng.

Thứ ba, về giao nhận nhãn hiệu khi góp vốn:

Quy định tại Điều 36 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về chuyển quyền sở hữu đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bằng nhãn hiệu, sáng chế là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, do vậy khi muốn góp vốn là bằng nhãn hiệu, sáng chế, thì cần phải thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu bằng nhãn hiệu, sáng chế đó cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ về chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế được thực hiện thông hai hình thức: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu, sáng chế; và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đối với nhãn hiệu, sáng chế. Căn cứ vào khoản 2 Điều 138; và khoản 2 Điều 141 Luật Sở hữu trí tuệ thì hợp đồng chuyển giao tài sản trí tuệ đối với sáng chế phải được lập thành văn bản, đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Nhưng quyền sở hữu công nghiệp là tài sản vô hình nên không thể giao và nhận tài sản này như tài sản hữu hình. Do vậy, việc áp dụng như thế là cứng nhắc, vì tại thời điểm lập biên bản giao nhận nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, bí mật kinh doanh, bản thân chúng là tài sản vô hình, không có hình thái vật chất thì các bên giao như thế nào, nhận như thế nào?

Thứ tư, xử lý phần vốn góp nhãn hiệu, sáng chế khi hết thời hạn góp vốn, nhãn hiệu, sáng chế hết thời hạn bảo hộ:

Trong Luật doanh nghiệp 2014 tại Điều 54 quy định về xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt như thành viên là cá nhân chết, mất năng lực hành vi dân sự, tổ chức bị giải thể hoặc phá sản, chuyển nhượng vốn góp, tặng cho trả nợ bằng phần vốn góp… mà không có bất cứ quy định nào liên quan đến việc xử lý phần vốn góp là giá trị quyền sở hữu trí tuệ khi hết thời hạn bảo hộ hoặc hết thời hạn góp vốn.

Vậy với đặc thù là tài sản vô hình, thời hạn góp vốn phải trong thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu, sáng chế theo khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ, thì “giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm”. Khi góp vốn, căn cứ theo thời hạn trong thỏa thuận góp vốn để xác định thời điểm hết hiệu lực của thỏa thuận này, khi góp vốn bằng nhãn hiệu, sáng chế các bên phải lập hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng và đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.Hợp đồng này coi là căn cứ để xác định thời hạn có hiệu lực của thỏa thuận góp vốn theo thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu.Nhưng trên thực tế thì thỏa thuận góp vốn không còn hiệu lực, thì người góp vốn bị mất tư cách thành viên hoặc giảm giá trị phần vốn góp, đồng thời công ty phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ.

Nếu góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu nhãn hiệu, thì khi hợp đồng (thỏa thuận) góp vốn hết thời hạn, bên nhận vốn góp là giá trị quyền sở hữu nhãn hiệu vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu, sáng chế (vì sau khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu khi góp vốn, bên nhận vốn góp là chủ sở hữu nhãn hiệu, sáng chế đó). Vậy lúc này, công ty có phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ không? Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 không có hướng dẫn nào liên quan đến trường hợp này, bởi vậy nếu phát sinh sẽ khó khăn trong việc giải quyết.

Trong nền kinh tế ngày càng hội nhập và phát triển, việc góp vốn bằng giá trị nhãn hiệu, sáng chế có thể sẽ là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của các chủ thể trong thị trường kinh doanh, bởi vậy đi cùng với đó pháp luật Việt Nam cần ban hành một văn bản quy phạm pháp luật thừa nhận nhãn hiệu là một tài sản vô hình của Doanh Nghiệp và hướng dẫn cách xác định giá trị nhãn hiệu vào bảng cân đối kế toán của Doanh nghiệp. Đó là cơ sở pháp lý để góp vốn liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, nhượng quyền thương mại… bằng giá trị nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế công nghiệp.

Hồng Vui 

Nguồn bài viết: https://phaply.net.vn/gop-von-kinh-doanh-bang-nhan-hieu-sang-che-can-luu-y-nhung-gi-a243438.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục