Hoàn thiện pháp luật về chiếm hữu tài sản ở Việt Nam

Theo Ths. TRẦN CHÍ THÀNH (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật, Đại học Huế) – Bài viết trình bày khái quát về quan hệ thực tế chiếm hữu tài sản, đồng thời làm rõ một số điểm bất cập đáng chú ý trong quy định pháp luật liên quan hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về chiếm hữu tài sản ở Việt Nam nói chung và BLDS 2015 nói riêng.

Dẫn nhập

Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 ra đời có thêm một chế định mới về Chiếm hữu được quy định tại Chương XII. Sự xuất hiện của chế định này là một bước tiến của pháp luật dân sự Việt Nam khi thừa nhận một loại quan hệ pháp luật mới thông qua đối tượng là trạng thái của tài sản, bên cạnh hệ thống quy định về vật quyền từ trước đến nay.

Tuy nhiên, do lần đầu tiên luật hoá một cách chính thức về vấn đề thực tế chiếm hữu tài sản, do đó chế định mới còn có tương đối đơn giản, ngắn gọn, thiếu sự chi tiết. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của chế định mới cũng kéo theo một số điểm mâu thuẫn trong hệ thống lý luận cũng như bất cập của quy định pháp luật về chiếm hữu tài sản.

Tại nhiều nước tiên tiến, đặc biệt là các nước châu Âu, nội dung quyền sở hữu được xây dựng là một tập hợp của ba nhóm quyền năng, bao gồm: quyền sử dụng tài sản, quyền khai thác công năng của tài sản nhằm phục vụ cho nhu cầu của chủ thể; quyền thu nhận những lợi ích vật chất mà tài sản mang lại, đặc biệt là những lợi ích được nhận dạng dưới hình thức hoa lợi (fruits) của tài sản; quyền định đoạt tài sản, bao gồm định đoạt vật chất (tiêu dùng, tiêu huỷ,…) và định đoạt pháp lý (bán, tặng cho, để thừa kế,…). Quan niệm này được sử dụng như một công cụ chủ yếu để phân tích các quyền chủ thể đối với tài sản, nhằm làm rõ bản chất của các quyền ấy, tạo điều kiện cho việc xây dựng, hoàn thiện các chế độ pháp lý liên quan.

Trong khi đó, Việt Nam do ảnh hưởng của trường phái pháp luật Xô-viết nên BLDS năm 2005 quy định Quyền chiếm hữu được cấu thành từ Quyền chiếm hữu, Quyền sử dụng và Quyền định đoạt. Sự khác biệt lớn nhất ở đây chính là sự quy định chiếm hữu như một quyền nằm trong nội dung của quyền sở hữu, bảo vệ chiếm hữu theo cách thức bảo vệ quyền sở hữu.

Chính sự khác biệt ấy đã dẫn đến sự hình thành một chế độ pháp lý về sở hữu rất đặc thù trong luật Việt Nam. Điều này khiến cho một mặt, luật Việt Nam trở nên bất hoà nhập đối với thế giới, mặt khác, việc thực hiện quyền sở hữu trở nên phức tạp do sự trộn lẫn các quyền năng có tính chất khác biệt trong khuôn khổ một chế định duy nhất.

BLDS 2015 ra đời đã kế thừa những nội dung về Quyền chiếm hữu từ BLDS 2005, đồng thời tiếp tục mở rộng khai thác vấn đề chiếm hữu tài sản ở một khía cạnh khác – là tình trạng thực tế của tài sản, từ đó hình thành nên chế định mới trong BLDS 2015 – chế định Chiếm hữu (chương XII).

Tuy nhiên, việc sử dụng cùng một thuật ngữ pháp lý để xây dựng hai chế định với tính chất hoàn toàn khác nhau đã dẫn tới một vấn đề quan trọng, đó là sự tồn tại cùng lúc những hạn chế cũ chưa được khắc phục do việc kế thừa quy định về Quyền chiếm hữu từ BLDS 2005, đồng thời tạo nên những mâu thuẫn nội tại mới phát sinh trong BLDS 2015. Đặc biệt là có sự xung đột giữa cơ chế bảo vệ quyền chiếm hữu và cơ chế bảo vệ tình trạng chiếm hữu tài sản.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày một số vấn đề nhằm làm rõ một số vấn đề bất cập (BLDS) trong chế định chiếm hữu trong BLDS 2015, đồng thời chỉ ra những xung đột trong cơ chế bảo vệ việc chiếm hữu và quyền chiếm hữu tài sản.

1. Khái quát về chiếm hữu tài sản và sự chồng chéo trong việc sử dụng thuật ngữ “chiếm hữu” trong BLDS 2015

Nghiên cứu lý thuyết về vật quyền thấy rằng, quyền sở hữu và các loại quyền đối với tài sản của người khác là một quan hệ mang tính chất pháp lý quan trọng của chủ thể đối với đồ vật. Trước đây pháp luật Dân sự Việt Nam khi xây dựng chế định pháp lý liên quan đến vật quyền thường khai thác dưới góc độ quyền năng của một người đối với tài sản. Tuy nhiên, thực tiễn một số trường hợp cho thấy có thể các chủ thể đó không thực sự đang nắm giữ chuyển sở hữu, có thể họ là những người được thuê, người nhặt được của rơi, người trộm cắp hoặc vô tình chiếm giữ tài sản có được do trộm cắp…

Như vậy, có thể thấy rằng, bên cạnh chiếm hữu dưới dạng quyền năng của chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu uỷ quyền, tồn tại một trạng thái thực tế đồ vật bị chiếm giữ, tình trạng này được định danh là tình trạng chiếm hữu.

Theo BLDS 2015, chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Ở đây có một từ ngữ tương đối lạ và ít khi gặp trong văn phạm pháp luật, đó là chữ “như”, cụ thể là chiếm hữu “như chủ thể có quyền đối với tài sản”. Có thể thấy, quy định này không hướng đến vấn đề chủ thể thực hiện chiếm hữu là ai, mà đang đặt trọng tâm ở việc chiếm hữu như thế nào? Nói cách khác, khái niệm chiếm hữu được xây dựng theo hướng là một sự biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể trong lúc thực hiện nắm giữ, chi phối tài sản. Một người xuất hiện công khai trong dáng vẻ, tư thế của người có những quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản. Dáng vẻ, tư thế ấy được thể hiện trong cách ứng xử trong mối quan hệ với tài sản, chẳng hạn điều khiển xe chạy trên đường, sinh hoạt trong nhà… Bất kỳ người nào dù có quyền hay không có quyền cũng có thể thực hiện việc nắm giữ, chi phối tài sản, chỉ cần người đó biểu hiện ra bên ngoài như trạng thái của một người đang có quyền hợp pháp đối với tài sản đó, thì trạng thái này được xem là chiếm hữu.

Tuy nhiên, cách hiểu như phân tích ở trên vẫn còn mang nhiều đặc điểm của sự suy luận mang tính chủ quan, bởi vì chế định Chiếm hữu tại Chương XII của BLDS 2015 được xây dựng lần đầu tiên và còn tương đối ngắn gọn, thiếu những quy định chi tiết về việc vận dụng và hậu quả pháp lý của chiếm hữu trong thực tế. Điều này sẽ dẫn đến một khó khăn đó là sự khó hiểu và chồng chéo khi đặt trong bối cảnh so sánh ở góc độ lý luận hoặc thực tiễn giải quyết tranh chấp có liên quan đến tình trạng chiếm hữu và quyền chiếm hữu tài sản.

Cụ thể, cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản” đang làm cho các điều luật không thống nhất với nhau. Bởi lẽ, cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản” đương nhiên bao gồm chủ sở hữu và những người có “quyền khác đối với tài sản” được quy định tại khoản 2 Điều 159 (tức người có quyền đối với bất động sản liền kề, quyền bề mặt và quyền hưởng dụng), nhưng vấn đề đặt ra là người thuê, người mượn tài sản người khác đều là người được sử dụng tài sản có được xem là chủ thể có quyền trong khái niệm này không? Rõ ràng, ở khía cạnh sử dụng cụm từ “quyền khác đối với tài sản” trong điều luật này khi đối chiếu với Điều 159 BLDS năm 2015 sẽ dẫn đến bất hợp lý. Ở đây đã dẫn đến hai cách hiểu khác nhau, cụm từ “như chủ thể có quyền đối với tài sản” đã từng có tác giả hiểu theo kiểu “của chủ thể có quyền đối với tài sản”. Điều này dẫn đến hệ quả định nghĩa chiếm hữu đồng nhất với chiếm hữu có căn cứ pháp luật, từ đó sẽ bất hợp lý trong mối tương quan với khái niệm chiếm hữu trái pháp luật, vì bản thân chiếm hữu trái pháp luật trước hết phải là chiếm hữu. [1]

Bên cạnh việc quy định chiếm hữu như một tình trạng thực tế của vật (possession), BLDS 2015 lại quy định song song về quyền chiếm hữu là nội hàm của quyền sở hữu (giống như quyền ius dententio trong dân luật La Mã cổ đại). Việc cả hai khái niệm này đều được gọi bằng “chiếm hữu” sẽ gây ra khó khăn rất lớn cho việc áp dụng pháp luật trên thực tế. So sánh với BLDS 2005 thấy rằng, tại Điều 182 BLDS 2005 có định nghĩa “Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lí tài sản” mang một số điểm tương đồng so với khái niệm Chiếm hữu được ghi nhận tại Điều 179 BLDS 2015 hiện nay. Trong khi đó, BLDS 2015 lại không đưa ra định nghĩa về Quyền chiếm hữu dưới góc độ nội hàm của quyền sở hữu, mà lại chỉ định nghĩa về trạng thái chiếm hữu. Như vậy, BLDS 2015 quy định “việc chiếm hữu” có sự kế thừa nhất định từ khái niệm “quyền chiếm hữu” cũ trong BLDS 2005, đồng thời BLDS 2015 cũng bỏ đi định nghĩa về Quyền chiếm hữu. Từ những sự thay đổi này, rất khó có thể có căn cứ trên cơ sở lý luận về quyền chiếm hữu trước đây để lý giải về trạng thái chiếm hữu trong BLDS 2015 bây giờ, từ đó dẫn đến khó khăn trong sự phân định đâu là quyền chiếm hữu, và đâu là trạng thái chiếm hữu.

Sự tồn tại song song hai chế định về “quyền chiếm hữu” và “chiếm hữu” như trình bày ở trên đã khiến cho chế định sở hữu nói chung và vấn đề liên quan đến chiếm hữu nói riêng của BLDS Việt Nam trở nên kì lạ, khác biệt hẳn đổi với chế định quyền sở hữu trong truyền thống pháp luật Dân sự thế giới, mà khởi nguyên từ luật La Mã, vốn chỉ quy định quyền sở hữu gồm có quyền sử dụng, hưởng hoa lợi và định đoạt.

2. Hiệu lực của việc chiếm hữu

Chế định chiếm hữu trong BLDS 2015 không có những quy định cụ thể về hiệu lực pháp lý của việc chiếm hữu. Về bản chất, chiếm hữu là một tình trạng thực tế của tài sản, hay nói cách khác là sự mô tả khách quan về trạng thái của tài sản, nên sẽ khó để đặt ra các vấn đề liên quan đến hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, xét ở góc độ căn cứ chiếm hữu, BLDS 2015 lại có sự phân chia thành chiếm hữu có căn cứ pháp luật và chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Cụ thể, theo Điều 165 BLDS 2015, chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây: (i) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; (ii) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; (iii) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; (iv) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của BLDS, quy định khác của pháp luật có liên quan; (v) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của BLDS, quy định khác của pháp luật có liên quan; (vi) Trường hợp khác do pháp luật quy định. Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với những trường hợp vừa nêu là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Một vấn đề khó hiểu là tiêu đề của Điều 165 BLDS 2015 đề cập đến vấn đề chiếm hữu, tuy nhiên lại đặt trong nội dung của chế định bảo vệ Quyền sở hữu, điều này gây ra một số tranh cãi liên quan đến khách thể của quan hệ pháp luật liên quan đến Điều 165 nói trên là hướng dẫn tình trạng chiếm hữu hay quyền chiếm hữu.

Lý giải theo quan điểm lý luận về chiếm hữu trong khoa học pháp lý ở Việt Nam, có thể thấy rằng từ trước đến nay cách tiếp cận chiếm hữu như một vật quyền, cho nên các nhà làm luật Việt Nam luôn xem xét bản chất của mối quan hệ chiếm hữu theo hướng là “có quyền” hay “không có quyền”, theo đó chỉ người có quyền mới được bảo vệ. Như dẫn chứng ở Điều 165 nói trên, quy định 5 trường hợp chiếm hữu có căn cứ pháp luật thì không hề có chiếm hữu ngay tình.

So sánh với pháp luật quốc tế, cách phân loại chiếm hữu có hay không có căn cứ pháp luật là cách phân loại chỉ được đặt ra ở Việt Nam, còn luật dân sự của các nước không có sự phân biệt như vậy. Pháp luật các nước trên thế giới từ lâu đã thừa nhận nguyên tắc: sự ngay tình bao giờ cũng được suy đoán; người nào viện dẫn sự không ngay tình thì phải có nghĩa vụ chứng minh. Chính vì cách tiếp cận quá khắt khe và không thực tế của các nhà làm luật Việt Nam mà quyền lợi của người chiếm hữu ngay tình không được bảo vệ một cách thích đáng.

Mặc dù chế định về chiếm hữu không quy định rõ về hiệu lực pháp lý liên quan đến tình trạng chiếm hữu. Tuy nhiên, BLDS 2015 vẫn có ghi nhận một số hệ quả nhất định phát sinh từ việc chiếm hữu tài sản, cũng là cơ sở để xác lập, bảo vệ tình trạng chiếm hữu hoặc quyền chiếm hữu nếu có tranh chấp liên quan.

Các hiệu lực của chiếm hữu được thừa nhận phổ biến nhất là: 1. Tạo ra sự suy đoán có lợi cho người chiếm hữu mỗi khi có tranh chấp về quyền đối với tài sản; 2. Cho phép người chiếm hữu được hưởng sự bảo vệ chống mọi quấy nhiễu từ bên ngoài; 3. Cho phép người chiếm hữu, trong những hoàn cảnh được dự kiến, xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.

Theo đó, BLDS 2015 đã luật hoá các hiệu lực nói trên tại Điều 184 về suy đoán tình trạng và quyền của người chiếm hữu như sau:

(i) Người chiếm hữu được suy đoán là ngay tình; người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh.

(ii) Trường hợp có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó. Người có tranh chấp với người chiếm hữu phải chứng minh về việc người chiếm hữu không có quyền.

(iii) Người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai được áp dụng thời hiệu hưởng quyền và được hưởng hoa lợi, lợi tức mà tài sản mang lại theo quy định của BLDS và luật khác có liên quan.

Nếu chỉ phân tích giới hạn trong các vấn đề liên quan đến tình trạng chiếm hữu thì các hiệu lực vừa nêu tỏ ra khá hợp lý và phù hợp với quan điểm lý luận chiếm hữu trên thế giới. Tuy nhiên, xét trong mối quan hệ với chế định quyền sở hữu nói chung và quyền chiếm hữu nói riêng thì sẽ bộc lộ nhiều điểm chồng chéo, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến bảo vệ tình trạng chiếm hữu và cơ chế bảo vệ quyền chiếm hữu. Cụ thể tác giả sẽ phân tích ở phần tiếp theo.

3. Bất cập trong cơ chế bảo vệ việc chiếm hữu trong BLDS 2015

Theo pháp luật La Mã, chiếm hữu được bảo vệ bằng các phương tiện pháp lý đặc biệt còn gọi là interdiction (điều quan cấm) bao gồm những điều cấm để đề phòng vi phạm quyền chiếm hữu (interdicta retinendae possesionsis) và điều cấm để trả lại sự chiếm hữu (interdicta recuperandae possesionsis). Trong đó, interdicta là những chỉ định của quan tòa về việc chấm dứt không chậm chễ những hành vi xâm phạm đến trật tự xã hội và lợi ích cá nhân. Một trong những đặc trưng của việc bảo vệ chiếm hữu thông qua interdicta là trong quá trình xét xử không đòi hỏi phải chứng minh quyền đối với vật bị chiếm hữu. Điều này có nghĩa, trong số các bên tranh chấp, bên nào đang nắm giữ vật được suy đoán là có quyền, bên còn lại nếu muốn khẳng định điều ngược lại thì phải chứng minh chứ không được tự ý chiếm đoạt vật từ người đang chiếm hữu. Điều này nhằm mục đích bảo vệ cho sự ổn định của các quan hệ xã hội đang tồn tại, tình trạng của người chiếm hữu đối với vật sẽ được duy trì cho đến khi có người khác chứng minh được quyền đối với vật.[2]

Pháp luật Việt Nam vốn chịu nhiều ảnh hưởng của pháp luật La Mã, do đó khi xây dựng chế định về chiếm hữu cũng mang nhiều điểm tương đồng. Theo sự phân tích ở mục 2 về suy đoán tình trạng và quyền của người chiếm hữu, có thể thấy rằng người chiếm hữu hiện nay đã không còn phải chứng minh quyền của mình để được bảo vệ như ở BLDS năm 2005 nữa. Đây là một điểm tiến bộ rất lớn trong quy định về chiếm hữu của BLDS năm 2015. Ta sẽ cùng phân tích hiệu quả của sự bảo vệ này dưới góc độ người chiếm hữu và người kiện đòi khôi phục chiếm hữu.

Đối với người chiếm hữu, nhờ suy đoán ngay tình mà người chiếm hữu được nhận hoa lợi, lợi tức mà không cần chứng minh sự ngay tình của mình; được hưởng thời hiệu xác lập sở hữu mà không cần chứng minh. Đứng trước một sự xâm phạm trực tiếp vào tình trạng chiếm hữu (mà tranh chấp về cành cây vươn lấn sang không gian là một ví dụ), người chiếm hữu có thể kiện yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền buộc người xâm phạm phải chấm dứt hành vi, khôi phục tình trạng ban đầu, trả lại tài sản và bồi thường thiệt hại. Đứng trước một tranh chấp về chiếm hữu, người chiếm hữu cũng được bảo vệ mà không cần chứng minh mình có quyền. Như vậy, BLDS năm 2015 đã bảo vệ tốt đối với người chiếm hữu.

Tuy nhiên, đối với người đi kiện đòi khôi phục chiếm hữu thì BLDS năm 2015 lại bày tỏ những bất cập. Trong thực tế, người đi kiện đòi tài sản có thể tranh chấp về tình trạng của tài sản, cũng có thể tranh chấp về quyền với người chiếm hữu. Tuy nhiên, dường như BLDS năm 2015 không cho phép người đi kiện được phát một đơn kiện để đòi khôi phục tình trạng chiếm hữu. Khoản 1 Điều 166 về quyền đòi lại tài sản quy định “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật”. Như vậy, luật chỉ cho phép người có quyền được đòi lại tài sản của mình. Xét ví dụ: B ăn cắp xe máy từ A bán cho C, C ngay tình và lại bị ăn cắp chiếc xe máy đó bởi D. Như vậy, trong khi luật pháp các nước trên thế giới cho phép C kiện D để đòi khôi phục tình trạng chiếm hữu (không quan tâm đến việc C có phải là chủ sở hữu không) thì luật Việt Nam chỉ cho phép người có quyền, tức là A được phép kiện C thông qua hình thực kiện bảo vệ quyền sở hữu (vốn có nghĩa vụ chứng minh rất khó khăn).

Ngoài ra, trong trường hợp một người khởi kiện yêu cầu trả lại tài sản do xâm phạm về quyền chiếm hữu và đã chứng minh được quyền chiếm hữu hợp pháp của mình, trong khi tài sản đó đang bị chiếm hữu bởi một người khác. Đặc biệt đối với những vụ án có xuất hiện tình huống phản tố, khi người bị khởi kiện đang chiếm hữu tài sản sử dụng yêu cầu phản tố dựa trên căn cứ tại Điều 185 về Bảo vệ việc chiếm hữu để yêu cầu người có quyền chiếm hữu trả lại tài sản, như vậy trong trường hợp này Toà án sẽ bảo vệ người có quyền chiếm hữu hay người đang thực hiện việc chiếm hữu?

Bên cạnh đó, theo quan điểm của tác giả, sự ra đời của chế định chiếm hữu trong bối cảnh thiếu đi những quy định hướng dẫn chi tiết, sẽ có thể dẫn đến một số hành vi vi phạm pháp luật như cố tình chiếm hữu không có căn cứ. Gây hạn chế cho việc bảo vệ quyền sở hữu của người có quyền thực sự. Bởi lẽ thực tiễn hiện nay việc chứng minh quyền sở hữu nói chung và quyền chiếm hữu nói riêng diễn ra rất khó khăn, trong bối cảnh hệ thống đăng ký quyền sở hữu của Việt Nam mới được xây dựng nên còn rất thiếu sót. Đơn cử như đối với tài sản là bất động sản, hiện nay có 2 hình thức đăng ký là đăng ký quyền sử dụng đất và đăng ký quyền sở hữu nhà và các tài sản khác trên đất, do (1) những yêu cầu ngặt nghèo về chứng minh quyền sở hữu; (2) thủ tục hành chính phức tạp; và (3) lệ phí đăng kí và tiền thuế phải đóng khi đăng ký là lớn, cho nên phần lớn các chủ sở hữu đất ở Việt Nam vẫn không đăng ký các vật quyền này. Song song là những tài sản động sản, hầu hết những tài sản này đều không có đăng ký quyền sở hữu, do vậy rất thiếu căn cứ khi chủ sở hữu muốn chứng minh một cách thuyết phục về quyền hợp pháp của mình.

Đối với trường hợp chủ sở hữu chứng minh tư cách sở hữu của mình bằng cách lần ngược về quá khứ, thì điều này nhiều trường hợp không khả thi. Đặc biệt khi xét đến điều kiện kinh tế (do thương mại không có lịch sử lâu đời, cho nên việc buôn bán ở nước ta cũng rất đơn giản, việc buôn bán dựa trên niềm tin là chủ yếu cho nên không để lại nhiều giấy tờ ghi chép lại các giao dịch dân sự) và điều kiện lịch sử (do trải qua chiến tranh và chia cắt cho nên các quan hệ tài sản trong xã hội bị xáo trộn rất nhiều). Cho nên, thật khó mà tin được rằng, chủ sở hữu có thể chứng minh được tư cách sở hữu của mình bằng cách lần ngược về quá khứ.[3]

Tổng quát, có thể thấy rằng, sự ra đời của chế định chiếm hữu trong BLDS 2015 được đánh giá là một sự tiến bộ đáng chú ý trong pháp luật dân sự, tuy nhiên bên cạnh nhiều ưu điểm thì vẫn cần phải xem xét một số điểm hạn chế về mặt lý luận và pháp luật thực định. Một phần của chế định mới này đã tạo ra mâu thuẫn về mặt nội dung đối với chế định quyền chiếm hữu (thuộc quyền sở hữu), vừa tạo ra sự chồng chéo trong cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp giữa người có quyền chiếm hữu và người thực hiện chiếm hữu trong thực tiễn, đồng thời có khả năng dẫn đến tình trạng phát sinh nhiều hành vi xâm phạm tài sản thuộc sở hữu của người khác bằng cách cố ý chiếm hữu thực tế tài sản. Nguyên nhân một phần xuất phát từ quan niệm chưa thống nhất về chiếm hữu của các nhà lập pháp Việt Nam, chưa phân định rõ sự khác biệt giữa cái vỏ của mối quan hệ chiếm hữu (tình trạng) và các nội dung pháp lý của mối quan hệ đó (sở hữu).

4. Kiến nghị 

Thứ nhất, cần bổ sung các quy định, xây dựng những thiết chế cần thiết để hoàn thiện việc đăng ký sự biến động vật quyền. Điều kiện cần để một quyền chủ thể được tôn trọng và được bảo đảm thực thi bằng sức mạnh của công lực là nó phải được xã hội biết đến. Việc đăng ký tài sản rất quan trọng, một mặt là cơ sở để chủ sở hữu bảo vệ quyền lợi của mình và đối kháng với người thứ ba khi có tranh chấp phát sinh; mặt khác tạo điều kiện rất thuận lợi cho Toà án trong việc xác định chứng cứ để xét xử các tranh chấp. BLDS cần đưa ra những nguyên tắc chung về đăng kỳ tài sản, giá trị pháp lý của việc đăng ký…

Thứ hai, xây dựng lại chế định về chiếm hữu và chế định quyền chiếm hữu bằng chất liệu phù hợp hơn. Việc xây dựng lại các chế định này cần đặt trong nguyên tắc thống nhất pháp luật, đảm bảo hệ thống lý luận về chiếm hữu phải có tính logic, nhất quán. Có thể tách riêng quyền chiếm hữu ra khỏi quyền sở hữu để xây dựng duy nhất một chế định chiếm hữu nói chung trong BLDS 2015, tránh việc sử dụng cùng 1 thuật ngữ “chiếm hữu” để xây dựng 2 chế định khác nhau như hiện nay.

Thứ ba, bổ sung khái niệm về cầm giữ tạm thời, phân biệt với trạng thái thực tế chiếm hữu tài sản. Quan hệ chiếm hữu chỉ được xác lập một khi chủ thể thực sự có thái độ tâm lý của người có quyền năng của riêng mình đối với tài sản chứ không đi vay mượn quyền năng của người khác. Nói cách khác, tình trạng chiếm hữu được xác lập một khi người nắm giữ tài sản tự xưng là chủ sở hữu tài sản; trong trường hợp người nắm giữ tài sản thể hiện một tư thế khác với tư thế chủ sở hữu, chẳng hạn, của một người thuê, mượn, thì chỉ nên ghi nhận tình trạng cầm giữ tạm thời.

Giải pháp này dẫn đến sự phân biệt hai loại người nắm giữ tài sản với hai tư cách khác biệt, tất yếu dẫn đến vấn đề: làm thế nào, khi đứng trước một người đang nắm giữ một tài sản, có thể xác định đó là người chiếm hữu hay chỉ là người cầm giữ tạm thời? Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo pháp luật của Pháp. Người làm luật của Pháp sử dụng hai công cụ. Một mặt, theo BLDS Pháp Điều 2250, bất kỳ người nào đang nắm giữ tài sản đều được suy đoán là người chiếm hữu, cho đến khi có ai khác chứng minh được rằng người này chỉ là người nắm giữ tài sản của người khác, tức là chỉ cầm giữ tạm thời. Mặt khác, theo Điều 2251, người nào đã mang tư cách người cầm giữ tạm thời, thì luôn được suy đoán là chỉ có tư cách đó chứ không thể “tự suy diễn” hoặc tự xác lập thành người chiếm hữu, dù bao nhiêu thời gian có trôi qua, trừ trường hợp chứng minh được rằng mình đã trở thành chủ sở hữu bằng các con đường hợp pháp.[4]

Bất động sản là loại tài sản dễ xảy ra tranh chấp – Ảnh minh họa của Thái Vũ


[1] Huỳnh Anh, Tư duy vật quyền qua chế định tài sản và chế định chiếm hữu trong pháp luật Dân sự, Đại học An Giang

[2] Nguyễn Duy Dũng (2014), Một số vấn đề về quyền sở hữu theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nghề luật, 15-17, số 02/2014.

[3] Lê Thị Ngọc Phượng (2020), Quyền chiếm hữu trong pháp luật Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội.

[4] PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện, Xây dựng lại chế định chiếm hữu bằng chất liệu khoa học phù hợp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 14(175)/Kỳ 2, tháng 07, năm 2010.

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/hoan-thien-phap-luat-ve-chiem-huu-tai-san-o-viet-nam6629.html

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN